Dù ít hay nhiều chúng ta nhận thấy người ta muốn hướng tới và nỗ lực xây dựng một thế giới đại đồng. Chủ trương toàn cầu hóa là một trong những nỗ lực này. Trong công việc đó người ta cố gắng loại bỏ càng nhiều càng tốt những xung đột vì sự khác biệt và tạo lập những thứ ngôn ngữ chung nhằm giúp con người xích lại gần với nhau trong việc đối thoại và bang giao : quy ước một số ngôn ngữ làm ngôn ngữ chung, thiết lập những hệ thống luật pháp phổ quát….
Tuy nhiên, cho tới bây giờ chúng ta vẫn thấy tồn tại quá nhiều bất đồng trong thế giới hôm nay. Những bất đồng về ngôn ngữ, từ sự khác biệt của các nền văn hóa, tư tưởng và khuynh hướng chính trị khác nhau. Xem chừng như, để con người có thể hiểu nhau theo cùng một một thứ ngôn ngữ quả là một thách đố.
Mặt khác, sự tồn tại của việc không hiểu nhau xảy ra ngay nơi kinh nghiệm của đời sống trong những mối tương quan gần gũi : gia đình, bạn bè, quê hương. Sự không hiểu nhau xảy ra trong chính một gia đình và một dân tộc mà nơi đó người ta nói duy nhất một thứ tiếng hay cùng chung một thứ chữ viết. Những xung đột phát sinh từ sự không hiểu nhau đến từ sự khác biệt các thế hệ, những quan điểm cá nhân và sự nhận thức về những giá trị. Nhiều nguời là nạn nhân của những sự xung đột này.
Như vậy, sự khác biệt về ngôn ngữ không phải là bức tường thành không thể vượt qua ngăn cản con người hiểu nhau. Chúng ta thấy có những quốc gia sử dụng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau trong cùng một lãnh thổ vẫn có thể hiểu nhau. Sự hiểu nhau này đến từ việc tất cả mọi người đều chia sẻ những giá trị nền tảng. Người ta không thể bao giờ hòa hợp nếu như không cùng có chung những giá trị.
Biến cố ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống mà Giáo Hội Công Giáo cử hành hôm nay đã phần nào xác định điều đó. Sách Công vụ Tông đồ trình thuật rằng, trong ngày lễ Ngũ Tuần của người Do-thái, nhiều người đến từ các miền, vùng khác nhau và phần lớn là ngoài lãnh thổ Ít-ra-en, bổng chốc nghe các Tông đồ của Chúa Giê-su - những người Ga-li-lê, nói ngôn ngữ bản xứ của họ : “Họ kinh ngạc vì ai nấy đếu nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,6). Trình thuật Kinh Thánh này không hề ám chỉ khả năng ngôn ngữ phi thường của các Tông đồ, nhưng, trên hết, muốn nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần là nguồn của sự hợp nhất con người và làm cho mọi người có thể hiểu nhau. Thứ ngôn ngữ làm cho họ hiểu nhau không phải là tiếng Do-thái, Hy-lạp, cũng không phải tiếng Anh hiện đại hay bất cứ một thứ tiếng nào, nhưng là ngôn ngữ của chính Chúa Thánh Thần. Đó là một thứ ngôn ngữ làm cho con người kinh nghiệm về một Thiên Chúa lôi cuốn họ. Trong Thiên Chúa con người mới có thể hiểu nhau.
Trần Văn Khuê, aa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét