Trong những ngày này báo chí, đặc biệt là báo chí Việt Nam, đưa tin Chủ tịch Kim Jong Il đã từ trần, vì một cơn nhồi máu cơ tim, với những hình ảnh người dân Bắc Triều thương khóc cố Chủ tịch – “Lãnh tụ kính yêu”, “Lãnh tụ vĩ đại”. Thông tín viên của đài RFI, Fédéric Ojardias, viết từ Bình Nhưỡng (19/12) : “Theo hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong Il dường như qua đời cách nay hai hôm (17/12), do quá mệt nên bị nhồi máu cơ tim trong lúc ông đang đi trên chuyến tàu đặc biệt thị sát tình hình đất nước. Đối với bộ máy tuyên truyền Bắc Triều Tiên, cách nói này hàm chứa ý rằng ông Kim Jong Il đã qua đời trong lúc làm việc vì nhân dân.”[1]
Sự ra đi của Chủ tịch Kim tiếp theo sau những nhân vật “tầm cỡ” trên thế giới trong những năm qua : từ Sadam Hussen tới Bin Laden và Gaddafi. Đó là những cái chết gây nhiều cảm xúc trái chiều trên thế giới.
Sự thương khóc của những con dân đối với Chủ tịch Kim chắc chắn là có thật, vì người ta vẫn luôn được giáo dục phải “kính yêu” và “trung thành” với “lãnh tụ”. Điều này được thấy một cách rõ ràng ngay sau cái chết của Chủ tịch Kim. Mọi người dân Bắc Triều được kêu gọi phải yêu mến và trung thành với đồng chí Kim Jong Un, người được cho là sẽ thừa kế quyền cai trị đất nước. Quả thật, sự bị cô lập với thế giới trong những thập niêm qua càng làm cho một số thành phần dân chúng càng thương mến “Lãnh tụ kính yêu” của họ hơn. Khung cảnh này đã giúp Chủ tịch Kim xây dựng thành công hình tượng chính mình : thần tượng - trở thành ngẫu tượng, trong lòng con dân. Như thế, những kiểu khóc ai oán của một số con dân trên truyền hình nhà nước là điều rất dễ hiểu.
Tuy nhiên, Chủ tịch Kim có phải là một “Lãnh tụ vĩ đại” hay không thì cần phải được bàn thêm.
Trên toàn thế giới người ta vẫn biết Chủ tịch Kim là nhà lãnh đạo có “bàn tay sắt”, đã đóng tất cả mọi cửa ngõ giao thương với thế giới bên ngoài đối với người dân. Dưới chế độ của Chủ tịch Kim nhiều người dân Bắc Triều đã và đang sống trong sự nghèo đói và cơ bần.
Một số báo chí ca ngợi truyền thống gia đình cách mạng của Chủ tịch Kim. Kim Jong Un là đời thứ ba của gia đình họ Kim trị vì đất nước Bắc Triều. Trong những ngày này, song song với những diễn biến xung quanh cái chết của Chủ tịch Kim – “Lãnh tụ vĩ đại”, “Lãnh tụ kính yêu”, hệ thống chính trị của Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Bắc Triều đang nổ lực xây dựng một thần tượng mới : Đại tướng (chưa bao giờ nhập ngũ) Kim Jong Un – “Lãnh tụ vĩ đại”. Người ta cần một “thần tượng vĩ đại” mới để lấp chổ trống của “ngẫu tượng vĩ đại” vừa khuất. Hình như những chế độ theo chủ nghĩa Mác và Lê-nin thích mơ màng với mọi cái “vĩ đại” ! Nhiều người thực sự quan ngại về cách thức gia định trị của chế độ hà khắc này.
Một bài viết được đăng trên vnexpress.net, ngày 19 tháng 12, nói về những cuộc xung đột tại Bắc Triều trong nửa thế kỷ qua : “Nửa thế kỷ căng thẳng và xung đột ở Triều Tiên”[2]. Trong bài viết này chúng ta nhận thấy có những “căng thẳng” và “xung đột” ở Bắc Triều liên quan tới việc bất tuân thủ luật chơi quốc tế của Nhà nước Bắc Triều. Điều này dẫn tới những sự trừng phạt của quốc tế đối với đất nước này mà các con dân là những người vô tội. Chính cách hành động ngang tàng cho chúng ta hiểu về sự bất khả tín của chế độ chính trị được dẫn dắt bởi Chủ tịch Kim.
Từ những yếu tố trên đây, không biết người ta có thể tìm thấy sự “vĩ đại” nơi Chủ tịch Kim ? Nếu có thì chắc có lẽ là những điều “vĩ đại” được nêu lên trong bài viết của tác giả JB Nguyễn Hữu Vinh : “Cóc chết, giải mã những cuộc than khóc của bầy cừu”[3].
Trần Văn Khuê, aa
[1] Fédéric OJardias, “Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il qua đời” ( http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20111219-lanh-dao-bac-trieu-tien-kim-jong-il-qua-doi ).
[2] Vũ Hà, “Nửa thế kỷ căng thẳng và xung đột ở Triều Tiên” ( http://vnexpress.net/gl/the-gioi/tu-lieu/2011/12/nua-the-ky-cang-thang-va-xung-dot-o-trieu-tien/ ).
[3] JB Nguyễn Hữu Vinh, “Cóc chết, giải mã những cuộc than khóc của bầy cừu” (http://jbnguyenhuuvinh.wordpress.com/2011/12/21/coc-ch%E1%BA%BFt-gi%E1%BA%A3i-ma-nh%E1%BB%AFng-cu%E1%BB%99c-than-khoc-c%E1%BB%A7a-b%E1%BA%A7y-c%E1%BB%ABu/ ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét