Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

CÂU CHUYỆN VỀ CON NGƯỜI


Từ khởi đầu cuốn Kinh Thánh chúng ta bắt gặp câu chuyện như sau : một hôm con người không còn dám giáp mặt Thiên Chúa vì con người thấy mình trần truồng và “kết lá vả làm khố che thân”. Sách Sáng thế nói về cách xử sự này của con người sau khi con người bất phục tùng Thiên Chúa : “ăn trái cấm” (x. St 3).
Con người nhận thấy mình trần truồng và lấy lá che thân. Sự trần truồng phơi bày con người khiếm khuyết. Tuy nhiên, con người lại không thể chấp nhận điều đó, nên đã lấy lá che thân mình. Con người muốn khoác lên mình một tấm áo nhằm cố gắng che kín sự trần truồng. Đó là khởi đầu của sự ảo tưởng nơi con người. Sự ảo tưởng này đeo đuổi con người trong mọi thời đại của lịch sử nhân loại.
Việc trốn chạy khỏi Thiên Chúa và tránh né sự thật từ đó luôn xảy ra nơi đời sống con người. Con người tự “tô son đánh phấn” để nâng cao giá trị và cho người khác khỏi phát hiện ra khiếm khuyết của mình. Con người vì thế thường có những sự giằng co trong đời sống giữa những gì là chân thật và những gì là ảo tưởng hay dối trá. Con người có những dự phóng. Tuy nhiên, những dự phóng không có Thiên Chúa lại đưa con người tới những lầm lạc khác trong thứ chủ nghĩa không tưởng (hệ thống tư tưởng được tưởng tượng, nhiều khi nó được hệ thống hóa bằng giáo điều). Thuyết duy vật và chủ nghĩa vô thần hiện đại là trong số những thứ chủ nghĩa không tưởng.
Khác với kinh nghiệm của thánh Augustinô và của thánh Tôma Aquinô sau này : con người luôn quy hướng về Thiên Chúa, con người của sách Sáng thế chạy trốn Thiên Chúa. Con người chạy trốn Thiên Chúa vì sợ hãi. Đây cũng là một kinh nghiệm khác của con người. Con người sợ hãi vì trần truồng, một sự trần truồng không tương ứng với dung nhan của Ngài. Chính vì thế, đối với Ki-tô giáo, con người chỉ thực sự được mặc lấy con người mới và sống sự tự tin với tư cách là người con của Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô.
Câu chuyện về con người cũng là câu chuyện giữa con nguời và Thiên Chúa. Trong câu chuyện này Thiên Chúa đã không để mặc con người trong sự hư vô, nhưng muốn cứu con người bằng mọi giá (dĩ nhiên với sự đồng thuận của con người trong sự tự do). Chính vì thế mà xuất hiện một con người mới : con người Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô qua mầu nhiệm Nhập thể (Giáng sinh).
Thiên Chúa đã đến với con người trong sự trần truồng để dạy cho con người hiểu biết về tình trạng trần truồng của nó : sự trần truồng khi sinh ra và cái chết trên thập giá. Trần truồng là sự nghèo khó tuyệt đối của con người. Sự nghèo khó này không chỉ đơn giản vì con người thiếu cái che thân hay bị người khác tước đoạt cái của mình, nhưng con người không thể ảo tưởng và cũng không thể tự biến hóa thành một cái gì khác.
Qua mầu nhiệm Nhập thể, con người cũng học biết nơi Thiên Chúa rằng con người làm phần với Thiên Chúa : con người đến từ Thiên Chúa và trở về với Ngài. Chính điều này làm nên sự khác biệt nơi con người so với mọi tạo vật khác : con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Con người hẳn phải hân hoan vì nhận biết mình có nguồn gốc siêu việt. Ngay từ khởi đầu con người đã muốn tiến gần tới Thiên Chúa hơn : nên giống như Ngài.
Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét