Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

SỐNG MÙA VỌNG

Hai từ Mùa vọng ắt hẳn không xa lạ với bạn. Bạn vẫn được nghe nói : Mùa vọng là mùa đợi chờ.

Đối với dân tộc Ít-ra-en, sự đợi chờ được nói lên trong lời tiên báo hy vọng của ngôn sứ Giê-rê-mi-a : « Trong những ngày ấy, vào thời đó, ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít ; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực. Trong ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp. Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành : « Đức Chúa là sự công chính của chúng ta ! » (Gr 33,15-16). Vâng, dân tộc Ít-ra-en chờ đợi một Đấng Công Chính trả lại cho họ lẽ công bình, giải phóng Giu-đa khỏi ách thống trị, cho Giê-ru-sa-lem được an lạc.

Nhưng, đối với bạn, bạn đang chờ đợi gì ? Câu hỏi này hết sức đơn giản, nhưng chưa hẳn bạn đã dành thời gian để suy gẫm nó một cách nghiêm túc. Bạn hãy tự hỏi mình xem : bạn đang chờ đợi gì ?

Phần lớn những đứa trẻ, đặc biệt là những đứa trẻ Tây phương, không cần quan tâm điều gì xảy ra trong Mùa vọng và không cần biết Mùa vọng là gì. Điều chúng quan tâm đó chính là thời gian sau Mùa vọng : thời gian của ngày lễ Giáng sinh mà chúng sẽ được nhận những món quà của ông già No-en. Đối với chúng, tương lai là điều cốt lõi và mục tiêu là những món quà. Còn bạn, bạn đang chờ đợi gì ?

Đối với bạn, bạn không thể chỉ sống với tương lai, nghĩa là bạn chờ đợi một ngày lễ No-en thật tráng lệ hay « hoành tráng » theo ngôn ngữ trẻ đương thời ở Việt Nam. Sống Mùa vọng, đó là bạn được mời gọi thực tại hóa mầu nhiệm Nhập thể của Thiên Chúa trong đời sống của bạn. Và như vậy, tôi xin mạn phép được chia sẽ cùng bạn hai ý nhỏ trong bài viết này : kinh nghiệm về mầu Nhiệm nhập thể trong chính sự sống của bạn và nhập thể của Thiên Chúa qua sự nhập thế của bạn.

Kinh nghiệm về mầu nhiệm Nhập thể trong chính sự sống của bạn

Nhân học Ki-tô giáo có nền tảng là Kinh Thánh, đặc biệt qua mầu nhiệm Nhập thể, chết và Phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô trình bày cho chúng ta một nét đặc trưng của con người : sự bé nhỏ của con người cùng với sự lớn lao của nó ; con người vừa thật nhỏ bé, nhưng con người cũng vừa thật lớn lao.

Tác giả Thánh vịnh 8 đã viết : « Lạy Chúa, con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm ? » Con người nhìn nhận sự yếu đối và mong manh trong sự hiện hữu cũng như trong những hành động của chính mình. Con người như hơi thở chóng qua là kinh nghiệm mà Kinh Thánh đã đúc kết. Còn đối với sức mạnh ý chí của con người, chính thánh Phao-lô cũng phải thổ lộ rằng những gì ngài không muốn làm thì ngài lại làm, còn những gì ngài muốn làm thì ngài lại không thể làm vì yếu đuối (x. Rm 8,15).

Cuộc đời của Chúa Giê-su ở trần thế cũng cho ta thấy phần mỏng dòn này của con người. Một trẻ thơ mong manh chào đời và sớm phải cùng cha mẹ lưu vong sang đất Ai-cập vì vua Hê-rô-đê. Cuộc sống của Thiên Chúa làm người không là một cuộc sống ngọai lệ. Chúa Giê-su cũng đã cảm nghiệm những niềm vui nỗi buồn của đời thường ; Ngài cũng đã phải trải qua những thử thách, những cám dỗ.

Tuy nhiên, niềm tin Ki-tô giáo không chỉ mời gọi chúng ta suy gẫm về khía cạnh sự mỏng dòn của con người mà còn sự lớn lao của nó. Sách Sáng Thế viết : con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vâng, con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Và rồi dù con  người đã bất phục tùng và phải chết vì tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã không để mặc nó trong cảnh hư vô. Thiên Chúa đã đến với con người bằng chính đời sống của con người qua mầu nhiệm Nhập thể. Mầu nhiệm Nhập thể của Thiên Chúa trong Chúa Giê-su chứng tỏ rằng Thiên Chúa luôn luôn trân trọng sự sống mà chính Ngài đã ban tặng cho con người, dù nó có nhỏ bé tới đâu. Cũng vì thế mà sự sống con người cần phải được tôn trọng, vì Thiên Chúa trân trọng nó.

Đối với chúng ta, thăng tiến đời sống, tôn trọng, bảo vệ sự sống và quyền con người là chúng ta đang tham dự vào công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa và tham dự vào sự sống của Ngài. Sống sự sống của con người là sống sự sống của Thiên Chúa vì sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban hơi thở sự sống cho con người và mong cho con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).

Như vậy, chống và phá hủy sự sống của con người là chúng ta đang phá hủy sự sống của Thiên Chúa. Khi con người muốn loại bỏ Thiên Chúa, thì cũng là lúc mà con người đang loại bỏ sự sống của chính mình. Con người không thể xây dựng một thế giới sự sống không có Thiên Chúa.

Có lẽ hơn bao giờ hết khi chúng ta sống Mùa vọng và suy gẫm về mầu nhiệm Nhập thể chúng ta càng ý thức hơn sự sống của con người, của thế giới hôm nay đang bị đe dọa. Con người vừa là chủ, vừa là nạn nhân của mọi phát triển trong mọi lãnh vực khoa học, xã hội, chính trị, kinh tế như ghi nhận của Hiến chế Vui Mừng và Huy vọng của Công đồng Va-ti-ca-nô II.

Nhập thể của Thiên Chúa qua sự nhập thế của bạn

Trở lại với câu hỏi ban đầu : bạn đang chờ đợi gì? Lễ Giáng sinh không phải là một sự lặp lại của lịch sử, cũng không phải là một kỷ niệm như bao việc kỷ niệm khác. Lễ Giáng sinh là « sự kiện » của một Thiên Chúa làm người trong Đức Giê-su Ki-tô và đi vào trong lòng thế giới. Gương mặt của Thiên Chúa tình yêu chỉ được nhận dạng một cách toàn vẹn trong Chúa Giê-su. Sự kiện này đang được sống khi những giá trị Tin Mừng được loan báo qua chính cách sống của những người môn đệ của Chúa Giê-su.

Sự nhập thế của bạn không do bất cứ một động lực xã hội, chính trị, thậm chí kinh tế nào khác, nhưng nó được phát xuất từ nhận thức về ân sủng của Thiên Chúa đã ban tặng cho bạn và cho nhân loại. Trong thông điệp của Đức đương kim Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Deus caritas est (Thiên Chúa là tình yêu), Ngài đã khẳng định : chúng ta chỉ thể yêu mến anh em mình với một tình yêu chân thực, nếu như tình yêu của chúng ta được nuôi dưỡng bởi tình yêu của Thiên Chúa và chúng ta yêu anh em mình với tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta.

Sự nhập thế của bạn từ đời sống kinh nghiệm thiêng liêng về mầu nhiệm Nhập thể của Thiên Chúa là một sự kết hợp giữa những xác tín, niềm tin vào Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô và trách nhiệm của một người Ki-tô hữu trong thế giới hôm nay. Chúng ta không chỉ là những người theo khuynh hướng duy linh (spiritualiste), cũng không chỉ là những người duy ý chí (volontariste). Đời sống của chúng ta phải là một đời sống dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô viết : « Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm ô, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. […]. Còn hoa quả của Thần Khí là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ.” (Gl 5,19-23).

Trần Văn Khuê, aa




Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

NHỮNG ĐIỂM TỰA LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO


Đây không phải là tựa đề của một bài viết mới, mà là của một tập sách nhỏ vừa mới ra mắt độc giả. Sau đây là trích đoạn trong lời tựa của tập sách :
Ngày nay hình như người ta ít thích nghe tới hai từ luân lý. Bởi lẽ, hai từ này đang thách thức cuộc sống tự do và lối sống phóng khoáng của con người. Đối với con người tự do, những luật luân lý tạo cảm giác nặng nề nơi cuộc sống con người vốn đã phải đối diện với nhiều thách đố, áp lực trong xã hội hiện đại. Nhiều người buông trôi với dòng chảy của xã hội để tìm niềm vui. Tại sao lại không để đời mình bứt ra khỏi những định chế tôn giáo, văn hoá và xã hội để vui sống ? Người ta tìm thấy nơi thế giới hưởng thụ và hưởng lạc những khoảnh khắc hạnh phúc. Quả thật, tư tưởng về một lối sống phóng khoáng trong đời sống luân lý không còn là khuynh hướng của thiểu số, nhưng nó đã trở thành hiện tượng phổ biến được nhiều người ưa thích.
Tuy nhiên, mặt khác, những hệ luỵ của khuynh hướng chủ trương phi luân lý cũng đang tác động một cách tiêu cực trên đời sống xã hội. Người ta lo ngại khủng hoảng của đời sống đạo đức cũng kéo theo khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội. Gần đây nhất, sau cuộc bạo loạn tại thành phố London (08/2011), Thủ tướng Anh, ông David Cameron, đã phát biểu trên truyền hình quốc gia : cuộc bạo loạn này không chỉ là dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế, mà còn là đạo đức. Cũng chính vì thế, trong bài phát biểu này, ông đã nhấn mạnh cần xem lại việc giáo dục đạo đức cho những công dân tại các trường học. Đây là một sự kiện xã hội trong muôn vàn sự kiện khác cho chúng ta thấy rằng những vụ bê bối trong đời sống con người và đời sống xã hội : tham nhũng, bất công, đàn áp, xét xử người vô tội, giết người, trộm cắp, chèn ép, lăng loàn … nêu lên vấn đề đạo đức.
Cho dù trong xã hội đa nguyên tôn giáo, văn hoá và chính trị, người ta sống theo nhiều khuynh hướng khác nhau, hết thảy phải đồng ý rằng một nền đạo đức đích thực đảm bảo cho sự phát triển xã hội và kinh tế lâu bền. Nhà triết học đạo đức, Aristote, trong cuốn Đạo Đức Học của ông, cho rằng “người ta có những hành động công minh và từ tốn vì con người đó vốn đã là công minh và từ tốn”. Lời nhận định này chắc hẳn bao trùm mọi lãnh vực đời sống con người và xã hội.
Cuốn sách này sẽ trình bày những điểm tựa luân lý – những nền tảng cho phép xây dựng và phân định những hành vi đạo đức, mang tính đặc thù Ki-tô giáo, nhưng phổ quát. Nó bao gồm ba phần : (I) Thần học luân lý trong bối cảnh xã hội ; (II) Sự phân định đạo đức trong Ki-tô giáo ; (III) : Tin, Cậy, Mến  : những nền tảng của luân lý Ki-tô giáo.
Đâu là ý tưởng thông qua những phần trình bày này ? Trước hết, vấn đề luân lý trong bối cảnh xã hội hiện tại vừa nói lên tính chất phức tạp trong những lối sống của con người thời đại, vừa khẳng định tính thiết yếu của một nền luân lý cho phép phát triển xã hội và thăng tiến con người  ; tiếp đến, trong bối cảnh xã hội phức hợp, Giáo Hội đưa ra những phương tiện theo truyền thống Ki-tô giáo để phân định những hành vi đạo đức ;  cuối cùng, vượt lên trên những quy phạm luân lý, đức tin của những tín hữu vào Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô qua đời sống của ba nhân đức đối thần (tin, cậy, mến) đưa họ vào trong đời sống đạo đức sâu xa được đặt trên nền tảng của ba nhân đức này.
Trần Văn Khuê, aa


Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

SỰ VÔ CẢM

Gần đây có một vài bài viết xuất hiện trên các trang báo điện tử của Việt Nam nói về “bệnh vô cảm” nơi nhiều người trong xã hội chúng ta hôm nay. Những trường hợp được đơn cử bao hàm nhiều phạm vi đời sống khác nhau. Trong bài viết : “Vô cảm, bệnh mạnh ai nấy sống thời hiện đại”, được đăng trên trang mạng vnexpress, ngày 27-10-2011, hai tác giả Thi Ngoan và Thái Hưng ghi đầu đề : “Một thanh niên bị xe tải đâm nát nửa thân, nhiều người xúm lại xem rồi bỏ đi mặc nạn nhân kêu cứu; 'hôi của' trong tai nạn; bệnh nhân chết vì bác sĩ yêu cầu phải có tiền mới cấp cứu... Sự thờ ơ với nỗi đau người khác dường như thành "chuyện thường ngày ở huyện". Dĩ nhiên, trong bài viết, hai tác giả đã kể lại những vụ việc đã được đề cập trên đây[1].
“Bệnh vô cảm” : từ cái nhìn của một vài nhà chuyên môn
Trong bài viết : “Bệnh vô cảm xuất phát từ khủng hoảng niềm tin cuộc sống” (vnexpress.net, ngày 28-10-2011)[2], cũng từ tác giả Thi Ngoan, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh đã đưa ra những nguyên nhân của “cơn bệnh” này. Trước hết, xuất phát từ phong trào đô thị hóa, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, chủ nghĩa vật chất lên ngôi và tính vị kỷ con người ngày càng cao. Tiếp đến, do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những kẻ xấu ngày càng hung hãn với các vũ khí khác nhau và làm cho những người khác sợ hãi và co cụm. Cuối cùng, một lý do khác nữa, có quá nhiều sự lừa phỉnh, vì thế những người khác không muốn để mình liên lụy vào tính huống khó khăn.
Cũng trong bài viết này, thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng những vụ tham nhũng, hối lộ, tiêu cực của một bộ phận quan chức nơi này nơi kia cũng khiến người dân càng mất lòng tin vào cộng đồng. Rồi ngay cả trong ngành giáo dục cũng có những tiêu cực học giả, bằng giả, tiến sĩ giấy... nên người dân không còn biết đặt niềm tin vào đâu".
Hơn cả những gì trên đây
Các nhận xét trên đây mang những yếu tố khách quan từ việc quan sát thái độ cư xử của nhiều người. Quả thật, tựa đề bài viết trên đây gợi nhớ cho tôi một bài viết khác của tác giả Nam Phương, cũng được đăng trên trang mạng vnexpress, ngày 13-1-2011 : “Mất niềm tin vào y bác sĩ, dân mới phải hối lộ”[3]. Bài viết này đúc kết khảo sát của “Công đoàn y tế Việt Nam” và “Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng”.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết gần một nửa người được hỏi không hài lòng về dịch vụ y tế : “Đó có thể do thái độ thiếu tôn trọng bệnh nhân, người nhà, thủ tục chờ đợi quá lâu, bác sĩ khám chữa chưa ân cần, động viên chia sẻ. Ngoài ra là nhân viên y tế chậm trễ, không có mặt kịp thời khi cấp cứu, khi bệnh nhân cần. Đặc biệt khoảng 10% hách dịch, quát tháo, vô cảm.”  
Về vấn đề “phong bì” trong nghành y, kết quả khảo sát của “Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng” cho thấy : “Hầu như không có một trường hợp nào tỏ ra hài lòng với việc đưa phong bì, cho dù có thể việc đưa là tự nguyện hoặc do bắt buộc. Họ tự nguyện đưa trên cơ sở làm sao để người thân, mình có được dịch vụ chăm sóc tốt hơn. Nhìn chung, họ không mong muốn tái diễn hình thức này.” Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc của trung tâm này cho rằng “mục tiêu “hối lộ” bác sĩ, y tá… là để giải quyết nỗi lo lắng của bệnh nhân và người nhà. Nói một cách khác là đã có sự mất niềm tin vào chất lượng dịch vụ từ phía bộ phận cung cấp dịch vụ y tế - các bệnh viện. Không có cách nào tạo niềm tin cho họ ngoài việc phải đút phong bì.”
Chúng ta nhận thấy những tiêu cực trên đây gây nên sự vô cảm nơi nhiều người ; hay nói cách khác, theo chiều ngược lại, “bệnh vô cảm” đã dẫn đến những thái độ tiêu cực : dửng dưng với những đau khổ của người khác. Tuy nhiên, sự vô cảm nơi nhiều người Việt nam còn nói lên những điều sâu xa hơn. Người ta vô cảm với sự thật và tiếng nói lương tâm, không còn có khả năng nhận ra những gì là chân thật và thiện hảo nơi đời sống con người : lòng nhân ái, tinh thần liên đới và đời sống trách nhiệm đối với người khác. Đến đây, chúng ta lại phải đặt câu hỏi “tại sao” ?
Nhiều người cho rằng đời sống vật chất đã gây nên những hệ quả tiêu cực. Tuy nhiên, lập luận này cũng không có sức thuyết phục. Tại nhiều nước giàu có, người ta vẫn sống những giá trị nhân bản tuyệt vời đó thôi ? Một số nhà chuyên môn Việt Nam nhận định : tất cả hệ tại ở triết lý giáo dục của Việt Nam ; người ta không biết phải “đào tạo con người như thế nào” : con người công nghệ thông tin, “con người xã hội chủ nghĩa”, “con người vô sản” …?[4] Đây được xem là một đánh giá khách quan từ trước tới nay. Hơn thế nữa, chủ thuyết duy vật đã làm xơ cứng con người. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, trong thông điệp Caritas in veritate (Yêu thương trong sự thật), khẳng định : “Khi Nhà nước đòi hỏi, dạy dỗ hay thiết đặt những hình thức của một chủ nghĩa vô thần thực tiễn, thì Nhà nước đã rút đi sức lực luân lý và tinh thần của các công dân, đó là sức lực tất yếu để dấn thân cho việc phát triển con người trọn vẹn, và ngăn cản họ tiến bước với sức sống mới trong sự dấn thân cho lời đáp thật quảng đại và nhân bản cho tình yêu của Thiên Chúa” (số 29).
Sự vô cảm chắc chắn là một “căn bệnh thời đại” tại Việt Nam cần được chữa trị, nếu không nó có thể phá huỷ đời sống con người và xã hội.
Trần Văn Khuê, aa


 



[1] http://vnexpress.net/gl/doi-song/cau-chuyen-cuoc-song/2011/10/vo-cam-benh-manh-ai-nay-song-thoi-hien-dai/   
[2] http://vnexpress.net/gl/doi-song/cau-chuyen-cuoc-song/2011/10/benh-vo-cam-xuat-phat-tu-khung-hoang-niem-tin-cuoc-song/
[3] http://vnexpress.net/gl/doi-song/2011/10/mat-niem-tin-vao-y-bac-si-dan-moi-phai-hoi-lo/
[4] Xem “Những vấn đề giáo dục hiện, quan điểm và giải pháp” (nhiều tác giả), NXB Tri Thức, 2007.

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

CUỘC SỐNG CON NGƯỜI LÀ MỘT ƠN GỌI

Đối với những ai ở trong truyền thống Ki-tô giáo, từ “ơn gọi” được hiểu như một đời sống dấn thân trong bậc sống tu trì (linh mục và tu sĩ). Từ này còn có mối liên hệ chặt chẽ với một từ khác trong Kinh Thánh : “lắng nghe” (lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa).
Tuy nhiên, ngày nay từ “ơn gọi” được hiểu một cách rộng hơn trong những lãnh vực hoạt động nghề nghiệp khác nhau, đặc biệt với thần học Tin lành[1]. Ơn gọi còn được hiểu như đời sống hoạt động trong các nghề nghiệp khác nhau.
Tại sao chúng ta phải nói : cuộc sống con người là một ơn gọi ? Trong thời đại của khoa học, công nghệ và kỹ thuật, con người nhiều khi bị kỹ thuật hóa. Tôi đã đề cập tới vấn đề này trong bài viết : “Những quyền lực mới thời hậu hiện đại”. Hơn nữa, giá trị đời sống con người cũng được đo lường bởi tính hiệu quả kinh tế. Những câu hỏi hiện sinh hình như được chuyển đổi. Thay vì đặt những câu hỏi như : “Ý nghĩa của cuộc sống con người là gì ?” và “Đâu là cứu cánh của con người ?”, người ta đặt câu hỏi theo cách khác : với mức phát triển này con người có thể đảm bảo cho một tương lai bền vững ? Hay ta có thể sống với mức thu nhập này ? Những câu hỏi đại loại như thế bộc lộ tư tưởng gắn cuộc sống con người vào duy nhất những yếu tố kinh tế. Kinh tế, một cách nào đó, đặt định mệnh cho cuộc sống con người theo cái nhìn của con người thời đại chúng ta.
Thăng tiến đời sống và ơn gọi làm người
Trước hết, ơn gọi làm người là thăng tiến đời sống. Được sinh ra con người không thể bị phó mặc cho những định chế - chính trị, kinh tế và xã hội, mà nơi đó con người trở thành nô lệ một cách bắt buộc cũng như tự nguyện, hay cho những sự “hỗn mang” trong thế giới. Một cách đích thật, con người là tác nhân của sự sống và được đảm bảo để sống sung mãn đời sống con người mà không bị bất cứ điều gì chống lại nó.
Xác định về việc thăng tiến đời sống như ơn gọi làm người chống lại việc sử dụng con người và sự sống một cách tùy tiện. Con người không thể tự ban cho mình sự sống và quyền định đoạt trên nó. Thăng tiến đời sống và bảo vệ sự sống gắn liền với ơn gọi làm người. Như vậy, nếu như, những lúc, người ta phải nói lên những điều nào đó nhằm bảo vệ sự sống con người và chúng cũng có thể đối kháng với quyền bính, điều đó không xuất phát tự động cơ chính trị, nhưng là từ ơn gọi làm người.
Sự nghiệp và ơn gọi làm người
Trong cuốn sách “Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản”, nhà kinh tế chính trị học và xã hội học người Đức, Max Webber, cho rằng Giáo hội Công giáo đánh giá thấp giá trị lao động và hoạt động kinh tế con người. Tuy nhiên, đối với truyền thống Ki-tô giáo nói chung, những hoạt động xã hội thuộc về ơn gọi làm người của mọi con người. Những hoạt động này xuất phát từ lời mời gọi đầu tiên của Thiên Chúa với con người được ghi trong sách Sáng Thế. Những hoạt động xã hội ở đây, được hiểu trong ngôn ngữ thông thường, bao gồm tất cả những hoạt động chính trị, kinh tế và sự nghiệp khác nhau.
Ý nghĩa và nền tảng của hoạt động sự nghiệp như ơn gọi làm người nhắm tới việc kiến tạo một thế giới công lý và hòa bình trong bác ái và sự thật. Thế giới này là hình ảnh của Nước Thiên Chúa. Mọi hoạt động sự nghiệp không thể nhằm mục đích cũng cố những định chế cũng như làm cho con người lệ thuộc vào lợi nhuận, nhưng buộc chúng phục vụ những thiện ích con người. Công việc không ngoài mục đích là tạo dựng thế giới mà nơi đó con người quả thực sống với tư cách con người trọn hảo trong hoạt động nghề nghiệp của mình.
Con người quy hướng về Thiên Chúa
Sau cuộc hành trình tìm kiếm, thánh Augustinô đã đúc kết ý nghĩa cuộc sống bằng những lời sau đây : “Ngài đã tạo dựng chúng con cho Ngài và trái tim chúng con chưa nghỉ ngơi được chừng nào chưa an nghỉ trong Ngài” (Tự Thuật). Ơn gọi làm người của con người là tìm kiếm sự hiểu biết đích thực. Sự hiểu biết này là nhận biết Thiên Chúa – nguồn của mọi điều thiện hảo và siêu việt.
Những ai biết về Thánh Augustinô đều thấy con người này đã đi tìm chân lý về con người trong kho tàng khôn ngoan của nhân loại : triết học, các khoa học, cũng như qua những trải nghiệm của đời sống đam mê nhục dục. Cuộc tìm kiếm của Augustinô cho thấy : con người chỉ đạt tới Chân – Thiện – Mỹ khi vượt qua mọi định kiến tư tưởng và có một trái tim biết mở ra với những thực tại siêu việt.
Con người luôn quy hướng về Thiên Chúa. Điều đó không phải chỉ vì con người mang tính tôn giáo hay được giáo dục về tôn giáo, nhưng đời sống con người là một ơn gọi. Ơn gọi này là cuộc hành trình của đời sống mà con người luôn khao khát tìm kiếm những gì chân thật. Và chỉ có sự thật giải phóng con người (x. Ga 8,32).
Trần Văn Khuê, aa



[1] Max Webber (1864-1920) đã khai triển tư tưởng này  trong tác phẩm của ông : “Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản” (1904-1905).