Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

TÌNH BẠN

Một trong những mối tương quan gần gũi con người đó là tình bạn. Quả thật, tình bạn cũng đa sắc màu: theo lứa tuổi, theo địa vị xã hội, theo cùng lý tưởng và sở thích …; tình bạn cũng có thể bị thay đổi theo thời gian hay theo cảm tính. Tuy nhiên, Aristote cho rằng tình bạn là điều “cần thiết nhất trong đời sống con người, vì người ta không thể sống không có bạn”: lúc còn trẻ người ta cần bạn để thêm lời chỉ bảo, lúc tuổi già có những người bạn để tâm sự và ủi an. Không những cần thiết, theo Aristote, nó còn là điều “tốt đẹp và đáng tôn kính nhất”.
Trong tập Đạo Đức Học (cuốn VIII và IX, Thuyết lý về tình bạn), Aristote khẳng định điều làm nên sự khác biệt giữa con người và những sinh vật khác là tình bạn. Theo luật tự nhiên, các con vật khác, tuỳ chủng loại, cũng biết yêu và bày tỏ cách yêu của chúng qua những hình thức khác nhau : “Tình yêu là cảm xúc bẩm sinh nơi trái tim mọi sinh vật sinh sản”; tuy nhiên, tình bạn chỉ tồn tại nơi con người.
Có hai chiều kích tình bạn nơi con người theo trình bày của Aristote:
Chiều kích thứ nhất là tình bạn qua mối liên hệ liên vị trong đời sống cá nhân. Một tình bạn đích thật biểu lộ đức hạnh – một yếu tố cấu thành phẩm chất con người : “Tình bạn hoàn hảo là tình bạn của những người đức hạnh […]. Bởi lẽ, những con người đó muốn điều tốt cho nhau.” Quả thật, tình bạn chỉ trở thành đức hạnh khi đó là một tình bạn vô vị lợi, không chiếm đoạt, tương ứng lợi nhuận hay hữu dụng. Một trong những tính chất của tình bạn là lòng nhân hậu : “Người ta gọi những người nhân hậu là con người có trái tim muốn điều tốt cho người khác, và không mong muốn được đáp đền bởi người mà họ yêu mến. Lòng nhân hậu, khi nó qua lại (giữa hai con người với nhau), được xem là tình bạn.” Aristote kết luận : Tình bạn là đức hạnh sẽ đứng vững và lâu bền.
Chiều kích thứ hai là tình bạn trong mối tương quan xã hội. Aristote viết : “Người ta có thể đi đến việc nói rằng tình bạn là mối liên kết của các Nhà nước, và các nhà lập pháp lưu tâm tới nó với sự ân cần còn hơn cả vấn đề công lý. Sự hoà hợp của các công dân không tồn tại nếu không có tình bạn; những luật lệ trước hết muốn thiết lập sự hoà hợp, cũng như loại bỏ sự bất hoà là kẻ thù nguy hại nhất của thành đô. Khi người ta yêu nhau thì không còn cần công lý.”
Những lời trên đây của Aristote cho thấy vị trí của tình bạn trong đời sống xã hội. Nó không phải là một thứ tình “đồng chí” : đồng hướng và đồng đảng. Tình bạn, trước hết và trên hết, là yếu tố có khả năng tạo nên sự hoà hợp giữa những nhân tố xã hội khác nhau.
Đối với các Ki-tô hữu, tình bạn còn là phẩm chất của mối quan hệ con người với Thiên Chúa. Tình yêu giữa Thiên Chúa và con người không chỉ là một tình yêu agape (tình yêu dâng hiến), mà còn là một tình yêu philia (tình bạn). Câu chuyện trong Tin Mừng theo thánh Gio-an nói về việc Chúa Giê-su hỏi Phê-rô tới ba lần (Ga 21,15-19): “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến thầy hơn các anh em này không ?” Theo bản văn Tin Mừng bằng tiếng Hy-lạp, hai lần đầu Chúa Giê-su hỏi Phê-rô với tình yêu agape và lần thứ ba với tình yêu philia. Điều này bộc lộ con đường mà Chúa Giê-su đề nghị Phê-rô đi vào trong mối tương quan với Ngài là con đường của tình bạn. Như vậy, kể từ đây, việc Phê-rô đến với Chúa (hay trở về với Ngài) không còn là nỗ lực cá nhân bằng tình yêu agape (dâng hiến), mà là một cuộc song hành giữa Chúa và Phê-rô qua tình yêu – tình bạn.
Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét