Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

SỰ ĐÁNG TIN CẬY: MỘT YẾU TỐ NỀN TẢNG XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG

Trong bài: “Khủng hoảng niềm tin nơi con người hôm nay”, đăng ngày 26 tháng 06 (2011), tôi đã nhấn mạnh : không chỉ là khủng khoảng niềm tin tôn giáo, mà còn là khủng hoảng niềm tin được bộc lộ nơi những lãnh vực đời sống con người khác nhau như đời sống xã hội, chính trị và giáo dục. Quả thực, một trong những biểu hiện phổ biến, nếu không muốn nói là “hiện tượng”, ghi dấu ấn nơi đời sống xã hội chúng ta là sự giả dối. Sự giả dối là một trong những nguyên nhân chính yếu đánh cắp niềm tin nơi con người và gây nên những hệ luỵ tiêu cực. Chính trong bối cảnh xã hội này mà nhiều người đang theo đuổi một thứ triết lý phi nhân bản: “Thật thà ăn cháo, lếu láo ăn cơm”.
Max Webber[1]: chữ tín trong “tinh thần” của chủ nghĩa tư bản
Đối với Max Webber, trái ngược với tư tưởng gán chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản không gì khác hơn là khả năng làm ăn sinh lợi một cách nhân bản : “Kiếm tiền – trong chừng mực mà người ta làm việc này một cách hợp pháp – trong trật tự kinh tế hiện đại là kết quả, là biểu hiện của sự chuyên cần và sự tinh thông trong một nghề nghiệp.”

Tuy nhiên, để đạt tới điều này, người ta cần có một nền đạo đức. Nền đạo đức trong tinh thần của chủ nghĩa tư bản là chữ “tín”: “Hãy nhớ rằng sự tín nhiệm là tiền bạc.” Sự tín nhiệm cho phép người ta thành công trong kinh tế cũng như thu phục nhân tâm.
Cái triết lý : “Thật thà ăn cháo, lếu láo ăn cơm” chỉ là kết quả của khuynh hướng xã hội phi nhân bản, thiếu một nền đạo đức thực thụ có khả năng xây dựng một xã hội bền vững. Từ kinh nghiệm khôn ngoan, cha ông chúng ta vẫn có câu: “Một lần mất tin, vạn lần mất tín” để nói lên tầm quan trọng của chữ tín trong đời sống con người. Ở phương Tây, người ta có thói quen thăm dò dự luận người dân để biết mức độ tín nhiệm (sự đáng tin cậy) của họ đối với các nhà lãnh đạo quốc gia như thế nào. Công việc này đem lại lợi ích là giúp các nhà lãnh đạo có khả năng điều chỉnh những chính sách và nỗ lực nhằm cũng cố niềm tin nơi người dân. Bởi lẽ, không ai có thể cai trị một dân trong hoà bình và thịnh vượng nếu thiếu vắng niềm tin phát xuất từ sự đáng tin cậy.  
Đức Giê-su và sự trung tín
Trong dụ ngôn “Người quản gia bất lương”, Đức Giê-su nói với những môn đệ của mình : “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn ; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em ?” (Lc 16,10-12).
Từ đoạn Tin Mừng này, trước hết, Đức Giê-su nói tới tính chất của sự “trung tín” và “bất trung tín” nơi đời sống con người. Chỉ có “trung tín” hay “bất trung tín” nơi con người, chứ không thể vừa là cái này và cái kia. Nếu người ta “trung tín trong việc rất nhỏ” thì người ta cũng “trung tín trong việc lớn”; ngược lại, nếu người ta “bất lương trong việc nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn”. Sự tín nhiệm hay đáng tin cậy hoặc có hoặc không.
Tiếp đến, đó là sự tất nhiên trong lựa chọn. Qua việc đặt câu hỏi, Đức Giê-su khẳng định với môn đệ của mình rằng người ta chỉ có thể ủy nhiệm công việc cho ai biết trung tín : “Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em ?”
Theo cái nhìn của Tin Mừng là nền tảng của tinh thần Ki-tô giáo, con người chỉ có thể mỗi ngày trở nên trung tín hơn trong đời sống của mình trong mối tương quan đối với Thiên Chúa, đối với người khác và đối với chính mình. Tuy nhiên, sự trung tín làm nên phẩm chất của người môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô. Con đường trở nên trung tín đòi hỏi người môn đệ có những sự lựa chọn căn bản và triệt để.
Trần Văn Khuê, aa




[1] Max Webber (1864-1920): nhà kinh tế chính trị học và xã hội học người Đức. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông đã được dịch sang tiếng Việt :  “Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản”, NXB Tri Thức, 2011.

1 nhận xét:

  1. Sống trong thời đại này, chúng ta thấy có quá nhiều cái giả: răng giả, tóc giả, chân giả, ngực giả, môi giả, lông mi giả...; rối đến sách vở giả, quần tây giả, áo sơ-mi giả,..., kể cả cô dâu, chú rể,... cũng giả luôn. Bên cạnh đó, đôi khi ta thấy bằng lái xe giả, bằng cử nhân giả,..., rồi tiến sĩ giả. Nói chung tất cả đều có cái giả, kể cả nền văn hóa.
    Tóm lại: "Con người càng lúc càng đông,
    Thạch Sanh thì ít, Lý thông thì nhiều."

    Và: Gió mùa thu anh ru em ngủ.
    Em ngủ rồi... anh cạy tủ anh đi!!!!

    Đến một lúc nào đó thì:
    Chắp tay lạy cụ tình yêu.
    Cho con lấy được nàng Kiều ngày nay.
    Cụ nhìn trợn mắt cau mày.
    Không đưa hối lộ thì đây đếch ừ.

    Cũng có đôi khi ta thấy trong xã hội:
    Hôm qua anh đến nhà em.
    Ra về mới nhớ để quên 5000
    Anh quay trở lại vội vàng.
    Em còn ngồi đó, 5000... mất tiêu.


    Thôi thì sống một cuộc sống can đảm vậy:
    Chán đời cắt tóc đi tu.
    Nghĩ đi nghĩ nghĩ lại... đi tù sướng hơn.
    Trong tù làm chủ giang sơn,
    Một căn phòng đá với dăm ba thằng.
    Thằng nào cũng có khiếu năng,
    Thằng thì giỏi hoạ thằng thì làm thơ.
    Có thằng lại đứng ngẩn ngơ.
    Vì sao ta lại trở vô nhà tù.

    Trả lờiXóa