Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

QUYỀN LỰC QUỐC GIA

Bài viết này phát xuất từ phản hồi của một độc giả (ĐH Kinh Tế) sau khi đọc bài: “Những quyền lực thời hậu hiện đại”, đăng ngày 22 tháng 05 (2011). Ý của độc giả này là muốn biết “quyền lực quốc gia” như thế nào? Trong bài viết trên đây tôi đã đề cập tới quyền lực kinh tế và quyền lực của khoa học - kỹ thuật như những quyền lực thống trị đời sống xã hội và con người.
Quả thực, nếu như chúng ta nói kinh tế và khoa học - kỹ thuật là những quyền lực thống trị trong thời hậu hiện đại thì vai trò của một quốc gia là gì? Đâu là quyền lực quốc gia? 
Trước khi bàn về vấn đề này chúng ta cần phải xác định rằng quyền lực quốc gia ở đây không phải là một thứ sức mạnh của một siêu cường quốc trong mối tương quan quốc tế. Nó cũng không phải là khẳng định dân tộc chủ nghĩa. Hai ý tưởng về siêu cường quốc và chủ nghĩa dân tộc đã lỗi thời trong thời đại toàn cầu hóa trong đó chính sách hành động đơn phương hay triết lý “không can thiệp vào chuyện nội bộ” không còn đứng vững. Bởi lẽ, thế giới hôm nay phát triển theo hướng đa cực, nghĩa là một nhân tố tiêu cực hay tích cực đều ảnh hưởng hay chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố khác ngoài nó.
Quyền lực quốc gia là những yếu tố nội tại trong nó cho phép phát triển xã hội bền vững. Những yếu tố nội tại này là Hiến pháp, nhà nước pháp quyền và khả năng tạo lập một đất nước mang bản sắc độc đáo.
Hiến pháp
Một trong những văn kiện chung của kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XIII là sửa đổi và bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp này. Theo đường hướng đó, vào ngày 08 tháng 08 vừa qua (2011), Ủy ban này đã họp phiên thứ nhất. Trong phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Sinh Hùng, đã có những lời phát biểu rất khích lệ: “Việc biên soạn dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải đáp ứng các yêu cầu về khoa học pháp lý”, phù hợp với “tình hình thực tiễn” và “xu hướng phát triển của thời đại”. Tuy nhiên, thiện ý này của người đứng đầu cơ quan quyền lực tối cao – Quốc hội, không thoát khỏi tư tưởng cố hữu: việc sửa đổi Hiến pháp phải “đồng thời bám sát cương lĩnh, đường lối chủ trương của Đảng”, “đảm bảo nguyên tắc sự lãnh đạo của Đảng”[1].
Câu hỏi được đặt ra: như thế nào là Hiến pháp của một nhà nước pháp quyền? Chắc chắn đây là một chủ đề rộng lớn; tuy nhiên, chúng ta cũng có thể đưa ra, một cách ngắn gọn, những gì làm nên nền tảng của Hiến pháp.
Trước hết, Hiến pháp của một nhà nước là văn bản luật nền tảng mang chiều kích chính trị và pháp lý. Nó nối kết các mối tương quan giữa người lãnh đạo và những người được lãnh đạo trong lòng của một nhà nước. Hiến pháp đảm bảo các quyền và sự tự do của mọi công dân, cũng như giới hạn quyền hành.
Tiếp đến, Hiến pháp còn được hiểu là toàn bộ nguyên tắc áp đặt cho các dân biểu, cũng như công dân nhằm duy trì sự cố kết của một quốc gia khi những chính quyền được thay đổi.
Như vậy, Hiến pháp là văn bản cao nhất có giá trị pháp lý biểu lộ quyền lực quốc gia. Nó hoàn toàn có giá trị độc lập về luật và trở thành điểm quy chiếu cho tất cả mọi hoạt động của các đảng phái khác nhau trong cùng một nhà nước (trường hợp đa nguyên), chứ không phải ngược lại (Hiến pháp “bám sát cương lĩnh, đường lối chủ trương của Đảng”). Nói cách khác, những khuynh hướng của các đảng phái không thể vượt ra ngoài phạm vi luật của Hiến pháp.
Nhà nước pháp quyền
Tính chất thứ hai của quyền lực quốc gia phải là nhà nước pháp quyền. Như thế nào gọi là nhà nước pháp quyền? Từ điển Vietlex (Trung tâm từ điển học) định nghĩa hai từ pháp quyền như sau: “Hệ thống pháp luật tiêu biểu cho quyền lực của một nhà nước, cho bản chất của một chế độ”. Định nghĩa này quá hạn hẹp để nói về một nhà nước pháp quyền.
Nhà nước pháp quyền là một tổ chức được cơ cấu theo pháp lý trong đó mỗi người, từ cá nhân tới công quyền, phải chịu chi phối bởi pháp luật. Nhà nước pháp quyền gắn liền với việc tôn trọng pháp luật, cũng như việc phân chia quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp) và các quyền căn bản.
Nhà nước pháp quyền còn là một nhà nước mà trong đó các người được ủy nhiệm được bầu một cách dân chủ.
Khả năng tạo lập một đất nước mang bản sắc độc đáo
Cuối cùng, quyền lực quốc gia là khả năng tạo lập một đất nước mang bản sắc độc đáo. Trong bài viết “Tầm quan trọng của căn tính quốc gia”, đăng ngày 08 tháng 05 (2011), tôi đã nói: việc đi tìm căn tính quốc gia là điều thiết yếu đảm bảo cho sự bền vững của một nền chính trị.
Để nói về mối tương quan giữa quyền lực quốc gia và tạo lập một đất nước mang bản sắc độc đáo chúng ta có thể đi từ một thực tế như trường hợp của nước Nhật. Trong chuyến viếng thăm Nhật Bản vào ngày 23 tháng 08 (2011), Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với người Nhật: “Thảm họa (động đất và sóng thần, vào hồi tháng 03-2011) đã chịu thua trước bản tính cần cù đến mức huyền thoại và ý chí bền bỉ của người dân Nhật Bản” (AP). Quả thực như vậy, sức mạnh của nước Nhật không chỉ hệ tại ở nền kinh tế phát triển và một nền luật pháp của Nhà nước pháp quyền, mà còn nơi bản sắc dân tộc độc đáo của đất nước này. Bản sắc này được bộc lộ qua lối tư duy của người Nhật, văn hóa chính trị và phong cách của những người lãnh đạo. Thật vậy, quyền lực quốc gia là khả năng tạo lập một đất nước mang bản sắc độc đáo.
Trần Văn Khuê


Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN: THẾ GIẰNG CO CỦA VIỆT NAM

Kể từ năm 1994, sau khi Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận, Việt Nam từng bước học hỏi đi theo con đường mở cửa và hội nhập. Sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới năm 2007 đánh mốc quan trọng hơn một thập niên nổ lực của Đất nước hòa nhập vào cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, hôm nay, khi nhìn Đất nước, dưới nhãn quan nhận định, và qua những diễn biến gần đây nhất ở lãnh vực chính trị, xã hội và kinh tế, chúng ta nhận thấy con đường hội nhập và phát triển ở thế giằng co trong chính sách đối ngoại cũng như đối nội của Nhà nước Việt Nam.
Việt Nam và ASEAN
ASEAN (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á) được thành lập vào năm 1967. Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội này vào năm 1995.
Nhìn từ cơ cấu tổ chức chúng ta thấy đây là một khối đối trọng với Trung Quốc rộng lớn và một liên hiệp có thể có tiếng nói trên trường quốc tế, vì nó quy tụ hơn mười quốc gia ở vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, thực lực cho thấy ASEAN chưa phải là một liên hiệp có khả năng gây áp lực lên đất nước có hơn một tỷ dân, nằm trên đầu ASEAN, có tính bành trướng; ASEAN cũng chưa thực sự có tiếng nói chung ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế. Hơn nữa, dù là một liên hiệp kinh tế và chính trị, nhưng ASEAN lại có chính sách hành động theo triết lý khôn ngoan của văn hóa Á đông: “Đèn nhà ai nhà đó rạng”, hay bằng ngôn ngữ chuyên môn: “Không can thiệp vào chuyện nội bộ của một nước thành viên”. Chính sách này cho chúng ta cảm giác ASEAN chỉ có “liên” mà không có “hiệp”.
Như vậy, xét về mặt chính trị cũng như kinh tế, ASEAN xem chừng chưa đủ khả năng đảm bảo sự an toàn cho những thành viên của mình. Chính vì vậy, chúng ta vẫn thấy các thành viên của Hiệp hội này phải tìm một đối tác – đồng minh khác ngoài ASEAN như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay các nước châu Âu nhằm cũng cố an ninh quốc phòng cũng như phát triển kinh tế.
Việt Nam và Trung Quốc
Những diễn biến gần đây như những tranh chấp ở Biển đông, các cuộc biểu tình của “những người yêu nước”, những phát biểu và quyết định của các quan chức và chính quyền, bộc lộ sự tiến thoái lưỡng nan trong chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với Trung Quốc. Ông láng riềng phương Bắc này vừa là đồng chí, nhưng cũng vừa là một thế lực đe dọa đáng sợ.
Trước hết, từ chính cái nhìn của Việt Nam, Trung quốc là một thế lực đáng lo ngại cho nền kinh tế cũng như an ninh quốc gia. Những lời khẳng định chủ quyền, việc lên án các hành vi bành trướng tại Biển đông của Trung quốc, và ngay cả lời phát biểu của một quan chức cấp cao, Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc công an Hà Nội, cho rằng người dân biểu tình chống Trung Quốc về vấn đề Trường Sa và Hoàng sa là đúng không vi phạm pháp luật, hơn thế nữa họ là những người yêu Nước[1], chứng tỏ, dù ít dù nhiều, Việt Nam đang nhìn ông láng riềng khổng lồ phương Bắc với con mắt dè chừng, nếu không muốn nói là một cái nhìn lưỡng nguyên: bạn mà thù.
Tuy nhiên, mặt khác, giữa Trung quốc và Việt Nam lại vẫn còn tiềm ẩn một mối tình không tưởng là tình đồng chí. Thứ tình hữu nghị đồng chí này được nối kéo một cách miễn cưỡng bởi tư tưởng Mác-xít nhằm đảm bảo sự chỉ đạo của Đảng cộng sản và sự bảo trợ lẫn nhau giữa hai đảng và hai Nhà nước. Những sự ngăn chặn người biểu tình của các cảnh sát, và, một cách đặc biệt, thông điệp vừa đưa ra bởi chính quyền thành phố Hà Nội ngăn chặn người biểu tình[2] là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy người ta đang đặt trọng tình đồng chí lên trên quyền lợi và lòng tự trọng của Đất nước.
Việt Nam và Hoa Kỳ
Nói tới mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là nói tới một mối quan hệ tế nhị vì đây là một sự tái ngộ của hai cựu thù. Trong cuộc tái ngộ này có lẽ người ta ít “nghi kỵ” hơn là “e ngại”. E ngại là vì người ta không biết quốc tế và các nước đồng minh sẽ đánh giá mình như thế nào? Chính vì tâm lý e ngại này đã đưa Việt Nam từng bước dè chừng trong quan hệ song phương với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, theo nhận định của Xavier Monthéard, tác giả bài “Tái ngộ Việt-Mỹ”, được đăng trên tờ nguyệt san Le Monde Diplomatique, tháng 06 năm 2011, và được RFI chuyển ngữ, Việt Nam đang tạm gác mối thù của quá khứ và mong muốn đón Hoa Kỳ vào để làm lực lượng đối trọng với người anh em đồng chí Trung quốc đang từng ngày muốn lấn chiếm xuống phía Nam. Những lần ghé thăm Việt Nam của các trục hạm Hoa Kỳ như USS George Washington hay USS John S. McCain là bằng chứng rõ nét về chính sách quốc phòng mới của Việt Nam trong mối tương quan Hoa Kỳ. Hơn nữa, cũng theo tác giả này, “nhìn từ phía Hà Nội, việc xích lại gần Hoa Kỳ trước hết là theo logic kinh tế. Quả thực, trao đổi mậu dịch giữa hai nước tăng đều đặn mỗi năm. Quan hệ kinh tế chặt chẽ với Hoa Kỳ cũng đã giúp cho Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (2007).
Tóm lại, con đường hội nhập và phát triển của Việt Nam đang ở thế giằng co giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung quốc. Con đường này cũng gặp phải áp lực ngay trong nước giữa một bên là bảo thủ và bên kia là những người mong muốn cải cách và dân chủ hóa. Chúng ta chắc một điều là tương lai của Đất nước tùy thuộc vào những con người dám đoạn tuyệt với quá khứ (để quá khứ là chính nó) và xây dựng những gì mới hơn.
Trần Văn Khuê, aa


[1]Chung Hoàng, “Biểu tình chống Trung Quốc mang tính chất yêu nước”, Vietnamnet, ngày 02-08-2011 (http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/33465/-bieu-tinh-phan-doi-trung-quoc-mang-tinh-chat-yeu-nuoc-.html).
[2] “Hà Nội yều cầu chấm dứt biểu tình tự pháp” (http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/08/ha-noi-yeu-cau-cham-dut-bieu-tinh-tu-phat/)

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

GIÁO DỤC NHÂN TÂM: MẸ CỦA MỌI NỀN GIÁO DỤC

Aristote trong cuốn Đạo Đức Học viết: “Người ta sẽ tự hỏi chúng ta nghe biết gì khi chúng ta nói chúng ta chỉ trở nên công minh khi làm những hành động công minh, và đúng mức khi làm những hành động đúng mức: thực ra, nếu như người ta làm những hành động công minh và đúng mức bởi vì người ta đã là công minh và đúng mức, cũng giống như người ta có những hành vi thuộc về ngữ pháp và nhạc bởi vì con người đó là nhà ngữ pháp học và nhạc sĩ.”
Những gì Aristote trình bày trên đây nói về bản chất của con người đạo đức: không phải việc thực hiện những hành vi công minh và đúng mức làm cho người ta trở nên công minh và đúng mức. Có những người vẫn phải làm những điều công minh và đúng mức nhưng lại không phải là người công minh và đúng mức.  Cái cốt lõi chính là những gì thuộc về bản chất: “nếu như người ta làm những hành động công minh và đúng mức bởi vì người ta đã là công minh và đúng mức”. Bản chất trong phạm trù đạo đức học nơi triết học Aristote không phải là cái tự nhiên, nhưng được hình thành từ sự hiểu biết và giáo dục.
Những dòng này của nhà triết học cổ Hy-lạp cũng gợi lại cho chúng ta những gì mà Đức Giê-su nói trong Tin Mừng về một vấn đề khác: “Cái gì làm cho người ta ra ô uế?”, nhưng cũng cùng bao hàm một vấn đề: điều thiện hảo chỉ có thể phát xuất từ nơi tâm hồn thanh sạch. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài. […]. Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,18-23).
Từ lý thuyết tới thực tiễn, chúng ta ghi nhận những gì nơi chính cuộc sống của những con người: người ta sống và hành động theo những gì được giáo dục. Ví dụ như những người đánh bom cảm tử và xem đó là một hành động cao thượng, bởi vì họ được giáo dục như thế; những người cướp của giết người, phá hoại của công, tham ô những của cải người khác vì họ thiếu giáo dục về việc tôn trọng con người – sự sống và những phẩm giá của nó, cũng như những của cải người khác và tài sản chung.
Như vậy, chúng ta nhận thấy giáo dục đóng một vai trò hệ trọng trong việc phát triển con người và trên hết là giáo dục nhân tâm: “nếu như người ta làm những hành động công minh và đúng mức bởi vì người ta đã là công minh và đúng mức”, hay “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”. Tính cách của từng cá nhân, và của một cộng đồng xã hội tùy thuộc và một nền giáo dục chân – thiện – mỹ. Chúng ta sẽ không bao giờ có được một xã hội nhân ái, liên đới, công bằng, yêu mến sự thật…. nếu như không giáo dục nhân tâm từng con người để trở con người thành nhân ái, liên đới, công bằng và yêu mến sự thật.
Trần Văn Khuê, aa

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

NƯỚC THIÊN CHÚA LÀ GÌ ?

Nước Thiên Chúa : những cái nhìn gây xung đột
Nước Thiên Chúa là đỉnh điểm của việc rao giảng Tin Mừng của Đức Giê-su. Tuy nhiên, chúng ta thấy ý niệm về Nước Thiên Chúa gây nghi vấn đối với nhiều người và mơ hồ ngay cả nơi những người môn đệ của Chúa Giê-su.
Quả thực, Nước Thiên Chúa nhiều lúc được xem là một thực thể cạnh tranh với quyền bính con người như thể cuộc giao tranh giữa « Thành đô Thiên Chúa » và « Thành đô con người ». Chính trong tư tưởng này mà người ta tìm cách loại bỏ Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài. Có những lúc, nơi phong trào triết học hiện sinh vô thần, con người nêu ra thách đố : hoặc Thiên Chúa tồn tại hoặc con người tự do, chứ không thể có cả hai. Cũng vậy, Giáo Hội được xem là biểu hiệu của một phần thực tại hữu hình của Nước Thiên Chúa bị coi là một thế lực bá quyền.
Ở phương diện khác, ý tưởng về Nước Thiên Chúa còn là một cái nhìn mơ hồ ngay cả nơi những người môn đệ của Chúa Giê-su. Một ví dụ điển hình có ngay trong Tin Mừng. Tin Mừng kể lại việc mẹ của hai người con Dê-bê-đê là Gio-an và Gia-cô-bê xin Chúa Giê-su cho hai người con của mình một đứa ngồi bên hữu và một đứa ngồi bên tả trong Nước của Người. Khi nghe biết việc này mười môn đệ khác đã bất bình với anh em nhà Dê-bê-đê. Qua câu chuyện Tin Mừng này chúng ta nhận thấy ý tưởng về một Nước Thiên Chúa quyền lực đang manh nha thâm nhập vào tư tưởng của những người môn đệ của Chúa Giê-su.  
Sự mơ hồ còn được biểu lộ qua thái độ thất vọng của những người môn đệ của Đức Giê-su trong biến cố của cuộc khổ nạn. Lời tâm sự của hai người môn đệ trên đường E-mau sau khi Đức Giê-su bị bắt và giết chết : «Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en » (Lc 24, 21).  
Đức Giê-su rao giảng về Nước Thiên Chúa
Khởi đầu sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng Đức Giê-su công bố Nước Thiên Chúa đã đến gần và kêu gọi người ta hối cải : « Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng » (Mc 1,15). Dù thế, các nhà chú giải Kinh Thánh đồng ý rằng, khi nói về Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đã không đưa ra bất cứ một lời giải thích cụ thể nào về nước này, ngoại trừ những dụ ngôn nói về hình ảnh Nước Thiên Chúa hay Nước Trời.
Tuy nhiên, qua Tin Mừng chúng ta có thể đưa ra những lời diễn giải về Nước Thiên Chúa được loan báo bởi Đức Giê-su.
Trước hết, những công dân của Nước Thiên Chúa : « Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng ».
Người ta sẽ thắc mắc tại sao Triều Đại Thiên Chúa đến gần và con người được mời gọi sám hối ? Sám hối về cái gì ? Phải chăng đời sống của những con người trước khi Đức Giê-su xuất hiện không phù hợp nên cần thiết phải được sám hối ? Để hiểu điều này chắc chúng ta phải trở lại với lời rao giảng của Gio-an Tẩy Giả - Người dọn đường cho Đức Giê-su đến. Gio-an đã lấy lại lời của ngôn sứ I-sai-a để mời gọi dân chúng sám hối : « Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng » (Lc 3, 4-5).
Những công dân Nước Thiên Chúa là thế : những con người có khả năng hoán cải và loại trừ khỏi đời sống của mình mọi con đường quanh co, lồi lõm, hố sâu, đồi cao. Hơn thế nữa, đó là những con người tin vào Tin Mừng. Khi Tin Mừng nói về « tin », tức là nói tới việc « sống theo ». Những công dân Nước Thiên Chúa là những con người sống theo tinh thần của Tin Mừng và Bản hiến chương Nước trời là những đòi hỏi nền tảng đối với đời sống của họ.
Tiếp đến, hình ảnh Nước Thiên Chúa. Nhiều người chắc phải ngạc nhiên về những hình ảnh mà Đức Giê-su ví Nước Thiên Chúa. Viễn cảnh của nước thuộc về Thiên Chúa hẳn phải lớn lao. Tuy nhiên, nó lại được ví như hạt cải bé nhỏ được gieo trong ruộng vườn hay như nắm men trong thúng bột (cf. Mt 13,31-33//Mc 4,30-32//Lc 13,18-21). Quả là những hình ảnh quá khiêm tốn về Nước Thiên Chúa.
Đâu là ý nghĩa sau hạt cải bé nhỏ và nắm men ít ỏi trong thúng bột ? Tin Mừng đưa ra những hình ảnh rất gợi nghĩa. Từ hạt cải bé nhỏ đã phát sinh một cây lớn đến nỗi chim trời có thể đến trú ngụ nơi đó ; cũng vậy, từ một nắm men đã làm dậy men cả một thúng bột. Nước Thiên Chúa được tìm thấy qua những hình ảnh rất tầm thường - không phải là những biểu tượng siêu quyền lực, nhưng lại có sức mạnh của sự sống và có khả năng biến đổi. Nước Thiên Chúa là nơi sự sống được phát sinh mà không bị hủy diệt, dù từ những gì nhỏ bé ; nó cũng là nơi mà mọi sự được biến đổi để trở nên những gì là cao quý.
Thánh Phao-lô nói về Nước Thiên Chúa
Không lặp lại lời loan báo của Thầy mình : « Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng », hay ví Nước Thiên Chúa như hạt cải, nắm bột… thánh Phao-lô xác định với dân thành Rô-ma rằng Nước Thiên Chúa không phải là những thực tại vật chất mà con người tìm kiếm và tranh giành nhau : « Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần » (Rm 14, 17).
Như vậy, phải chăng thánh Phao-lô muốn đưa các Ki-tô Hữu ra khỏi thực tại trần thế để đi vào một thế giới siêu thực ? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG.
Thánh Phao-lô xác tín ơn cứu độ của thế giới đã được lĩnh hội trong Đức Giê-su Ki-tô. Các Ki-tô Hữu không thất vọng về tương lai cũng không chờ đợi một tương lai khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô. Họ tin tưởng rằng những cánh cửa của sự sống đã thực sự được mở cho họ một lần toàn vẹn trong lễ Phục Sinh. Bởi lẽ, qua cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã tiêu diệt sự chết.

Tuy nhiên, ơn cứu độ thực sự được lĩnh hội đã không biến đổi gương mặt của thế giới và cuộc sống cá nhân của chúng ta một cách thần diệu, cũng không làm kết thúc lịch sử. Lịch sử vẫn tiếp tục, bởi lẽ, cho dù đã thật sự được lĩnh hội, ơn cứu độ chưa thiết lập tình trạng cuối cùng của tất cả mọi sự. Trong nghĩa này, Nước Thiên Chúa cũng chưa thật sự đến, vì chúng ta còn phải chờ lần trở lại thứ hai của Đức Giê-su Ki-tô, cuối cùng của lịch sử. Sự trở lại được loan báo trong Tân Ước, được gọi là “Parousie” (Quang lâm), tiếng Hy lạp có nghĩa “tới” và “hiện diện”. Trong lúc cử hành bí tích Thánh Thể Giáo Hội công bố bằng những lời mà Giáo Hội gọi là “mầu nhiệm đức tin”: “Chúng con nhớ lại việc Chúa chết; chúng con cử hành việc Chúa sống lại và chúng con mong đợi Ngài lại đến trong vinh quang”. Hy vọng Ki-tô Giáo là Thiên Chúa hoàn toàn “đặt mọi thế lực thù địch dưới chân Ngài” và một viễn cảnh “trời mới đất mới” vĩnh viễn: cái chết, sự hận thù… không còn chổ đứng trong cuộc sống của con người mới.

Quả thực, chúng ta không biết thời gian hoàn tất của trái đất này, nhưng chúng ta biết Thiên Chúa dọn sẵn một nơi trời mới đất mới nơi đó công lý ngự trị (2Cr 5, 2), hạnh phúc và ước vọng hòa bình được đắp đầy (1Cr 2, 9); nơi đó sự chết bị đánh bại (1Cr 15, 42), con người được giải thoát khỏi ách nô lệ (Rm 8, 19-21).

Đối với người Ki-tô Hữu, sự trông đợi trời mới đất mới không làm suy giảm tính hiện tại và trách nhiệm xây dựng thế giới này, trái lại nó còn tạo thêm những động lực mới giúp họ hoàn tất những bổn phận ấy. Nhiều người lầm tưởng rằng niềm tin Ki-tô Giáo, sự hướng về những giá trị siêu việt làm con người lãng quên những thực tại trần thế. Tuy nhiên, chỉ có những thực tại siêu việt mới có thể soi chiếu ý nghĩa của những thực tại trần thế. Nếu không phải vì một tương lai lâu bền hơn mà con người không ngừng nổ lực làm việc và phấn đấu cho đến cùng?

Tóm lại, “Nước Thiên Chúa giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Thiên Chúa lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,44-46). Hai câu chuyện Tin Mừng này nói về một điểm chung: vì Nước Thiên Chúa mà người ta có thể chấp nhận đánh đổi tất cả - một sự đánh đổi trong sự chọn lựa tự do. Việc đánh đổi này nhằm đạt được cái gì là cao quý.
Trần Văn Khuê, aa

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

THĂNG TIẾN CON NGƯỜI: CON ĐƯỜNG CỦA SỰ TĂNG TRƯỞNG

Trong thời đại kinh tế thị trường, cạnh tranh lợi nhuận, người ta thường chú trọng tới khía cạnh tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển xã hội nhiều khi chỉ được đo lường bằng sự tăng trưởng GDP (Tổng sản phẩm quốc nội).
Việc phát triển kinh tế là điều thiết yếu đảm bảo những điều kiện sống đúng với phẩm giá con người. Quả thực, sự nghèo đói là cơn ác mộng của nhân loại qua mọi thời. Những bài phóng sự truyền hình quay lại cảnh của những con người sống còm cõi vì thiếu lương thực ở một số khu vực trên thế giới làm cho chúng ta phải thốt lên: sao mà tồi tệ như thế? Tháng 07 vừa qua (2011), các Bộ trưởng nông nghiệp thuộc các thành viên Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Nông Lương Thế Giới (FAO) đã nhóm họp khẩn cấp để huy động sự trợ giúp quốc tế trước nạn đói ở châu Phi.
Tuy nhiên, mặt khác, “con người không phải là sản phẩm của các định chế kinh tế” (Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, trong thông điệp Caritas in veritate). Kinh tế là điều thiết yếu, nhưng không phải là tất cả đối với đời sống con người. Vì thế, việc chú trọng phát triển kinh tế mà không quan tâm tới chiều kích con người là một sai lầm nghiêm trọng trong định hướng phát triển xã hội: cái được gọi là “nền kinh tế thị trường hoang dã”. Chiều kích con người là những giá trị nhân phẩm cần phải được thăng tiến.
Trong bài giảng lễ phong chân phước Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, ngày 01-05-2011, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI nhắc lại linh đạo của Vị Tân Chân Phước này: “ Con người là con đường của Giáo Hội và Đức Ki-tô là con đường của con người”.
Khi đề cao linh đạo của Vị tiền nhiệm mình, Đức đương kim Giáo Hoàng muốn xác định vai trò của Giáo Hội trong thế giới hôm nay: con đường phục vụ Tin Mừng qua con người, đồng thời khẳng định Đức Giê-su là con người hoàn hảo mà việc thăng tiến con người cần đạt tới.
Tóm lại, việc tăng trưởng kinh tế không thể tách rời yếu tố thăng tiến con người. Không thể có một xã hội nhân bản nếu không có những con người nhân bản; không có một xã hội công bằng, văn minh và dân chủ nếu không có những con người công bằng, văn minh và dân chủ.
Trần Văn Khuê, aa