Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

BÀI 3: VĂN HOÁ ẨM THỰC

Trong bài diễn văn đọc tại FAO (Tổ Chức Lương Thực Và Nông Nghiệp Liên Hiệp Quốc) ngày 01 tháng 07 năm 2011, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI nói rằng thế giới hôm nay không thiếu lương thực, nhưng chỉ thiếu lòng quảng đại. Nhiều người đang sống trong sự nghèo đói vì lòng ích kỷ vẫn còn lớn nơi con người[1].

Nhận định này của Đức Giáo Hoàng Bê-đíc-tô XVI gợi lên một vấn đề xã hội: tinh thần liên đới trong đời sống con người - một giá trị nền tảng xây dựng thế giới huynh đệ và nhân bản. Tuy nhiên, bài viết này không muốn bàn luận chủ đề rộng lớn của tinh thần liên đới, nhưng chỉ đề cập một vài nét văn hoá ẩm thực. Một cách cụ thể, bàn ăn là nơi biểu lộ mối tương quan mang tính nhân văn.

1- Bàn ăn: nơi của sự gặp gỡ

Chúng ta nhận thấy nhiều hình ảnh tương phản trong thế giới hôm nay. Một trong những hình ảnh tương phản này là thế giới dồi dào của cải vật chất do con người làm ra, nhưng nhiều người lại không còn thời gian dành cho những bữa ăn của mình một cách đúng mức. Có người không còn lấy làm quan trọng những bữa ăn. Có lẽ đó cũng là lý do làm phát triển văn hóa fastfood.

Một khía cạnh ngược lại: đối với những người khác giá trị của bữa ăn được đo lường bởi chính những gì được trình bày trên bàn ăn. Người ta đánh giá bữa ăn qua việc mình có thực sự được ăn một cách đầy đủ hay không.

Quả thực, bàn ăn không chỉ là nơi mà chúng ta chỉ chú trọng tới việc thoả mãn nhu cầu thưởng thức thức ăn mà còn là nơi gặp gỡ giữa những người đồng bàn. Gặp gỡ tạo sự hiểu biết và mối tương quan lẫn nhau. Mối tương quan này nhiều lúc có sức biến đổi con người.

2- Bàn ăn: nơi của sự chia sẽ

Những xung đột, tranh chấp, chiến tranh nhiều lúc đến từ "cái bụng" của con người. Quyền lợi chính yếu có lúc được đặt trên bàn ăn. Điều này cũng dẫn đến việc sống ích kỷ.

Bàn ăn là nơi của sự chia sẽ một cách cụ thể và hoàn hảo nhất trong mối tương quan con người. Câu ngạn ngữ Việt Nam: "Ăn xem nồi, ngồi xem hướng" được đúc kết từ kinh nghiệm khôn ngoan mang tính văn hóa và đạo đức của những bậc tiền bối. Việc chia sẽ và phục vụ nhau biểu lộ hình ảnh của một thế giới đại đồng và một cộng đoàn huynh đệ.

3- Bàn ăn: nơi của lòng hiếu khách

Bàn ăn không thể là nơi để phần biệt tầng lớp, cấp bậc và địa vị xã hội (cho dù chúng ta vẫn thấy điều đó xảy ra một cách phổ biến). Sự phân biệt này dẫn đến việc đánh giá những giá trị con người theo những tiêu chuẩn chủ quan.

Bàn ăn là nơi mà mọi người đón nhận và được đón nhận lẫn nhau một cách trân trọng: chủ cũng là khách và khách cũng là chủ. Bàn ăn là nơi của lòng hiếu khách. Hình ảnh này gợi nên viễn cảnh của "một thế giới mới" mà Ki-tô giáo hướng tới là "không còn phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do" trong Đức Giê-su Ki-tô.

Trần Văn Khuê






[1] http://www.zenit.org/article-32993?l=english

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét