Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Văn hóa và đạo đức là hai yếu tố có mối tương quan nội tại trong đời sống con người. Bởi lẽ, văn hóa nói tới những khía cạnh đời sống, cũng như những giá trị tinh thần và vật chất mang tính phổ quát hay riêng biệt, được xác định thuộc về một quốc gia, một cộng đồng. Nó được hình thành trong truyền thống tinh thần và tri thức, cũng như tiến trình phát triển đời sống kinh tế và xã hội của một cộng đồng mà trong đó yếu tố đạo đức vừa là tác nhân vừa là kết quả. Văn hóa, vì thế, mang tính đạo đức.
Chính vì thế, điều thú vị đối với  chúng ta là nhìn lại những nét văn hóa trong đời sống xã hội. Công việc này nhắm tới mục đích đưa xã hội chúng ta tới một viễn cảnh tốt đẹp hơn trong khi chất vấn những lối tư duy và hành động của những con người.
Chúng ta sẽ lần lượt đưa lên diễn đàn từng khía cạnh văn hóa khác nhau trong đời sống xã hội Việt Nam nhằm khơi dậy nơi mọi người ý thức về  tầm quan trọng của việc giáo dục con người toàn diện và nhận thức về việc xây dựng một cộng đồng nhân loại tốt hơn.

BÀI I: VĂN HÓA ĐI ĐƯỜNG

Một trong những hình ảnh nổi bật đập vào mắt không chỉ của những du khách ngoại quốc mà còn của những người Việt Nam chúng ta, đặc biệt là tại các thành phố lớn, là cung cách đi đường của phần đông người Việt Nam. Đó là một hình ảnh kỳ thú, lạ lùng đối với ông Tây bà Đầm và làm phiền lòng đối với nhiều người Việt.
Ai trong chúng ta lại không thấy cảnh chen lấn, tranh giành, cũng như bất chấp luật giao thông diễn ra mỗi ngày trên mọi đường phố. Người ta ít tìm thấy một chút sự lịch lãm như việc nhường đường, xin đường hay xin lỗi nhau mỗi lúc gặp sự cố. Dồn dập và tranh giành nhau quyền đi trước, đi cắt ngang, đi ngược chiều như thể người ta phải vượt qua những chướng ngại vật trong một cuộc chiến đấu đầy cam go và cần dùng sức mạnh, cũng như bất chấp tất cả để đạt tới đích.
Từ thực tế này nhiều người đã đặt câu hỏi về nếp sống văn hóa của người Việt, cũng như kết quả của việc giáo dục. Một nền văn hóa đề cao tính nhã nhặn, lịch thiệp và một nền giáo dục đề cao tính đạo đức ưu việt của chủ thuyết Mác-xít xem chừng không thể giúp đào tạo con người văn minh, “con người mới xã hội chủ nghĩa” – con người vươn tới đỉnh cao đời sống xã hội.

Quả thực, văn hóa đi đường phản ánh một phần tính chất đạo đức của đời sống xã hội – một vấn đề được quan tâm nhiều ngày hôm nay. Chúng ta đề cập tới một số chiều kích đạo đức từ phần văn hóa này.
Trước hết, tính chất đạo đức trong mối tương quan với người khác. Nói tới đời sống xã hội là chúng ta nói tới những mối tương quan giữa những con người sống chung với nhau trong cùng một cộng đồng. Đời sống chung này được đặt trên nền tảng của việc tôn trọng những người khác. Đây chính là thước đo đánh giá về sự phát triển của một cộng đồng. Sống đời sống đạo đức không hẳn chỉ là một đời sống không bị mang tai tiếng, nhưng còn là một đời sống trong mối tương quan với những người khác. Mối tương quan được diễn đạt trong văn hóa đi đường là những cách cư xử nhân bản và ý thức người khác cùng đồng hành. Hơn nữa, trong đời sống chung, không ai có quyền tự cho mình cái đặc quyền như việc phải đi trước người khác (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt).
Tiếp đến, tính chất đạo đức trong việc tuân thủ luật. Đời sống chung không chỉ được xây dựng trên nền tảng của sự tôn trọng nhau mà còn trên luật pháp. Việc tuân thủ luật cho phép mọi người sống chung với nhau trong cùng một cộng đồng một cách công bằng và trong sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta có thể tưởng tượng một xã hội vô luật pháp hay luật pháp không có khả năng đảm bảo cho mọi người sống chung với nhau trong công lý và hòa bình, bác ái và sự thật như thế nào. Đó là một xã hội tùy tiện (hành xử tùy thích) và có nguy cơ hình thành “giai cấp”: kẻ mạnh là kẻ thắng và kẻ thắng là kẻ có quyền lực.
Cuối cùng, tính chất đạo đức trong việc xây dựng điều tốt chung. Điều tốt chung hay công ích là đặc tính của một xã hội văn minh. Việc đảm bảo an toàn giao thông là một trong những công ích mà mọi người phải đảm nhiệm. Người ta sẽ không bao giờ có khả năng xây dựng những công ích nếu mỗi người chỉ biết lo cho chính mình. Ở trong bất cứ xã hội nào thì tinh thần liên đới vẫn là một giá trị nền tảng xây dựng xã hội nhân bản. Tinh thần liên đới trong văn hóa đi đường được biểu lộ qua những cử chỉ ưu tiên, từ tốn, đảm bảo sự an toàn của người khác.
Kỳ tới: Văn hóa chính trị

Trần Văn Khuê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét