Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

BÀI 2: VĂN HÓA CHÍNH TRỊ

Nói tới chính trị chúng ta nói tới một lãnh vực khá phức tạp và nhạy cảm. Nó có thể gây bất đồng nơi nhiều người từ những lý thuyết, quan điểm và thực tiễn: bất đồng về tư tưởng, về các đường lối chính sách và về việc phân chia quyền lực. Chính trị nhiều lúc cũng bị biến tướng và thao túng: nó tạo lập những tập đoàn quyền lực làm khuynh đảo đời sống xã hội.  

Như vậy, phải chăng chính trị là cái gì đó đối kháng trong mối tương quan với đời sống con người? Và bởi vì nó đối kháng nên bất cứ ai muốn trở thành một người tốt thì phải trở thành phi chính trị? Hay phải chăng chính trị chỉ là công việc riêng biệt thuộc một bộ phận tầng lớp nắm quyền trong xã hội?

Theo triết học chính trị, khái niệm về chính trị được hiểu như sau:

Trước hết, chính trị nói tới đời sống dân sự, nghĩa là phạm vi của một xã hội được cơ cấu tổ chức.

Tiếp đến, chính trị nói tới hiến pháp và những gì liên quan tới cơ cấu và sự vận hành của một cộng đồng, của một xã hội hay một nhóm xã hội (về phương diện lý thuyết, phương pháp cũng như thực hành).

Cuối cùng, chính trị nói tới nghệ thuật lãnh đạo và việc thực hành quyền lực qua các đại diện đảng phái chính trị khác nhau.

Từ những định nghĩa này chúng ta thấy vai trò của đảng cầm quyền chỉ đóng một phần trong sinh hoạt chính trị của một xã hội dân sự qua việc lãnh đạo và thực hành quyền lực. Một đảng phái chính trị không thể là toàn bộ đời sống chính trị. Hơn nữa, nó không có đặc quyền áp đặt và thống trị đời sống dân sự một cách thiếu dân chủ và tự do.

Quả thực, theo truyền thống triết học chính trị Hy-Lạp Cổ mà Socrate, Platon và Aristote là những gương mặt tiêu biểu, chính trị được hiểu như hoạt động tự nhiên và những sinh hoạt đạo đức trong đời sống con người. Triết học chính trị Platon đặt vấn đề về điều thiện trong đời sống chính trị và nhấn mạnh tầm quan trọng của những lối sống nhân bản của từng cá nhân cũng như vai trò của giáo dục. Đối với Platon triết học chính trị không thể tách rời với đạo đức học (triết học đạo đức). Riêng với Aristote, con người được sinh ra để sống trong một cộng đồng chính trị. Chính trị là một khía cạnh tự nhiên của đời sống con người.

Truyền thống chính trị này của Hy-lạp Cổ cho chúng ta thấy chính trị không phải là một ý thức hệ, hơn thế nữa không phải là một chủ nghĩa không tưởng. Chính trị gắn liền với đời sống sinh hoạt của từng con người trong một cộng đồng nhân loại chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố văn hoá và tôn giáo khác nhau. Nó là cuộc sống con người.

Trở lại với bối cảnh xã hội Việt Nam, chúng ta nhận thấy chính trị chỉ được hiểu một cách giới hạn trong phạm vi của đảng cầm quyền đối với nhiều người. Đảng cộng sản – đảng phái chính trị duy nhất cầm quyền là toàn bộ biểu tượng của đời sống chính trị. Với tư cách lãnh đạo, Đảng chi phối những cơ quan quyền lực như lập pháp, hành pháp, tư pháp và những vực hoạt động chính trị thông thường khác. Nhiều lúc nó giới hạn những quyền tự nhiên của những công dân là những chủ thể chính trị. Điều này trái ngược với một nền triết học chính trị nhân bản.

Mặt khác, chính trị tại Việt Nam hiện tại cũng được hiểu theo ý thức hệ mà việc đấu tranh giai cấp là chủ đạo. Về vấn đề đấu tranh giai cấp, Đức Hồng Y Ratzinger trong cuốn sách: Tình huynh đệ Ki-tô Giáo, nói rằng nhiều người lầm tưởng chủ thuyết Mác-xít đưa con người tới một thế giới đại đồng. Nhưng thực chất, xét về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, nó làm phân hóa thế giới qua việc đấu tranh giai cấp: bạn và thù là hai thực thể không thể dung hòa trong đời sống xã hội.

Nói tóm lại, nền chính trị chân chính mang tính văn hóa. Bởi lẽ, nó là một trong những sinh hoạt thông thường và tự nhiên của từng cá nhân trong đời sống xã hội. Chính trị là những gì làm cho mọi con người sống chung với nhau một cách công bằng và dân chủ qua các khế ước và bằng tình huynh đệ và tự do trong một cộng đồng xã hội. Chính trị hoàn toàn mang tính đạo đức.

Kỳ tới: Văn hoá ẩm thực

Trần Văn Khuê

1 nhận xét:

  1. Nhà nhân loại học nước Anh E.B. Taylor trong cuốn Primitive Culture (Văn Hóa Nguyên Thủy)nói về văn hóa như sau: "Văn hóa là một tổng thể phức tạp, bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, phong tục tập quán và cả những năng lực cũng như thói quen mà con người đạt được trong xã hội".
    Vậy, việc "giới hạn những quyền tự nhiên của những công dân" nơi Đảng Cộng Sản Việt Nam như tác giả Trần Văn Khuê nói có phải là văn hóa không? Nếu không phải văn hóa thì đó là cái gì?

    Trả lờiXóa