Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

TỰ DO

Tự Do là một trong số những từ ngữ được nhiều người nói tới trong đời sống sinh hoạt xã hội. Nó được xem là yếu tố nền tảng của đời sống con người và đời sống xã hội. Dĩ nhiên là một yếu tố nền tảng vì nếu không thì con người đã không thể chấp nhận hy sinh, nhiều lúc chính tính mạng của mình, để đi tìm sự tự do cho chính mình và cho những người khác. Mặt khác, thực tế cho thấy rằng, một cách nền tảng, tự do làm phát triển đời sống cá nhân, xã hội, cũng như đời sống kinh tế ở trong các xã hội khác nhau.
Tuy nhiên, hai từ tự do nhiều lúc cũng làm cho người ta sợ hãi. Sự sợ hãi gắn liền với tâm lý là tự do luôn đi đôi với sự phóng túng hay tự do có nguy cơ ảnh hưởng một cách tiêu cực đối với những quyền lực chính trị và xã hội. Chính vì thế mà nhiều lúc người ta tìm cách kiềm chế sự tự do.
Dù có những thái độ như thế nào đối với sự tự do, từ kinh nghiệm nhân sinh, chúng ta nhận thấy cuộc sống con người luôn gắn liền với cuộc tìm kiếm tự do; tự do là một trong những khía cạnh làm nên phẩm giá con người; và cũng chí có tự do mới đảm bảo cho một đời sống xã hội dân chủ và một đời sống trách nhiệm thực sự.
Tự do và cuộc tìm kiếm của con người
Nhiều người nhắc tới sự kiện của những người Việt Nam vượt biên vào những năm 70 và 80 của thế kỷ XX – một sự kiện gây nhiều cảm xúc cho những người Tây phương, như phong trào của những con người đi tìm tự do. Một sự kiện gây  chia rẽ nơi nhiều người. Quả thực, việc đi tìm kiếm tự do không chỉ vì lý do chính trị, nhưng nó gắn liền với khuynh hướng tự nhiên của con người. Ngay từ khởi đầu Kinh Thánh cho chúng ta biết là hai ông bà A-đam và E-va muốn đạt sự tự do như ý mình, bất chấp lệnh truyền của Thiên Chúa. Ý tưởng tìm kiếm tự do đã le lói nơi những con người đầu tiên, cho dù đó là việc tìm kiếm tự do chống lại ý muốn của Thiên Chúa. Đúng như Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI nói: “Tự do mãi mãi là tự do cả khi dành cho điều xấu” (Spe salvi, 21). Chúng ta còn nhận thấy khuynh hướng này luôn tồn tại nơi đời sống con người khi con người – dù ở độ tuổi nào, tìm mọi cách tự khẳng định chính mình và đi ra khỏi những cơ chế được thiết định hay những gì ràng buộc nó. Chúng ta có thể dễ dàng kiểm chứng điều này nơi lịch sử của nhân loại – lịch sử phát triển con người.
Như vậy, việc kiềm chế tự do hay phủ nhận quyền tự do con người là chống lại con người. Người ta không thể hủy bỏ cái quyền này nơi con người – cũng là quyền của chính mình, mà chỉ có thể hướng tự do tới những điều thiện hảo hơn mà thôi. Trong nghĩa này, tự do gắn liền với phẩm giá con người.
Tự do và phẩm giá con người
Công đồng Va-ti-ca-nô II (của Giáo Hội Công Giáo), trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, viết: “Sự tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Đấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Ngài con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc. Vậy phẩm giá của con người đòi hỏi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng chế hoàn toàn bên ngoài” (số 17).
Những dòng trên đây của Công đồng nói cho chúng ta những nền tảng nhân học Ki-tô giáo. Nếu con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa thì một trong những nét phản chiếu hình ảnh này là sự tự do: “Sự tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người”. Ngay từ ban đầu Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người sự tự do hành động theo lý trí và ánh sáng của sự thật – những khả năng mà Thiên Chúa đặt để trong con người. Như vậy, con người chỉ sống đúng phẩm giá của mình khi có khả năng sống sự tự do đích thực này.

Sự tự do không chỉ được phát sinh từ những nền tảng thần học, nhưng nó thuộc về những quyền cơ bản của con người mà Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đã thừa nhận. Tự do được nhìn nhận là một giá trị phổ quát. Trong bản tuyên ngôn này Liên Hiệp Quốc đã khẳng định: “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được Tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu” (Điều 1). Bản tuyên ngôn này sau đó đã đề cập đến những quyền tự do như:
- Mọi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân (Điều 3).
- Mọi người có quyền tự do đi lại hay cư trú trong lãnh thổ của mọi quốc gia và có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình (Điều 13).
- Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, tryền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới (Điều 19).
- Mọi người đều có quyền tự do họp hành và tham gia hiệp hội một cách hoà bình.
- Không ai bị bắt buộc phải tham gia một hiệp hội nào (Điều 20).
- ….

Tự do và dân chủ
Một điều chắc chắn mà chúng ta có thể khẳng định là không thể có một nền dân chủ nếu không có tự do. Theo từ điển tiếng việt (Vietlex), dân chủ được định nghĩa: (1) có tính chất của chế độ dân chủ, toàn dân có quyền tham dự việc nước hoặc tự do phát biểu ý kiến về việc nước; (2) tôn trọng quyền tự do dân chủ, không quan liêu độc đoán. Xa hơn, trong triết học chính trị, dân chủ được xác định là một thể chế chính trị hay toàn bộ những nguyên lý triết học hay chính trị mà trong đó người dân là tối cao – những người bầu ra chính quyền. Như vậy, theo những định nghĩa này thì tự do là yếu tố nội tại của một thể chế dân chủ trong đó những công dân có quyền quyết định những đường hướng chính trị đúng đắn; tính quan liêu độc đoán hoàn toàn đi ngược lại với dân chủ và tự do. Quả thực, không thể tồn tại cái gọi là dân chủ nếu nơi đó không có tự do của những công dân: tự do phát biểu chính kiến, tự do bàn luận, tự do lựa chọn…. Chỉ có thể có một nền dân chủ đúng nghĩa khi mọi công dân thực sư có quyền tự do.
Tự do và đời sống trách nhiệm
Cuối cùng, tự do có một mối tương quan chặt chẽ với đời sống trách nhiệm. Chúng ta có thể khẳng định là không thể có đời sống trách nhiệm đúng nghĩa nếu không có tự do. Không có tự do người ta chắc chắn chỉ thực hiện những công việc vì bổn phận hay vì bị áp bức mà thôi. Và như vậy, việc thực hiện những công việc này hoàn toàn không mang tính trách nhiệm.
Mối tương quan giữa tự do và đời sống trách nhiệm cũng đặt ra cho chúng ta vấn đề về giáo dục - giáo dục tinh thần trách nhiệm của những công dân trong đời sống xã hội. Chúng ta không thể trông chờ một đời sống trách nhiệm nơi những con người đối với những công ích nếu như trước hết họ không được giáo dục về tự do, cũng như hệ thống chính trị và luật pháp không đảm cho họ quyền tự do.

Trần Văn Khuê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét