Chúng ta biết rằng có nhiều quan điểm khác nhau về con người. Những quan điểm xuất phát từ những nền tảng nhân học và triết học khác nhau. Tuy nhiên, xuyên qua mọi ý tưởng, con người có thể là mẫu mực tuyệt đối, nhưng cũng có thể là sự tuyệt vọng.
Đối với những người Ki-tô Hữu, nhân học Ki-tô giáo cho phép nói gì về con người ? Chúng ta sẽ nói về phẩm giá con người từ những trình bày của Công đồng Va-ti-ca-nô II trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng. Những trình bày này của Giáo Hội giúp chúng ta hiểu hơn về con người và những phẩm giá của nó.
- Sự nhỏ bé của con người và sự lớn lao của nó
Nhân học Ki-tô giáo, có nền tảng là Thánh Kinh, cho chúng ta biết hai chiều kích của con người : sự nhỏ bé của con người và sự lớn lao của nó. Công đồng viết : « Giáo hội, vì được Thiên Chúa là Đấng mạc khải dạy dỗ, có thể đem lại câu giải đáp cho những khó khăn (quan điểm khác nhau về con người), nhờ đó diễn tả được thân phận đích thực của con người, giải bày những yếu hèn, đồng thời có thể nhìn nhận xác đáng phẩm giá và thiên chức của con người ».
Trước hết, sự lớn lao của con người là được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Khi Kinh Thánh nói con người được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa”, tức là con người được tham dự vào ánh sáng siêu nhiên của Thiên Chúa và luôn luôn hướng về điều thiện mà Thiên Chúa là điều thiện tuyệt đối (thánh Tô-ma A-qui-nô).
Sự lớn lao của con người cũng được diễn tả trong những trang đầu của Kinh thánh là con người được trao cho nhiệm vụ chăm sóc và vun trồng vũ trụ như người làm vườn.
Sau đó là sự nhỏ bé của con người. Sự nhỏ bé của con người là vì con người mang thân phận yếu đuối. Sự tự do của con người rất mỏng dòn. Chính sự lạm dụng tự do mà con người phủ nhận Đấng tạo hóa và đã rơi vào tình trạng nô lệ của tội lỗi. Con người bị chia rẽ trong chính con người của mình qua sự lựa chọn điều thiện và điều dữ, giữa ánh sáng và bóng tối. Hơn nữa, con người cảm thấy không đủ sức để làm chủ sự lựa chọn của mình : điều mà tôi muốn làm thì tôi lại không làm được, điều mà tôi không muốn làm thì tôi lại làm (thánh Phao-lô).
Tuy nhiên, niềm tin Ki-tô giáo không cho phép chúng dừng lại ở nơi bế tắc của con người. Thiên Chúa đã đến giải phóng con người và cho con người được sự tự do đích thực.
- Sự hợp nhất hai đặc tính của con người : thể xác và tinh thần
Nhân học Ki-tô giáo phủ nhận sự tách biệt hai yếu tố thể xác và tinh thần như trong tư tưởng của Platon : « Thân xác là tù ngục của linh hồn », hay ngược lại với thuyết duy vật Mác-xít chỉ xem con người hoàn toàn vật chất.
Thiên tính và nhân tính của Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô biểu lộ sự hợp nhất hoàn thiện nhất giữa thể xác và tinh thần. Vì vậy, chúng ta không được khinh miệt đời sống thể xác, cũng như không thể phủ nhận yếu tố thiên linh trong con người. Sự nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su soi chiếu ý nghĩa của sự sống con người cả về mặt thể chất và tinh thần.
- Phẩm giá của trí tuệ, chân lý và sự hiểu biết
Nói tới phẩm giá con người là chúng ta nói tới khả năng trí tuệ của con người. Con người có khả năng về lý trí, đó là ánh sáng thiên linh mà Thiên Chúa đã đặt để trong con người. Từ đó con người luôn hướng vế : chân- thiện- mỹ mà Thiên Chúa là nguồn (thánh Tô-ma A-qui-nô).
Tuy nhiên, chúng ta sẽ đặt câu hỏi: thế nhưng, tại sao con người có thể làm điều dữ? Đối với thánh Tô-ma A-qui-nô điều dữ sai phạm chỉ là tai nạn của sự hiểu biết. Vì thế, xét về mặt đạo đức, chúng ta chỉ kết án tội lỗi mà không bao giờ kết án người phạm tội !
- Phẩm giá của lương tâm
Một yếu tố khác gắn liền với phẩm giá con người là lương tâm. « Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho chính mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người : hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật, con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xé xử theo luật ấy nữa. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ » (§16).
Chúng ta rút ra điều gì từ khẳng định của Công đồng? Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất của con người có khả năng lý trí. Lương tâm là luật được ghi khắc trong tâm hồn của con người – luật phổ quát: làm điều lành và tránh điều dữ. Chính vì thế, chúng ta thấy tầm quan trọng của việc tôn trọng và lắng nghe tiếng nói lương tâm của con người.
- Sự cao cả của tự do
« Tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Đấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Ngài con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc » (§17).
Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và dấu chỉ của hình ảnh này là sự tự do. Nói cách khác, tự do làm nên phẩm giá con người được tạo theo hình ảnh Thiên Chúa. Chính vì « phẩm giá của con người đòi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng chế hoàn toàn bên ngoài ». Phẩm giá con người là việc hành động ý thức và tự do, nghĩa là con người được thúc đẩy hành động từ bên trong, chứ không phải vì áp lực bên ngoài.
- Về sự chết
Nếu như chúng ta đề cao những phẩm chất của con người, chúng ta cũng không thể tránh né câu hỏi về mầu nhiệm sự chết. Cái chết là cơn ác mộng của con người ! Y học đã nỗ lực rất nhiều nhằm đẩy lùi cái chết, nhưng cũng bất lực ; nhiều người đã muốn kéo dài cuộc sống của mình bằng cách yêu cầu được ướp xác sau khi chết và chờ khi y học phát triển để phục hồi sự sống của mình. Như vậy, chúng ta hiểu được rằng con người mang trong mình khát vọng sâu thẳm về đời sống vĩnh cửu.
Đối với với người Ki-tô Hữu, cái chết đã được chiến thắng qua sự phục sinh của Chúa Ki-tô: « Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta » (1Cor 15,54-57).
- Những gì đi ngược lại phẩm giá con người : thuyết vô thần
Công Đồng khẳng định : « Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới kết hiệp với Thiên Chúa » (§19). Như vậy, gạt bỏ Thiên Chúa đồng nghĩa với sự gạt bỏ phẩm giá con người.
Chúng ta nhận thấy có nhiều hình thức vô thần thực hành phổ biến:
- phủ nhận Thiên Chúa một cách tỏ tường.
- cho rằng con người không thể quả quyết gì về Thiên Chúa.
- cho rằng sự tin tưởng vào Thiên Chúa trở nên vô nghĩa.
- « có người hình dung một Thiên Chúa theo kiểu họ tưởng tượng đến nỗi Thiên Chúa mà họ bài xích không phải là Thiên chúa của Phúc âm ».
Ngoài ra chúng ta còn nói tới vô thần có hệ thống (học thuyêt vô thần hệ thống). Học thuyết này dựa trên những nền tảng :
- sự tự lập của con người : tự do của con người vừa là mục đính và cứu cánh nhằm điều khiển lịch sử riêng của mình.
- hệ quả này tạo nên một loại vô thần hiện đại : sự tự giải phóng con người về phương diện kinh tế và xã hội. Tôn giáo được xem là sự ngăn cản của sự giải phóng trên và làm cho con người xao lãng việc xây dựng xã hội dương thế này.
Thái độ của Giáo hội đối với chủ thuyết vô thần:
- Công đồng khẳng định rằng « Thiên Chúa không có gì nghịch lại với nhân phẩm con người, vì phẩm giá ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa » : trí tuệ và sự tự do.
- Đối với khía cạnh của hy vọng cánh chung : « Hy vọng cánh chung không làm giảm tầm quan trọng những bổn phận ở trần gian này, trái lại còn tạo thêm những động lực mới giúp hoàn tất những bổn phận ấy ».
- Phủ nhận ước vọng đời sống trường cữu là một sự xúc phạm đối với con người.
- Và Giáo hội vẫn luôn luôn giữ thái độ đối thoại với những người vô thần : « Thực vậy, Giáo hội dù hoàn toàn bác bỏ thuyết vô thần, nhưng vẫn thành thực tuyên bố rằng mọi người, dù tin hay không tin, cũng đều phải trợ lực cho việc xây dựng thế giới này được hợp lý, là nơi họ đang chung sống : điều ấy chắc chắn không thể có được nếu thiếu cuộc đối thoại thành thực và khôn ngoan » (§21).
Kết luận : Chúa Ki-tô, Con Người mới
Đối với Ki-tô giáo, phẩm giá con người chỉ được thực sự soi chiếu một cách hoàn hảo dưới ánh sáng của Đức Ki-tô. Công đồng khẳng định: « Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể » (§22). Chúa Giêsu « đã cho con người biết rỏ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ ». Người là « hình ảnh của Thiên chúa vô hình” ( Col 1,15) đã trở nên giống như con người. Mặt khác, con người được giải phóng khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô.
Trần Văn Khuê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét