Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

PHẨM GIÁ CON NGƯỜI: TỪ CÔNG ĐỒNG VA-TI-CA-NÔ II TỚI ĐGH BÊ-NÊ-ĐÍC-TÔ XVI

Những trình bày của Công đồng Va-ti-ca-nô II về phẩm giá con người trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng chắc chắn là những nền tảng giúp chúng ta hiểu con người là ai. Con người với phẩm giá của mình được nhìn nhận là một hữu thể nhỏ bé nhưng cũng thật lớn lao vì nó được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, một hữu thể mang trong mình tính nhân linh và thiên linh, một hữu thể có khả năng trí tuệ và hướng thiện theo tiếng nói của lương tâm và là một hữu thể tự do. Tuy nhiên, chúng ta thấy con đường làm người của con người cũng phải trải qua nhiều thách đố để có thể cho con người được tôn trọng với tất cả nhân phẩm của nó. Nhìn lại lịch sử của nhân loại, đặc biệt là nơi những chế độ chính trị độc tài, chúng ta nhận thấy những gian nan mà con người phải chiến đấu để sống đúng với tư cách làm người như thế nào.
Khoảng cách từ Công đồng Va-ti-ca-nô II tới chúng ta là một khoảng cách thời gian tương đối dài, nhưng những gì Công đồng khẳng định về phẩm giá con người không thay đổi. Tuy nhiên, những vấn đề xã hội mang tính đặc thù trong thời đại của chúng ta rất riêng biệt.  Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, trong thông điệp Caritas in veritate (2009) đã nêu lên những thách đố mới trong việc phát triển con người trong thời đại của chúng ta. Từ những nền tảng của Công đồng Va-ti-ca-nô II chúng ta sẽ tìm hiểu một số điểm nhấn mạnh trong sự phát triển của con người được ĐGH Bê-nê-đíc-tô trình bày trong thông điệp của Ngài.
Con người bị kỷ thuật hóa
Có một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi là con người ngày hôm nay được thừa hưởng những thành quả của sự phát triển của khoa học kỷ thuật. Những thành quả này đã góp phần thăng tiến đời sống con người và khai mở cho con người một chân trời tươi sáng: một số cơn bệnh hiểm nghèo được kiềm chế, những kỷ thuật giúp các thao tác con người trở nên dễ dàng hơn, những thông tin nhanh lẹ hơn, cuộc sống với những tiện nghi hiện đại….
Tuy nhiên, những gì Công đồng Va-ti-ca-nô II đã khuyến cáo: “những phát triển của khoa học kỷ thuật nhiều khi trở lại ảnh hưởng một cách tiêu cực trên chính đời sống con người”, vẫn ám ảnh chúng ta. Trong thời gian vừa qua cả thể giới hết sức lo lắng về một thảm họa hạt nhân phát ra từ các lò hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Nói về những thảm họa do con người gây ra chúng ta có thể kể ra vô số trong lịch sử nhân loại. Ngoài những thảm họa do con người gây ra, một cách trực tiếp hay dán tiếp, ảnh hưởng một cách sâu đậm trên đời sống con người, chúng ta còn nhận thấy một khía cạnh khác là trong thế giới khoa học kỷ thuật này con người đã bị kỷ thuật hóa.
ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI bày tỏ mối lo âu đối với khuynh hướng con người bị kỷ thuật hóa trong thời đại của chúng ta vì lợi ích kinh tế: “Chúng tôi âu lo khi thấy khả năng của con người chỉ hoàn toàn định hướng vào kỷ thuật, tự đặt cho mình mục đích thực tế và những phương tiện sử dụng trong tầm tay” (Caritas in veritate, số 21). Quả thực, việc đào tạo con người trong thế giới khoa học kỷ thuật nhiều lúc chỉ nhắm vào mục đích làm cho con người trở thành chuyên nghiệp mang tính kỷ thuật, chứ không phải để đào tạo con người toàn diện. Con người hiệu quả hơn về mặt kỷ thuật và kinh tế, nhưng lại thiếu những định hướng cho đời sống hạnh phúc và mục đích tối hậu của đời sống con người. Từ những kinh nghiệm thực tiễn mà con người phải đối diện trong việc phát triển khoa học kỷ thuật và kinh tế: sự giằng co giữa “lý trí khai mở đến chiều kích siêu vượt hay lý trí đóng kín mình trong nội tại kỷ thuật”, sự khủng hoảng kinh tế, ô nhiễm môi trường và sự chênh lệch giữa giàu và nghèo, ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI nhấn mạnh: “Nếu chỉ phát triển về mặt kinh tế và kỷ thuật thì không đủ. Sự phát triển cần phải đích thực và toàn diện” (số 23), vì “không phải khoa học giải thoát con người. Con người được giải thoát bằng tình yêu" [1].
Phủ nhận tính tôn giáo nơi con người
Một trong những khuynh hướng khác trong thế giới phát triển khoa học, trần tục hóa và chịu ảnh hưởng bởi chủ thuyết vô thần là phủ nhận quyền tự do tôn giáo hay tính tôn giáo nơi con người. Con người muốn gạt bỏ tất cả mọi ý tưởng về Thiên Chúa và mọi giá trị gắn liền với tôn giáo. Khuynh hướng này xuất phát từ thái độ muốn xây dựng con người trở thành “siêu nhân” và tư tưởng đối nghịch với tôn giáo.
Về vấn đề này ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI viết:
“Những chủ trương cho sự dửng dưng tôn giáo hay cho chủ nghĩa vô thần trong nhiều nước cũng chống lại những nhu cầu phát triển của các dân tộc, khi người ta truất sự phong phú tinh thần và nhân bản. Thiên Chúa là Đấng đảm bảo cho sự phát triển đích thực của con người, Ngài đã dựng nên con người theo hình ảnh mình, Ngài đặt nền tảng cho phẩm giá siêu việt của con người và luôn khơi dậy nơi họ sự khao khát được “hiện hữu cao hơn”. Con người không phải là một nguyên tử trong một vũ trụ ngẫu nhiên, nhưng là một thọ tạo của Thiên Chúa, được lãnh nhận từ Thiên Chúa một linh hồn bất tử và từ ngàn xưa đã được Ngài yêu thương. Nếu con người chỉ là kết quả của một sự ngẫu nhiên hay của một sự cần thiết, hay là khi con người bị đúc kết vào những khao khát đến chân trời hạn hẹp của hoàn cảnh họ đang sống, nếu như tất cả chỉ là lịch sử và văn hóa, và nếu con người không có một bản chất được xác định để tiến vào một cuộc sống siêu nhiên, thì người ta không thể nói về tăng trưởng hay tiến hóa, cũng không thể nói về sự phát triển. Khi Nhà nước đòi hỏi, dạy dỗ hay thiết đặt những hình thức của một chủ thuyết vô thần thực tiễn, thì Nhà nước đã rút đi sức lực luân lý và tinh thần của các công dân, đó là sức lực tất yếu để dấn thân cho việc phát triển con người trọn vẹn, và ngăn cản họ tiến bước với sức sống mới trong sự dấn thân cho lời đáp thật quảng đại và nhân bản cho tình yêu của Thiên Chúa” (số 29).
Là người Đức, ĐGH Bê-nê-đíc-tô am hiểu hơn ai hết chủ thuyết vô thần phát xuất từ chính quê hương của Ngài và những hậu của nó để lại như thế nào. Ngài viết:
“Nhưng với cuộc chiến thắng, sai lầm cơ bản của Marx cũng bộc lộ. Ông đã chỉ dẫn một cách tường tận phải làm thế nào để lật đổ chế độ hiện hành. Nhưng ông không nói cho chúng ta biết, tiếp đó nên làm gì. Ông chỉ giả định rằng, với việc trút bỏ tài sản của giai cấp thống trị và với việc xã hội hóa các phương tiện sản xuất thì Giê-ru-sa-lem mới sẽ xuất hiện. Bấy giờ mọi mâu thuẫn sẽ bị xóa sạch, con người và thế giới cuối cùng sẽ tìm lại được chính mình. Bấy giờ mọi sự sẽ đi vào con đường đúng đắn, vì tất cả đều thuộc về mọi người và mọi người đều muốn cho ai nấy những điều tốt đẹp. Sau cuộc cách mạng thành công tốt đẹp, Lê-nin phải thấy rằng không tìm được cái gì phải tiếp nối nơi ông thầy của mình. Vâng, ông đã nói về thời kỳ quá độ, sự độc tài của giai cấp vô sản là điều cần thiết, nhưng rồi sự độc tài này cũng chóng qua. Chúng ta biết rõ “thời kỳ quá độ” này được phát triển như sau, nhưng thay vì đưa đến một thế giới tốt đẹp, đã để lại một sự tàn phá khủng khiếp. Marx đã không suy nghĩ đến những cơ cấu cần thiết cho thế giới mới – mà thực tế rất cần. Việc ông không nói gì về điều này, cũng hợp lý theo cách lựa chọn của ông. Sự sai lầm của ông càng sâu hơn nữa. Ông quên rằng, con người mãi mãi là con người. Ông đã quên con người và quên cả sự tự do của họ. Ông quên rằng, tự do mãi mãi là tự do cả khi dành cho điều xấu. Ông tin rằng, khi kinh tế nằm trong trật tự, thì tất cả đều nằm trong trật tự. Sai lầm đích thực của ông là chủ thuyết Duy vật. Con người không phải là sản phẩm của nền tảng kinh tế và cũng không thể cứu con người từ bên ngoài qua việc thiết lập các điều kiện kinh tế thật thuận lợi”[2].
Kết luận:
Những gì đi ngược lại với phẩm giá con người, trước hết, đó là biến con người thành những công cụ sản xuất. “Con người không phải là sản phẩm của kinh tế” (ĐGH Bê-nê-đíc-tô), nhưng con người gắn liền với ơn gọi: ơn gọi làm người. Ơn gọi này là cuộc hành trình mà trong đó con người kinh nghiệm về những gì làm nên con người: con người được tạo dựng và hướng về những giá trị siêu việt. Như vậy, một khía cạnh khác cũng đi ngược lại với phẩm giá con người là phủ nhận chiều kích tâm linh của đời sống con người. Phát triển con người là phát triển cả về thể chất và tinh thần. Con người không chỉ hệ tại ở những thực tại vật chất, mà còn ở những giá trị siêu việt. Quả thực, nếu không phải vì một mục đích hay ý tưởng cao siêu hơn mà con người không ngừng nổ lực dấn thân trong đời sống?

Trần Văn Khuê






[1] ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông điệp Spe salvi, số 26.
[2] Ibid, số 21.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét