Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

TỰ DO

Tự Do là một trong số những từ ngữ được nhiều người nói tới trong đời sống sinh hoạt xã hội. Nó được xem là yếu tố nền tảng của đời sống con người và đời sống xã hội. Dĩ nhiên là một yếu tố nền tảng vì nếu không thì con người đã không thể chấp nhận hy sinh, nhiều lúc chính tính mạng của mình, để đi tìm sự tự do cho chính mình và cho những người khác. Mặt khác, thực tế cho thấy rằng, một cách nền tảng, tự do làm phát triển đời sống cá nhân, xã hội, cũng như đời sống kinh tế ở trong các xã hội khác nhau.
Tuy nhiên, hai từ tự do nhiều lúc cũng làm cho người ta sợ hãi. Sự sợ hãi gắn liền với tâm lý là tự do luôn đi đôi với sự phóng túng hay tự do có nguy cơ ảnh hưởng một cách tiêu cực đối với những quyền lực chính trị và xã hội. Chính vì thế mà nhiều lúc người ta tìm cách kiềm chế sự tự do.
Dù có những thái độ như thế nào đối với sự tự do, từ kinh nghiệm nhân sinh, chúng ta nhận thấy cuộc sống con người luôn gắn liền với cuộc tìm kiếm tự do; tự do là một trong những khía cạnh làm nên phẩm giá con người; và cũng chí có tự do mới đảm bảo cho một đời sống xã hội dân chủ và một đời sống trách nhiệm thực sự.
Tự do và cuộc tìm kiếm của con người
Nhiều người nhắc tới sự kiện của những người Việt Nam vượt biên vào những năm 70 và 80 của thế kỷ XX – một sự kiện gây nhiều cảm xúc cho những người Tây phương, như phong trào của những con người đi tìm tự do. Một sự kiện gây  chia rẽ nơi nhiều người. Quả thực, việc đi tìm kiếm tự do không chỉ vì lý do chính trị, nhưng nó gắn liền với khuynh hướng tự nhiên của con người. Ngay từ khởi đầu Kinh Thánh cho chúng ta biết là hai ông bà A-đam và E-va muốn đạt sự tự do như ý mình, bất chấp lệnh truyền của Thiên Chúa. Ý tưởng tìm kiếm tự do đã le lói nơi những con người đầu tiên, cho dù đó là việc tìm kiếm tự do chống lại ý muốn của Thiên Chúa. Đúng như Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI nói: “Tự do mãi mãi là tự do cả khi dành cho điều xấu” (Spe salvi, 21). Chúng ta còn nhận thấy khuynh hướng này luôn tồn tại nơi đời sống con người khi con người – dù ở độ tuổi nào, tìm mọi cách tự khẳng định chính mình và đi ra khỏi những cơ chế được thiết định hay những gì ràng buộc nó. Chúng ta có thể dễ dàng kiểm chứng điều này nơi lịch sử của nhân loại – lịch sử phát triển con người.
Như vậy, việc kiềm chế tự do hay phủ nhận quyền tự do con người là chống lại con người. Người ta không thể hủy bỏ cái quyền này nơi con người – cũng là quyền của chính mình, mà chỉ có thể hướng tự do tới những điều thiện hảo hơn mà thôi. Trong nghĩa này, tự do gắn liền với phẩm giá con người.
Tự do và phẩm giá con người
Công đồng Va-ti-ca-nô II (của Giáo Hội Công Giáo), trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, viết: “Sự tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Đấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Ngài con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc. Vậy phẩm giá của con người đòi hỏi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng chế hoàn toàn bên ngoài” (số 17).
Những dòng trên đây của Công đồng nói cho chúng ta những nền tảng nhân học Ki-tô giáo. Nếu con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa thì một trong những nét phản chiếu hình ảnh này là sự tự do: “Sự tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người”. Ngay từ ban đầu Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người sự tự do hành động theo lý trí và ánh sáng của sự thật – những khả năng mà Thiên Chúa đặt để trong con người. Như vậy, con người chỉ sống đúng phẩm giá của mình khi có khả năng sống sự tự do đích thực này.

Sự tự do không chỉ được phát sinh từ những nền tảng thần học, nhưng nó thuộc về những quyền cơ bản của con người mà Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đã thừa nhận. Tự do được nhìn nhận là một giá trị phổ quát. Trong bản tuyên ngôn này Liên Hiệp Quốc đã khẳng định: “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được Tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu” (Điều 1). Bản tuyên ngôn này sau đó đã đề cập đến những quyền tự do như:
- Mọi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân (Điều 3).
- Mọi người có quyền tự do đi lại hay cư trú trong lãnh thổ của mọi quốc gia và có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình (Điều 13).
- Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, tryền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới (Điều 19).
- Mọi người đều có quyền tự do họp hành và tham gia hiệp hội một cách hoà bình.
- Không ai bị bắt buộc phải tham gia một hiệp hội nào (Điều 20).
- ….

Tự do và dân chủ
Một điều chắc chắn mà chúng ta có thể khẳng định là không thể có một nền dân chủ nếu không có tự do. Theo từ điển tiếng việt (Vietlex), dân chủ được định nghĩa: (1) có tính chất của chế độ dân chủ, toàn dân có quyền tham dự việc nước hoặc tự do phát biểu ý kiến về việc nước; (2) tôn trọng quyền tự do dân chủ, không quan liêu độc đoán. Xa hơn, trong triết học chính trị, dân chủ được xác định là một thể chế chính trị hay toàn bộ những nguyên lý triết học hay chính trị mà trong đó người dân là tối cao – những người bầu ra chính quyền. Như vậy, theo những định nghĩa này thì tự do là yếu tố nội tại của một thể chế dân chủ trong đó những công dân có quyền quyết định những đường hướng chính trị đúng đắn; tính quan liêu độc đoán hoàn toàn đi ngược lại với dân chủ và tự do. Quả thực, không thể tồn tại cái gọi là dân chủ nếu nơi đó không có tự do của những công dân: tự do phát biểu chính kiến, tự do bàn luận, tự do lựa chọn…. Chỉ có thể có một nền dân chủ đúng nghĩa khi mọi công dân thực sư có quyền tự do.
Tự do và đời sống trách nhiệm
Cuối cùng, tự do có một mối tương quan chặt chẽ với đời sống trách nhiệm. Chúng ta có thể khẳng định là không thể có đời sống trách nhiệm đúng nghĩa nếu không có tự do. Không có tự do người ta chắc chắn chỉ thực hiện những công việc vì bổn phận hay vì bị áp bức mà thôi. Và như vậy, việc thực hiện những công việc này hoàn toàn không mang tính trách nhiệm.
Mối tương quan giữa tự do và đời sống trách nhiệm cũng đặt ra cho chúng ta vấn đề về giáo dục - giáo dục tinh thần trách nhiệm của những công dân trong đời sống xã hội. Chúng ta không thể trông chờ một đời sống trách nhiệm nơi những con người đối với những công ích nếu như trước hết họ không được giáo dục về tự do, cũng như hệ thống chính trị và luật pháp không đảm cho họ quyền tự do.

Trần Văn Khuê

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

PHẨM GIÁ CON NGƯỜI: TỪ CÔNG ĐỒNG VA-TI-CA-NÔ II TỚI ĐGH BÊ-NÊ-ĐÍC-TÔ XVI

Những trình bày của Công đồng Va-ti-ca-nô II về phẩm giá con người trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng chắc chắn là những nền tảng giúp chúng ta hiểu con người là ai. Con người với phẩm giá của mình được nhìn nhận là một hữu thể nhỏ bé nhưng cũng thật lớn lao vì nó được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, một hữu thể mang trong mình tính nhân linh và thiên linh, một hữu thể có khả năng trí tuệ và hướng thiện theo tiếng nói của lương tâm và là một hữu thể tự do. Tuy nhiên, chúng ta thấy con đường làm người của con người cũng phải trải qua nhiều thách đố để có thể cho con người được tôn trọng với tất cả nhân phẩm của nó. Nhìn lại lịch sử của nhân loại, đặc biệt là nơi những chế độ chính trị độc tài, chúng ta nhận thấy những gian nan mà con người phải chiến đấu để sống đúng với tư cách làm người như thế nào.
Khoảng cách từ Công đồng Va-ti-ca-nô II tới chúng ta là một khoảng cách thời gian tương đối dài, nhưng những gì Công đồng khẳng định về phẩm giá con người không thay đổi. Tuy nhiên, những vấn đề xã hội mang tính đặc thù trong thời đại của chúng ta rất riêng biệt.  Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, trong thông điệp Caritas in veritate (2009) đã nêu lên những thách đố mới trong việc phát triển con người trong thời đại của chúng ta. Từ những nền tảng của Công đồng Va-ti-ca-nô II chúng ta sẽ tìm hiểu một số điểm nhấn mạnh trong sự phát triển của con người được ĐGH Bê-nê-đíc-tô trình bày trong thông điệp của Ngài.
Con người bị kỷ thuật hóa
Có một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi là con người ngày hôm nay được thừa hưởng những thành quả của sự phát triển của khoa học kỷ thuật. Những thành quả này đã góp phần thăng tiến đời sống con người và khai mở cho con người một chân trời tươi sáng: một số cơn bệnh hiểm nghèo được kiềm chế, những kỷ thuật giúp các thao tác con người trở nên dễ dàng hơn, những thông tin nhanh lẹ hơn, cuộc sống với những tiện nghi hiện đại….
Tuy nhiên, những gì Công đồng Va-ti-ca-nô II đã khuyến cáo: “những phát triển của khoa học kỷ thuật nhiều khi trở lại ảnh hưởng một cách tiêu cực trên chính đời sống con người”, vẫn ám ảnh chúng ta. Trong thời gian vừa qua cả thể giới hết sức lo lắng về một thảm họa hạt nhân phát ra từ các lò hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Nói về những thảm họa do con người gây ra chúng ta có thể kể ra vô số trong lịch sử nhân loại. Ngoài những thảm họa do con người gây ra, một cách trực tiếp hay dán tiếp, ảnh hưởng một cách sâu đậm trên đời sống con người, chúng ta còn nhận thấy một khía cạnh khác là trong thế giới khoa học kỷ thuật này con người đã bị kỷ thuật hóa.
ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI bày tỏ mối lo âu đối với khuynh hướng con người bị kỷ thuật hóa trong thời đại của chúng ta vì lợi ích kinh tế: “Chúng tôi âu lo khi thấy khả năng của con người chỉ hoàn toàn định hướng vào kỷ thuật, tự đặt cho mình mục đích thực tế và những phương tiện sử dụng trong tầm tay” (Caritas in veritate, số 21). Quả thực, việc đào tạo con người trong thế giới khoa học kỷ thuật nhiều lúc chỉ nhắm vào mục đích làm cho con người trở thành chuyên nghiệp mang tính kỷ thuật, chứ không phải để đào tạo con người toàn diện. Con người hiệu quả hơn về mặt kỷ thuật và kinh tế, nhưng lại thiếu những định hướng cho đời sống hạnh phúc và mục đích tối hậu của đời sống con người. Từ những kinh nghiệm thực tiễn mà con người phải đối diện trong việc phát triển khoa học kỷ thuật và kinh tế: sự giằng co giữa “lý trí khai mở đến chiều kích siêu vượt hay lý trí đóng kín mình trong nội tại kỷ thuật”, sự khủng hoảng kinh tế, ô nhiễm môi trường và sự chênh lệch giữa giàu và nghèo, ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI nhấn mạnh: “Nếu chỉ phát triển về mặt kinh tế và kỷ thuật thì không đủ. Sự phát triển cần phải đích thực và toàn diện” (số 23), vì “không phải khoa học giải thoát con người. Con người được giải thoát bằng tình yêu" [1].
Phủ nhận tính tôn giáo nơi con người
Một trong những khuynh hướng khác trong thế giới phát triển khoa học, trần tục hóa và chịu ảnh hưởng bởi chủ thuyết vô thần là phủ nhận quyền tự do tôn giáo hay tính tôn giáo nơi con người. Con người muốn gạt bỏ tất cả mọi ý tưởng về Thiên Chúa và mọi giá trị gắn liền với tôn giáo. Khuynh hướng này xuất phát từ thái độ muốn xây dựng con người trở thành “siêu nhân” và tư tưởng đối nghịch với tôn giáo.
Về vấn đề này ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI viết:
“Những chủ trương cho sự dửng dưng tôn giáo hay cho chủ nghĩa vô thần trong nhiều nước cũng chống lại những nhu cầu phát triển của các dân tộc, khi người ta truất sự phong phú tinh thần và nhân bản. Thiên Chúa là Đấng đảm bảo cho sự phát triển đích thực của con người, Ngài đã dựng nên con người theo hình ảnh mình, Ngài đặt nền tảng cho phẩm giá siêu việt của con người và luôn khơi dậy nơi họ sự khao khát được “hiện hữu cao hơn”. Con người không phải là một nguyên tử trong một vũ trụ ngẫu nhiên, nhưng là một thọ tạo của Thiên Chúa, được lãnh nhận từ Thiên Chúa một linh hồn bất tử và từ ngàn xưa đã được Ngài yêu thương. Nếu con người chỉ là kết quả của một sự ngẫu nhiên hay của một sự cần thiết, hay là khi con người bị đúc kết vào những khao khát đến chân trời hạn hẹp của hoàn cảnh họ đang sống, nếu như tất cả chỉ là lịch sử và văn hóa, và nếu con người không có một bản chất được xác định để tiến vào một cuộc sống siêu nhiên, thì người ta không thể nói về tăng trưởng hay tiến hóa, cũng không thể nói về sự phát triển. Khi Nhà nước đòi hỏi, dạy dỗ hay thiết đặt những hình thức của một chủ thuyết vô thần thực tiễn, thì Nhà nước đã rút đi sức lực luân lý và tinh thần của các công dân, đó là sức lực tất yếu để dấn thân cho việc phát triển con người trọn vẹn, và ngăn cản họ tiến bước với sức sống mới trong sự dấn thân cho lời đáp thật quảng đại và nhân bản cho tình yêu của Thiên Chúa” (số 29).
Là người Đức, ĐGH Bê-nê-đíc-tô am hiểu hơn ai hết chủ thuyết vô thần phát xuất từ chính quê hương của Ngài và những hậu của nó để lại như thế nào. Ngài viết:
“Nhưng với cuộc chiến thắng, sai lầm cơ bản của Marx cũng bộc lộ. Ông đã chỉ dẫn một cách tường tận phải làm thế nào để lật đổ chế độ hiện hành. Nhưng ông không nói cho chúng ta biết, tiếp đó nên làm gì. Ông chỉ giả định rằng, với việc trút bỏ tài sản của giai cấp thống trị và với việc xã hội hóa các phương tiện sản xuất thì Giê-ru-sa-lem mới sẽ xuất hiện. Bấy giờ mọi mâu thuẫn sẽ bị xóa sạch, con người và thế giới cuối cùng sẽ tìm lại được chính mình. Bấy giờ mọi sự sẽ đi vào con đường đúng đắn, vì tất cả đều thuộc về mọi người và mọi người đều muốn cho ai nấy những điều tốt đẹp. Sau cuộc cách mạng thành công tốt đẹp, Lê-nin phải thấy rằng không tìm được cái gì phải tiếp nối nơi ông thầy của mình. Vâng, ông đã nói về thời kỳ quá độ, sự độc tài của giai cấp vô sản là điều cần thiết, nhưng rồi sự độc tài này cũng chóng qua. Chúng ta biết rõ “thời kỳ quá độ” này được phát triển như sau, nhưng thay vì đưa đến một thế giới tốt đẹp, đã để lại một sự tàn phá khủng khiếp. Marx đã không suy nghĩ đến những cơ cấu cần thiết cho thế giới mới – mà thực tế rất cần. Việc ông không nói gì về điều này, cũng hợp lý theo cách lựa chọn của ông. Sự sai lầm của ông càng sâu hơn nữa. Ông quên rằng, con người mãi mãi là con người. Ông đã quên con người và quên cả sự tự do của họ. Ông quên rằng, tự do mãi mãi là tự do cả khi dành cho điều xấu. Ông tin rằng, khi kinh tế nằm trong trật tự, thì tất cả đều nằm trong trật tự. Sai lầm đích thực của ông là chủ thuyết Duy vật. Con người không phải là sản phẩm của nền tảng kinh tế và cũng không thể cứu con người từ bên ngoài qua việc thiết lập các điều kiện kinh tế thật thuận lợi”[2].
Kết luận:
Những gì đi ngược lại với phẩm giá con người, trước hết, đó là biến con người thành những công cụ sản xuất. “Con người không phải là sản phẩm của kinh tế” (ĐGH Bê-nê-đíc-tô), nhưng con người gắn liền với ơn gọi: ơn gọi làm người. Ơn gọi này là cuộc hành trình mà trong đó con người kinh nghiệm về những gì làm nên con người: con người được tạo dựng và hướng về những giá trị siêu việt. Như vậy, một khía cạnh khác cũng đi ngược lại với phẩm giá con người là phủ nhận chiều kích tâm linh của đời sống con người. Phát triển con người là phát triển cả về thể chất và tinh thần. Con người không chỉ hệ tại ở những thực tại vật chất, mà còn ở những giá trị siêu việt. Quả thực, nếu không phải vì một mục đích hay ý tưởng cao siêu hơn mà con người không ngừng nổ lực dấn thân trong đời sống?

Trần Văn Khuê






[1] ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông điệp Spe salvi, số 26.
[2] Ibid, số 21.


Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

GIỚI THIỆU SÁCH: ĐỜI SỐNG TRÁCH NHIỆM, TUÂN PHỤC VÀ BẤT TUÂN PHỤC THEO DIETRICH BONHOEFFER




ĐỜI SỐNG TRÁCH NHIỆM,
TUÂN PHỤC VÀ BẤT TUÂN PHỤC THEO DIETRICH BONHOEFFER
 

Tác giả Trần Văn Khuê, aa


http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=9549


Nhiều Kitô hữu hôm nay đặt câu hỏi: làm sao sống đức tin một cách đúng đắn, phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng trong những hoàn cảnh xã hội cụ thể? Câu hỏi này trở nên nan giải hơn đối với các Kitô hữu khi mà khuynh hướng của những tổ chức xã hội đi ngược lại những giá trị của Tin Mừng hoặc, hơn thế nữa, muốn loại bỏ khỏi đời sống xã hội niềm tin tôn giáo.

Sống đời sống trách nhiệm là một trong những câu trả lời cho câu hỏi trên. Sống trách nhiệm không có nghĩa là đảm trách một chức vị xã hội nhưng là khả năng nói “có” và “không”. Nói cách khác, đời sống trách nhiệm được sống dưới dấu chỉ của sự “tuân phục” và “bất tuân phục”. Tập sách nhỏ Đời sống trách nhiệm sẽ trình bày mối tương quan giữa “tuân phục” và “bất tuân phục” trong đời sống trách nhiệm thông qua đời sống và những suy tư thần học của một nhân vật lịch sử: Dietrich Bonhoeffer.


Dietrich Bonhoeffer sống trong một giai đoạn đen tối nhất của lịch sử nước Đức với việc nắm quyền của nhà độc tài Hít-le. Chính trong bối cảnh này ông đã chiến đấu một cách can đảm cho tới cùng vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người, và đã để lại cho chúng ta những suy tư thần học chất vấn đời sống của mọi Kitô hữu.

Hân hạnh giới thiệu cùng độc giả tập sách nhỏ: Đời sống trách nhiệm, tuân phục và bất tuân phục theo Dietrich Bonhoeffer. Hy vọng những ai đọc nó tìm thấy đâu đó điều bổ ích cho đời sống Kitô hữu của mình.

Trần Văn Khuê, aa



P/s: Sách được bán tại Nhà sách Đức Mẹ, 38 Kỳ Đồng, Q.3, Saigòn.

 
GIỚI THIỆU SÁCH: ĐỜI SỐNG TRÁCH NHIỆM, TUÂN PHỤC VÀ BẤT TUÂN PHỤC THEO DIETRICH BONHOEFFER

Tác giả Trần Văn Khuê, aa

http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=9549

Nhiều Kitô hữu hôm nay đặt câu hỏi: làm sao sống đức tin một cách đúng đắn, phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng trong những hoàn cảnh xã hội cụ thể? Câu hỏi này trở nên nan giải hơn đối với các Kitô hữu khi mà khuynh hướng của những tổ chức xã hội đi ngược lại những giá trị của Tin Mừng hoặc, hơn thế nữa, muốn loại bỏ khỏi đời sống xã hội niềm tin tôn giáo.


Sống đời sống trách nhiệm là một trong những câu trả lời cho câu hỏi trên. Sống trách nhiệm không có nghĩa là đảm trách một chức vị xã hội nhưng là khả năng nói “có” và “không”. Nói cách khác, đời sống trách nhiệm được sống dưới dấu chỉ của sự “tuân phục” và “bất tuân phục”. Tập sách nhỏ Đời sống trách nhiệm sẽ trình bày mối tương quan giữa “tuân phục” và “bất tuân phục” trong đời sống trách nhiệm thông qua đời sống và những suy tư thần học của một nhân vật lịch sử: Dietrich Bonhoeffer.


Dietrich Bonhoeffer sống trong một giai đoạn đen tối nhất của lịch sử nước Đức với việc nắm quyền của nhà độc tài Hít-le. Chính trong bối cảnh này ông đã chiến đấu một cách can đảm cho tới cùng vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người, và đã để lại cho chúng ta những suy tư thần học chất vấn đời sống của mọi Kitô hữu.


Hân hạnh giới thiệu cùng độc giả tập sách nhỏ: Đời sống trách nhiệm, tuân phục và bất tuân phục theo Dietrich Bonhoeffer. Hy vọng những ai đọc nó tìm thấy đâu đó điều bổ ích cho đời sống Kitô hữu của mình.


Trần Văn Khuê, aa




P/s: Sách được bán tại Nhà sách Đức Mẹ, 38 Kỳ Đồng, Q.3, Saigòn.

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

PHẨM GIÁ CON NGƯỜI


Chúng ta biết rằng có nhiều quan điểm khác nhau về con người. Những quan điểm xuất phát từ những nền tảng nhân học và triết học khác nhau. Tuy nhiên, xuyên qua mọi ý tưởng, con người có thể là mẫu mực tuyệt đối, nhưng cũng có thể là sự tuyệt vọng.

Đối với những người Ki-tô Hữu, nhân học Ki-tô giáo cho phép nói gì về con người ? Chúng ta sẽ nói về phẩm giá con người từ những trình bày của Công đồng Va-ti-ca-nô II trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng. Những trình bày này của Giáo Hội giúp chúng ta hiểu hơn về con người và những phẩm giá của nó.

  1. Sự nhỏ bé của con người và sự lớn lao của nó
Nhân học Ki-tô giáo, có nền tảng là Thánh Kinh, cho chúng ta biết hai chiều kích của con người : sự nhỏ bé của con người và sự lớn lao của nó. Công đồng viết : « Giáo hội, vì được Thiên Chúa là Đấng mạc khải dạy dỗ, có thể đem lại câu giải đáp cho những khó khăn (quan điểm khác nhau về con người), nhờ đó diễn tả được thân phận đích thực của con người, giải bày những yếu hèn, đồng thời có thể nhìn nhận xác đáng phẩm giá và thiên chức của con người ».

Trước hết, sự lớn lao của con người là được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Khi Kinh Thánh nói con người được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa”, tức là con người được tham dự vào ánh sáng siêu nhiên của Thiên Chúa và luôn luôn hướng về điều thiện mà Thiên Chúa là điều thiện tuyệt đối (thánh Tô-ma A-qui-nô).

Sự lớn lao của con người cũng được diễn tả trong những trang đầu của Kinh thánh là con người được trao cho nhiệm vụ chăm sóc và vun trồng vũ trụ như người làm vườn.

Sau đó là sự nhỏ bé của con người. Sự nhỏ bé của con người là vì con người mang thân phận yếu đuối. Sự tự do của con người rất mỏng dòn. Chính sự lạm dụng tự do mà con người phủ nhận Đấng tạo hóa và đã rơi vào tình trạng nô lệ của tội lỗi. Con người bị chia rẽ trong chính con người của mình qua sự lựa chọn điều thiện và điều dữ, giữa ánh sáng và bóng tối. Hơn nữa, con người cảm thấy không đủ sức để làm chủ sự lựa chọn của mình : điều mà tôi muốn làm thì tôi lại không làm được, điều mà tôi không muốn làm thì tôi lại làm (thánh Phao-lô).

Tuy nhiên, niềm tin Ki-tô giáo không cho phép chúng dừng lại ở nơi bế tắc của con người. Thiên Chúa đã đến giải phóng con người và cho con người được sự tự do đích thực.

  1. Sự hợp nhất hai đặc tính của con người : thể xác và tinh thần
Nhân học Ki-tô giáo phủ nhận sự tách biệt hai yếu tố thể xác và tinh thần như trong tư tưởng của Platon : « Thân xác là tù ngục của linh hồn »,  hay ngược lại với thuyết duy vật Mác-xít chỉ xem con người hoàn toàn vật chất.

Thiên tính và nhân tính của Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô biểu lộ sự hợp nhất hoàn thiện nhất giữa thể xác và tinh thần. Vì vậy, chúng ta không được khinh miệt đời sống thể xác, cũng như không thể phủ nhận yếu tố thiên linh trong con người. Sự nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su soi chiếu ý nghĩa của sự sống con người cả về mặt thể chất và tinh thần.

  1. Phẩm giá của trí tuệ, chân lý và sự hiểu biết
Nói tới phẩm giá con người là chúng ta nói tới khả năng trí tuệ của con người. Con người có khả năng về lý trí, đó là ánh sáng thiên linh mà Thiên Chúa đã đặt để trong con người. Từ đó con người luôn hướng vế : chân- thiện- mỹ mà Thiên Chúa là nguồn (thánh Tô-ma A-qui-nô).

Tuy nhiên, chúng ta sẽ đặt câu hỏi: thế nhưng, tại sao con người có thể làm điều dữ? Đối với thánh Tô-ma A-qui-nô điều dữ sai phạm chỉ là tai nạn của sự hiểu biết. Vì thế, xét về mặt đạo đức, chúng ta chỉ kết án tội lỗi mà không bao giờ kết án người phạm tội !

  1. Phẩm giá của lương tâm
Một yếu tố khác gắn liền với phẩm giá con người là lương tâm. « Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho chính mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người : hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật, con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xé xử theo luật ấy nữa. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ » (§16). 

Chúng ta rút ra điều gì từ khẳng định của Công đồng? Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất của con người có khả năng lý trí. Lương tâm là luật được ghi khắc trong tâm hồn của con người – luật phổ quát: làm điều lành và tránh điều dữ. Chính vì thế, chúng ta thấy tầm quan trọng của việc tôn trọnglắng nghe tiếng nói lương tâm của con người.

  1. Sự cao cả của tự do
« Tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Đấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Ngài con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc » (§17).

Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và dấu chỉ của hình ảnh này là sự tự do. Nói cách khác, tự do làm nên phẩm giá con người được tạo theo hình ảnh Thiên Chúa. Chính vì « phẩm giá của con người đòi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng chế hoàn toàn bên ngoài ». Phẩm giá con người là việc hành động ý thức và tự do, nghĩa là con người được thúc đẩy hành động từ bên trong, chứ không phải vì áp lực bên ngoài.

  1. Về sự chết
Nếu như chúng ta đề cao những phẩm chất của con người, chúng ta cũng không thể tránh né câu hỏi về mầu nhiệm sự chết. Cái chết là cơn ác mộng của con người ! Y học đã nỗ lực rất nhiều nhằm đẩy lùi cái chết, nhưng cũng bất lực ; nhiều người đã muốn kéo dài cuộc sống của mình bằng cách yêu cầu được ướp xác sau khi chết và chờ khi y học phát triển để phục hồi sự sống của mình. Như vậy, chúng ta hiểu được rằng con người mang trong mình khát vọng sâu thẳm về đời sống vĩnh cửu.

Đối với với người Ki-tô Hữu, cái chết đã được chiến thắng qua sự phục sinh của Chúa Ki-tô: « Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta » (1Cor 15,54-57).

  1. Những gì đi ngược lại phẩm giá con người : thuyết vô thần
Công Đồng khẳng định : « Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới kết hiệp với Thiên Chúa » (§19). Như vậy, gạt bỏ Thiên Chúa đồng nghĩa với sự gạt bỏ phẩm giá con người.

Chúng ta nhận thấy có nhiều hình thức vô thần thực hành phổ biến:

-          phủ nhận Thiên Chúa một cách tỏ tường.
-          cho rằng con người không thể quả quyết gì về Thiên Chúa.
-          cho rằng sự tin tưởng vào Thiên Chúa trở nên vô nghĩa.
-          « có người hình dung một Thiên Chúa theo kiểu họ tưởng tượng đến nỗi Thiên Chúa mà họ bài xích không phải là Thiên chúa của Phúc âm ».

Ngoài ra chúng ta còn nói tới vô thần có hệ thống (học thuyêt vô thần hệ thống). Học thuyết này dựa trên những nền tảng :

-          sự tự lập của con người : tự do của con người vừa là mục đính và cứu cánh nhằm điều khiển lịch sử riêng của mình.
-          hệ quả này tạo nên một loại vô thần hiện đại : sự tự giải phóng con người về phương diện kinh tế và xã hội. Tôn giáo được xem là sự ngăn cản của sự giải phóng trên và làm cho con người xao lãng việc xây dựng xã hội dương thế này.

Thái độ của Giáo hội đối với chủ thuyết vô thần:

-          Công đồng khẳng định rằng « Thiên Chúa không có gì nghịch lại với nhân phẩm con người, vì phẩm giá ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa » : trí tuệ và sự tự do.
-          Đối với khía cạnh của hy vọng cánh chung : « Hy vọng cánh chung không làm giảm tầm quan trọng những bổn phận ở trần gian này, trái lại còn tạo thêm những động lực mới giúp hoàn tất những bổn phận ấy ».
-          Phủ nhận ước vọng đời sống trường cữu là một sự xúc phạm đối với con người.
-          Và Giáo hội vẫn luôn luôn giữ thái độ đối thoại với những người vô thần : « Thực vậy, Giáo hội dù hoàn toàn bác bỏ thuyết vô thần, nhưng vẫn thành thực tuyên bố rằng mọi người, dù tin hay không tin, cũng đều phải trợ lực cho việc xây dựng thế giới này được hợp lý, là nơi họ đang chung sống : điều ấy chắc chắn không thể có được nếu thiếu cuộc đối thoại thành thực và khôn ngoan » (§21).

Kết luận : Chúa Ki-tô, Con Người mới

Đối với Ki-tô giáo, phẩm giá con người chỉ được thực sự soi chiếu một cách hoàn hảo dưới ánh sáng của Đức Ki-tô. Công đồng khẳng định: « Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể » (§22). Chúa Giêsu « đã cho con người biết rỏ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ ». Người là « hình ảnh của Thiên chúa vô hình” ( Col 1,15) đã trở nên giống như con người. Mặt khác, con người được giải phóng khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô.


Trần Văn Khuê
Phẩm giá con người

Chúng ta biết rằng có nhiều quan điểm khác nhau về con người. Những quan điểm xuất phát từ những nền tảng nhân học và triết học khác nhau. Tuy nhiên, xuyên qua mọi ý tưởng, con người có thể là mẫu mực tuyệt đối, nhưng cũng có thể là sự tuyệt vọng.

Đối với những người Ki-tô Hữu, nhân học Ki-tô giáo cho phép nói gì về con người ? Chúng ta sẽ nói về phẩm giá con người từ những trình bày của Công đồng Va-ti-ca-nô II trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng. Những trình bày này của Giáo Hội giúp chúng ta hiểu hơn về con người và những phẩm giá của nó.

  1. Sự nhỏ bé của con người và sự lớn lao của nó

Nhân học Ki-tô giáo, có nền tảng là Thánh Kinh, cho chúng ta biết hai chiều kích của con người : sự nhỏ bé của con người và sự lớn lao của nó. Công đồng viết : « Giáo hội, vì được Thiên Chúa là Đấng mạc khải dạy dỗ, có thể đem lại câu giải đáp cho những khó khăn (quan điểm khác nhau về con người), nhờ đó diễn tả được thân phận đích thực của con người, giải bày những yếu hèn, đồng thời có thể nhìn nhận xác đáng phẩm giá và thiên chức của con người ».

Trước hết, sự lớn lao của con người là được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Khi Kinh Thánh nói con người được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa”, tức là con người được tham dự vào ánh sáng siêu nhiên của Thiên Chúa và luôn luôn hướng về điều thiện mà Thiên Chúa là điều thiện tuyệt đối (thánh Tô-ma A-qui-nô).

Sự lớn lao của con người cũng được diễn tả trong những trang đầu của Kinh thánh là con người được trao cho nhiệm vụ chăm sóc và vun trồng vũ trụ như người làm vườn.

Sau đó là sự nhỏ bé của con người. Sự nhỏ bé của con người là vì con người mang thân phận yếu đuối. Sự tự do của con người rất mỏng dòn. Chính sự lạm dụng tự do mà con người phủ nhận Đấng tạo hóa và đã rơi vào tình trạng nô lệ của tội lỗi. Con người bị chia rẽ trong chính con người của mình qua sự lựa chọn điều thiện và điều dữ, giữa ánh sáng và bóng tối. Hơn nữa, con người cảm thấy không đủ sức để làm chủ sự lựa chọn của mình : điều mà tôi muốn làm thì tôi lại không làm được, điều mà tôi không muốn làm thì tôi lại làm (thánh Phao-lô).

Tuy nhiên, niềm tin Ki-tô giáo không cho phép chúng dừng lại ở nơi bế tắc của con người. Thiên Chúa đã đến giải phóng con người và cho con người được sự tự do đích thực.

  1. Sự hợp nhất hai đặc tính của con người : thể xác và tinh thần

Nhân học Ki-tô giáo phủ nhận sự tách biệt hai yếu tố thể xác và tinh thần như trong tư tưởng của Platon : « Thân xác là tù ngục của linh hồn »,  hay ngược lại với thuyết duy vật Mác-xít chỉ xem con người hoàn toàn vật chất.

Thiên tính và nhân tính của Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô biểu lộ sự hợp nhất hoàn thiện nhất giữa thể xác và tinh thần. Vì vậy, chúng ta không được khinh miệt đời sống thể xác, cũng như không thể phủ nhận yếu tố thiên linh trong con người. Sự nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su soi chiếu ý nghĩa của sự sống con người cả về mặt thể chất và tinh thần.

  1. Phẩm giá của trí tuệ, chân lý và sự hiểu biết

Nói tới phẩm giá con người là chúng ta nói tới khả năng trí tuệ của con người. Con người có khả năng về lý trí, đó là ánh sáng thiên linh mà Thiên Chúa đã đặt để trong con người. Từ đó con người luôn hướng vế : chân- thiện- mỹ mà Thiên Chúa là nguồn (thánh Tô-ma A-qui-nô).

Tuy nhiên, chúng ta sẽ đặt câu hỏi: thế nhưng, tại sao con người có thể làm điều dữ? Đối với thánh Tô-ma A-qui-nô điều dữ sai phạm chỉ là tai nạn của sự hiểu biết. Vì thế, xét về mặt đạo đức, chúng ta chỉ kết án tội lỗi mà không bao giờ kết án người phạm tội !

  1. Phẩm giá của lương tâm

Một yếu tố khác gắn liền với phẩm giá con người là lương tâm. « Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho chính mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người : hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật, con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xé xử theo luật ấy nữa. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ » (§16). 

Chúng ta rút ra điều gì từ khẳng định của Công đồng? Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất của con người có khả năng lý trí. Lương tâm là luật được ghi khắc trong tâm hồn của con người – luật phổ quát: làm điều lành và tránh điều dữ. Chính vì thế, chúng ta thấy tầm quan trọng của việc tôn trọnglắng nghe tiếng nói lương tâm của con người.

  1. Sự cao cả của tự do

« Tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Đấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Ngài con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc » (§17).

Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và dấu chỉ của hình ảnh này là sự tự do. Nói cách khác, tự do làm nên phẩm giá con người được tạo theo hình ảnh Thiên Chúa. Chính vì « phẩm giá của con người đòi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng chế hoàn toàn bên ngoài ». Phẩm giá con người là việc hành động ý thức và tự do, nghĩa là con người được thúc đẩy hành động từ bên trong, chứ không phải vì áp lực bên ngoài.

  1. Về sự chết

Nếu như chúng ta đề cao những phẩm chất của con người, chúng ta cũng không thể tránh né câu hỏi về mầu nhiệm sự chết. Cái chết là cơn ác mộng của con người ! Y học đã nỗ lực rất nhiều nhằm đẩy lùi cái chết, nhưng cũng bất lực ; nhiều người đã muốn kéo dài cuộc sống của mình bằng cách yêu cầu được ướp xác sau khi chết và chờ khi y học phát triển để phục hồi sự sống của mình. Như vậy, chúng ta hiểu được rằng con người mang trong mình khát vọng sâu thẳm về đời sống vĩnh cửu.

Đối với với người Ki-tô Hữu, cái chết đã được chiến thắng qua sự phục sinh của Chúa Ki-tô: « Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta » (1Cor 15,54-57).

  1. Những gì đi ngược lại phẩm giá con người : thuyết vô thần

Công Đồng khẳng định : « Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới kết hiệp với Thiên Chúa » (§19). Như vậy, gạt bỏ Thiên Chúa đồng nghĩa với sự gạt bỏ phẩm giá con người.

Chúng ta nhận thấy có nhiều hình thức vô thần thực hành phổ biến:

-          phủ nhận Thiên Chúa một cách tỏ tường.
-          cho rằng con người không thể quả quyết gì về Thiên Chúa.
-          cho rằng sự tin tưởng vào Thiên Chúa trở nên vô nghĩa.
-          « có người hình dung một Thiên Chúa theo kiểu họ tưởng tượng đến nỗi Thiên Chúa mà họ bài xích không phải là Thiên chúa của Phúc âm ».

Ngoài ra chúng ta còn nói tới vô thần có hệ thống (học thuyêt vô thần hệ thống). Học thuyết này dựa trên những nền tảng :

-          sự tự lập của con người : tự do của con người vừa là mục đính và cứu cánh nhằm điều khiển lịch sử riêng của mình.
-          hệ quả này tạo nên một loại vô thần hiện đại : sự tự giải phóng con người về phương diện kinh tế và xã hội. Tôn giáo được xem là sự ngăn cản của sự giải phóng trên và làm cho con người xao lãng việc xây dựng xã hội dương thế này.

Thái độ của Giáo hội đối với chủ thuyết vô thần:

-          Công đồng khẳng định rằng « Thiên Chúa không có gì nghịch lại với nhân phẩm con người, vì phẩm giá ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa » : trí tuệ và sự tự do.
-          Đối với khía cạnh của hy vọng cánh chung : « Hy vọng cánh chung không làm giảm tầm quan trọng những bổn phận ở trần gian này, trái lại còn tạo thêm những động lực mới giúp hoàn tất những bổn phận ấy ».
-          Phủ nhận ước vọng đời sống trường cữu là một sự xúc phạm đối với con người.
-          Và Giáo hội vẫn luôn luôn giữ thái độ đối thoại với những người vô thần : « Thực vậy, Giáo hội dù hoàn toàn bác bỏ thuyết vô thần, nhưng vẫn thành thực tuyên bố rằng mọi người, dù tin hay không tin, cũng đều phải trợ lực cho việc xây dựng thế giới này được hợp lý, là nơi họ đang chung sống : điều ấy chắc chắn không thể có được nếu thiếu cuộc đối thoại thành thực và khôn ngoan » (§21).

Kết luận : Chúa Ki-tô, Con Người mới

Đối với Ki-tô giáo, phẩm giá con người chỉ được thực sự soi chiếu một cách hoàn hảo dưới ánh sáng của Đức Ki-tô. Công đồng khẳng định: « Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể » (§22). Chúa Giêsu « đã cho con người biết rỏ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ ». Người là « hình ảnh của Thiên chúa vô hình” ( Col 1,15) đã trở nên giống như con người. Mặt khác, con người được giải phóng khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô.