Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

NGỠ NGÀNG


Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh nói về sự ngỡ ngàng của các môn đệ Chúa Giêsu trong lúc gặp gỡ Ngài sau phục sinh. Đây là lần Chúa tỏ mình ra chung cho các môn đệ trong khi các ông đang kể về việc Chúa đã hiện ra như thế nào với những người trong số họ. Họ ngỡ ngàng vì được xem chân tay của Chúa. Từ trình thuật Tin Mừng này chúng ta có thể rút ra một vài gợi ý suy niệm.

Điều thứ nhất, việc nhận biết Đức Giêsu phục sinh không còn là chuyện cá nhân riêng tư hay riêng lẻ, mà là trong lòng của một cộng đoàn đang chia sẻ với nhau về những gì liên hệ tới con người Đức Giêsu : họ đã thuật lại việc mình nhận ra Chúa như thế nào khi Ngài bẻ bánh. Quả thật, hành vi của Đức Giêsu mà hai người môn đệ trên đường về làng Emmau gợi nhớ hình ảnh biến cố Vượt Qua mà họ vừa trải qua, nhưng đồng thời cũng nói về khung cảnh nơi đó họ nhận biết Chúa : việc cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa. Họ cảm nhận niềm vui và ngỡ ngàng về sự hiện diện của Ngài.

Điều thứ hai, Chúa mang đến cho con người sự ngỡ ngàng. Cuộc sống con người được đan xem bởi nhiều yếu tố vui mừng và buồn chán, xác tín và hoài nghi, mạnh mẽ và yếu đuối, thông suốt và mơ hồ…. Chúa đến và con người ngộ ra cái gì đó nơi cuộc sống vượt xa sự hiểu biết và toan tính con người. Về điểm này các nhà tư tưởng nói đó là cách mà Thiên Chúa mạc khải Ngài cho con người (cho con người được biết về Thiên Chúa). Còn về chiều kích thiêng liêng, điều này nói cho chúng ta hiểu rằng cuộc sống không chỉ bao hàm các công thức tính toán, mà nó mang trong chính nó ý nghĩa huyền diệu và Thiên Chúa giúp con người nhận biết.

Hãy để cho những gì đến làm cho chúng ta ngỡ ngàng nơi cuộc sống. Đó mới là sự kỳ diệu của đời sống con người.  

Pet. Trần Văn Khuê, aa

Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

SA MẠC


Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay năm B mô tả cho chúng ta sa mạc mà Chúa Giê-su được Thánh Thần thúc đẩy vào trong đó. Không giống như cách trình bày của thánh Mát-thêu : Chúa Giê-su vào sa mạc để chay tịnh, hay trình bày của thánh Lu-ca : Người không ăn uống gì trong bốn mươi đêm ngày, thánh Mác-cô nói cách đơn giản : nơi đó, trong bốn mươi đêm ngày, Chúa Giê-su bị Sa tan cám dỗ. Mặt khác, khi đọc đoạn Tin Mừng này chúng ta cũng không có cảm tưởng về một sa mạc thiên nhiên, nhưng là không gian mà nơi đó xuất hiện Chúa Giê-su, thiên thần, Sa tan và thú dữ.

Trình thuật này cho chúng ta hai ý tưởng :

Ý tưởng thứ nhất : Chúa Giê-su đi vào sa mạc trong lòng thế giới tạo dựng của Thiên Chúa. Thế giới này có các thiên thần là tính chất uyên nguyên của công trình sáng tạo của Ngài, nhưng một phần đang bị Sa tan chiếm lĩnh. Hình ảnh thú dữ vừa nói lên tính hoang dã và dữ dằn do tội lỗi thống trị. Trong lòng thế giới này Thiên Chúa muốn thực hiện một cuộc tái tạo mới.

Ý tưởng thứ hai là : sa mạc mà Chúa Giê-su được Thánh Thần đưa vào chính là con người. Con người ẩn chứa tính chất « thiên thần », nhưng đồng thời bị Sa tan đánh phá làm cho trở nên « thú dữ ». Từ đây, chúng ta hiểu tạo sao Tin Mừng nhất lãm ghi lại nhiều câu chuyện Chúa Giê-su xua trừ ma quỷ và chữa lành cho người mắc bệnh thần ô uế. Đó cũng là cuộc tái tạo mới mà Chúa Giê-su muốn thực hiện, nhưng là một cuộc tái tạo của lòng thương xót vì Thiên Chúa đã ban cho con người được tự do : đưa con người bị hư mất trở về với Thiên Chúa trong sự tự do.

Ý nghĩa của đoạn Tin Mừng này đưa chúng ta vào hành trình sa mạc nội tâm, trong lòng thế giới, để gặp gỡ Thiên Chúa. Một cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa sẽ hoàn toàn đổi mới con người.

Pet. Trần Văn Khuê, aa

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

MA QUỶ

Bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật V thường niên năm B được trích từ một loạt hoạt động sứ vụ công khai đầu tiên của Chúa Giê-su tại Ga-li-lê trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô. Công việc của Ngài được chú trọng cách đặc biệt nơi việc rao giảng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ nơi con người. Yếu tố thứ ba này cho chúng ta cảm giác : Chúa Giê-su đang bước vào thế giới đã bị ma quỷ xâm nhập tràn lan và chiếm ngự con người. 

Ma quỷ là một thực thể được nói tới từ lâu trong Kinh Thánh – bắt đầu chương thứ nhất của sách Sáng Thế Ký. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tự hỏi : nó thực sự là cái gì ?

Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô là người trong thời đại chúng ta nói nhiều về ma quỷ. Ký giả người Ý, Gelsomino Del Guercio, đăng trên trang aleteia.org bài viết : « Que pense le pape François du diable ? » (Đức giáo hoàng Phan-xi-cô nghĩ gì về ma quỷ)[1], lấy lại một số yếu tố  từ cuốn sách « Il diavolo c’è » của nhà văn người Ý Diego Manetti, tổng hợp những lần Đức Giáo Hoàng nói về ma quỷ nơi các bài giảng, giáo lý và thuyết trình. Nội dung và hình hài của ma quỷ được nhận diện như là :
1.       Kẻ mang đến điều đắng cay
Ma quỷ là hiện thân của người bi quan : gieo rắc điều đắng cay và chán nản cho mọi người và cho Giáo Hội. Trong khi đó Giáo Hội của Chúa Ki-tô luôn được Thánh Thần thánh hóa và ban sức mạnh (x. Bài huấn dụ cho các Hồng y, ngày 15 tháng 03 năm 2013).
2.       Kẻ đánh cắp niềm hy vọng
Khi con đường của chúng ta trở nên ghồ ghề và chông gai, ma quỷ đến - thường ngụy trang dưới hình dạng của thiên thần, để nói với chúng ta lời tuyệt vọng (x. Bài giảng Chúa Nhật lễ Lá, 24/03/2013).
3.       Kẻ gieo mầm lời ba hoa và mối bất hòa
Ma quỷ điến chống phá sự hợp nhất, tạo chiến tranh nội bộ - một loại nội chiến. Đó là cuộc chiến tranh không phải bằng đạn dược, mà bằng cái lưỡi con người (x. Bài giảng cho Lính gác Va-ti-căng, 28/09/2013).
4.       Quỷ khôn khéo
Ma quỷ khôn khéo đưa ra ngàn vạn chương trình phi nhân hóa (làm mất tính người) cho con người, vì tính cách của nó là thù ghét con người (x. Bài suy niệm, 29/09/2014).
5.       Kẻ quyến rũ hiểm độc
« Satan là kẻ quyến rũ, người giăng bẫy. Nó quyến rũ bằng cách làm cho người ta say mê vẻ đẹp, vẻ đẹp quỷ dữ lôi cuốn anh em vào tin tất cả. Với vẻ đẹp quyến rũ này nó biết cách bán và bán rất tốt, nhưng cuối cùng chúng ta phải trả giá đắt » (Bài giảng cho Đội hiến binh tại Va-ti-căng, 03/10/2015).
6.       Hình bóng thần ô uế
Đó là những ý nghĩ không còn muốn chiến đấu trong cuộc chiến cho điều thiện (x. Bài suy niệm, 19/01/2017).
7.       Không đối thoại
« Con rắn, quỷ dữ rất xảo quyệt : chúng ta không thể đối thoại với nó. […]. Tràn ngập những cám dỗ về sự phù vân, kiêu ngạo, hám của, hà tiện ! » (x. Bài suy niệm, 10/02/2017).
8.       Tính chất trần tục
Khi ta không còn chọn con đường của Chúa, mà là con đường của sự phù vân, trần tục (x. Bài suy niệm, 21/02/2017).
9.       Đạo đức giả và xu nịnh
Đạo đức giả được bắt đầu từ xu nịnh. Nó là kỷ thuật của kẻ đạo đức giả, nhằm đạt được mục đích riêng của mình (x. Bài suy niệm, 06/06/2017).
Như vậy, ma quỷ không phải là cái gì đó mà chúng ta mường tượng đến sợ hãi theo trí tưởng tượng, nhưng là thực tại hiện sinh giam hãm con người đến tiều tụy : không thể sống đầy đủ tính chất uyên nguyên con người. Đó là điều mà Tin Mừng cho chúng ta được biết ngang qua các câu chuyện chữa lành của Chúa Giê-su : nó làm cho con người trở nên ô uế, thích sống giữa người chết và hủy hoại chính mình. 
Pet. Trần Văn Khuê, aa

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

BỐN THÁCH ĐỐ CỦA NỀN NHÂN BẢN ĐƯƠNG ĐẠI


Xin được giới thiệu bài viết của nhà báo Béatrice Bouniol : « Les quatre défis de l’humanisme contemporain », được đăng trên tờ nhật báo La Croix, thứ 6 ngày 26 tháng 01 năm 2018, do Bayard Presse, thuộc dòng Đức Mẹ Lên Trời tại Pháp quốc, xuất bản.

Khủng hoảng sinh thái và di dân, trệch hướng của nền kinh tế mất cân đối hay sự phát triển công nghệ đòi buộc chúng ta suy tư lại nền nhân bản mới nếu không muốn nó trở thành một lý tưởng nguội lạnh, xa rời thực tại của thế giới.

Khủng hoảng di dân

Trên hết mọi thách đố hiện nay, đó là khó lòng thực hiện lời cam kết trọng tâm của nền nhân bản : bình đẳng nhân phẩm của mọi con người. Như ghi nhận của nhà sử học, Olivier Christin, vào thế kỷ XVI các nhà chủ nghĩa nhân bản suy nghĩ về « một nhân loại chung » trong bối cảnh toàn cầu hóa.

« Ông giải thích rằng trong lịch sử hiện đại, châu Âu đã biết đến các trào lưu di dân lớn – người Do-thái Tây ban nha, rồi người Can-vanh Pháp, trong khi những khám phá lớn đặt vấn đề về tính đa dạng văn hóa. Nói về các cuộc tranh luận sôi nổi này, những người thuộc Kỷ Nguyên Ánh Sáng đưa ra lời giải đáp : chúng ta liên đới với tất cả mọi con người, ngay cả khi ở xa. » Tiếp theo sau họ, ngày nay một số người đề xuất sự cần thiết tách quyền căn bản của con người với tính chất công dân, số khác mở rộng yếu tố thứ hai này với « tính chất công dân thế giới ».

Thách đố đầu tiên của nền nhân bản, khủng hoảng di dân nhắc nhớ chúng ta về sự bấp bênh của tính lịch sử. Triết gia Marc Crépon, người đưa ra khái niệm : « đồng thuận chết người » nhằm nói tới sự thỏa hiệp với bạo lực, nhắc lại : « Mối tương quan đạo đức duy nhất với người khác đó là sư chăm sóc và trợ giúp, để đáp lại tính chất dễ chết và dễ bị tổn thương của mọi con người chúng ta cần phải luôn chấp nhận thỏa hiệp với nguyên tắc vô điều kiện ».

« Ông nói thêm, một nền nhân bản muốn tránh khỏi hối hận về bất cứ điều gì phải bắt đầu nhìn nhận điểm yếu này và phát minh những con đường để đi ra khỏi tính thụ động. Nỗi dậy, phê bình các diễn từ của người theo chủ nghĩa hư vô là trong số con đường đó, tất cả được xem như cử chỉ của lòng tốt. »

Khủng hoảng sinh thái

Ý tưởng về con người đo lường tất cả mọi thứ, tách khỏi môi trường, đã gây nên nhiều chỉ trích gay gắt. Hệ quả mang tính phá hủy của lối sống con người trên hành tinh và các sinh vật khác phơi bày lỗ hổng của một nền nhân bản tìm cách tách lìa khoa học về con người và khoa học về thiên nhiên suốt chiều dài của thế kỷ XVI và XVII. Việc hâm nóng khí hậu và sự đau đớn của động vật đòi buộc chúng ta từ bỏ quan điểm về con người như hữu thể tự do thuần túy, « không quê hương » theo từ ngữ hiện hành.

Khủng hoảng sinh thái đòi hỏi « suy tư về giới hạn của thẩm quyền và quyền hạn chúng ta, như Corine Pelluchon xác định trong cuốn sách : Ethique de la considération (NXB Seuil). Nó mở ra một nền nhân bản mới bao gồm những thế hệ tương lai và sinh vật khác, nhấn manh về sự tự do, đồng thời về tính vật chất của sự sống và tính chất dễ bị tổn thương. Trong tư tưởng nhân bản cổ điển, tự do của tôi được giới hạn bởi tự do của tha nhân ; luật đảm bảo về điều đó. Tại thời điểm này, chúng ta phải chấp thuận tự giới hạn tiêu thụ nhằm phòng giữ thế giới chung. »

Di sản của nền nhân bản không phải để vứt bỏ, nhưng là để kiện toàn : con người phát triển ý thức về giới hạn khi chú ý tới môi trường xung quanh.

Khủng hoảng tân chủ nghĩa tự do

Tập trung cho sự giàu có, tính chất mong manh, mệt nhọc trong công việc…. Trong lúc mất khả năng điều tiết toàn cầu, câu hỏi của nền nhân bản vang vọng một cách khác : một cuộc sống tốt và tự do là gì ? « Olivier Christin liệt kê : đó không phải là cuộc sống bị rút kiệt trong sự sống còn hay tiêu thụ, không phải là cuộc sống của con người được thu gọn trong sự biến đổi thất thường vì việc điều chỉnh theo mô hình xã hội. Tính tàn nhẫn của kinh tế hiện nay đặt lại câu hỏi về sự hoàn thành, giá trị và cứu cánh của đời sống con người. »

Cũng vậy, nó thúc đẩy suy tư về đồ án xã hội chúng ta. Nền nhân bản hôm nay cũng đi ngang qua chủ nghĩa duy ý chí mang tính chính trị, bởi lẽ « Chính phủ phải khẳng định lại sứ mạng bao hàm tổ chức xã hội cho công lý và hòa bình và không phải cho đặc quyền đặc lợi của một số người, Corine Pelluchon nhấn mạnh. Hệ tư tưởng đưa tới việc quên đi giá trị con người  và phá hủy ý nghĩa của lao động có tên gọi : chủ nghĩa kinh tế. Nó tiêm nhiễm não trạng con người. Tái khẳng định nền nhân bản, theo đuổi dự án giải phóng đưa con người ra khỏi sự thống trị của hiệu năng và mặc cả là cách duy nhất để phòng giữ nền dân chủ. »

Khủng hoảng công nghệ mới

Chương trình thu tóm nơi chính nó tầm quan trọng của thách đố được đặt ra bởi công nghệ mới : chuyển đổi con người, muốn gia tăng tính chất thể lý và tâm trí con người ngõ hầu vượt lên giới hạn sinh học.

Olivier Christin cảnh báo những tiến bộ công nghệ đặt lại vấn đề « ranh giới của nhân vị con người, chiêu tập đầu tư khổng lồ của những người theo chủ nghĩa nhân bản, không chỉ quan tâm tới những khả dĩ của khoa học ». Nó đòi hỏi tranh luận về sự tự do mà Corine Pelluchon nhắc lại : tự do không có nghĩa là được làm mọi thứ, nhưng là hướng sự tiến bộ tới những gì là tốt đẹp mà chúng ta chọn lựa tôn kính và những gì đang tới mà chúng ta từ chối ». 

Chúng ta mong muốn điều gì, định dạng con người như thế nào ? Đó là những câu hỏi mà công nghệ kỹ thuật số cũng đặt ra, như nữ thần học gia, Gemma Serrano, trưởng phân khoa « Nền nhân bản kỹ thuật số » thuộc Trường cao đẳng Bernardins nêu lên.

Bà xác định rõ : « chúng ta không ở trong tình trạng đối diện với những công cụ mới, chúng ta đang bị nhấn chìm trong một nền văn hóa mới mang trong nó một lý tưởng chia sẻ và cộng tác. Việc nhấn chìm này không nhất thiết là tiêu cực với điều kiện chúng ta biết duy trì khả năng phân tích và hành động. Chúng ta không chỉ chịu ảnh hưởng của nền văn hóa kỹ thuật số này, nhưng còn tham dự một cách tích cực trong việc tạo lập nó. »

Như vào thời Kỷ Nguyên Ánh Sáng, giáo dục phải là trung tâm của mọi mối bận tâm chúng ta. Corine Pelluchon đúc kết vấn đề này như sau : « chúng ta không chỉ trang bị cho con người tri thức, nhưng còn phải dẫn dắt họ tới khả năng khẳng định sự tự trị nơi đời sống luân lý và tự nhân bản hóa trong việc phát triển một số thiên hướng luân lý nhất định. Bởi lẽ, không phải chỉ nhận biết thế giới nào chúng ta mong muốn truyền lại cho con cái, nhưng còn là những đứa con nào mà chúng ta mong muốn đặt để vào trong thế giới này. »

Pet. Trần Văn Khuê, aa, chuyển ngữ

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

UY QUYỀN CỦA CHÚA GIÊ-SU


Tin Mừng Chúa Nhật IV thường niên năm B

Ngày Chúa Nhật IV thường niên năm B chúng ta được nghe đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô thuật lại câu chuyện Chúa Giê-su giảng dạy trong hội đường Ca-phác-na-um, miền Ga-li-lê và chữa lành một người bị quỷ ám (Mc 1,21-28). Mác-cô viết : « Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một người có thẩm quyền » ; và tiếp sau khi xua đuổi thần ô uế, « mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau : « Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền »[1].

Uy quyền gợi lên cho chúng ta ý tưởng về quyền bính (auctoritas, latin) : người nắm giữ quyền hành. Lẽ dĩ nhiên, quyền bính này là thẩm quyền hợp pháp. Thuật ngữ quyền bính được diễn giải cách khác nhau nơi từng phạm trù như : triết học, thần học, chính trị hay xã hội, cùng với tư duy khác biệt của mỗi thời kỳ. Trong thời Đế quốc La Mã - nơi và thời điểm mà các bản văn Tân Ước được hình thành, quyền bính là hệ thống luật mà Hoàng đế và các Thẩm phán là hiện thân của quyền bính. Sau đó, một số Giáo phụ cho tới thời Trung cổ thâu nhận ý tưởng này để trình bày về quyền bính của Kinh Thánh và của Người kế vị thánh Phê-rô và các giám mục trong Giáo hội. Tuy nhiên, Risto SAARINEN ghi nhận : « Tân Ước không biết tới quyền bính tương đương trực tiếp với quan điểm của người La Mã, và bản dịch Vulgate của Kinh Thánh không sử dụng từ này ; trong khi đó sử dụng thuật ngữ dunamis (x. 2Cr 8,3 ; Ep 3,16) : [sức mạnh hay khả năng], và exousia (x. Mt 21,23-27) : [quyền chọn lựa và tự do làm theo ý mình muốn] »[2].

Quả vậy, uy quyền của Chúa Giê-su biểu lộ sức mạnh và sự tự do của Thiên Chúa. Uy quyền thuộc bản chất Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su. Thái độ của Chúa Giê-su trong đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô : không nói gì hơn với thần ô uế ngoài việc yêu cầu nó xuất khỏi con người, cũng như thái độ không trả lời các thượng tế và kỳ mục đối với lời chất vấn về quyền bính của Ngài (Mt 21,23-27 ; Mc 11,27-33 ; Lc 20,1-8) : « Ông lầy quyền nào mà làm các điều ấy ? Ai đã cho ông quyền ấy ? » cho thấy quyền bính thuộc Thiên Chúa. Quyền bính là uy quyền của Ngài.

Từ đây, chúng ta hiểu được một trong những khía cạnh của đức tin : nó không chỉ là việc tin hay đặt niềm tin tưởng, mà còn là sự vâng phục (x. Rm 16,26). Nhà thần học người Đức, Dietrich BONHNOEFFER, khai triển chủ đề này một cách sâu xa trong tác phẩm : Nachfolge (bản dịch tiếng Pháp, Vivre en disciple : le prix de la grâce. Tạm dịch : Sống môn đệ Chúa Giê-su : cái giá của ân sủng). Quả thực, lời đáp trả của thánh Phê-rô trước Thượng Hội Đồng Do Thái : « Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm » (Cv 5,29) đã cho chúng ta hiểu về sự vâng phục đức tin này. Đức tin đòi hỏi sự vâng phục nơi người tín hữu đối với Thiên Chúa : lắng nghe và thực thi Lời Chúa cũng như nhìn nhận và yêu mến uy quyền của Ngài.

Pet. Trần Văn Khuê, aa



[1] Theo bản dịch Kinh Thánh, Lời Chúa cho mọi người, NXB Tôn giáo, 2006.
[2] Risto SAARINEN, Autorité (quyền bính), in Dictionnaire critique de théologie, Jean-Yves Lacoste chủ biên, PUF, 1998.

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng


Tin Mừng Chúa Nhật III thường niên năm B


Thánh Mác-cô ghi lại lời này của Chúa Giê-su khi bắt đầu sứ vụ công khai, và đặt gần như là lời mở đầu của Tin Mừng theo thánh sử. « Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng », như vậy có ý nghĩa gì ?

Nhìn vào bối cảnh Tin Mừng chúng ta biết được rằng lời kêu gọi này trước hết nhắm tới người Do-thái là đối tượng mà Chúa Giê-su gặp gỡ trước tiên : « Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa » (Mc 1,14). Tuy nhiên, cũng giống như các bản văn Tân Ước khác, Tin Mừng theo thánh Mác-cô được viết khi các cộng đoàn Ki-tô hữu đã dần được hình thành. Lời này phải chăng cũng nhắm tới các Ki-tô hữu, hay hơn nữa những người đang tiếp cận Tin Mừng ?

Không khó để nhận thấy hai khía cạnh của lời mời gọi của Chúa Giê-su : « sám hối » và « tin vào Tin Mừng ». Sám hối là gì và tin vào Tin Mừng là gì ? Và tại sao « hãy sám hối và tin vào Tin Mừng » ?

Trước hết, sám hối là hành vi con người hối lỗi : « cảm thấy đau buồn, chán ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải »[1]. Như vậy, sám hối mà Chúa Giê-su kêu gọi là một sự thay đổi tận căn. Đó không phải là một sự chuyển dịch : từ vị trí này sang vị trị khác, mà là một sự tìm về với thiện căn của mình.

Tiếp đến, « tin vào Tin Mừng ». Tin Mừng là toàn bộ lời rao giảng và giáo huấn của Chúa Giê-su cũng như hành động của Ngài nhằm chữa lành con người. Nhưng, Tin Mừng còn là chính Chúa Giê-su. Chúng ta biết Tin Mừng đầu tiên được loan báo (Kéryme) như thánh Phao-lô viết : “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, và nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích. Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3-4). Đó cũng là những gì mà thánh Phêrô đã trình bày trong bài giảng đầu tiên cho dân chúng sau biến cố Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,22-24). Quả thật, xuyên suốt từ đầu cho đến kết thúc, bốn cuốn Tin Mừng minh định : Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, đặc biệt là cách trình bày của Tin Mừng theo thánh Gio-an. “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).

Từ những tình tiết trên đây, chúng ta có thể hiểu được phần nào thông điệp chính yếu nơi lời mời gọi của Chúa Giê-su trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta được nghe trong Chúa Nhật III thường niên (Năm B). Một sự tương tác nội tại giữa hai hành vi con người : sám hối và tin vào Tin Mừng. Cần phải sám hối để có thể đón nhận Tin Mừng. Không thể tiếp nhận Thiên Chúa khi con người đang theo đuổi mục tiêu cá nhân đầy nham nhở, và nếu có thì cũng chỉ là một sự tiếp cận hời hợt. Điều mà ân sủng cần đến là sự tự do con người. Mặt khác, “tin vào Tin Mừng” – đón nhận chính Chúa Giê-su làm thay đổi tận căn như trường hợp của Gia-kêu hay Mát-thêu trong Tin Mừng. Như vậy, sám hối và tin vào Tin Mừng chính là đời sống của người Ki-tô hữu.

Pet. Trần Văn Khuê, aa



[1] x. Từ điển Công giáo, Sám hối, NXB TG, 2016, tr. 742.