Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

UY QUYỀN CỦA CHÚA GIÊ-SU


Tin Mừng Chúa Nhật IV thường niên năm B

Ngày Chúa Nhật IV thường niên năm B chúng ta được nghe đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô thuật lại câu chuyện Chúa Giê-su giảng dạy trong hội đường Ca-phác-na-um, miền Ga-li-lê và chữa lành một người bị quỷ ám (Mc 1,21-28). Mác-cô viết : « Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một người có thẩm quyền » ; và tiếp sau khi xua đuổi thần ô uế, « mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau : « Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền »[1].

Uy quyền gợi lên cho chúng ta ý tưởng về quyền bính (auctoritas, latin) : người nắm giữ quyền hành. Lẽ dĩ nhiên, quyền bính này là thẩm quyền hợp pháp. Thuật ngữ quyền bính được diễn giải cách khác nhau nơi từng phạm trù như : triết học, thần học, chính trị hay xã hội, cùng với tư duy khác biệt của mỗi thời kỳ. Trong thời Đế quốc La Mã - nơi và thời điểm mà các bản văn Tân Ước được hình thành, quyền bính là hệ thống luật mà Hoàng đế và các Thẩm phán là hiện thân của quyền bính. Sau đó, một số Giáo phụ cho tới thời Trung cổ thâu nhận ý tưởng này để trình bày về quyền bính của Kinh Thánh và của Người kế vị thánh Phê-rô và các giám mục trong Giáo hội. Tuy nhiên, Risto SAARINEN ghi nhận : « Tân Ước không biết tới quyền bính tương đương trực tiếp với quan điểm của người La Mã, và bản dịch Vulgate của Kinh Thánh không sử dụng từ này ; trong khi đó sử dụng thuật ngữ dunamis (x. 2Cr 8,3 ; Ep 3,16) : [sức mạnh hay khả năng], và exousia (x. Mt 21,23-27) : [quyền chọn lựa và tự do làm theo ý mình muốn] »[2].

Quả vậy, uy quyền của Chúa Giê-su biểu lộ sức mạnh và sự tự do của Thiên Chúa. Uy quyền thuộc bản chất Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su. Thái độ của Chúa Giê-su trong đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô : không nói gì hơn với thần ô uế ngoài việc yêu cầu nó xuất khỏi con người, cũng như thái độ không trả lời các thượng tế và kỳ mục đối với lời chất vấn về quyền bính của Ngài (Mt 21,23-27 ; Mc 11,27-33 ; Lc 20,1-8) : « Ông lầy quyền nào mà làm các điều ấy ? Ai đã cho ông quyền ấy ? » cho thấy quyền bính thuộc Thiên Chúa. Quyền bính là uy quyền của Ngài.

Từ đây, chúng ta hiểu được một trong những khía cạnh của đức tin : nó không chỉ là việc tin hay đặt niềm tin tưởng, mà còn là sự vâng phục (x. Rm 16,26). Nhà thần học người Đức, Dietrich BONHNOEFFER, khai triển chủ đề này một cách sâu xa trong tác phẩm : Nachfolge (bản dịch tiếng Pháp, Vivre en disciple : le prix de la grâce. Tạm dịch : Sống môn đệ Chúa Giê-su : cái giá của ân sủng). Quả thực, lời đáp trả của thánh Phê-rô trước Thượng Hội Đồng Do Thái : « Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm » (Cv 5,29) đã cho chúng ta hiểu về sự vâng phục đức tin này. Đức tin đòi hỏi sự vâng phục nơi người tín hữu đối với Thiên Chúa : lắng nghe và thực thi Lời Chúa cũng như nhìn nhận và yêu mến uy quyền của Ngài.

Pet. Trần Văn Khuê, aa



[1] Theo bản dịch Kinh Thánh, Lời Chúa cho mọi người, NXB Tôn giáo, 2006.
[2] Risto SAARINEN, Autorité (quyền bính), in Dictionnaire critique de théologie, Jean-Yves Lacoste chủ biên, PUF, 1998.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét