Tin Mừng Chúa Nhật III thường niên năm B
Thánh Mác-cô ghi lại lời này của Chúa Giê-su khi bắt đầu sứ vụ công khai,
và đặt gần như là lời mở đầu của Tin Mừng theo thánh sử. « Hãy sám hối
và tin vào Tin Mừng », như vậy có ý nghĩa gì ?
Nhìn vào bối cảnh Tin Mừng chúng ta biết được rằng lời kêu gọi này trước hết
nhắm tới người Do-thái là đối tượng mà Chúa Giê-su gặp gỡ trước tiên :
« Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng
của Thiên Chúa » (Mc 1,14). Tuy nhiên, cũng giống như các bản văn Tân Ước
khác, Tin Mừng theo thánh Mác-cô được viết khi các cộng đoàn Ki-tô hữu đã dần
được hình thành. Lời này phải chăng cũng nhắm tới các Ki-tô hữu, hay hơn nữa những
người đang tiếp cận Tin Mừng ?
Không khó để nhận thấy hai khía cạnh của lời mời gọi của Chúa Giê-su :
« sám hối » và « tin vào Tin Mừng ». Sám hối là gì và tin
vào Tin Mừng là gì ? Và tại sao « hãy sám hối và tin vào Tin Mừng » ?
Trước hết, sám hối là hành vi con người hối lỗi : « cảm thấy đau
buồn, chán ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải »[1].
Như vậy, sám hối mà Chúa Giê-su kêu gọi là một sự thay đổi tận căn. Đó không phải
là một sự chuyển dịch : từ vị trí này sang vị trị khác, mà là một sự tìm về
với thiện căn của mình.
Tiếp đến, « tin vào Tin Mừng ».
Tin Mừng là toàn bộ lời rao giảng và giáo huấn của Chúa Giê-su cũng như hành động
của Ngài nhằm chữa lành con người. Nhưng, Tin Mừng còn là chính Chúa Giê-su. Chúng
ta biết Tin Mừng đầu tiên được loan báo (Kéryme) như thánh Phao-lô viết : “Thưa
anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh
nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, và nếu anh em
giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích. Trước hết,
tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Ki-tô
đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai
táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3-4). Đó
cũng là những gì mà thánh Phêrô đã trình bày trong bài giảng đầu tiên cho dân
chúng sau biến cố Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,22-24). Quả thật, xuyên suốt từ đầu cho
đến kết thúc, bốn cuốn Tin Mừng minh định : Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, đặc biệt
là cách trình bày của Tin Mừng theo thánh Gio-an. “Những điều đã được chép ở
đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ
tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).
Từ những tình tiết trên đây,
chúng ta có thể hiểu được phần nào thông điệp chính yếu nơi lời mời gọi của Chúa
Giê-su trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta được nghe trong Chúa Nhật III thường
niên (Năm B). Một sự tương tác nội tại giữa hai hành vi con người : sám hối và
tin vào Tin Mừng. Cần phải sám hối để có thể đón nhận Tin Mừng. Không thể tiếp
nhận Thiên Chúa khi con người đang theo đuổi mục tiêu cá nhân đầy nham nhở, và
nếu có thì cũng chỉ là một sự tiếp cận hời hợt. Điều mà ân sủng cần đến là sự tự
do con người. Mặt khác, “tin vào Tin Mừng” – đón nhận chính Chúa Giê-su làm
thay đổi tận căn như trường hợp của Gia-kêu hay Mát-thêu trong Tin Mừng. Như vậy,
sám hối và tin vào Tin Mừng chính là đời sống của người Ki-tô hữu.
Pet. Trần Văn Khuê, aa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét