Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay năm B mô tả cho chúng ta sa mạc mà Chúa
Giê-su được Thánh Thần thúc đẩy vào trong đó. Không giống như cách trình bày của
thánh Mát-thêu : Chúa Giê-su vào sa mạc để chay tịnh, hay trình bày của
thánh Lu-ca : Người không ăn uống gì trong bốn mươi đêm ngày, thánh Mác-cô
nói cách đơn giản : nơi đó, trong bốn mươi đêm ngày, Chúa Giê-su bị Sa tan
cám dỗ. Mặt khác, khi đọc đoạn Tin Mừng này chúng ta cũng không có cảm tưởng về
một sa mạc thiên nhiên, nhưng là không gian mà nơi đó xuất hiện Chúa Giê-su,
thiên thần, Sa tan và thú dữ.
Ý tưởng thứ nhất : Chúa Giê-su đi vào sa mạc trong lòng thế giới tạo dựng
của Thiên Chúa. Thế giới này có các thiên thần là tính chất uyên nguyên của công
trình sáng tạo của Ngài, nhưng một phần đang bị Sa tan chiếm lĩnh. Hình ảnh thú
dữ vừa nói lên tính hoang dã và dữ dằn do tội lỗi thống trị. Trong lòng thế giới
này Thiên Chúa muốn thực hiện một cuộc tái tạo mới.
Ý tưởng thứ hai là : sa mạc mà Chúa Giê-su được Thánh Thần đưa vào
chính là con người. Con người ẩn chứa tính chất « thiên thần », nhưng
đồng thời bị Sa tan đánh phá làm cho trở nên « thú dữ ». Từ đây,
chúng ta hiểu tạo sao Tin Mừng nhất lãm ghi lại nhiều câu chuyện Chúa Giê-su
xua trừ ma quỷ và chữa lành cho người mắc bệnh thần ô uế. Đó cũng là cuộc tái tạo
mới mà Chúa Giê-su muốn thực hiện, nhưng là một cuộc tái tạo của lòng thương
xót vì Thiên Chúa đã ban cho con người được tự do : đưa con người bị hư mất
trở về với Thiên Chúa trong sự tự do.
Ý nghĩa của đoạn Tin Mừng này đưa chúng ta vào hành trình sa mạc nội tâm,
trong lòng thế giới, để gặp gỡ Thiên Chúa. Một cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên
Chúa sẽ hoàn toàn đổi mới con người.
Pet. Trần Văn Khuê, aa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét