(Ảnh : Bức điêu khắc nói về thảm họa diệt chủng của Hít-le tại vườn Viện bảo tàng Shoah ở Jerusalem)
Một
khi xã hội bùng nổ nhiều vấn đề như khủng hoảng giá trị, xung đột quyền lợi, bất
công, lạm quyền, tham ô, nền nhân bản xuống cấp…. chúng ta không thể không đặt
lại vấn đề về hệ tư tưởng chi phối đời sống xã hội. Khi đặt vấn đề chúng ta cho
thấy mình là người có khả năng lý trí, biết phản tỉnh và sống đời sống trách
nhiệm. Chính khả năng này giúp thăng tiến đời sống con người và xã hội mà nơi
đó mỗi người chúng ta là nhân tố cấu thành.
Cộng
đồng xã hội con người cần đến hệ tư tưởng để định hình đời sống và hướng đi. Nó
là nền tảng đặt nền móng cho sự phát triển. Con người mang xã hội tính, tức là
khả năng và khuynh hướng sống chung. Tuy nhiên, con người cần điểm tựa để xác định
giá trị và đảm bảo tính vững chắc mang tính nhân văn cho đời sống chung. Cho tới
hôm nay, trong lãnh vực chính trị, hầu hết các nước chọn “nền cộng hòa” – quyền
tối cao thuộc về cơ quan dân cử, làm nền tảng xã hội.
Như
vậy, hệ tư tưởng có tầm quan trọng là thiết lập đời sống xã hội và hơn hết nó
thổi “hồn” vào cơ cấu xã hội. Nó cũng là tiền đề để xây dựng giá trị mang tính
nền tảng và truyền thống của một cộng đồng nhân loại. Nhìn vào xã hội hôm nay
chúng ta nhận thấy khủng hoảng xã hội bao hàm lãnh vực chính trị, kinh tế, giáo
dục… cũng chính là khủng hoảng của hệ tư tưởng.
Khi
hệ tư tưởng trở nên phi lý, nó trở nên phi nhân bản và bạo lực. Paul Ricœur,
triết gia người Pháp (1913-2005), trong tác phẩm “L’Idéologie et l’Utopie”[1] (tạm
dịch : Chủ thuyết không tưởng và sự mơ tưởng), dành một phần để bàn về tư
tưởng của Mác. Trong đó ông đặt ra một số vấn đề nơi tư tưởng mác-xít trở thành
vấn nạn xã hội.
Trước
hết, thay đổi đời sống con người bằng cách thay đổi tư tưởng của họ : “Chúng ta
hãy giải phóng họ khỏi mọi ảo vọng, tư tưởng, giáo điều, thoát khỏi hữu thể ảo
tưởng mang lấy gánh nặng làm họ vàng vọt xanh xao. Chúng ta hãy trỗi dậy chống
lại sự thống trị của tư tưởng. Chúng ta hãy dạy cho con người thay ảo tưởng này
bằng tư tưởng phù hợp với bản chất con người […] và thực tại sẽ bị phá vỡ”[2].
Điều đáng ghi nhận như một số người nhận định, đó là “một sự khởi xướng về thay
đổi triệt để”. Tuy nhiên, Paul Ricœur nhấn mạnh : “Thứ chủ thuyết không tưởng bị
chỉ trích ở đây, đó là nó tham vọng thay đổi đời sống con người chỉ cần thay đổi
tư tưởng của họ”[3].
Quả thật, chúng ta không thể “tẩy não” con người qua việc “cải tạo” họ. Trong
khi đó, tư tưởng nói lên con người khả năng trí tuệ vốn là đặc tính gắn liền với
thiên chức con người.
Tiếp
đến, vấn đề đấu tranh giai cấp. Paul Ricœur nói đây là quan điểm mang đậm tư tưởng
chiến tranh, chứ không tinh thần đại đồng. Nhân danh người nghèo và giai cấp vô
sản, người ta giết chết người khác. Chính vì thế trong cuốn sách “Frères dans le
Christ” (tạm dịch : Anh em trong Chúa Kitô), Đức Hồng Y Ratzinger (Đức Giáo
Hoàng Bênêđíctô XVI) viết khi nói về cuộc cách mạng và phong trào giai cấp vô sản
mà chủ nghĩa cộng sản khởi xướng qua việc đấu tranh giai cấp : “Không còn gì được
gọi là tình huynh đệ bình đẳng giữa mọi người. Thay vào đó, nhân loại bị phân rẽ
thành hai nhóm đối nghịch nhau một cách triệt để : tư bản và vô sản, mà phép biện
chứng về thù nghịch làm kiệt quệ bản chất của lịch sử”[4]. Đức
Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI còn bàn về vấn đề này một lần nữa trong Thông điệp của
ngài “Về niềm hy vọng Kitô giáo”.
Cuối
cùng, về vấn đề lương tâm. Paul Ricœur ghi nhận cách trình bày của Mác về luơng
tâm mang tính hiện sinh : “lương tâm không mang tính tự trị, nhưng nó gắn liền
với tiến trình đời sống thực của hữu thể con người”[5]
như chính ông đã viết : “không phải lương tâm định đoạt đời sống, nhưng đời sống
định đoạt lương tâm”[6].
Tóm lại, Paul Ricœur nói về lương tâm của Mác : “Đối với Mác, lương tâm không
phải là khái niệm khởi đầu, nhưng đó là khái niệm mà chúng ta đạt tới. Vấn đề
lương tâm chỉ tới sau khi người ta đã xem xét bốn điểm quan trọng : sản xuất vật
chất, nhu cầu, sản sinh, và hợp tác giữa cá nhân trong các đợn vị xã hội. Lương
tâm không phải là nền tảng mà chỉ là điều thứ yếu”[7]. Như
vậy, chúng ta nhận thấy rất khó khi phải đề cập đến vấn đề lương tâm như yếu tố
xác định hành vi đạo đức.
Tóm
lại, khi hệ tư tưởng trở nên phi lý nó chỉ là sự phá hủy và không còn khả năng
thiết lập hay kiến tạo một xã hội công bình và huynh đệ. Sự níu kéo điều phi lý
đến mức mù lòa với điều thiện đi ngược lại khuynh hướng con người vốn hướng thượng
và đi tìm chân lý.
Trần Văn Khuê
[1] Paul Ricœur, L’Idéologie
et l’Utopie, Ed. Seuil,
1997 (Lectures on Ideology and Utopia,
Columbia University Press, New York, 1986).
[2] Paul Ricœur trích lại trong cuốn L’Idéologie
et l’Utopie, tr. 107.
[3] Paul Ricœur, L’Idéologie
et l’Utopie, Seuil, 1997, p. 107.
[4] Joseph Ratzinger, Frères
dans le Christ, Ed. du Cerf, 1962, p. 26.
[5] Paul Ricœur, L’Idéologie
et l’Utopie, Seuil, 1997, p. 115.
[6] Paul Ricœur trích lại trong cuốn L’Idéologie
et l’Utopie, tr. 118.
[7] Paul Ricœur, L’Idéologie
et l’Utopie, Seuil, 1997, p. 122.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét