Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

HẠNH PHÚC LÀM NGƯỜI KITÔ HỮU


Hạnh phúc là chủ đề suy tư lớn nhất về cuộc sống con người nơi nhiều dòng tư tưởng. Người ta đồng ý với nhau rằng hạnh phúc là mục tiêu tối hậu của con người trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Tuy nhiên, hạnh phúc là gì thì vẫn mãi là vấn đề tranh cãi. Chính Aristote, triết gia cổ Hy Lạp, có nhiều suy tư về hạnh phúc, trong tác phẩm của ông : “Ethique à Nicomaque”, cũng phải thừa nhận : hạnh phúc chỉ mang tính tương đối. Bởi lẽ, hạnh phúc là cái nhà hay chiếc xe, hạnh phúc là sức khỏe hay sắc đẹp, hạnh phúc là công danh sự nghiệp hay cuộc sống bình dị, ….? Tất cả tùy thuộc nơi con người riêng biệt và vào hoàn cảnh đặc biệt.

Từ cảm nghiệm và chia sẻ thì một trong những hạnh phúc lớn nhất là làm người Kitô hữu. Đó không phải vì Kitô giáo là nguồn xuất phát của nhiều lễ hội, nhưng trước hết, Kitô giáo đưa con người hòa quyện vào giữa Trời và Đất. Quả thật, qua công trình tạo dựng, Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại và làm thành với lịch sử con người, bởi vì “không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (x. Ga 1, 3). Vũ trụ là nơi vạn vật sinh sống và cũng là nơi Thiên Chúa cư ngụ. Hơn nữa, Thiên Chúa còn tự mặc lấy cho mình dung mạo con người nơi Mầu nhiệm Nhập thể : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (x. Ga 1, 14). Con người được trở nên hoàn hảo nơi việc Trời - Đất giao duyên.

Kitô giáo còn giúp con người chân nhận phẩm giá vốn có của chính mình. Phẩm giá này không phải được ban phát hay tự quyết bởi bất cứ ai, ngoài Đấng là Nguồn mạch sự sống : “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (x. Ga 1, 16). Phẩm giá lớn lao nhất là con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, mang nơi mình chiều kích thánh thiêng bất khả xâm phạm, khả năng lý trí để nhận biết giá trị siêu việt cũng như khả năng phân biệt thiện ác qua tiếng nói lương tâm và tự do chọn lựa có trách nhiệm, như trình bày của Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng. Con người vì thế không chỉ nhỏ bé nơi thân phận phàm nhân, nhưng còn lớn lao trong tước vị làm con Thiên Chúa.

Hơn nữa, Kitô giáo, qua ánh sáng Lời Chúa, chỉ cho con người con đường đạt tới hạnh phúc. Con đường này là con đường nội tâm được mô tả một phần trong Tám Mối Phúc :

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ (Mt 5, 3-10).

Ý nghĩa lược diễn từ Tám Mối Phúc này : cần có tâm hồn nghèo khó để đón nhận ; sống hiền lành nhằm chung hưởng Đất Hứa ; trải nghiệm sầu khổ để cho người được hỷ hoan ; nên người công chính cho cuộc sống tròn đầy ; xót thương cho con người được yêu mến ; với tâm hồn trong sạch để nhìn thấy mọi sự thiện hảo ; xây dựng hòa bình vì đó là Nước Thiên Chúa ; và can đảm sống công chính, vì là con đường dẫn tới sự sống muôn đời.

Hẳn tôi và bạn, chúng ta hạnh phúc là người Kitô hữu.


Trần Văn Khuê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét