Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

CHÈO RA CHỖ NƯỚC SÂU MÀ THẢ LƯỚI

(Hình ảnh : Biển hồ Ga-li-lê)

Chúa Giêsu mời gọi thánh Phêrô “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”, và Người cũng mời gọi tất cả chúng ta đi xuống dưới dáng vẻ bên ngoài để thể hiện một cuộc sống thâm trầm hơn, có ý thức và có ý nghĩa hơn. Nếu bạn đáp lại lời mời gọi ấy, thì đâu là đòi hỏi cụ thể mà bạn phải thực hiện trong cuộc sống mỗi ngày ? Nơi bản thân, đâu là chỗ mà bạn cảm thấy có sự kháng cự làm bạn khước từ lời mời gọi “đi xuống sâu hơn” ?

Qua trình thuật về câu chuyện kêu gọi các môn đệ đầu tiên (Lc 5, 1 - 9), thánh sử Luca đã chuyển tải lời mời gọi của Chúa Giêsu một cách sinh động, khi Người bảo các môn đệ chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Qua đó, Người cũng đảm bảo rằng, bất cứ điều gì chúng ta khám phá được nơi bản thân mình, đều có thể được biến đổi nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Sau một đêm vất vả luống công và chán nản, Phêrô cùng với bạn chài đang giặt lưới và chuẩn bị nghỉ việc. Bỗng Chúa Giêsu xuất hiện và giảng dạy cho dân chúng. Vì dân chúng chen lấn muốn đến gần Người, nên Chúa Giêsu xuống thuyền của Phêrô và xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Sau đó, Người bảo ông “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Thoạt tiên ông chống cự lại lời yêu cầu của Chúa Giêsu : “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì”. Nhưng, cuối cùng Phêrô dịu lại và thưa : “...Nếu Thầy đã nói thế thì tôi sẽ thả lưới”. Họ đã bắt được rất nhiều cá, hầu như rách cả lưới. Họ gọi bạn chài mang thuyền đến giúp và đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Việc Chúa Giêsu chỉ dạy các môn đệ chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới có thể được xem như hành động mời gọi chúng ta nhận biết mình và đi vào đời sống nội tâm. Sự phản kháng của Phêrô cũng phản ánh thái độ miễn cưỡng và lo sợ mà chúng ta cảm nghiệm, khi chúng ta được kêu gọi rời bỏ cuộc sống hời hợt để đi vào trong con người thâm sâu của mình. Chúng ta lo lắng không biết mình sẽ gặp thấy gì trong cõi thâm sâu. Chúng ta tự nhủ, liệu những gì chúng ta gặt hái được có đáng để phấn đấu và chấp nhận đau đớn có thể xảy ra không. Sau mẻ cá kỳ diệu, Phêrô đã run sợ sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và nói : “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Cũng vậy, con người phản kháng và lo sợ của chúng ta cần nghe lời trấn an của Chúa Giêsu : “Đừng sợ ! Từ nay con sẽ là người đi thu phục người ta”. Qua lời trấn an đó, chúng ta có thể nghe Chúa Giêsu Phục Sinh nói rằng : “Đừng sợ! Thầy sẽ ở với anh em. Tất cả những gì anh em tìm thấy nơi đáy lòng mình, Thầy sẽ sử dụng để làm lợi cho anh em”. Là môn đệ Chúa Giêsu trong thời đại hôm nay, chúng ta cũng được Người cam đoan : nếu chúng ta phát huy việc nhận biết mình và sự toàn vẹn, thì qua con người trọn vẹn của chúng ta, Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta bắt được một mẻ cá lớn nhằm nuôi dưỡng bản thân mình cũng như cho người khác.

Sử dụng một hình ảnh khác trong Tin Mừng, chúng ta có thể nói rằng, Linh đạo Kitô giáo là một hành trình băng qua cánh đồng là chính con người chúng ta, để khám phá ra kho báu đã được chôn giấu trong đó. Kho báu là nơi Thiên Chúa hiện diện, như Chúa Giêsu đã nói : “Nước Trời giống như một kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi đi bán tất cả...mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13, 44). Hành trình nội tâm là chuyến đi vất vả, băng qua nhiều lớp ý thức của tinh thần. Hành trình này làm chúng ta hoảng sợ, bởi vì phải đối phó với một địa hình mà chúng ta chưa biết. Cha Gerard Hugles, tu sĩ dòng Tên, quả quyết rằng : “Hành trình này luôn luôn bao gồm sự nghi nan, đau khổ và bối rối nhất định. Cảm xúc tiêu cực ấy là lực đẩy nhẹ nhàng của Thiên Chúa”. Tin tưởng vào sự nâng đỡ đầy yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta có thể tiếp tục lên đường ; đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu mà đi xuống sâu hơn, và chúng ta sẽ ngỡ ngàng khi khám phá được Nước Thiên Chúa đang ở trong lòng chúng ta.


E. Trúc Giang, spc

2 nhận xét:

  1. Xin hoi giao ho Phan Thon nam o dau trong tp Vinh. Cam on cha vi muon toi tham cd. DMLT.

    Trả lờiXóa