Trong
một bài viết trước đây tôi nói về việc trở thành Ki-tô hữu hôm nay : người
Ki-tô hữu sống xác tín, có khả năng đối diện với thách đố văn hóa mới, xây dựng
“thế giới nhân bản” (x. http://saokhue-saokhue.blogspot.com/2011/05/tro-thanh-ki-to-huu-hom-nay.html).
Tuy nhiên, trong bài viết này tôi chưa đề cập đến con đường sống lý tưởng Ki-tô
giáo lại là con đường đầy chông gai và thử thách. Phần thưởng dành cho ai yêu mến
Chúa là sự đau khổ như kinh nghiệm của thánh nữ Tê-rê-xa Giê-su thành A-vi-la.
Đau khổ này không thuộc bản chất Ki-tô giáo, nhưng là thứ đau khổ mà như Chúa
Giê-su nói : “Vì danh Thầy anh em sẽ bị thù ghét” (x. Mt 10, 22).
Sống
nơi vùng đất mang đậm dấu ấn từ con người khởi xướng phong trào cộng sản tôi gặp
gỡ một số cụ ông cụ bà ở tuổi 80, 90 và cao hơn nữa, hồi tưởng về cuộc sống của
người Công giáo trong giai đoạn chiến tranh – lúc mà người ta biến người nông
dân chân lấm tay bùn thành người cộng sản giáo điều : sống cựa quyền và thi
hành mệnh lệnh cách máy móc. Đôi mắt của các cụ long lanh khi kể nhiều câu chuyện
buồn lịch sử. Chuyện của các cụ là chuỗi dài sự kiện nối tiếp nhau : từ chuyện vật
chất tới con nguời. Có câu chuyện như qua một đêm con bò con trâu của nhà mình bổng
chốc thành vật sử hữu của người khác, hay là lúa mới từ ngoài đồng về tới sân
đã thuộc về người ta. Gia sản gia đình lần lượt ra đi vì cưỡng bức. Cái còn lại
duy nhất là sự “câm lặng” và “lầm lũi”. Tất cả chỉ vì “ta là người có đạo”.
Tuy
nhiên, hôm nay tôi vẫn thấy trên gương mặt của các cụ toát lên nét tinh thần
thanh thoát và thấm đượm nơi tâm hồn lòng nhân ái : không hận thù và cũng không
gian ngoa, nhưng là sự điềm đạm và lòng quảng đại. Toàn thân con người bộc lộ sự
bình an tự tại và tâm trí biểu lộ lòng tin tưởng vững vàng vào Thiên Chúa quan
phòng và tình yêu của Ngài. Các cụ nói chuyện với tất cả niềm xác tín sâu xa :
“Có Chúa”, và không quên thêm vào câu nhấn : “con đã thấy như thế”. Tôi thật sự
ngưỡng mộ tâm hồn tươi trẻ và tràn đầy sức sống nơi con người da nhăn, má hóp
và lưng còm. Họ đích thực là người môn đệ mà Chúa Giê-su yêu mến. Niềm vui của
họ cũng là niềm vui của người môn đệ đã sống và cảm nghiệm Thiên Chúa hiện hữu
trong đời sống.
Trở
thành Ki-tô hữu chúng ta không đi tìm sự đau khổ và cả cái chết. Tuy nhiên, trong
đau khổ người môn đệ cảm nghiệm lời chúc phúc và lời hứa của Chúa Giê-su :
“Phúc cho ai chịu bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,
10). Niềm vui của người môn đệ Chúa Giê-su là niềm vui Phúc Âm : niềm vui tình
yêu, niềm vui tha thứ và niềm vui sống đời sống công chính. Niềm vui này loan
báo Nước Trời – nơi đó không còn hận thù, chiến tranh, thái độ cực đoan giáo điều,
nhưng là “bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (x. Rm 14, 17).
Niềm
vui Phúc Âm của người môn đệ Chúa Giê-su là niềm vui hòa giải. Nó không
phải là thứ thỏa hiệp theo phương châm : “Dĩ hòa vi quý”, hay chấp nhận tính
tương đối về một lý tưởng sống hoặc ý thức hệ. Nhưng, đó là cung cách sống biểu
lộ tinh thần quảng đại và vị tha. Thái độ sống này làm cho người môn đệ Chúa
Giê-su có được tinh thần thanh thoát và niềm vui tràn đầy phát xuất từ tâm hồn
của con người nội tâm.
Trần Văn Khuê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét