Ngày
càng nhiều người có khuynh hướng sống niềm tin cá nhân, ngay cả những người đã từng ngụp
lặn trong đức tin Kitô giáo. Niềm tin là chuyện riêng tư và cá nhân trong thế
giới mà trong đó chủ nghĩa cá nhân lên ngôi. Đời sống tôn giáo được hoàn toàn quy
về “tự do lương tâm cá nhân” : niềm tin cá nhân. Cũng chính vì thế mà người ta
rất dè dặt nói về niềm tin hay đời sống đức tin của mình và của người khác. Mặt
khác, “tự do tín ngưỡng” gắn liền với quyền cơ bản con người đặt ranh giới cho
phạm vi cá nhân và công chúng.
Đức
tin Kitô giáo về bản chất lại hoàn toàn khác. Nó được đặt nền tảng trên ân sủng
và đời sống ân sủng được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần trong cuộc sống hiện tại.
Truớc
hết, đức tin là ân sủng trao ban đến từ Thiên Chúa. Đức Giêsu nói với Phêrô : “Mạc
khải này đến với con [sự hiểu biết của Phêrô về Đức Giêsu là Đấng Kitô (Đấng
ban ơn cứu độ)] không phải từ xác thịt và máu huyết, nhưng từ Cha của Thầy ở
trên trời” (Mt 16,17). Cũng trong mạch tư tưởng này thánh Gioan viết : “Không
ai đến được với Ta nếu Cha Ta đã sai Ta không lôi kéo nó” (Ga 6,44). Đời sống đức tin
nơi người Kitô hữu là đời sống được Thiên Chúa lôi cuốn để trở nên chính mình
trong Ngài. Đó là đời sống bị cuốn hút mở ra với sự siêu việt của Thiên Chúa. Con
nguời khao khát (được lôi cuốn) “hướng về” Đấng là nguồn mạch sự sống, như kinh
nghiệm của thánh Augustinô : “Lạy Chúa, tâm hồn chúng con hằng khắc khoải cho tới
khi tìm được sự yên nghỉ trong Ngài” (Tự
Thuật, I,1,1).
Mặt
khác, đức tin lại mang chiều kích xã hội. Đời sống đức tin bao hàm sự hiệp
thông và liên đới. Đó là đức tin sống động theo Tin Mừng mà Đức Giáo Hoàng
Bênêđíctô XVI trong thông điệp của mình, Spe
salvi (Về niềm hy vọng Kitô giáo) viết : “Tin Mừng Kitô giáo không những
mang tính chất “thông tin”, nhưng còn mang tính “kích động” – có nghĩa là : Tin
Mừng không những chia sẻ những điều có thể hiểu biết, nhưng còn là một sự chia
sẻ đưa đến hành động và biến đổi cuộc đời” (số 2). Hiệp thông và liên đới được
sống trong cộng đoàn đức tin cũng như với mọi người thành tâm tìm kiếm chân lý và
điều thiện trong đời sống. Người sống đời sống ân sủng của Thiên Chúa không thể
thờ ơ với cuộc sống của người khác hay dửng dưng trước những gì đang đe dọa cuộc
sống con người. Việc dấn thân trong đời sống xã hội và cho con người không phải
được thúc đẩy bởi động lực chính trị hay đơn giản là nỗ lực tìm kiếm nước trời
(sự đánh đổi), nhưng cách sâu xa như thánh Phaolô nói : “Tình yêu Đức Kitô thúc
bách tôi”. Tình yêu đó là tình yêu mà Đức Giêsu tuyên bố : “Ta đến để cho chúng
được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Sống trong chân lý Tin mừng này các Kitô
hữu không sợ sai lầm trong việc dấn thân trong thế giới hôm nay và ngày mai.
Trần Văn Khuê, aa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét