Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

THEO DÒNG THỜI SỰ


Nói tới sự kiện liên quan tới Việt Nam gần đây, chúng ta không thể không nhắc tới cuộc hội kiến giữa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI với ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, tại Vatican vào sáng ngày 22 tháng 01 năm 2013, nhân chuyến viếng thăm Italy của phái đoàn Nhà nước Việt Nam. Cuộc viếng thăm đã thu hút sự quan tâm của quan sát viên báo chí quốc tế và nhà bình luận. Mối quan tâm của các quan sát viên báo chí quốc tế xuất phát từ việc Đức Giáo Hoàng dành cho ông Nguyễn Phú Trọng nghi thức tiếp đón được dành cho một nguyên thủ quốc gia, và vào ngày nghỉ của Ngài (thứ ba hàng tuần).

Có nhiều phỏng đoán và bình luận trái chiều – tích cực và tiêu cực, từ cuộc viếng thăm này trong bối cảnh Việt Nam đang bị “Đàn anh phương Bắc” chèn ép và các vụ bắt bớ, kết án những người có tiếng nói đối lập trong nước, đặc biệt là 14 thanh niên Công giáo và Tin lành gần đây[1]. Thực ra thì thông cáo báo chí của Tòa Thánh cũng chỉ cho biết cách ngắn gọn về cuộc hội kiến : “các cuộc thảo luận diễn ra trong tình thân ái”, liên quan tới “những vấn đề quan tâm của Việt Nam và Tòa Thánh… Hai bên cũng hy vọng giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng và cũng cố việc hợp tác vững mạnh thêm”. Có lẽ nhiều người quan tâm đặt câu hỏi : “những vấn đề quan tâm của Việt Nam và Tòa Thánh” cũng như “một số vấn đề tồn đọng” là gì và việc “cũng cố hợp tác vững mạnh thêm” như thế nào ? Có nhiều bài bình luận trên báo chí trong những ngày qua.

Tôi có cái nhìn thực tế hơn, không phải từ cuộc tiếp đón “ly kỳ” hay từ những “cụm từ” được nêu ra trong thông cáo báo chí của Tòa Thánh, mà từ bài phỏng vấn của ông Tổng bí thư do BBC thực hiện. Mời quý vị xem cuộc phỏng vấn này :



Chúng ta nhận thấy trong bài trả lời phóng viên đài BBC của ông Nguyễn Phú Trọng không có gì mới mẻ so với những gì mà chúng ta vẫn từng được nghe.

Trước hết, ông Nguyễn Phú Trọng xác quyết, dù tình hình kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng trong những năm qua nhưng nền kinh tế và đời sống người Việt Nam ở quê nhà vẫn đứng vững. Ông phát biểu : “Mặc dù gần đây thì kinh tế thế giới có những suy thoái, có những khủng hoảng tài chính, nhưng Việt Nam chúng ta vẫn đứng vững, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát từ 18% xuống còn 6%-7% thôi, an sinh xã hội vẫn đảm bảo, đời sống tốt, vừa rồi bà con vui No-en đông lắm ; sáng nay tôi gặp Giáo Hoàng, nói rằng bà con vui No-en đông lắm.” Theo tôi hiểu, từ lời phát biểu này, thì Việt Nam là Nước (có lẽ là duy nhất) nằm ngoài ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Có hai vấn đề ở đây : thứ nhất, khả năng để Việt Nam “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”, không chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, đó là Việt Nam “nằm ngoài” hệ thống kinh tế thế giới (chúng ta là duy nhất theo “nền kinh tế định hướng XHCN”!) ; thứ hai : những vụ bế bối tài chính do tham nhũng, do lũng đoạn chính trị được phanh phui gần đây trên báo chí không là cái gì ; những con số khổng lồ mà những người dân Việt Nam bình thường chưa bao giờ nhìn thấy (ngay cả trong giấc mơ) trong các vụ tham nhũng là chuyện nhỏ ; “an sinh xã hội vẫn đảm bảo, đời sống tốt” ; “bà con vui No-en đông lắm” ! Chắc đây phải “nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước”. Hẳn gì, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải thích trước dân : đã 51 năm trung thành đi theo Đảng, nay vì được Đảng giao phó nên tiếp tục gánh vác sự nghiệp giang sơn Đất nước cho đến hết chặng đường cuối cùng !

Tiếp đến, “Ngày No-en không phải chỉ là ngày của đồng bào Công giáo thôi, thành ngày hội của toàn dân, rất vui”. Không biết là Đức Giáo Hoàng đón nhận như thế nào báo cáo này của ông Nguyễn Phú Trọng ? Theo sự hiểu biết của tôi thì Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI là một nhà thần học uyên thâm luôn đi sâu vào trong nội dung chính yếu đời sống đức tin của người Công giáo. Đời sống Kitô hữu là kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa trong việc lắng nghe Lời Chúa và sống việc cử hành các Bí tích trong Giáo Hội, chứ không phải từ lễ hội. Kitô giáo không phải là tôn giáo lễ hội. Chính đời sống đức tin này làm cho các Kitô hữu trở thành con người tự do và tìm kiếm tự do, công bình và bác ái. Nếu Đức Giáo Hoàng vui mừng vì ngày Lễ No-en là ngày hội thì Ngài không cần phải đi sang tới Việt Nam và chờ cho tới ngày hôm nay ; thế giới đã đón chào ngày Lễ No-en như ngày hội đã lâu lắm rồi. Ông Nguyễn Phú Trọng đã chủ quan đánh giá thấp sự biết của Đức Giáo Hoàng !

Cuối cùng, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục : “Tôi có nói là tất cả chúng ta đều vì mục đích là chăm lo làm sao để đảm bảo đời sống của nhân dân về vật chất và tinh thần, sống tốt đời đẹp đạo, sống Phúc âm trong lòng dân tộc, mỗi người Công giáo tốt thì trước hết phải là một công dân tốt ; Giáo Hoàng nói với tôi như thế rất phấn khởi.” Chúng ta không xa lạ với những lời trích này, được Đảng và Nhà nước rút ra cách vội vàng từ văn kiện của Giáo Hội để giảng dạy cho người Công giáo từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, có điều đặc biệt trong lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng lần này : “Giáo Hoàng nói với tôi như thế rất phấn khởi” ; nghĩa là kể từ đây ông không cần phải tìm kiếm nơi đâu khác bài giảng sống đạo cho người Công giáo  - ngay cả qua trung gian các tài liệu Giáo Hội đầy đủ hay qua sự diễn giải của Hội đồng Giám mục Việt Nam về việc sống Phúc âm của người Công giáo trong thế giới hôm nay : “Giáo Hoàng nói với tôi như thế”. Ông cho thấy mình là chứng nhân sống cho xác quyết : “mỗi người Công giáo tốt thì trước hết phải là một công dân tốt” ! Về vấn đề này – cả về phần nội dung và hình thức (cách trích dẫn) đã có nhiều bài bình luận của các chuyên gia và những người hữu trách Giáo Hội, tôi không trở lại với những phê bình. Điều duy nhất tôi muốn nói là tôi hoàn toàn nghi ngờ về tính lương thiện trong lời trích này !

Dù có những phỏng đoán như thế nào thì phát biểu này của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ vẫn còn là chính sách "nhất quán" của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong một thời gian tới !

Trần Văn Khuê



[1] Xem : “Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh phản đối bản án phi pháp và bất công”, ngày 20 tháng 01 năm 2013 ( http://giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=8989 ).

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

CON NGƯỜI VÀ HẠNH PHÚC


Con người được sinh ra cho hạnh phúc. Hẳn nhiên, xác quyết này không thể bị phủ nhận bởi bất cứ ai, dù họ thuộc những khuynh hướng triết học hay tôn giáo khác nhau. Nó cũng không thể bị phủ định bởi kinh nghiệm về thân phận con người, ngay cả khi kinh nghiệm này có tăm tối như thế nào.

Con người được sinh ra cho hạnh phúc. Đó, trước hết, bởi vì khi sinh ra con người được Thượng Đế ban cho quyền thừa hưởng những gì trong trật tự tự nhiên của vũ trụ. Con người không chỉ được bình quyền về phẩm giá, vai trò trong đời sống xã hội mà còn bình quyền về việc vui hưởng những gì thuộc về nó cách tự nhiên.

Con người được sinh ra cho hạnh phúc. Đó còn vì con người là quà tặng cho người khác. Sự sống mới được ban tặng khi một người được sinh ra là niềm vui cho hết thảy. Ngày mà bạn và tôi sinh ra trong đời này là ngày vui tràn đầy của cha mẹ, gia đình, bạn bè, làng xóm của bạn và của tôi.

Trái với hạnh phúc là điều bất hạnh – thứ bất hạnh trái tự nhiên. Sự bất hạnh khởi thủy khi con người sinh ra mà không được đón nhận. Việc có mặt của con người này được xem như “tai nạn”, “ngoài ý muốn” hay trở nên “của nợ” đối với người khác. Điều trớ trêu, người khác lại không phải là người xa lạ mà là người thân cận ! Có những em bé đã bất hạnh ngay từ trong lòng mẹ. Sự bất hạnh của bé không phải vì “thiên định”, mà do chính tư tưởng điên rồ con người.

Sự bất hạnh còn là việc tước quyền mưu cầu hạnh phúc của người khác – quyền tự nhiên cơ bản. Có những người - chúng ta thường thấy trong các chế độ độc tài, tự cho mình cái quyền cao hơn sự sống, vận mệnh của người khác và ngang nhiên tước quyền mưu cầu hạnh phúc của họ. Quyền mưu cầu hạnh phúc, đó là quyền bình đẳng, quyền được sống xứng với nhân phẩm, quyền được chọn cho mình nơi ở, quyền được bày tỏ quan điểm riêng, quyền tự do lương tâm,…. Những quyền cơ bản này không do luật thiết định, nhưng qua luật tự nhiên ; chúng cũng không phải chỉ riêng là quan điểm của các tôn giáo, chính Hiến chương Liên Hiệp Quốc về Quyền con người cũng đã xác định.

Con người và hạnh phúc là tự nhiên, nhân bản và đạo đức. Ai không mưu cầu hạnh phúc hay chống lại hạnh phúc là chống lại con người !

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

NHỮNG ĐAO PHỦ ĐẾN TỪ CHỦ THUYẾT GIÁO ĐIỀU


Khi nói về lịch sử thế giới và nhắc lại những vết đen của nó người ta thường trưng diễn biến cố Shoah – thảm họa diệt chủng người Do-thái do Hít-le và Phát-xít Đức gây ra vào những năm 40 của thế kỷ XX. Đó không hẳn vì thảm họa này kinh khủng hơn những thảm họa do các nhà độc tài khác trên thế giới gây ra từ trước đến nay, hay phần còn lại của thế giới trong sạch hơn, nhưng vì chúng ta nhận thấy một trong những điều khủng khiếp nhất nơi biến cố này là con người bị giáo điều hóa bởi thứ chủ thuyết không tưởng đến mức cuồng loạn như thú vật. Chủ thuyết giáo điều biến con người thành những tên đao phủ rùng rợn.

 Xem các bộ phim về biến cố Shoah chúng ta không thể không căm giận khi nhìn thấy gương mặt vô hồn, thản nhiên của những tên đao phủ chỉ biết thi hành mệnh lệnh cách vô lý trí và kẻ đã hun đúc họ thành những kẻ tìm thấy sự phấn khích trong việc hành hạ người khác cách đau đớn về thể xác cũng như tinh thần. Các nhân chứng sống của biến cố này kể lại việc Phát-xít Đức đã tuyển những chàng trai “thông minh, tuấn tú” – thuộc “dòng máu trắng”  để nhào nặn họ thành các tên đao phủ như thế nào. Sau khi đã được “đào tạo” – đúng hơn là được “nhào nặn” qua chủ thuyết giáo điều không tưởng tôn thờ thần tượng, con người “thông minh, tuấn tú” bỗng dưng trở thành kẻ khát máu, phấn khích trong việc bắn giết đến khó hiểu và đáng thương hại.

Nhắc lại chút lịch sử này - một vết đen không thể tẩy rửa trong lịch sử nhân loại, để không phải đưa chúng ta về với sự thù hận, bạo lực hay cái nhìn bi quan về con người – tại sao con nguời lại có thể “hành hạ” nhau cách vô nhân tính, nhưng để chúng ta – những người thiện chí cho một nhân loại nhân bản hơn, cần phải cảnh giác với thứ chủ thuyết giáo điều không tưởng có nguy cơ biến con người lương thiện thành nạn nhân vô tội. Nguy cơ này không phải là điều tưởng tượng, nhưng là những “hiện thực” trong thế giới hôm nay mà chúng ta có thể đưa mắt nhìn xung quanh, những gì đang xảy ra.

Trong cái nhìn về “nạn nhân”, xét cho cùng, người đáng bị lên án hơn hết chính là kẻ “lợi dụng” thứ chủ thuyết giáo điều không tưởng để biến nguời khác thành công cụ và đồng thời cũng là nạn nhân. Nhưng ai và cái gì có thể thức tỉnh họ ? Nơi biến cố Shoah chúng ta thấy việc thức tỉnh là điều không thể, chỉ trừ một số ít trường hợp ngoại lệ đã bắt gặp được sự kiên nhẫn và lòng bao dung vô hạn của các nạn nhân biến đổi họ từng ngày.

Trần Văn Khuê, aa