Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

TIN MỪNG VÀ CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ


Loan báo Tin Mừng và vấn đề xã hội là chủ đề xuyên suốt của các cuộc tranh luận gần đây trong lòng Giáo Hội Việt Nam. Ít nhiều tư tưởng muốn đưa Tin Mừng gần hơn với vấn đề con người trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại – một trong những xã hội được nhận định là thiếu công bằng, tự do dân chủ và quyền con người bị chà đạp. Tuy nhiên, những người đứng đầu Giáo Hội lại thận trọng với nguy cơ chính trị hóa Tin Mừng như nhiều người vẫn từng làm.

Quả thật, thế tiến thoái lưỡng nan này không phải là vấn đề mới mẻ. Nó đã có trong các thời kỳ lịch sử khác nhau của Giáo Hội hoàn cầu, thậm chí từ thời Tân Ước. Điều đó cho thấy có sự lưu tâm giữa việc loan báo Tin Mừng và vấn đề xã hội mà con người là trung tâm. Điều này chắc chắn vẫn còn tiếp diễn trong các xã hội khác nhau mà trong đó Tin Mừng được loan báo.

Tại Pháp, Hội đồng giám mục và Giáo Hội Pháp đang bảo vệ lập trường chính thống của Giáo Hội Công Giáo đối với dự thảo đạo luật mới sắp được Chính quyền đưa ra thảo luận và thông qua : “marriage pour tous” (tạm dịch : hôn nhân cho tất cả mọi người). Đạo luật này nếu được thông qua sẽ hợp thức hóa hôn nhân đồng tính. Các giám mục Pháp dự trù có những hành động cụ thể, huy động lực lượng chống lại dự thảo đạo luật mới và không loại trừ khả năng tham gia các cuộc biểu tình được tổ chức chống lại dự thảo đạo luật. Người đứng đầu Hội đồng giám mục Pháp, Đức Hồng Y André VINGT- TROIS, Tổng giám mục Paris, tuyên bố : “Biểu tình không phải là điều cấm kỵ” (x. La Croix, 23-10-2012).

Việc quan tâm tới vấn đề chính trị đã được Công đồng Va-ti-ca-nô II, trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, Hiến chế mục vụ Giáo Hội trong thế giới hôm nay, xác định. Dù không đưa ra bất cứ chỉ dẫn cụ thể nào (cũng như trong các văn kiện khác của Giáo Hội, vì đó không phải là mục tiêu của Giáo Hội), nhưng Công đồng đã xác định giá trị nền tảng là mục tiêu của xã hội nhân bản. Trong bất cứ cộng đồng chính trị nào, “phẩm giá con người” và “hình thức sống chung cách nhân bản” là yếu tố nền tảng. Đức tin Ki-tô giáo cũng không đi ra ngoài các yếu tố này.

Trong bài viết : « Du goût de vivre en citoyen : point de vue d’un théologien » (tạm dịch : Tìm cảm hứng sống tư cách công dân : cái nhìn của nhà thần học), được đăng trên tạp chí Études, tháng 01 năm 2012, Christoph Théobald, nhà thần học dòng Tên, cho thấy tính chất phù hợp của Công đồng Va-ti-ca-nô II đối với cộng đồng chính trị trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng đã được đặt nền tảng nơi Kinh Thánh. Christoph Théobald nhắc lại phần cuối Tông huấn Verbum Domini (Lời Chúa) của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI (2010) : “Các tín hữu giáo dân được đào luyện trong trường Tin Mừng có nhiệm vụ dấn thân trực tiếp trong hoạt động xã hội và chính trị”. Nhà thần học này cho rằng “nếu như Kinh Thánh được xem như “linh hồn” của tất cả mọi thần học, theo cái nhìn của Công đồng Va-ti-ca-nô II, nó phải có khả năng “linh ứng” cho đời sống chung của chúng ta trong xã hội, không chỉ từ cái nhìn xã hội mà còn trong viễn cảnh tính công dân ở chiều kích chính trị”. Quả thật, cũng theo nhà thần học này, trong xã hội châu Âu, Kinh Thánh không còn chỉ là cuốn sách riêng của Giáo Hội. Nó là di sản văn hóa tạo cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn chương khác - tôn giáo hay không tôn giáo, xoay quanh “trường học nhân loại”.

Dù đi từ cách đọc Kinh Thánh dưới cái nhìn mang chiều kích chính trị hay không, như nhận định của Christoph Théobald : cách đọc này có thể “gây hiểu lầm và lo lắng” nơi nhiều người,  thì chúng ta biết rằng Tin Mừng đã đi ra khỏi khung cảnh Do-thái giáo và thế giới huyền thoại Hy-lạp. Nó được loan báo trong thế giới hôm nay mang màu sắc văn hóa và chính trị khác. Trong thế giới này Tin Mừng tiếp tục giới thiệu Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứ độ, yêu thương và tha thứ và chất vấn những khuynh hướng và cơ chế chính trị, xã hội không phù hợp với giá trị nhân bản. Loan báo Tin Mừng không thể đi ra ngoài vấn đề xã hội và chính trị mà con người là chủ thể.

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

ĐAU KHỔ VÀ CUỘC SỐNG CON NGƯỜI



Trong cuốn sách tựa đề : “Aimer, perdre, grandir” (tạm dịch : yêu thương, mất mát, lớn lên) Jean Monbourquette cho rằng con người thời đại khó chấp nhận sự đau khổ : đau khổ đồng nghĩa với sự thất bại.

Đau khổ lớn nhất đến từ  việc đánh mất những gì là quý giá. Sự mất mát là cơn ác mộng đối với nhiều người. Người ta không thể tưởng tượng được tại sao những gì mình vẫn từng trân trọng lại một ngày biền biệt ra đi, biến mất. Người ta đặt câu hỏi, đau khổ, dằn vặt, thất vọng và đợi chờ.

Đau khổ còn là sự thất bại trong cuộc sống công danh, sự nghiệp, tình cảm, gia đình…

Sống trong thời đại khoa học công nghệ - kỹ thuật phát triển con người chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng phải thành công bằng mọi giá và hiệu quả tới mức tối đa. Tư tưởng này được áp dụng trong tất cả mọi lãnh vực đời sống con người. Thất bại – đau khổ, được xem là vấn đề lỗi kỹ thuật, không đạt hiệu năng cao.

Tuy nhiên, cuộc sống con người lại không được kỷ thuật hóa : được lập trình cho những mục tiêu khác nhau. Đời sống con người hàm chứa tất cả mọi yếu tố nhân sinh : mạnh mẽ và yếu đuối, quảng đại và ích kỷ, cao thượng và tầm thường, thành công và thất bại, niềm vui và cay đắng, yêu thương và giận ghét…. Con người kỹ thuật không thể hiểu và cũng không thể chấp nhận sự đau khổ được sinh ra từ sự trái ngược này trong cuộc sống con người. Kinh nghiệm cổ xưa được đúc kết nơi huyền thoại Hy-lạp trong tác phẩm Oedipe của Sophocle về điều cao quý nhất đối với con người là tình yêu làm chúng ta phải giật mình. Hai anh em sinh đôi Étéocle và Polynice không ngừng giao chiến với nhau. Antigone – em gái Étéocle và Polynice, ngạc nhiên hỏi Étéocle và Polynice : “Tại sao hai anh thương yêu nhau như thế mà lại luôn giao chiến với nhau ?” Étéocle trả lời : “Antigone, tình yêu chỉ là mặt khác của hận thù.” Hai anh em nhà Oedipe giao chiến với nhau cho tới chết và trong lúc cuối cùng, khi đang cố gắng hạ thủ nhau hai anh em thều thào với nhau : “Anh, dầu sao, em cũng yêu anh ! - Anh cũng thế, anh yêu em !”

Đau khổ không phải là định mệnh con người. Nó là một trong những yếu tố gắn liền với cuộc sống con người hiện sinh. Quả thật, con người không được sinh ra cho sự đau khổ, nhưng nó lại xuất hiện trong cuộc sống con người. Không ai có thể tránh né, nhưng chỉ đón nhận nó. Sự triển nở trong đời sống mỗi người tùy thuộc vào cách thức đón nhận sự đau khổ.   

Trần Văn Khuê, aa


Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

SỰ HỢP NHẤT


Ngày 12 tháng 10 (2012) Ủy ban giải thưởng Nobel đã trao giải Nobel hòa bình cho Liên Hiệp Châu Âu vì “sự đóng góp của Liên hiệp này cho việc thăng tiến nền hòa bình, sự hòa giải, dân chủ và Nhân quyền ở châu Âu”.

Giải thưởng này gợi nhớ những những nổ lực hợp nhất châu Âu được khởi xướng từ sau Đệ nhị thế chiến. Sự hợp nhất này vừa mang tính thực tiễn : thiết lập một cộng đồng kinh thế lớn nhất thế giới, vừa mang tính biểu tượng : sự hợp nhất là con đường nhân bản hóa.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây ở một số vùng châu Âu lại làm cho nhiều người có những suy nghĩ khác. Dân vùng Flandre, (Bỉ), Catalogne (Tây Ban Nha)… muốn được có sự tự trị nhiều hơn.

Việc đòi hỏi về sự tự trị lớn hơn nơi những người dân thuộc những miền khác nhau ở châu Âu được đặt trong bối cảnh của khủng hoảng kinh tế : người ta tìm kiếm sự an toàn cho phần của riêng mình, nhưng đồng thời cũng gợi nên câu hỏi về việc tìm kiếm bản sắc riêng. Quả thật, khi nhìn vào những sinh hoạt xã hội chúng ta dễ dàng nhận thấy có những sự khác biệt. Đại bộ phận dân chúng châu Âu tin rằng những phong trào đòi quyền tự trị lớn hơn không ảnh hưởng tới sự hợp nhất châu Âu. Tuy nhiên, những phong trào này cũng đặt vấn đề về sự hợp nhất trong sự đa dạng theo bản sắc riêng.

Sự hợp nhất không thể là thứ thỏa hiệp chính trị đặt quyền lợi của một “nhóm” trên toàn xã hội, trên một cộng đồng chung và lợi ích của từng cá nhân. Thứ hợp nhất này là vỏ bọc mong manh, nguy hiểm, ngăn chặn sự phát triển xã hội và nhân bản hóa con người. Nó là sự tệ hại nhất đe dọa nền hòa bình, công bình xã hội và nền dân chủ thực thụ.

Trần Văn Khuê, aa