Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

NGƯỜI VIỆT NAM HẠNH PHÚC THỨ NHÌ THẾ GIỚI

Cách đây hai tuần (Chúa nhật, ngày 17 tháng 06 năm 2012) trang báo điện tử vnexpress.net đăng báo cáo của Quỹ Kinh Tế Mới (NEF) đánh giá Việt Nam đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI) của năm 2012[1].
Chỉ số đánh giá dựa trên ba tiêu chí : “mức độ hài lòng với cuộc sống”, “tuổi thọ trung bình” và “dấu chân sinh thái”. Không biết mọi người đón nhận “tin vui” này như thế nào, nhưng về phần mình tôi nghi ngờ tính chính xác của bản báo cáo xếp hạng này.
Vị trí thứ hai của Việt Nam (những người hạnh phúc thứ nhì thế giới) dựa theo ba tiêu chí trên đây chắc hẳn là siêu tuởng.
Trước hết, về “mức độ hài lòng với cuộc sống”. Chưa có một cuộc thăm do dư luận chính thức nào được thực hiện tại Việt Nam để xác định “mức độ hài lòng với cuộc sống” của người dân. Quả thật, nếu có một “mức độ hài lòng với cuộc sống” của người Việt Nam vượt lên trên những quốc gia khác thì nó chỉ thuộc về một thành phần thiểu số được hưởng đặc quyền đặc lợi trong bối cảnh xã hội hôm nay. Mặt khác, nếu có hay chăng nữa ý kiến tích cực của người dân thì cũng phải nhìn nhận “mức độ hài lòng với cuộc sống” ở khía cạnh nào : có thể là người dân hài lòng hơn so với thời kỳ chiến tranh và bao cấp ? Thực tế thì nhiều người vẫn bất mãn với những bất công bằng xã hội sâu đậm, kinh tế ngày càng khó khăn và tham nhũng tràn lan trong xã hội chúng ta hôm nay.
Tiếp đến, về “tuổi thọ trung bình”. Một điều chắc chắn là tuổi thọ trung bình của người Việt Nam không thể vượt qua người dân của các nước châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á. Tỷ lệ người trẻ ở Việt Nam lớn hơn bất cứ quốc gia nào là một trong những yếu tố xác định về điều này. Đó là chúng ta chưa kể đến những yếu tố khác như tỷ lệ trẻ em chết sau khi sinh, tai nạn giao thông ở mức cao….
Cuối cùng, về “dấu chân sinh thái”. Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng. Nhiều người ngoại quốc ngưỡng mộ những cảnh thiên nhiên trù phú của Đất nước chúng ta. Nhưng, từ thực tế chúng ta biết Việt Nam là một trong những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới. Về vấn đề này chúng ta chỉ cần tra cứu lại những đánh giá của các chuyên gia về môi trường Việt Nam thì sẽ có một cái nhìn xác thực. Hơn nữa, không cần phải có những đánh giá khoa học, bằng những quan sát thực tế với óc phê bình chúng ta cũng có thể thấy rõ điều đó.
Những lời trên đây không nhằm khích bác, nhưng chúng ta cần phải thực tế hơn để nhằm xây dựng Quê hương mỗi ngày một tốt. Nhiều người cho rằng một trong những sai lầm của việc giáo dục là các em học sinh của chúng ta luôn được học : “Đất nước ta giàu và đẹp, rừng vàng biển bạc.” Chính điều này vô tình đã ru ngủ những thế hệ trẻ. Điều tệ hại nhất trong tất cả những điều tệ hại là chúng ta tự ru ngủ mình trên những ảo tưởng.
Trần Văn Khuê, aa



[1] http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2012/06/nguoi-viet-hanh-phuc-thu-nhi-the-gioi/ (CN, 17/06/2012)

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

LÒNG NHÂN ÁI

Nhiều người hoang mang vì những cảnh đời trái ngược. Bạo lực và sự hận thù đang ngày càng leo thang ; sự áp bức đang hoành hành trong “xã hội văn minh” ; điều ác và người làm điều ác hình như đang chiếm ưu thế. Người ta tự hỏi : thế rồi người lương thiện nhận được gì, nếu không đó chỉ là sự bất công và thiệt thòi trong đời sống xã hội ? Có những câu chuyện làm chúng ta cười ra nước mắt liên quan đến những kẻ bất nhân bất nghĩa thì thị uy ; người bất tài, bất học lại là những kẻ hoạch định và ra lệnh cho người khác. Những câu hỏi, những chất vấn đưa người ta vào ngõ cụt là sự thất vọng.
Thất vọng là điều dễ hiểu. Không thất vọng sao được khi mà những hình ảnh trái ngược như là định mệnh con người. Người đời nói : “Anh hùng tạo thời thế”, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại “thời thế” bóp chết anh hùng. Sự thất vọng làm mất nhuệ khí của nhiều người. Họ phó mặc cho cuộc sống và sống cam chịu một cách bắt buộc. Cuộc sống trở thành cái chết êm dịu căy nghiệt.
Tuy nhiên, chúng ta xác tín rằng cho dù có nhiều điều ác trong đời sống xã hội thì cuộc sống con người chỉ được xây dựng trên những gì là thiện hảo. Một trong những điều thiện hảo nơi cuộc sống con người là LÒNG NHÂN ÁI.
Lòng nhân ái là “đắc nhân tâm”. Nhiều người tìm cách học biết những phương pháp để chinh phục người khác : “đắc nhân tâm”. Những phương pháp nhiều lúc làm cho người ta trở thành giả hình giả tạo với người khác. Đó là những thứ mơn trớn thiếu chữ nhân. Không có phương pháp nào chinh phục con người cách đúng đắn ngoài lòng nhân ái. Lòng nhân ái là chân thật ; nó đối xử với mọi người theo cùng một thể thức cách chân thật.
Lòng nhân ái là trí tuệ. Đỉnh cao trí tuệ của nhân loại là lòng nhân ái, nơi đó người ta không còn phân chia ra hai thế giới “bạn” và “thù”, “ta” và “địch”. Với trí tuệ là lòng nhân ái người ta không còn nhìn thế giới xung quanh chỉ là những “thế lực thù địch”. Sự tru diệt lẫn nhau không phải là đỉnh cao của trí tuệ là lòng nhân ái. Trí tuệ là khả năng hiểu biết về lòng nhân ái ; đây mới đích thực là trí tuệ con người.
Lòng nhân ái xoa dịu những vết thương đau con người. Không có bất cứ một phương dược nào có khả năng chữa lành cách phi thường những vết thương con người như lòng nhân ái. Thiếu lòng nhân ái con người dễ bị tổn thương và sụp đổ.
Trần Văn Khuê, aa

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

SỰ THẬT GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI

Một điều trái nghịch khôi hài là trong thế giới “phẳng” hôm nay mọi cái có thể dễ dàng được minh bạch hóa, nhưng người ta lại khó xác định sự thật. Chính vì thế mà người ta vẫn cứ ở trong cái bức tranh tối sáng và do dự xác định chắc chắn con đường đi.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sống giữa thanh thiên bạch nhật nhưng người ta lại không thể phân biệt trắng đen là do chủ thuyết tương đối. Não trạng của con người đương thời chịu ảnh hưởng một cách sâu đậm bởi chủ thuyết này. Người ta đặt vấn đề có hay chăng sự thật phổ quát duy nhất hay chỉ có những sự thật riêng lẽ. Bởi lẽ, sự thật của anh không phải là sự thật của tôi và ngược lại. Trong thế giới của chủ thuyết tương đối người ta san bằng những giá trị và những chuẩn mực chân lý. Đó là lý do làm cho nhiều người do dự khẳng định sự thật. Sự do dự này xuất phát từ tư tưởng không muốn sai lầm trong nhận định và đánh giá, cũng như tư tưởng trung dung dưới nhãn hiệu của lòng “bao dung”. Cái nguy hiểm của thái độ này khiến người ta không còn có khả năng xác định những gì là chân thật nơi cuộc sống con người.
Nguyên nhân tiếp theo làm cho con người khó khẳng định sự thật là có quá nhiều gian dối trong đời sống xã hội. Cái triết lý dân gian Việt Nam : “Thật thà ăn cháo, lếu láo ăn cơm” đang trở nên một thứ triết lý sống phi nhân văn và quá thực dụng. Triết lý sai lệch do hoàn cảnh này đang lan tỏa một cách mạnh mẽ trong xã hội ở giai đoạn tranh sáng tranh tối mà trong đó đời sống vật chất ở thế thượng phong : cần phải chiếm hữu bằng mọi giá. Đó là thứ tư tưởng : “vật chất trước tinh thần”.
Một nguyên nhân khác nữa xuất phát từ kinh nghiệm hiện sinh về những cuộc đổ vỡ trong các mối tương quan con người và xã hội. Người ta phải dè chừng với bất cứ ai và cũng không thể thổ lộ hết những gì mình suy nghĩ với hết mọi người. Người ta giữ kẽ, người ta dè chừng, người ta cẩn trọng, người che dấu và thậm chí người ta phải câm miệng vì lo sợ những rủi ro và nguy hiểm.
Khi giảng dạy cho những người Do-thái, Đức Giê-su đã khẳng định : “Sự thật giải phóng con người” (x. Ga 8,32). Ngữ cảnh của câu nói này cho chúng ta hiểu hai điều. Trước hết, sự gian dối giam hãm con người trong tội lỗi. Và khi con người bị nô lệ tội lỗi thì con người không có tự do. Thông điệp tiếp theo từ câu Tin Mừng này là chỉ có Thiên Chúa – Chân Lý trường cửu, giải phóng con người.
Thật vậy, từ cái nhìn của ý nghĩa thứ nhất, không ai có thể phủ nhận lời này là chân lý, đúng cho tất cả mọi tình huống và hoàn cảnh sống con người : chỉ có sự thật giải phóng con người. Cho dù hôm nay chúng ta nhận thấy có nhiều điều ác nơi đời sống con người, nhưng thế giới này chỉ có thể được xây dựng từ những điều thiện ; cho dù xã hội này có đầy dẫy những sự gian dối, nhưng nó chỉ có thể được đứng vững trong sự thật. Mặt khác, sự thật làm nên phẩm chất đời sống con người. Từ kinh nghiệm hiện sinh chúng ta nhận biết không có cuộc sống con người hạnh phúc nào sống trong sự gian dối, nếu không chỉ là sự bất an triền miên. “Sự thật giải phóng con người”. Nó giải phóng con người khỏi sự bất an và lo lắng trong tâm hồn.
Từ cái nhìn của ý nghĩa thứ hai trong câu nói của Đức Giê-su, cuộc sống của người Ki-tô hữu chỉ có thể trở nên viên mãn khi bắt gặp Đấng “là Đường, là Sự thật và là Sự sống”. Sự Thật tối thượng của họ chính là Thiên Chúa. Chính Ngài giải phóng con người. Vì vậy, khi được thúc đẩy bởi Đấng “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” họ sẵn sàng sống cho Sự Thật vẹn toàn.
Trần Văn Khuê, aa