Theo dòng thời sự, những sự kiện thế giới, chúng ta không thể không nhận ra những dấu hiệu có nguy cơ chống lại sự phát triển con người. Những biểu hiện đáng lo ngại này trong thế giới của chúng ta hôm nay : việc chạy đua vũ trang ; những ảo tưởng về lợi nhuận kinh tế ; việc cũng cố quyền lực gắn liền với những đặc quyền, đặc lợi cá nhân đến mức làm cho người ta trở nên độc tài và mù quáng ; một nền khoa học và kinh tế phát triển thiếu những định hướng nền tảng đích thực ; những bạo lực và khủng bố tinh thần ; cực đoan chính trị. Những yếu tố này dẫn đến cuộc khủng hoảng về giá trị mà con người là trung tâm, làm đảo lộn đời sống xã hội.
Xét về cả những chiều kích nhân học, triết học và thần học Ki-tô giáo, điều chắc chắn là những yếu tố vật chất, tự bản chất, không mang nơi chúng bất cứ một ý nghĩa nào. Chúng chỉ thực sự trở thành những giá trị đích thực khi được gắn kết với với những giá trị tinh thần và nhân bản. Nếu điều ngược lại thì con người sẽ chỉ trở thành nạn nhân của những ngẫu tượng mà nó là tác nhân.
Người ta không thể xây dựng một xã hội thiếu những nền tảng giá trị tinh thần và nhân bản. Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh một cách chắc chắn cho chúng ta về điều đó. Sự sụp đổ của những xã hội trong chiều dài lịch sử thế giới đến từ khủng hoảng giá trị tinh thần và nhân bản.
Yếu tố con người và những phẩm chất của nó là hạt nhân của sự phát triển. Con người là giá trị tuyệt đối. Không có bất cứ một sự phát triển nào, trong ý nghĩa đích thực, chống lại con người và những phẩm chất của nó ; nếu không đó chỉ là ý tưởng giả tạo, trá hình và không tưởng, xuất phát từ sự tự biện của một số người hay một nhóm người.
Như vậy, những chương trình (khoa học, kinh tế, xã hội) không đặt con người làm trọng tâm sẽ chỉ là những chương trình phi giá trị và phi nhân bản. Chúng có nguy cơ làm phá hủy đời sống con người và xã hội. Bất cứ ai áp đặt thứ chương trình này được xem là phạm tội chống lại con người.
Con người là giá trị tuyệt đối ! Hơn thế nữa, con người là giá trị tuyệt đối trong mối tương quan với Thiên Chúa theo cái nhìn của Ki-tô giáo.
Trần Văn Khuê, aa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét