Tại trường đảng cao cấp Nico Lopez, trong chuyến công du Cu-ba vào tháng 04 vừa qua (2012), ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng CSVN, đã đọc một bài diễn văn dài trình bày về chủ nghĩa xã hội. Đó là một bài diễn văn với cung giọng hùng hồn, đưa chủ nghĩa xã hội bay xa so với chủ nghĩa tư bản.
Bài diễn văn này chứa đựng nhiều yếu tố khó hiểu. Một trong số điều khó hiểu đó ẩn chứa nơi đoạn sau đây :
“Nền văn hóa mà Việt Nam xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn.”
Trước hết, sự khó hiểu về mặt ngôn ngữ. Như thế nào gọi là “nền văn hóa tiên tiến” ? Người ta thường nói : nền công nghiệp tiên tiến, nghĩa là một nền công nghiệp phát triển ở bậc nhất với những áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại hay tiên tiến. Người ta chỉ nói về một nền văn hóa như : đặc thù, đặc sắc, phong phú, đa dạng. Quả thật, đưa cái nhìn “duy vật” vào văn hóa sẽ làm mất đi tính chất văn hóa.
Một điểm khác về nền văn hóa Việt Nam : “một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng”. Không biết “nền văn hóa thống nhất” có ý nghĩa gì theo trình bày của ông Nguyễn Phú Trọng ? Có phải cái làm nên “nền văn hóa thống nhất” là chủ nghĩa Mác – Lê và “tư tưởng Hồ Chí Minh” như trong câu tiếp theo mà ông trình bày : “Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao.” Nếu đúng như vậy thì trước khi chủ nghĩa Mác-Lê du nhập Việt Nam và “tư tưởng Hồ Chí Minh” phát sinh thì nền văn hóa Việt Nam chỉ là một mớ giá trị lộn xộn và sau này nếu như chủ nghĩa này biến mất thì nền văn hóa Việt Nam sẽ có nguy cơ bị đổ vỡ !
Tiếp đến, sự khó hiểu từ lý thuyết tới thực tiễn : “Nền văn hóa mà Việt Nam xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn.” Trong thực tế không thể phủ nhận, những phẩm chất được nêu lên trên đây chỉ là lý thuyết. Chúng ta chỉ cần nêu ra một số rối rắm trong đời sống xã hội để minh chứng cho điều đó :
- Văn hóa an toàn thực phẩm
- Văn hóa đi đường
- Văn hóa trong việc bảo vệ công ích
- Văn hóa về công lý và hòa bình
- Văn hóa về lòng tự trọng
- Văn hóa trong lãnh vực hoạt động chính trị
- Văn hóa trong lãnh vực đời sống tín ngưỡng (tôn trọng tự do tín ngưỡng)
Trên đây là những vấn đề mà chúng ta bắt gặp trong thực tế và cũng được bàn luận mỗi ngày một nhiều hơn trong xã hội Việt Nam hôm nay, qua các phương tiện truyền thông khác nhau. Nhiều người có tâm huyết với vận mệnh của Đất nước vẫn đi tìm câu trả lời cho những vấn đề trên. Tính chất sống động và thực của nền văn hóa không ở nơi những lời khẳng định hoa mỹ vô nghĩa, nhưng ở nơi đời sống của những người trong cùng một xã hội. Từ lý thuyết tới thực tiễn là một cuộc hành trình cần sự biến đổi về nhận thức, tư duy và ý chí. Khi xã hội chưa có thể thoát khỏi một tư tưởng cố hữu không còn hợp thời thì không thể có được một nền văn hóa “tiến bộ và nhân văn”.
Trần Văn Khuê, aa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét