Một trong những khía cạnh của đời sống con người trong mối tương quan với người khác là tình huynh đệ. Chúng ta không ngừng nói về tình huynh đệ và nó cũng được định nghĩa theo những nhãn quan riêng của từng người hay từng nhóm người. Tình huynh đệ có thể được xem là đời sống tình cảm trong lòng của một gia đình, một họ tộc ; tình huynh đệ cũng có thể được xem như một mối quan hệ con người vượt qua ranh giới của quan hệ ruột thịt. Nền tảng của tình huynh đệ, tức là những yếu tố làm nên đời sống huynh đệ cũng đa dạng.
Quả vậy, đời sống huynh đệ là những gì thiết yếu mà các cộng đoàn nhân loại tìm kiếm. Tôi sẽ giới thiệu những trình bày của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI trong cuốn sách “Đời sống huynh đệ Ki-tô giáo”.
Ý tưởng về tình huynh đệ trước và ngoài Ki-tô giáo
“Anh em” trong văn hóa Hy-lạp cổ
Theo truyền thống triết học Hy-lạp cổ, tình huynh đệ trước tiên là mối quan hệ máu mủ theo logíc tự nhiên. Tuy nhiên, tình huynh đệ cũng được tìm thấy trong những mối tương quan xã hội khác.
Trong các tác phẩm của Platon chúng ta tìm thấy việc mô tả về một đồng bạn công dân là người anh em, hay gọi một người bạn là anh em. Điều này cho chúng ta hiểu ít nhất hai vấn đề của tình huynh đệ. Thứ nhất, tình huynh đệ không còn được đặt nền tảng trên mối quan hệ máu mủ, nhưng được mở rộng tới mọi người của một quốc gia. Thứ hai, đồng thời nó cũng khằng định cho chúng ta là những người ngoại lai không được xem là anh em.
Tình huynh đệ trong truyền thống Do-thái giáo
Trong Cựu ước, đối với dân Ít-ra-en, “anh em” được hiểu trong những người cùng chung tôn giáo. Có hai cụm từ thường được sử dụng để chỉ về điều này: “đồng hương” (những anh em) và “láng giềng” (những người ngoại lai).
Chúng ta thấy có một điểm tương đồng giữa quan điểm Hy-lạp và Do-thái. Đối với văn hóa Hy-lạp, cộng đồng chính trị trở thành cộng đồng tôn giáo trong mối dây tình huynh đệ; đối với người người Do-thái, cộng đồng tôn giáo trở thành cộng đồng chính trị. Từ đây chúng ta bắt gặp hai lãnh vực luân lý thuộc hai nhóm: “Dân Thiên Chúa” và “Dân ngoại”. Câu hỏi được đặt ra trong câu chuyện người Sa-ma-ri-a tốt lành: “Ai là người thân cận tôi” liên quan đến vấn đề này.
Chúng ta cũng nhận thấy một phẩm chất đặc biệt khác của Cựu ước. Một người anh em là người thuộc về dân tộc được tuyển chọn của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là tình huynh đệ không phụ thuộc một cách đơn thuần dựa theo dòng tộc, nhưng theo việc tuyển chọn bởi Thiên Chúa. Tình huynh đệ không đến từ một cộng đồng chính trị (theo văn hóa Hy-lạp) mà đến từ Thiên Chúa là Cha, Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa của tất cả mọi người.
Thiên Chúa không chỉ được dành riêng cho dân tộc Ít-ra-en, mà Thiên Chúa của tất cả. Như vậy, “dân tộc được tuyển chọn” cũng được hiểu theo nghĩa rộng, không được giới hạn nơi dân Ít-ra-en. Lịch sử Kinh Thánh, lịch sử Ít-ra-en được hiểu trong lịch sử phổ quát của một nhân loại. Tất cả mọi con người, Ít-ra-en và Dân ngoại thiết lập một nhân loại duy nhất từ việc tạo dựng của Thiên Chúa. A-dam tượng trưng cho một nhân loại đầu tiên và Nô-ê là một nhân loại mới thứ hai được sinh ra. Bảng gia phả của sách Sáng Thế ở chương 10 (một sự tập hợp chung mọi nguồn gốc) nổ lực chứng minh rằng toàn bộ lịch sử nhân loại hiện hữu qua sự cứu độ của Thiên Chúa bằng giao ước với Nô-ê. Trong ý nghĩa này tình huynh đệ được hiểu theo tính đại đồng.
Tình huynh đệ trong chủ nghĩa Mác-xít
Trước khi đề cập tới ý tưởng về tình huynh đệ trong chủ nghĩa Mác, chúng ta cần nhắc tới phong trào Ánh Sáng, được đánh dấu bởi cách mạng Pháp, là tiền đề cho phong trào cộng sản. Cách mạng Pháp đã khai sinh cho nước Pháp câu tuyên ngôn chung: tự do, bình đẳng, huynh đệ. Tuyên ngôn ngày xác định tình huynh đệ đồng quyền chính trị. Thật vậy, thiết lập lại quyền bình đẳng tự nhiên giữa tất cả mọi người là nguồn gốc của tình huynh đệ mà Cách mạng pháp nhắm tới.
Tư tưởng này làm tiền đề cho ý tưởng Mác-xít về tình huynh đệ mà từ “đồng chí” là biểu tượng. Tuy nhiên, chúng ta biết, trong tư tưởng Mác-xít, ý tưởng về Thiên Chúa như người Cha chung bị biến mất; đồng thời ý tưởng về một nhân loại chung cũng mất tầm quan trọng. Tại sao vậy?
Chúng ta thường lầm tưởng chủ nghĩa cộng sản đem lại một thế giới đại đồng. Ý thức hệ cộng sản thực sự lại không phải như vậy. Nếu như phong trào Ánh Sáng muốn xóa bỏ ranh giới của sự khác biệt, trong tư tưởng Mác-xít nhân loại lại được chia ra thành hai nhóm hoàn toàn đối chọi nhau: giai cấp tư bản và giai cấp vô sản. Điều này đặt thế giới vào hai thái cực khác nhau và chống lại nhau : một sự phân rẽ trong cùng nhân loại, một cuộc đấu tranh sinh tồn. Hệ quả là nó không thể đối xử với tất cả mọi người như anh em, nhưng chỉ với một số. Những người khác là địch !
Ý tưởng về tình huynh đệ trong Ki-tô giáo
Qua các Tin Mừng
Các nhà chú giải Kinh Thánh tìm thấy những nhóm bản văn khác nhau nói về “anh em” trong các Tin Mừng.
Nhóm đầu tiên (những bản văn) tiếp quản việc sử dụng từ “anh em” của Cựu ước. “Anh em” có nghĩa là những người cùng cộng đoàn tôn giáo (cộng đoàn Do-thái giáo). Tất cả những bản văn này được tìm thấy trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (x. Mt 5,21-24; 18,15-17).
Nhóm văn bản thứ hai đề cập đến “anh em” không được sự dụng một cách thông thường bởi những người Do-thái, nhưng được sử dụng một cách đặc biệt bởi cách kinh sư. Họ sử dụng từ “anh em” để nói về các môn sinh của mình. Chính Chúa Giêsu cũng đã áp dụng nó cho nhóm mười hai. Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa các kinh sư và Chúa Giê-su trong việc sử dụng từ “anh em”.
Trước hết, tình huynh đệ của những môn đệ giữa họ và với Đức Giê-su được nối kết một cách chặt chẽ với tình phụ tử của Thiên Chúa, khác với mức độ quan hệ thầy-trò của các kinh sư. Bằng chứng trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Chúa Giê-su yêu cầu các môn đệ : “Các con không được gọi ai là thầy, bởi vì các con chỉ có một thầy và tất cả các con là anh em với nhau” (Mt 23,8). Từ đây chúng ta nhận thấy “anh em” mang chiều kích Ki-tô giáo : Thiên Chúa là nền tảng của tình huynh đệ.
Tiếp đến, khi Chúa Giê-su gọi các môn đệ của mình là “anh em”, đó là điều hoàn toàn khác với các kinh sư gọi các môn sinh. Nhóm mười hai là biểu tượng của Dân Thiên Chúa mới, một dân của những người là anh em với nhau.
Nhóm văn bản thứ ba hoàn toàn thuần túy Ki-tô giáo. Đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô là một ví dụ điển hình (Mc 3, 31-35: ai mới thật là thân nhân của Đức Giêsu?)
Trong đoạn Tin Mừng này, mối quan hệ thiêng liêng vượt lên trên mối quan hệ máu mủ. Đối với Đức Giê-su, những người anh em là những người kết hợp với Người và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Tình huynh đệ không được xem là trật tự tự nhiên, nhưng phụ thuộc vào quyết định của tinh thần, nói vâng với ý muốn của Thiên Chúa. Khi Chúa Giê-su nói: “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10, 29-30), Người muốn ám chỉ một gia đình mới, lớn lao hơn được cấu thành từ những thành viên của những cộng đoàn Ki-tô hữu.
Trong Tin Mừng Mát-thêu, chương 25, chúng ta cũng nhận thấy quan điểm Ki-tô giáo về tình huynh đệ hoàn toàn riêng biệt so với những quan điểm khác. Chúa Giê-su gọi những người nhỏ bé, vô danh, túng thiếu nhất là anh em. Một điều đặc biệt trong đoạn Tin Mừng này là không có một dấu hiệu nào nói lên rằng họ là những tín hữu, những người đã tin vào Tin Mừng, nhưng tất cả mọi con người túng thiếu, bần cùng, nghèo khó, bị bỏ rơi, bị bách hại hay bị tù đày được chúc phúc.
Qua các bản văn của thánh Phao-lô
Thánh Phao-lô đã đánh dấu một bước ngoặt thật sự cho sự phát triển Ki-tô giáo tách khỏi Do-thái giáo. Việc sự dụng cụm từ “anh em” trong văn bản của thánh Phao-lô là một bằng chứng cho sự tách biệt này. Đối với thánh Phao-lô, “anh em” là những Ki-tô hữu, cùng chia sẽ niềm tin vào Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô (x. Rm 8,14-17).
Nếu như tình huynh đệ của Ít-ra-en dựa trên tình phụ tử đặc biệt của Thiên Chúa được trao ban trong việc tuyển chọn, trong Ki-tô giáo ý tưởng của tình phụ tử được thiết lập một cách sâu sắc qua Ba ngôi Thiên Chúa. Tình phụ tử của Thiên Chúa được biểu lộ đầu tiên trong Con Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô, và qua Người tới chúng ta. Cũng vậy, Thánh Thần của Người ở trong chúng ta làm cho chúng ta kêu lên Thiên Chúa là “Cha”. Nói cách khác, tình phụ tử của Thiên Chúa được bộc lộ cho chúng ta qua trung gian của Đức Giê-su Ki-tô trong Chúa Thánh Thần.
Khi nói Chúa Thánh thần, chúng ta nói tới sự cởi mở của Thiên Chúa cho mọi người. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhấn mạnh : tất cả mọi người được mời gọi trở thành Ki-tô hữu, nhưng chỉ ai làm điều đó trở thành anh em. Tình yêu agape có thể tồn tại nơi mọi người, nhưng tình yêu huynh đệ (philadelphia) thuộc về người môn đệ của Đức Ki-tô (cùng một tình thần, tâm hồn hướng về Thiên Chúa).
Qua giáo huấn của các Giáo phụ
Thời kỳ của các Giáo phụ là thời kỳ của Ki-tô giáo tiến sâu vào trong thế giới của người ngoại. Như vậy, phép rửa được xem là hành vi cụ thể mà một người trở thành “anh em”. Phép rửa đồng nghĩa với việc sinh lại và người lãnh nhận chấp nhận đi vào trong “tình huynh đệ” Ki-tô giáo như chính tên của cộng đoàn (cộng đoàn tình yêu). Trong việc sinh lại này Giáo hội là mẹ và Thiên Chúa là Cha. Cũng vậy, việc cử hành bí tích thánh thể là trung tâm của tình huynh đệ.
Tuy nhiên, dần về sau với sự phát triển của Ki-tô giáo, từ “huynh đệ” hay “anh em” dần ít được sử dụng một cách chung, nghĩa là cho tất cả mọi Ki-tô hữu. Nó trở thành một từ riêng được sử dụng trong hàng giáo sĩ, và phát triển trong các tu viện, cộng đoàn tu. Điều này nói lên ý nghĩa đích thực của đời sống của một cộng đoàn tu : sống tình huynh đệ. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này cũng đã đánh mất một ý nghĩa nền tảng ban đầu của những cộng đoàn Ki-tô tiên khởi mà chắc hẳn chúng ta cần phải đào sâu lại ngày nay.
Trần Văn Khuê, aa
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa