Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

LỜI CẦU NĂM MỚI 2012

Trong những ngày này bao trái tim thổn thức, bao nhiêu con người háo hức về ngày sum họp gia đình vào những ngày đầu năm mới. Dòng người ngược xuôi : người thì vồn vã trên những chuyến xe quê, kẻ thì náo nức mua sắm cho những ngày Tết.
Người ta cố quên đi những vất vả, nhọc nhằn của năm qua để vui cho đầy những ngày Tết, cũng như mong ước một năm mới hạnh phúc sắp đến. Hẳn nhiên không phải mọi người đều gặp may trong năm qua, nhưng điều đó không còn quan trọng đối với mọi người trong những ngày này. Điều lớn lao hơn hết là người ta hướng về năm mới với nhiều niềm hy vọng.
Mọi người sẽ có nhiều lời cầu chúc tốt đẹp cho nhau trong những ngày đầu năm mới : phúc – lộc – thọ. Riêng phần mình, tôi vẫn thao thức cho những ước mơ :
Một xã hội liên đới
Trong năm qua chúng ta đã từng nghe thấy thái độ vô cảm của nhiều người trong xã hội chúng ta. Một hiện tượng gây lo ngại cho toàn xã hội được bàn luận rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hiện tượng này là kết tinh của một lối sống ích kỷ ảnh hưởng bởi khuynh hướng “duy vật chất” và thiếu một nền giáo dục nhân bản. Nhiều người lạnh cảm với đau khổ và sự bất hạnh của anh em đồng loại. Người ta sống chộp dật, tranh dành, trù dập người khác vì quyền lợi cá nhân. Một xã hội mà trong đó người ta đặt mục tiêu là chiếm dụng, chiếm đoạt cho riêng mình.
Sẽ không có bất cứ một xã hội phát triển bền vững nào nếu không có sự liên đới giữa những cá nhân và tập thể trong cùng một xã hội. Thước đo của giá trị xã hội là tinh thần liên đới giữa con nguời trong cùng một cộng đồng nhân loại.
Mơ ước tới một xã hội liên đới là mơ ước về một “thành đô” không còn có sự phân biệt giữa tiếng nói, sắc tộc, tôn giáo, chính kiến, phong tục tập quán và mọi người cùng hướng tới những gì là thiện hảo xây dựng một cộng đồng nhân loại chung.
Một xã hội công bằng
Năm vừa qua cũng là năm của những sự việc nổi cộm với hàng loạt vụ “nỗi loạn” chống “quan tham”. Những tiếng kêu than của dân oan vang trên khắp mọi miền đất nước.
Sẽ không bao giờ có được một xã hội liên đới – đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững, nếu không có một nguyên lý xã hội công bằng được thực hiện. Người ta sẽ liên đới với ai và như thế nào nếu như trong xã hội chỉ toàn là bất công ? Hơn nữa đó là những sự bất công mang tính chính trị ?
Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hoà bình công lý đã giao duyên. (Tv 84)

Bốn cột trụ nền tảng nhằm đảm bảo sự đứng vững của một xã hội : chân lý (tín nghĩa), tình yêu (ân tình), hoà bình và công lý. Chân lý sẽ thiếu ý nghĩa và trở nên khô cứng nếu như không có tình yêu; ngược lại, tình yêu sẽ trở thành một thứ tình cảm theo cảm tính nếu không có chân lý (ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI, Yêu thương trong sự thật). Cái tình yêu cảm tính này là mầm mống của nguyên lý “ân huệ” phát sinh một cách tiêu cực trong xã hội. Cũng vậy, thế giới sẽ không có được một nền hoà bình đích thực nếu không có công lý.

Mong ước một xã hội công bằng là mơ tới một xã hội mà trong đó “tín nghĩa ân tình hội ngộ” và “hoà bình công lý giao duyên”.

Phi chính trị hóa cực đoan

Chính trị là một trong những lãnh vực sinh hoạt thông thường của mọi con người. Bởi lẽ, con người mang tính chính trị. Từ đó, những định chế chính trị được thiết lập không phải để cổ võ cho một thứ chủ nghĩa không tưởng, nhưng nhằm mục đích đảm bảo một đời sống chung và thăng tiến công ích (xét về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn).

Tuy nhiên, chính trị cũng có nguy cơ trở thành một thứ ma lực lũng đoạn đời sống người dân bởi một nhóm người quyền lực. Nguy hiểm hơn nữa là người ta cố tình chính trị hóa một cách cực đoan hay mù quáng theo một thứ chủ nghĩa không tưởng mọi lãnh vực đời sống con người : văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, giải trí ….

Trong một xã hội lành mạnh, vấn đề của những người làm chính trị không phải là “triệt để tư tưởng chính trị” hay phải kiên vững tư tưởng bằng mọi giá, nhưng là khả năng thích nghi thời đại nhằm làm cho cộng đồng xã hội phát triển. Thật vậy, mục tiêu nền tảng không phải là phát triển “đảng của tôi” mà phát triển con người trong một cộng đồng xã hội mà chúng ta đảm nhận trách nhiệm. Lịch sử nhân loại cho chúng ta thấy không có một thể chế chính trị nào là “muôn năm”. Chúng ta đã chứng kiến những thể chế chính trị khác nhau đã ra đi : chế độ phong kiến đã nhường đường cho xã hội quân chủ, và xã hội quân chủ cũng đã phải nhường chỗ cho xã hội dân chủ pháp quyền.  

Mong ước một xã hội phi chính trị hóa cực đoan là mơ tới một xã hội huynh đệ, trong đó người ta luôn đặt quyền lợi của dân tộc, quốc gia và của con người trên quyền lợi của “đảng phái chính trị”.

Trần Văn Khuê, aa



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét