Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

GIÁO HỘI CỦA NGÀY THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Trải qua chiều dài lịch sử chúng ta nhận thấy có những lúc Giáo Hội bị lôi cuốn về “thực tại trần thế” hơn là “thực tại thiêng liêng”. Những “cuộc chiến” về quyền lực trong lòng Giáo Hội và với thế quyền đã từng xảy ra. Các nguyên nhân của những cuộc chiến này rất đa dạng và chúng cũng mang tính chất khách quan trong những bối cảnh xã hội và Giáo Hội riêng biệt.
Giáo Hội mang nơi mình tính siêu nhiên, cũng là một “thực tại hữu hình” trở thành dấu chỉ của Nước Thiên Chúa ở giữa trần gian. Trên con đường tiến về Vương quốc vĩnh cửu Giáo Hội cần phải đủ mạnh để làm điểm tựa cho nhiều người, đặc biệt là những ai có nguy cơ không được bảo vệ trong các xã hội khác nhau. Giáo Hội, vì thế, nhiều lúc trở thành một “quyền lực” song song với thế quyền.
Tuy nhiên, Công đồng Va-ti-ca-nô II trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, xác định về tính chất của Giáo Hội : “Với bổn phận phải bành trướng khắp thế giới, Giáo Hội đi sâu vào trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, Giáo Hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo Hội được vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giê-su đã hứa ban, hầu Giáo Hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, dầu xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho đến ngày đạt đến ánh sáng không hề tắt nhờ Thánh giá.” (số 9) 
Những dòng trên đây của Công đồng Va-ti-ca-nô về Giáo Hội cho chúng ta hiểu rằng Giáo Hội không chỉ phủ lên mình vẻ huy hoàng của sức mạnh và quyền uy trần thế, nhưng “tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương”. Nét “đau thương” và ý chí chiến đấu chống lại “cơn cám dỗ” trần thế nơi Giáo Hội được tìm thấy nơi hình ảnh của ngày thứ sáu Tuần Thánh.
Sự trần truồng của ngày thứ sáu Tuần Thánh
Cảnh tượng của ngày thứ sáu Tuần Thánh là sự trần truồng và thinh lặng. Đấng là “Đầu của Hội Thánh” (x. Cl 1,15-18) kết thúc cuộc đời trần thế của mình trên đồi Gôn-gô-ta trong sự trần truồng. Đó không phải vì Ngài muốn, nhưng chính con người đã tước đi chiếc áo vinh quang của Ngài. Khác xa với những lần được dân chúng vây quanh để nghe giảng dạy hay được chữa lành bệnh, Đức Giê-su bị treo cao nơi ngọn đồi hoang vắng giữa hai người trộm cướp cùng bị kết án.
Nếu đời sống đức tin của các tín hữu cũng như đời sống của Giáo Hội được khởi đi từ sự kiện phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô và ngày lễ Ngũ Tuần thì thứ sáu Tuần Thánh cũng là một trong những yếu tố nền tảng làm phần đời sống của các tín hữu và Giáo Hội. Bởi lẽ, con người Đức Giê-su trở thành đối tượng của niềm tin của mọi tín hữu và Giáo Hội không chỉ được giới hạn ở một thời điểm nào đó, nhưng bao hàm toàn bộ đời sống, sứ mạng và cuộc thương khó trước khi đạt tới vinh quang.
Giáo Hội – thân thể của Đức Ki-tô, cần học chấp nhận sự trần truồng cũng như sự thinh lặng là những yếu tố thuộc về bản chất đời sống của mình. Không dám đối diện hay khước từ sự trần truồng nhiều lúc làm cho Giáo Hội không phản ánh hết gương mặt Đức Giê-su Ki-tô đích thực, tiềm ẩn trong đời sống của Giáo Hội.
Cuộc chiến chống lại sự quyến rũ của quyền bính
Khung cảnh của ngày thứ sáu Tuần Thánh cũng là khung cảnh mà nơi đó những người lính, một trong hai người trộm cướp cùng chịu đóng đinh với Đức Giê-su đã thách thức Ngài : ông hãy tự cứu mình và cứu chúng tôi nữa và như thế chúng tôi sẽ tin ông. Quả thật, người ta vẫn tự hỏi tại sao Đức Giê-su đã không dùng quyền năng của mình trong cuộc khổ nạn để tự cứu thoát mình và như thế nhiều người sẽ thán phục và tin theo ? Thiên Chúa trong Đức Giê-su đã sống khiêm hạ cho tới cùng trước sự thách thức và ngông nghênh của con người.
Nguy cơ của sự cám dỗ về quyền bính xảy ra nơi mỗi người thuộc mọi thời đại và ngay cả trong Giáo Hội. Con người luôn có khuynh hướng chứng tỏ sức mạnh và quyền lực đối với người khác. Sự quyến rũ của quyền bính là một trong những cơn cám dỗ dịu dàng nhất của con người. Đức Giê-su cũng đã trải qua cơn cám dỗ về quyền bính trong sa mạc ngay trước lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa. Chúng ta nhận thấy quyền bính là một trong những nguyên nhân gây nên các cuộc xung đột và chiến tranh trên toàn thế giới.
Giáo Hội sẳn sàng trả lời những chất vấn của con người thời đại về Thiên Chúa và những giá trị Tin Mừng, nhưng không bao giờ có thể so găng về quyền bính đối với bất cứ một quyền lực trần thế nào, ngoại trừ việc dấn thân cho cuộc chiến đấu về sự thật của Thiên Chúa và con người.
Niềm hy vọng phát sinh từ thứ sáu Tuần Thánh
Mặc dù sự u ám bao trùm trời đất trong ngày thứ sáu Tuần Thánh, nhưng số ít trong những người chứng kiến cái chết của Đức Giê-su trên đồi Gôn-gô-ta đã tin nhận Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Niềm tin đã không bị dập tắt hết.
Thiên Chúa đã tự mạc khải chính mình cho con người trong hình thức khiêm hạ nhất : cái chết trên đồi Gôn-gô-ta. Chính vì thế trong thông điệp Caritas in veritate, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã viết : “Trong cái chết thập tự của Người, việc “Thiên Chúa quay lại chống đối mình” đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ - đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất. Cái nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giê-su, mà thánh Gio-an nói đến (x. Ga 19,37) giúp chúng ta hiểu khởi điểm của Thông điệp này : “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Nơi đó, chân lý này có thể được nhìn ngắm. Và cũng từ đó, có thể định nghĩa tình yêu là gì. Từ cái nhìn này, người Ki-tô hữu tìm được con đường để sống và để yêu.” (số 12)
Cây Thập giá của thứ sáu Tuần Thánh là biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa trong hình thức triệt để nhất. Tình yêu khiêm hạ này vẫn lôi cuốn con người. Nói cách khác, không phải vì quyền bính, nhưng vì tình yêu trong hình thức triệt để nhất mà con người bị cuốn hút. Chúng ta còn nhớ về Đức tân Chân Phước Gio-an Phao-lô II vào thời cuối đời của người. Đó là hình ảnh của một vị đứng đầu Hội Thánh Công Giáo, xuất hiện trong con người bệnh tật đến thê thảm trên các phương tiện truyền thông. Một số người đã nhìn thấy qua hình ảnh của người gương mặt của một Giáo Hội đáng thương trong thế giới. Tuy nhiên, con người này, yếu đau về thể xác, đã có sức cuốn hút mãnh liệt đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
Một Giáo Hội tràn đầy sức sống Tin Mừng – Tin Mừng của niềm hy vọng và ơn cứu độ, không nhất thiết phải là Giáo Hội “quyền lực” dưới cái nhìn của con người. Nhưng chính trong sự yếu đuối và trần truồng của Giáo Hội nhiều người tìm thấy niềm hy vọng cứu độ của Thiên Chúa.
Lời kết
Chúng ta nói về Giáo Hội của ngày thứ sáu Tuần Thánh. Hình ảnh này hoàn toàn không có ý nói về ngày tàn hay hoàn cảnh thê lương của Giáo Hội. Nhưng, việc Giáo Hội phải trải qua những thách đố trong thế giới hôm nay, như Đức Giê-su – là “Đầu của Hội Thánh”, đã trải qua ngày thứ sáu Tuần Thánh, có sức thanh lọc và làm cho Giáo Hội mỗi ngày trở nên gương mặt trung thực của Đức Giê-su Ki-tô : yêu thương và phục vụ con người trong sự khiêm hạ đến mức trần truồng.
Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét