Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

GIÁO HỘI CỦA NGÀY THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Trải qua chiều dài lịch sử chúng ta nhận thấy có những lúc Giáo Hội bị lôi cuốn về “thực tại trần thế” hơn là “thực tại thiêng liêng”. Những “cuộc chiến” về quyền lực trong lòng Giáo Hội và với thế quyền đã từng xảy ra. Các nguyên nhân của những cuộc chiến này rất đa dạng và chúng cũng mang tính chất khách quan trong những bối cảnh xã hội và Giáo Hội riêng biệt.
Giáo Hội mang nơi mình tính siêu nhiên, cũng là một “thực tại hữu hình” trở thành dấu chỉ của Nước Thiên Chúa ở giữa trần gian. Trên con đường tiến về Vương quốc vĩnh cửu Giáo Hội cần phải đủ mạnh để làm điểm tựa cho nhiều người, đặc biệt là những ai có nguy cơ không được bảo vệ trong các xã hội khác nhau. Giáo Hội, vì thế, nhiều lúc trở thành một “quyền lực” song song với thế quyền.
Tuy nhiên, Công đồng Va-ti-ca-nô II trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, xác định về tính chất của Giáo Hội : “Với bổn phận phải bành trướng khắp thế giới, Giáo Hội đi sâu vào trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, Giáo Hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo Hội được vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giê-su đã hứa ban, hầu Giáo Hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, dầu xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho đến ngày đạt đến ánh sáng không hề tắt nhờ Thánh giá.” (số 9) 
Những dòng trên đây của Công đồng Va-ti-ca-nô về Giáo Hội cho chúng ta hiểu rằng Giáo Hội không chỉ phủ lên mình vẻ huy hoàng của sức mạnh và quyền uy trần thế, nhưng “tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương”. Nét “đau thương” và ý chí chiến đấu chống lại “cơn cám dỗ” trần thế nơi Giáo Hội được tìm thấy nơi hình ảnh của ngày thứ sáu Tuần Thánh.
Sự trần truồng của ngày thứ sáu Tuần Thánh
Cảnh tượng của ngày thứ sáu Tuần Thánh là sự trần truồng và thinh lặng. Đấng là “Đầu của Hội Thánh” (x. Cl 1,15-18) kết thúc cuộc đời trần thế của mình trên đồi Gôn-gô-ta trong sự trần truồng. Đó không phải vì Ngài muốn, nhưng chính con người đã tước đi chiếc áo vinh quang của Ngài. Khác xa với những lần được dân chúng vây quanh để nghe giảng dạy hay được chữa lành bệnh, Đức Giê-su bị treo cao nơi ngọn đồi hoang vắng giữa hai người trộm cướp cùng bị kết án.
Nếu đời sống đức tin của các tín hữu cũng như đời sống của Giáo Hội được khởi đi từ sự kiện phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô và ngày lễ Ngũ Tuần thì thứ sáu Tuần Thánh cũng là một trong những yếu tố nền tảng làm phần đời sống của các tín hữu và Giáo Hội. Bởi lẽ, con người Đức Giê-su trở thành đối tượng của niềm tin của mọi tín hữu và Giáo Hội không chỉ được giới hạn ở một thời điểm nào đó, nhưng bao hàm toàn bộ đời sống, sứ mạng và cuộc thương khó trước khi đạt tới vinh quang.
Giáo Hội – thân thể của Đức Ki-tô, cần học chấp nhận sự trần truồng cũng như sự thinh lặng là những yếu tố thuộc về bản chất đời sống của mình. Không dám đối diện hay khước từ sự trần truồng nhiều lúc làm cho Giáo Hội không phản ánh hết gương mặt Đức Giê-su Ki-tô đích thực, tiềm ẩn trong đời sống của Giáo Hội.
Cuộc chiến chống lại sự quyến rũ của quyền bính
Khung cảnh của ngày thứ sáu Tuần Thánh cũng là khung cảnh mà nơi đó những người lính, một trong hai người trộm cướp cùng chịu đóng đinh với Đức Giê-su đã thách thức Ngài : ông hãy tự cứu mình và cứu chúng tôi nữa và như thế chúng tôi sẽ tin ông. Quả thật, người ta vẫn tự hỏi tại sao Đức Giê-su đã không dùng quyền năng của mình trong cuộc khổ nạn để tự cứu thoát mình và như thế nhiều người sẽ thán phục và tin theo ? Thiên Chúa trong Đức Giê-su đã sống khiêm hạ cho tới cùng trước sự thách thức và ngông nghênh của con người.
Nguy cơ của sự cám dỗ về quyền bính xảy ra nơi mỗi người thuộc mọi thời đại và ngay cả trong Giáo Hội. Con người luôn có khuynh hướng chứng tỏ sức mạnh và quyền lực đối với người khác. Sự quyến rũ của quyền bính là một trong những cơn cám dỗ dịu dàng nhất của con người. Đức Giê-su cũng đã trải qua cơn cám dỗ về quyền bính trong sa mạc ngay trước lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa. Chúng ta nhận thấy quyền bính là một trong những nguyên nhân gây nên các cuộc xung đột và chiến tranh trên toàn thế giới.
Giáo Hội sẳn sàng trả lời những chất vấn của con người thời đại về Thiên Chúa và những giá trị Tin Mừng, nhưng không bao giờ có thể so găng về quyền bính đối với bất cứ một quyền lực trần thế nào, ngoại trừ việc dấn thân cho cuộc chiến đấu về sự thật của Thiên Chúa và con người.
Niềm hy vọng phát sinh từ thứ sáu Tuần Thánh
Mặc dù sự u ám bao trùm trời đất trong ngày thứ sáu Tuần Thánh, nhưng số ít trong những người chứng kiến cái chết của Đức Giê-su trên đồi Gôn-gô-ta đã tin nhận Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Niềm tin đã không bị dập tắt hết.
Thiên Chúa đã tự mạc khải chính mình cho con người trong hình thức khiêm hạ nhất : cái chết trên đồi Gôn-gô-ta. Chính vì thế trong thông điệp Caritas in veritate, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã viết : “Trong cái chết thập tự của Người, việc “Thiên Chúa quay lại chống đối mình” đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ - đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất. Cái nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giê-su, mà thánh Gio-an nói đến (x. Ga 19,37) giúp chúng ta hiểu khởi điểm của Thông điệp này : “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Nơi đó, chân lý này có thể được nhìn ngắm. Và cũng từ đó, có thể định nghĩa tình yêu là gì. Từ cái nhìn này, người Ki-tô hữu tìm được con đường để sống và để yêu.” (số 12)
Cây Thập giá của thứ sáu Tuần Thánh là biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa trong hình thức triệt để nhất. Tình yêu khiêm hạ này vẫn lôi cuốn con người. Nói cách khác, không phải vì quyền bính, nhưng vì tình yêu trong hình thức triệt để nhất mà con người bị cuốn hút. Chúng ta còn nhớ về Đức tân Chân Phước Gio-an Phao-lô II vào thời cuối đời của người. Đó là hình ảnh của một vị đứng đầu Hội Thánh Công Giáo, xuất hiện trong con người bệnh tật đến thê thảm trên các phương tiện truyền thông. Một số người đã nhìn thấy qua hình ảnh của người gương mặt của một Giáo Hội đáng thương trong thế giới. Tuy nhiên, con người này, yếu đau về thể xác, đã có sức cuốn hút mãnh liệt đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
Một Giáo Hội tràn đầy sức sống Tin Mừng – Tin Mừng của niềm hy vọng và ơn cứu độ, không nhất thiết phải là Giáo Hội “quyền lực” dưới cái nhìn của con người. Nhưng chính trong sự yếu đuối và trần truồng của Giáo Hội nhiều người tìm thấy niềm hy vọng cứu độ của Thiên Chúa.
Lời kết
Chúng ta nói về Giáo Hội của ngày thứ sáu Tuần Thánh. Hình ảnh này hoàn toàn không có ý nói về ngày tàn hay hoàn cảnh thê lương của Giáo Hội. Nhưng, việc Giáo Hội phải trải qua những thách đố trong thế giới hôm nay, như Đức Giê-su – là “Đầu của Hội Thánh”, đã trải qua ngày thứ sáu Tuần Thánh, có sức thanh lọc và làm cho Giáo Hội mỗi ngày trở nên gương mặt trung thực của Đức Giê-su Ki-tô : yêu thương và phục vụ con người trong sự khiêm hạ đến mức trần truồng.
Trần Văn Khuê, aa

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Ý NGHĨA CỦA VIỆC CHAY TỊNH TRONG KI-TÔ GIÁO

Người Kitô hữu hôm nay, đặc biệt là những người Tây phương, coi nhẹ việc ăn chay như hình thức giảm nhẹ ăn uống hay kiêng ăn thịt. Tuy nhiên, ăn chay chiếm một vị thế quan trọng trong các lễ nghi và việc thực hành đạo đức của các tôn giáo nhằm những mục tiêu : sự tu luyện khổ hạnh, việc thanh tẩy, khẩn cầu.

Chay tịnh trong truyền thống Do-thái giáo

Trong phụng vụ Do-thái giáo chúng ta thấy có ngày ăn chay lớn vào dịp Lễ Xá Tội. Đây là truyền thống chay tịnh mang tính cộng đoàn. Sách Lê-vi quy định :

Ngày mồng mười tháng bảy là ngày Xá tội, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, phải ăn chay hãm mình và tiến dâng một lễ hoả tế lên ĐỨC CHÚA.Chính ngày ấy, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào, vì đó là ngày Xá tội, ngày cử hành lễ xá tội cho các ngươi trước nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi. Như vậy bất cứ người nào không ăn chay hãm mình vào chính ngày đó, sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ; và bất cứ người nào làm một việc gì vào chính ngày đó, Ta sẽ làm cho nó biến mất không còn dấu vết giữa dân nó. Các ngươi không được làm một công việc nào : đó là quy tắc vĩnh viễn cho các thế hệ của các ngươi, tại khắp nơi các ngươi ở. Đối với các ngươi, đó sẽ là một ngày sa-bát, một ngày nghỉ, và các ngươi phải ăn chay hãm mình. Từ chiều ngày mồng chín đến chiều hôm sau, các ngươi phải nghỉ để giữ ngày sa-bát. (Lv 23, 27-32)

Có hai điểm được lưu ý trong đoạn sách Lê-vi này. Trước hết, ngày Lễ Xá Tội được xếp ngang hàng với ngày sa-bát, nghĩa là ngày nghỉ và là ngày được thánh hiến cho Đức Chúa. Tiếp đến, việc thực hành ăn chay này nói lên sự thuộc về dân Thiên Chúa : “Bất cứ người nào không ăn chay hãm mình vào chính ngày đó sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ” và “Ta sẽ làm cho nó biến mất không còn dấu vết giữa dân nó”.

Ngoài ra, người Do thái còn ăn chay do việc đạo đức cá nhân. Chúng ta bắt gặp thói quen ăn chay này trong các Tin Mừng. Một người Pha-ri-siêu đã cầu nguyện trong đền thờ như thế này : Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con (Lc 18, 12). Một câu chuyện khác cũng đã được tường thuật lại trong Tin Mừng. Môn đệ của Gio-an và Pha-ri-siêu thắc mắc : “Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ? " (Mc 2,18)

Đức Giê-su và việc chay tịnh

Không phủ nhận việc ăn chay, chính Chúa Giê-su cũng đã làm điều đó khi bắt đầu s vụ của mình (x. Lc 4, 1-13). Tuy nhiên, Chúa Giê-su mời gọi : sự công chính của những người môn đệ của Ngài phải vượt lên trên sự công chính của những người Pha-ri-siêu (Mt 5,20). Thật vậy, việc thực hành ăn chay có nguy cơ vụ hình thức mà chính ngôn sứ A-mốt đã khuyến cáo :

Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường ;
hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú.
Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu,
những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,
chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài.
Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi
Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.
Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào,
cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.
Hỡi nhà Ít-ra-en, bốn mươi năm trường trong sa mạc,
các ngươi có dâng lên Ta hy lễ hay lễ phẩm nào không
? (Am 5,21-25)

Thông điệp mà ngôn sứ A-mốt muốn chuyển đến với dân trong những công việc đạo đức là lẽ phải như nước tuôn trào và công lý như dòng suối không bao giờ cạn nơi đời sống con người. Đó là cách thực hành chay tịnh tốt nhất trước mặt Thiên Chúa.

Cũng vậy, việc chay tịnh của Đức Giê-su, một cách nền tảng, được gắn liền với sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa. Thánh Lu-ca đã đặt câu chuyện về việc chay tịnh của Đức Giê-su trong sa mạc ngay trước thời điểm Đức Giê-su bắt đầu rao giảng Tin Mừng. “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.” Và “được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê”, rồi Người đến Na-da-rét. Nơi đây Đức Giê-su đã tuyên bố : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (x. Lc 4, 1-22).

Ý nghĩa của việc chay tịnh : sống khiêm hạ và hy vọng
                                 
Sự khiêm hạ theo nghĩa Kinh Thánh trước tiên là sự khiêm tốn, đối lại tính kiêu căng. Nó là thái độ của con người mang tội trước mặt Thiên Chúa. Thật vậy, chay tịnh không phải là kỳ công của việc tu luyện khổ hạnh, nhưng trước hết diễn tả sự nhận biết ân huệ của Thiên Chúa : nhận ra của ăn là quà tặng của Thiên Chúa và Thiên Chúa chính là lẽ sống. Bốn mươi năm trong sa mạc, Thiên Chúa đã luôn đồng hành với dân Do thái trong mọi khổ cực. Trong sự khổ cực này, dân tộc Do-thái được mời gọi nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Như vậy, việc thực hành chay tịnh không nhằm lấy sự đau khổ để mua cuộc sống vĩnh hằng như nhiều người đã thường nghĩ, nhưng nhằm gặp gỡ Thiên Chúa một cách khiêm tốn.

Dân Ít-ra-en học sự khiêm hạ trước tiên trong kinh nghiệm về Thiên Chúa quyền năng cứu dân Ngài. Họ đã giữ kinh nghiệm này qua việc tưởng nhớ những hành động của Thiên Chúa trong các nghi lễ phụng tự. Trong ý nghĩa này phụng tự là trường học của sự khiêm hạ.

Dân Ít-ra-en cũng kinh nghiệm về sự nghèo khó của mình trong sự thử thách: thất bại, lưu đày, hay trong những thử thách cá nhân : bệnh tật, sự yếu đuối, kém cỏi. Từ đây con người có thái độ : nhận biết sự nhỏ bé của chính mình và quy hướng về Thiên Chúa với tấm lòng thống hố.

Hơn thế nữa, đối với các Ki-tô hữu, sự khiêm hạ được đặt nền tảng từ sự khiêm hạ của chính Đức Ki-tô qua mầu nhiệm Nhập thểcái chết của Ngài. Như vậy, sống khiêm hạ là sống sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa. Sự khiêm hạ này gắn liền với tình bác ái, yêu thương. Thánh Au-gus-ti-nô viết : “Ở đâu có sự khiêm hạ ở đó có tình bác ái”. Những ai mặc lấy sự khiêm hạ trong mối tương quan với người khác đi tìm kiếm lợi ích của người khác và lấy chổ sau cùng. Về vấn đề này thánh Phao-lô đã khuyên dạy các tín hữu thuộc cộng đoàn Cô-rin-tô : “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cr 13, 4-7)

Về  mối tương quan giữa chay tịnh và sống hy vọng. Trong thần học tu đức, khi nói tới hy vọng trong việc thực hành chay tịnh, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu ngay đến thái độ : sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa là nguồn sống, bởi lẽ như Tin Mừng nói : “Con người không chỉ sống nguyên bởi bánh mà còn bởi những lời của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần nhấn mạnh : bốn mươi ngày đêm chay tịnh không phải là thời gian mà chúng ta sát phạt thân xác, nhưng là những ngày mà chúng ta chuẩn bị mừng lễ Vượt qua, sự Phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Sự Phục sinh của Ngài là nền tảng, là trung tâm của niềm tin Ki-tô hữu. Thánh Phao-lô khẳng định nếu Đức Giêsu Kitô không sống lại thì niềm tin và những gì tôi rao giảng thật hảo huyền (x. 1Cr 15,1-4). 

Sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô nói cho chúng ta điều gì ? Thư của thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Rô-ma, chương 5, cho chúng ta biết : đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta ; qua cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô, chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa ; và cuối cùng, qua cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã tiêu diệt sự chết và đem lại sự sống cho con người.

Lời kết

Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay ; có người đến hỏi Đức Giê-su : "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ? "Đức Giê-su trả lời : "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. (Mc 2, 18-20)

Ăn chay đương nhiên còn có một vị thế trong đời sống của Giáo Hội. Với Đức Giê-su Ki-tô, Giáo Hội là hiện thân của Nước Trời đang ở giữa thế giới này, nhưng nó cũng chưa thật sự hoàn hảo. Chúng ta còn phải chờ đời ngày trở lại trong vinh của Đức Giê-su Ki-tô. Trong khi chờ đợi, việc thực hành chay tịnh vẫn còn. Khi tân lang đến thì những người bạn của tân lang không cần phải ăn chay. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ được quên việc ăn chay phải nói lên hai chiều kích : gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân.

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

THIÊN CHÚA CHINH PHỤC SỰ TỰ DO CON NGƯỜI

Nói về Thiên Chúa chúng ta nói tới các thuộc tính vượt xa so với những phẩm chất con người cũng như hành động của Ngài không luôn luôn nằm trong tính lô-gíc của lý trí. Một trong những điều làm chúng ta ngạc nhiên là Thiên Chúa tạo dựng con người và trao ban cho con người sự tự do : “Thiên Chúa muốn cho con người được tự do”. Tuy nhiên, sau khi ban tặng cho con người sự tự do, để có được con người Thiên Chúa phải quay trở lại chinh phục sự tự do con người. Phải chăng đây là tính chất riêng biệt của Thiên Chúa ? Quả thực, chúng ta thấy một cách rõ nét điều này trong toàn bộ lịch sử mạc khải của Ngài trong Kinh Thánh và trong đời sống của nhiều người theo dòng lịch sử.
Khi đọc Kinh Thánh chúng ta tìm thấy những lời của Thiên Chúa dành cho con người là những lời mời gọi theo thể điều kiện cách : “nếu”. Đó là những lời đề nghị mà Thiên Chúa gợi ý cho con người trong việc kêu gọi con người đảm trách một sứ vụ hay đi vào trong mối tương quan với Ngài. Từ Mô-sê – người được sai tới Ai-cập để giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ (Xh 3), cho tới Đức Ma-ri-a – người được đề nghị làm mẹ Đấng Cứu Thế (Lc 1,26-38), Thiên Chúa đã không áp đặt bất cứ ý định bất di bất dịch nào lên con người. Chương trình của Ngài chỉ được thực hiện sau lời chấp thuận của con người.
Ngoài ra, ngay cả với những giới luật được ban bố cho con người Thiên Chúa luôn kèm thêm lời hứa. Chúng ta tìm thấy lời hứa này ngay trước khi Thiên Chúa ban Thập giới cho dân Ít-ra-en : “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19,5-6). Thiên Chúa của sự tự do chỉ có thể đề nghị con người đáp trả lại luật giao ước cách tự do và từ đó Ngài có thể làm cho họ trở thành “một dân thánh”.
Cũng vậy, trong Tân Ước Chúa Giê-su làm theo một thể thức của Thiên Chúa mạc khải trong Cựu Ước. Chúng ta còn nhớ câu chuyện Tin Mừng về người thanh niên giàu có. Một hôm có người thanh niên tới hỏi Chúa Giê-su : “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?” Chúa Giê-su đã trả lời anh ta : “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn” và Người đã liệt kê các điều răn như sau : “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ và ngươi phải yêu người thân cận như chính mình ngươi”. Tuy nhiên, người thanh niên này nói : “Tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ” và hỏi Chúa Giê-su : “Tôi còn thiếu điều gì nữa không ?” Chúa Giê-su đề nghị anh ta : “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Sau đó, Tin Mừng thêm lời chú thích : “Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (x. Mt 19, 16-22).
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và người thanh niên giàu có trên đây là câu chuyện điển hình nói về con đường mà Thiên Chúa đề nghị với con người tới “cõi sống” và đời sống “hoàn thiện” được mở ra với sự dấn thân tự do của con người. Và trong câu chuyện này Chúa Giê-su, một cách nào đó, đã thất bại trước sự tự do chọn lựa của con người.
Đi ra khỏi những câu chuyện Kinh Thánh chúng ta còn bắt gặp vô số câu chuyện khác nói về cuộc chinh phục sự tự do con người của Thiên Chúa. Câu chuyện về cuộc đời thánh Augustinô là một trong những câu chuyện đặc sắc. Đây là câu chuyện giữa Thiên Chúa và thánh nhân. Để chinh phục Augustinô Thiên Chúa đã không “quật ngã” con người này trên những nẻo đường cuộc sống đam mê. Nhưng, như lời tự bạch của thánh nhân trong cuốn Tự Thuật : Thiên Chúa vẫn luôn âm thầm ở đó trong cuộc đời, nhưng Augustinô đã không sớm nhận ra Ngài. Thiên Chúa đã chinh phục sự tự do của Augustinô bằng cách tiến bước cách âm thầm trong cuộc đời thánh nhân và không ngần ngại cư ngụ trong trái tim ngang trái của Augustinô. Câu chuyện này cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã không ngăn cản sự tự do con người, nhưng chinh phục nó. Cuối cùng, Augustinô cũng đã tìm thấy Ánh sáng chân lý là Thiên Chúa bằng con đường tìm kiếm tự do.
Trần Văn Khuê, aa



Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

TÌNH HUYNH ĐỆ KI-TÔ GIÁO

Một trong những khía cạnh của đời sống con người trong mối tương quan với người khác là tình huynh đệ. Chúng ta không ngừng nói về tình huynh đệ và nó cũng được định nghĩa theo những nhãn quan riêng của từng người hay từng nhóm người. Tình huynh đệ có thể được xem là đời sống tình cảm trong lòng của một gia đình, một họ tộc ; tình huynh đệ cũng có thể được xem như một mối quan hệ con người vượt qua ranh giới của quan hệ ruột thịt. Nền tảng của tình huynh đệ, tức là những yếu tố làm nên đời sống huynh đệ cũng đa dạng.

Quả vậy, đời sống huynh đệ là những gì thiết yếu mà các cộng đoàn nhân loại tìm kiếm. Tôi sẽ giới thiệu những trình bày của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI trong cuốn sách “Đời sống huynh đệ Ki-tô giáo”.

Ý tưởng về tình huynh đệ trước và ngoài Ki-tô giáo

“Anh em” trong văn hóa Hy-lạp cổ

Theo truyền thống triết học Hy-lạp cổ, tình huynh đệ trước tiên là mối quan hệ máu mủ theo logíc tự nhiên. Tuy nhiên, tình huynh đệ cũng được tìm thấy trong những mối tương quan xã hội khác.

Trong các tác phẩm của Platon chúng ta tìm thấy việc mô tả về một đồng bạn công dân là người anh em, hay gọi một người bạn là anh em. Điều này cho chúng ta hiểu ít nhất hai vấn đề của tình huynh đệ. Thứ nhất, tình huynh đệ không còn được đặt nền tảng trên mối quan hệ máu mủ, nhưng được mở rộng tới mọi người của một quốc gia. Thứ hai, đồng thời nó cũng khằng định cho chúng ta là những người ngoại lai không được xem là anh em.

Tình huynh đệ trong truyền thống Do-thái giáo

Trong Cựu ước, đối với dân Ít-ra-en, “anh em” được hiểu trong những người cùng chung tôn giáo. Có hai cụm từ thường được sử dụng để chỉ về điều này: “đồng hương” (những anh em) và “láng giềng” (những người ngoại lai).

Chúng ta thấy có một điểm tương đồng giữa quan điểm Hy-lạp và Do-thái. Đối với văn hóa Hy-lạp, cộng đồng chính trị trở thành cộng đồng tôn giáo trong mối dây tình huynh đệ; đối với người người Do-thái, cộng đồng tôn giáo trở thành cộng đồng chính trị. Từ đây chúng ta bắt gặp hai lãnh vực luân lý thuộc hai nhóm: “Dân Thiên Chúa” và “Dân ngoại”. Câu hỏi được đặt ra trong câu chuyện người Sa-ma-ri-a tốt lành: “Ai là người thân cận tôi” liên quan đến vấn đề này.

Chúng ta cũng nhận thấy một phẩm chất đặc biệt khác của Cựu ước. Một người anh em là người thuộc về dân tộc được tuyển chọn của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là tình huynh đệ không phụ thuộc một cách đơn thuần dựa theo dòng tộc, nhưng theo việc tuyển chọn bởi Thiên Chúa. Tình huynh đệ không đến từ một cộng đồng chính trị (theo văn hóa Hy-lạp) mà đến từ Thiên Chúa là Cha, Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa của tất cả mọi người.

Thiên Chúa không chỉ được dành riêng cho dân tộc Ít-ra-en, mà Thiên Chúa của tất cả. Như vậy, “dân tộc được tuyển chọn” cũng được hiểu theo nghĩa rộng, không được giới hạn nơi dân Ít-ra-en. Lịch sử Kinh Thánh, lịch sử Ít-ra-en được hiểu trong lịch sử phổ quát của một nhân loại. Tất cả mọi con người, Ít-ra-en và Dân ngoại thiết lập một nhân loại duy nhất từ việc tạo dựng của Thiên Chúa. A-dam tượng trưng cho một nhân loại đầu tiên và Nô-ê là một nhân loại mới thứ hai được sinh ra. Bảng gia phả của sách Sáng Thế ở chương 10 (một sự tập hợp chung mọi nguồn gốc) nổ lực chứng minh rằng toàn bộ lịch sử nhân loại hiện hữu qua sự cứu độ của Thiên Chúa bằng giao ước với Nô-ê. Trong ý nghĩa này tình huynh đệ được hiểu theo tính đại đồng.

Tình huynh đệ trong chủ nghĩa Mác-xít

Trước khi đề cập tới ý tưởng về tình huynh đệ trong chủ nghĩa Mác, chúng ta cần nhắc tới phong trào Ánh Sáng, được đánh dấu bởi cách mạng Pháp, là tiền đề cho phong trào cộng sản. Cách mạng Pháp đã khai sinh cho nước Pháp câu tuyên ngôn chung: tự do, bình đẳng, huynh đệ. Tuyên ngôn ngày xác định tình huynh đệ đồng quyền chính trị. Thật vậy, thiết lập lại quyền bình đẳng tự nhiên giữa tất cả mọi người là nguồn gốc của tình huynh đệ mà Cách mạng pháp nhắm tới.

Tư tưởng này làm tiền đề cho ý tưởng Mác-xít về tình huynh đệ mà từ “đồng chí” là biểu tượng. Tuy nhiên, chúng ta biết, trong tư tưởng Mác-xít, ý tưởng về Thiên Chúa như người Cha chung bị biến mất; đồng thời ý tưởng về một nhân loại chung cũng mất tầm quan trọng. Tại sao vậy?

Chúng ta thường lầm tưởng chủ nghĩa cộng sản đem lại một thế giới đại đồng. Ý thức hệ cộng sản thực sự lại không phải như vậy. Nếu như phong trào Ánh Sáng muốn xóa bỏ ranh giới của sự khác biệt, trong tư tưởng Mác-xít nhân loại lại được chia ra thành hai nhóm hoàn toàn đối chọi nhau: giai cấp tư bản giai cấp vô sản. Điều này đặt thế giới vào hai thái cực khác nhau và chống lại nhau : một sự phân rẽ trong cùng nhân loại, một cuộc đấu tranh sinh tồn. Hệ quả là nó không thể đối xử với tất cả mọi người như anh em, nhưng chỉ với một số. Những người khác là địch !

Ý tưởng về tình huynh đệ trong Ki-tô giáo

Qua các Tin Mừng

Các nhà chú giải Kinh Thánh tìm thấy những nhóm bản văn khác nhau nói về “anh em” trong các Tin Mừng.

Nhóm đầu tiên (những bản văn) tiếp quản việc sử dụng từ “anh em” của Cựu ước. “Anh em” có nghĩa là những người cùng cộng đoàn tôn giáo (cộng đoàn Do-thái giáo). Tất cả những bản văn này được tìm thấy trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (x. Mt 5,21-24; 18,15-17).

Nhóm văn bản thứ hai đề cập đến “anh em” không được sự dụng một cách thông thường bởi những người Do-thái, nhưng được sử dụng một cách đặc biệt bởi cách kinh sư. Họ sử dụng từ “anh em” để nói về các môn sinh của mình. Chính Chúa Giêsu cũng đã áp dụng nó cho nhóm mười hai. Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa các kinh sư và Chúa Giê-su trong việc sử dụng từ “anh em”.

Trước hết, tình huynh đệ của những môn đệ giữa họ và với Đức Giê-su được nối kết một cách chặt chẽ với tình phụ tử của Thiên Chúa, khác với mức độ quan hệ thầy-trò của các kinh sư. Bằng chứng trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Chúa Giê-su yêu cầu các môn đệ : “Các con không được gọi ai là thầy, bởi vì các con chỉ có một thầy và tất cả các con là anh em với nhau” (Mt 23,8). Từ đây chúng ta nhận thấy “anh em” mang chiều kích Ki-tô giáo : Thiên Chúa là nền tảng của tình huynh đệ.

Tiếp đến, khi Chúa Giê-su gọi các môn đệ của mình là “anh em”, đó là điều hoàn toàn khác với các kinh sư gọi các môn sinh. Nhóm mười hai là biểu tượng của Dân Thiên Chúa mới, một dân của những người là anh em với nhau.

Nhóm văn bản thứ ba hoàn toàn thuần túy Ki-tô giáo. Đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô là một ví dụ điển hình (Mc 3, 31-35: ai mới thật là thân nhân của Đức Giêsu?)

Trong đoạn Tin Mừng này, mối quan hệ thiêng liêng vượt lên trên mối quan hệ máu mủ. Đối với Đức Giê-su, những người anh em là những người kết hợp với Người và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Tình huynh đệ không được xem là trật tự tự nhiên, nhưng phụ thuộc vào quyết định của tinh thần, nói vâng với ý muốn của Thiên Chúa. Khi Chúa Giê-su nói: “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10, 29-30), Người muốn ám chỉ một gia đình mới, lớn lao hơn được cấu thành từ những thành viên của những cộng đoàn Ki-tô hữu.

Trong Tin Mừng Mát-thêu, chương 25, chúng ta cũng nhận thấy quan điểm Ki-tô giáo về tình huynh đệ hoàn toàn riêng biệt so với những quan điểm khác. Chúa Giê-su gọi những người nhỏ bé, vô danh, túng thiếu nhất là anh em. Một điều đặc biệt trong đoạn Tin Mừng này là không có một dấu hiệu nào nói lên rằng họ là những tín hữu, những người đã tin vào Tin Mừng, nhưng tất cả mọi con người túng thiếu, bần cùng, nghèo khó, bị bỏ rơi, bị bách hại hay bị tù đày được chúc phúc.

Qua các bản văn của thánh Phao-lô

Thánh Phao-lô đã đánh dấu một bước ngoặt thật sự cho sự phát triển Ki-tô giáo tách khỏi Do-thái giáo. Việc sự dụng cụm từ “anh em” trong văn bản của thánh Phao-lô là một bằng chứng cho sự tách biệt này. Đối với thánh Phao-lô, “anh em” là những Ki-tô hữu, cùng chia sẽ niềm tin vào Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô (x. Rm 8,14-17).

Nếu như tình huynh đệ của Ít-ra-en dựa trên tình phụ tử đặc biệt của Thiên Chúa được trao ban trong việc tuyển chọn, trong Ki-tô giáo ý tưởng của tình phụ tử được thiết lập một cách sâu sắc qua Ba ngôi Thiên Chúa. Tình phụ tử của Thiên Chúa được biểu lộ đầu tiên trong Con Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô, và qua Người tới chúng ta. Cũng vậy, Thánh Thần của Người ở trong chúng ta làm cho chúng ta kêu lên Thiên Chúa là “Cha”.  Nói cách khác, tình phụ tử của Thiên Chúa được bộc lộ cho chúng ta qua trung gian của Đức Giê-su Ki-tô trong Chúa Thánh Thần.

Khi nói Chúa Thánh thần, chúng ta nói tới sự cởi mở của Thiên Chúa cho mọi người. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhấn mạnh : tất cả mọi người được mời gọi trở thành Ki-tô hữu, nhưng chỉ ai làm điều đó trở thành anh em. Tình yêu agape có thể tồn tại nơi mọi người, nhưng tình yêu huynh đệ (philadelphia) thuộc về người môn đệ của Đức Ki-tô (cùng một tình thần, tâm hồn hướng về Thiên Chúa).

Qua giáo huấn của các Giáo phụ

Thời kỳ của các Giáo phụ là thời kỳ của Ki-tô giáo tiến sâu vào trong thế giới của người ngoại. Như vậy, phép rửa được xem là hành vi cụ thể mà một người trở thành “anh em”. Phép rửa đồng nghĩa với việc sinh lại và người lãnh nhận chấp nhận đi vào trong “tình huynh đệ” Ki-tô giáo như chính tên của cộng đoàn (cộng đoàn tình yêu). Trong việc sinh lại này Giáo hội là mẹ và Thiên Chúa là Cha. Cũng vậy, việc cử hành bí tích thánh thể là trung tâm của tình huynh đệ.

Tuy nhiên, dần về sau với sự phát triển của Ki-tô giáo, từ “huynh đệ” hay “anh em” dần ít được sử dụng một cách chung, nghĩa là cho tất cả mọi Ki-tô hữu. Nó trở thành một từ riêng được sử dụng trong hàng giáo sĩ, và phát triển trong các tu viện, cộng đoàn tu. Điều này nói lên ý nghĩa đích thực của đời sống của một cộng đoàn tu : sống tình huynh đệ. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này cũng đã đánh mất một ý nghĩa nền tảng ban đầu của những cộng đoàn Ki-tô tiên khởi mà chắc hẳn chúng ta cần phải đào sâu lại ngày nay.

Trần Văn Khuê, aa