Sách Sáng Thế cho biết ngay từ khởi đầu con người đã bắt đầu có sự hiềm khích với Thiên Chúa vì sự tự do. Con rắn đã gieo vào lòng con người ý nghĩ về một Thiên Chúa độc đoán, không muốn con người có khả năng như Ngài và hạn chế sự tự do con người.
Trải qua chiều dài lịch sử nhân loại, vì thế, chúng ta nhận thấy con người có những cuộc giao tranh với Thiên Chúa, vì con người cho rằng Thiên Chúa muốn giam hãm con người trong các điều luật : từ sự vật lộn của Gióp trong Kinh Thánh với người của Thiên Chúa tới những tư tưởng bài trừ Thiên Chúa qua nhiều giai đoạn lịch sử con nguời.
Tuy nhiên, Thiên Chúa thực sự là ai ? Dung mạo đích thực của Ngài như thế nào ?
Một bước ngoặt nhận thức về sự tự do trong lịch sử tôn giáo Tây phương
Lịch sử tôn giáo của Tây phương đã trải qua một sự biến chuyển lớn nơi nhận thức về vị thế và sự hiện hữu của Thiên Chúa trong đời sống con người. Từ sự chấp nhận và khẳng định sự hiện hữu của Thiên Chúa là hiển nhiên và cần thiết, phong trào chủ nghĩa Ánh Sáng (thế kỷ 18), đánh dấu bước ngoặt lịch sử hiện đại của Tây phương, đã đặt lại toàn bộ xác tín Ki-tô giáo. Các luận văn khoa học không còn lấy Thiên Chúa để giải thích vũ trụ, những đinh luật của nó, ngay cả sự sống và nguồn gốc của những chủng loại sinh vật. Triết học, về phần mình, đã đòi quyền tự do suy tư, giải thích Thánh Kinh theo lý trí.
Chính phong trào này đã thực sự làm giảm suy tinh thần tôn giáo. Tuy nhiên, phần khác, người ta cho rằng sự suy giảm tinh thần tôn giáo xuất phát từ thiếu sự nhạy cảm của Giáo Hội trong những dấu chỉ của thời đại nhằm tiếp cận với con người thời đại mang nơi mình những ưu tư như nhà thần học Joseph Moingt, tu sĩ dòng Tên, đã nhận định :
« Thay vì hướng dẫn tinh thần tự do này, Giáo Hội chống lại khi tinh thần tự do quay lại chống đối quyền lực tôn giáo. Giáo Hội tuyên bố vô thần đối với các triết gia như Descartes hay Spinoza, những người muốn trước hết suy nghĩ qua chính mình và niềm tin của chính mình. Khoảng không từ đó được đào sâu giữa khoa học, triết học một bên và tôn giáo, thần học một bên. Đối với các triết gia, Thiên Chúa mạc khải trở thành không thể tưởng tượng, chính vì Thiên Chúa không còn cho phép suy nghĩ một cách tự do. Xa rời với tôn giáo, con người hiện đại học tự vượt qua khỏi Thiên Chúa, suy nghĩ và sống trong sự vắng mặt của Thiên Chúa, như thể Ngài không hiện hữu. Trong tiến trình lịch sử cụ thể này mà Thiên Chúa đã mất dần sự hiện hữu trong thế giới và cho con người. »
Từ đây chúng ta nhận thấy giá trị của Công đồng Va-ti-ca-nô II, một Công đồng đã cấp bách tìm hiểu những biến chuyển của xã hội và của con người trong thế giới hôm nay. Trong số 4 của Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, Công đồng ghi nhận : « Hy vọng và lo âu. Để chu toàn nhiệm vụ ấy, lúc nào Giáo Hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm ; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa của cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải nhận biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất thường là bi thảm của nó. Có thể phác họa một vài nét chính yếu của thế giới ngày nay như sau :
Nhân loại ngày nay đang sống vào một giai đoạn mới trong lịch sử của mình. Đó là giai đoạn chất chứa những đổi thay sâu xa và mau chóng đang dần dần lan rộng tới toàn thể hoàn cầu. Những thay đổi do óc thông minh và nỗ lực sáng tạo của con người khơi dậy, đang trở lại ảnh hưởng trên chính con người, trên những phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể con người. Như vậy, chúng ta có thể nói đến sự biến đổi đích thực về mặt xã hội và văn hóa, sự biến đổi này đang lan tràn tới cả đời sống tôn giáo. »
Cụm từ “dấu chỉ của thời đại” và lời mời gọi nhận ra những dấu chỉ của thời đại làm nên nét đặc sắc của Công đồng Va-ti-ca-nô II nói chung và Hiến chế Gaudium et spes (Vui Mừng và Hy vọng) nói riêng. Tư tưởng này phát xuất từ cố Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII, với ước vọng canh tân Giáo Hội, được linh ứng từ Tin Mừng.
Công đồng viết tiếp : « Đáp ứng những thúc bách của Chúa Thánh Thần, dân Thiên Chúa, nhờ đức tin mà tin rằng mình được Thánh Thần Thiên Chúa là Đấng bao phủ mặt đất hướng dẫn, cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ thực về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và ước vọng mà họ dự phần với những người đương thời. Thực vậy, đức tin lấy ánh sáng mới chiếu soi mọi sự và biểu lộ ý định của Thiên Chúa về thiên chức toàn vẹn của con người và do đó hướng dẫn lý trí tới những giải quyết hoàn toàn nhân bản. » (GS, số 11)
Đức tin lấy ánh sáng mới là gì ? Sống đức tin không phải là quay lưng tránh né các vấn đề nhân loại. Trái lại, chỉ nhờ đức tin mà chúng ta mới có được cái nhìn toàn diện về con người. Nghĩa là qua mầu nhiệm Nhập thể, chết và sự Phục sinh của Chúa Giê-su chúng ta hiểu rõ hơn về giá trị (sự nhỏ bé của con người cũng như sự lớn lao của nó) và sự tự do của con người.
Mối tương quan giữa đời sống xã hội và niền tin Ki-tô giáo ở Việt Nam hoàn toàn khác. Chúng ta không sống kinh nghiệm từ phong trào chủ nghĩa Ánh sáng Tây Phương, nhưng kinh nghiệm trở thành Ki-tô hữu trong một xã hội mà các Ki-tô hữu thường bị cho là trở thành những nô lệ và « con nghiện » của một thứ « tôn giao ngoại lai ».
Nhưng, Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, nghĩa là Thiên Chúa mạc khải qua Đức Giê-su Ki-tô, mà chúng ta tin và bước theo thực sự là ai ?
Tự do : một chủ đề xuyên suốt Kinh Thánh
Các nhà chú giải Kinh Thánh đã tìm thấy một ý nghĩa lớn lao và nền tảng trong hành động tạo dựng của Thiên Chúa. Hành động này của Thiên Chúa gắn liền với sự ban tặng sự tự do cho con người. Động từ bara (trong tiếng Do-thái) mang hai ý nghĩa : tạo dựng và tách rời. Điều này muốn nói lên rằng Thiên Chúa từ lức tạo dựng đã muốn cho con người có một không gian cho chính mình, một không gian của sự tự do trong mối tương quan với Đấng Tạo Hóa. Trong không gian đó con người tự do đón nhận Thiên Chúa hoặc từ chối Ngài như thánh Au-gus-ti-nô viết sau này.
Trở lại với Joseph Moingt. Nhà thần học này đã nhìn thấy trong tinh thần của tự do phù hợp với Tin Mừng, có nghĩa là ý tưởng về sự tự do mà con người thời đại tìm kiếm không đi ngược hay chống lại Tin Mừng. Ông viết :
« Tôi tin phải nhận biết rằng sự đòi lại sự tự do của con người đối diện với Thiên Chúa là kết quả của Tin Mừng. Đó là tinh thần của Tin Mừng dạy con người sự tự do này và cho phép con người tiến lại gần Thiên Chúa trong tất cả sự tự do ».
Quả thật như vậy, thánh Phaolô viết : « Quả thế, thưa anh em, anh em được gọi để hưởng sự tự do » (Galat 5,3). Trở nên tự do là một trong những đặc điểm nền tảng của Tin Mừng cứu độ. Chúa Giê-su đã đến loan báo : « Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa » (Lc 4, 18-19). Thông điệp này của Chúa Giê-su gởi đến cho tất cả mọi người : Do-thái hay dân ngoại, cho tất cả những ai khao khát sự tự do đích thực trong mọi thời đại.
Chúng ta biết rằng Kinh Thánh không đưa ra bất cứ một câu định nghĩa nào về sự tự do ; tuy nhiên, nó làm tốt nhất là chỉ ra một con đường để con người có thể đạt tới sự tự do đích thực. Nó chỉ cho thấy Thiên Chúa ưu tư giải phóng dân của Ngài như thế nào và niềm tin và Đức Ki-tô cho phép chúng ta có được sự tự do đích thực.
Sự tự do được đề cập trong văn kiện của Giáo Hội, Gaudium et spes
Sự cao cả của tự do được đặt trong chương I của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng : Phẩm giá con người. Điều này hàm ý rằng tự do thuộc về phẩm giá của con người, hay nói cách khác, phẩm giá con người chứa đựng yếu tố tự do.
Công đồng ghi nhận rằng con người đương thời có lý ngưỡng mộ và hăng say theo đuổi sự tự do. Tuy nhiên Công đồng cũng cho thấy con người lắm lúc cổ võ sự tự do lệch lạc. Đâu là sự tự do đích thực ? Công đồng đưa ra câu trả lời : « Tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người » (số 17).
Trước hết, tự do là dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa : đâu có sự tự do, ở đó có Thiên Chúa. Thánh Phao-lô viết : « Đâu có Thánh Thần của Chúa, đó có tự do » (2Cr 3,17). Khía cạnh thứ hai : loại bỏ Thiên Chúa chính là loại bỏ sự tự do. Bởi lẽ khi loại bỏ Thiên Chúa con người trở nên độc đoán và thay thế Thiên Chúa để phán quyết điều thiện và điều ác (Dietrich Bonhoeffer).
Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng viết tiếp : « Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Đấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Ngài con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn hạnh phúc ».
Thiên Chúa không dùng sự quyến rủ nhằm đưa con người lại với mình, nhưng con người bằng sự tự do đi tìm kiếm Thiên Chúa. Bởi lẽ, mầu nhiệm Giáng sinh, cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá không có gì hấp dẫn đối với con người. Đó là một hành vi nghèo hèn của Thiên Chúa, qua đó Ngài để cho con người tin hay không tin trong sự tự do. Nhưng, thánh Gio-an viết : « Những ai tin thì Ngài cho quyền trở thành con Thiên Chúa ».
Trần Văn Khuê, aa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét