Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

NHÂN BÀI PHỎNG VẤN ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP

Một lần nữa chúng ta được nghe người trong cuộc nói về cách hành xử thiếu “chính” của các cấp chính quyền đối với những người mang trong mình tâm huyết “xây dựng và bảo vệ Đất nước” với lý trí và con tim. Những chia sẻ của Đức cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp về cuộc toạ đàm “Hoà bình và Công lý trên Biển đông” không được thực hiện làm tăng thêm sự nghi ngờ của nhiều người đối với chính quyền.
Lịch sử đã một phần cho chúng ta thấy những yếu tính như “ngăn cấm” và “đàn áp” (những điều chính nghĩa), “đe doạ” và “khủng bố” hình như chỉ tồn tại nơi các chế độ chính trị độc tài. Nếu hỏi những người hay đọc về họ - những người đã từng sống trong các chế độ độc tài phát-xít của Hít-le và của những nước thuộc khối cộng sản Liên-xô cũ, chúng ta sẽ biết những gì : sự sợ hãi và nghi kỵ được hun đúc nơi người dân từ chính sách “khủng bố tinh thần” của chế độ. Điều này đã để lại những hậu quả nghiêm trọng trong đời sống xã hội, hay như ngôn từ được Đức giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI sử dụng để nói về điều này : “một sự tàn phá khủng khiếp” (x. Thông điệp Spe salve, số 21).
Tôi không hiểu về những gì đã xảy ra : các thanh niên tham gia các phong trào vì nước, vì dân hoặc bị bắt, hoặc bị mất việc (phần lớn là thanh niên Công giáo), hay như lời trần tình của Đức cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp trong bài phỏng vấn trên VietCatholic (20-09-2011): “Đối với chúng tôi, Ban Tổ chức cuộc toạ đàm, chúng tôi bó buộc triển hạn toạ đàm không phải chỉ vì Ban Tôn giáo chính phủ và Ban Tôn giáo – Dân tộc thành phố HCM yêu cầu, mà còn vì áp lực nặng nề của nhà cầm quyền trên Tu viện Đa Minh, cơ quan chủ quản của Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình, và nhất là sự đe doạ của các cấp chính quyền đối với các nhân viên cộng tác trong toạ đàm, các cộng sự viên. Một số người bị cảnh cáo là nếu tham dự toạ đàm sẽ bị mất việc. Công an cũng gặp trực tiếp hay gọi điện thoại cảnh cáo nhiều người tại SG và yêu cầu không được tham dự toạ đàm. Một số giáo phận khác cũng được công an thăm hỏi và làm phiền vì chuyện “Hòa bình và Công lý trên Biển Đông.”[1]
Chúng ta không cần bàn thêm về tâm huyết của những nhà trí thức yêu nước và những trăn trở của họ cho sự toàn vẹn đất nước. Chúng ta chỉ đề cập đến tinh thần tôn trọng luật pháp của các cấp chính quyền, một cách đặc biệt trong trường hợp trên đây. Số 55, Hiến pháp của Nhà nước XHCN Việt Nam, xác định : “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân.” Cũng vậy, những điều trong Bộ luật lao động của Nhà nước XHCN Việt Nam đã quy định một cách cụ thể quyền lao động của công dân được nhà nước bảo hộ như sau :
Điều 5 :
-          Số 2 : “Cấm ngược đãi người lao động; cấm cưỡng bức người lao động dưới bất kỳ hình thức nào.”
Điều 36 : Hợp đồng lao động chấm dứt trong những trường hợp sau đây:
-          Hết hạn hợp đồng;
-          Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng;
-          Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;
-          Người lao động bị kết án tù giam hoặc bị cấm làm việc cũ theo quyết định của Toà án;
-          Người lao động chết; mất tích theo tuyên bố của Toà án.
Điều 85 :
1-      Hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau đây :
-          Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp;
-          Người lao động bị xử lý kỷ luật chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật;
-          Người lao động tự ý bỏ việc 7 ngày trong một tuần hoặc 20 ngày trong một năm mà không có lý do chính đáng;
2-      Sau khi sa thải người lao động, người sử dụng lao động phải báo cho cơ quan lao động cấp tỉnh biết.
Nếu chúng ta hành xử như những người “sống theo pháp luật” trong một “nhà nước pháp quyền”, thì việc “hù doạ” (và có thể là thật) trên đây : “nếu tham dự toạ đàm sẽ bị mất việc”, hoàn toàn phi pháp. Chỉ trong một chế độ độc tài, chúng ta thường thấy có những người tự đặt mình lên trên Hiến pháp và luật pháp mà thôi.
Trần Văn Khuê, aa


[1]Đức cha Nguyễn Thái Hợp trả lời phỏng vấn của VietCatholic về Biển đông”, ngày 20-09-2011 (http://www.vietcatholic.org/News/Html/92827.htm ).

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

TRÁI TIM KHÔNG NGỦ YÊN

Theo dòng thời sự trong những ngày gần đây, qua các thông tin đại chúng khác nhau (“lề phải” cũng như “lề trái”), chúng ta nhận thấy có những điều không thể tin. Không thể tin, vì chúng trái với lẽ tự nhiên của lý trí và con tim.
Quả thật, những điều không thể tin này làm nhói con tim của con người lương thiện và tâm huyết với vận mệnh của Đất nước.
Trước hết, đó là hình ảnh của những người mà vai trò thiết yếu, tự bản chất, đảm bảo sự an toàn cho mọi người dân (họ được làm ra như thế, chứ không phải cho quyền lực) canh chừng những người phản đối Trung Quốc đang gây hại cho Đất nước yêu quý của mình. Điều này vượt khỏi tầm hiểu biết của những người có trái tim yêu nước và lý trí yêu mến sự thật. Hình bóng của những người mà chúng ta chỉ thấy tâm tình của họ từ phía sau lưng (No U) phải chăng nói cho chúng ta một sự thất vọng (chỉ nhìn thấy lưng mà không thấy mặt) hay cuốn hút chúng ta đi theo hướng của họ ? Một sự diễn giãi cho hai giả thiết này đều hợp lý.
Tiếp đến, hôm nay (20-09-2011), chúng ta đọc thấy trên báo “chính thức” (tờ vnexpress.net) hai mẩu tin trái ngược gây bàng hoàng đến tột độ, nếu chúng ta đặt chúng cận kề nhau.
Mẩu tin thứ nhất : UBND tỉnh Quảng Nam vừa quyết định bổ sung 330 tỷ đồng cho dự án xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng và nâng tổng chi phí cho dự án này là 410 tỷ đồng. Sau khi đưa ra những lý do xây dựng, cũng như sự đánh giá của Chính phủ về công trình này (“công trình quốc gia”), Trí Tín, tác giả của bài báo này, không quên nhắc lại một vài quan điểm của người dân và một cán bộ hưu trí ở huyện Núi Thành, ông Trần Ánh, mà theo tôi hoàn toàn hợp lý: “Tỉnh nên dồn sức quan tâm chăm sóc những mẹ anh hùng còn sống neo đơn lúc tuổi già.” Ông Trần Ánh nói tiếp: "Nên xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ngay trong lòng người chứ không nhất thiết chi ra số tiền quá lớn như vậy, trong khi tỉnh Quảng Nam còn là địa phương nghèo khó."[1]
Mẩu tin thứ hai : Cũng cùng ngày, một mẩu tin khác có hình ảnh trái ngược với mẩu tin thứ nhất. Các em học sinh ở bản Ông Tú, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình phải bơi qua sông để đến trường. Trao đổi với tờ báo điện tử vnexpress, ông Chủ tịch huyện Minh Hóa cho rằng “kinh phí xây cầu ở bản Ông Tú quá cao, trong khi huyện còn nghèo nên giải pháp trước mắt là tăng cường phụ huynh đưa đón con em đi học và cấp áo phao.”[2]
Tôi không biết “chi phí quá cao” này là bao nhiêu so với tổng kinh phí xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng lớn nhất nước : 410 tỷ đồng, nhưng khi nhìn vào cách hành động của các chính quyền nơi đây, tôi biết chắc rằng những ai có trái yêu nước và lý trí yêu mến sự thật không thể ngủ yên.
Trần Văn Khuê, aa


[1] Trí Tín, “410 tỷ đồng xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng”, vnexpress.net, ngày 20-09-2011 (http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/09/410-ty-dong-xay-tuong-dai-me-viet-nam-anh-hung/).
[2] Văn Nguyễn, “Học sinh phải bơi qua sông để đến trường”, vnepxress.net, ngày 20-09-2011 (http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/09/hoc-sinh-phai-boi-qua-song-den-truong/).

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

TÌNH BẠN

Một trong những mối tương quan gần gũi con người đó là tình bạn. Quả thật, tình bạn cũng đa sắc màu: theo lứa tuổi, theo địa vị xã hội, theo cùng lý tưởng và sở thích …; tình bạn cũng có thể bị thay đổi theo thời gian hay theo cảm tính. Tuy nhiên, Aristote cho rằng tình bạn là điều “cần thiết nhất trong đời sống con người, vì người ta không thể sống không có bạn”: lúc còn trẻ người ta cần bạn để thêm lời chỉ bảo, lúc tuổi già có những người bạn để tâm sự và ủi an. Không những cần thiết, theo Aristote, nó còn là điều “tốt đẹp và đáng tôn kính nhất”.
Trong tập Đạo Đức Học (cuốn VIII và IX, Thuyết lý về tình bạn), Aristote khẳng định điều làm nên sự khác biệt giữa con người và những sinh vật khác là tình bạn. Theo luật tự nhiên, các con vật khác, tuỳ chủng loại, cũng biết yêu và bày tỏ cách yêu của chúng qua những hình thức khác nhau : “Tình yêu là cảm xúc bẩm sinh nơi trái tim mọi sinh vật sinh sản”; tuy nhiên, tình bạn chỉ tồn tại nơi con người.
Có hai chiều kích tình bạn nơi con người theo trình bày của Aristote:
Chiều kích thứ nhất là tình bạn qua mối liên hệ liên vị trong đời sống cá nhân. Một tình bạn đích thật biểu lộ đức hạnh – một yếu tố cấu thành phẩm chất con người : “Tình bạn hoàn hảo là tình bạn của những người đức hạnh […]. Bởi lẽ, những con người đó muốn điều tốt cho nhau.” Quả thật, tình bạn chỉ trở thành đức hạnh khi đó là một tình bạn vô vị lợi, không chiếm đoạt, tương ứng lợi nhuận hay hữu dụng. Một trong những tính chất của tình bạn là lòng nhân hậu : “Người ta gọi những người nhân hậu là con người có trái tim muốn điều tốt cho người khác, và không mong muốn được đáp đền bởi người mà họ yêu mến. Lòng nhân hậu, khi nó qua lại (giữa hai con người với nhau), được xem là tình bạn.” Aristote kết luận : Tình bạn là đức hạnh sẽ đứng vững và lâu bền.
Chiều kích thứ hai là tình bạn trong mối tương quan xã hội. Aristote viết : “Người ta có thể đi đến việc nói rằng tình bạn là mối liên kết của các Nhà nước, và các nhà lập pháp lưu tâm tới nó với sự ân cần còn hơn cả vấn đề công lý. Sự hoà hợp của các công dân không tồn tại nếu không có tình bạn; những luật lệ trước hết muốn thiết lập sự hoà hợp, cũng như loại bỏ sự bất hoà là kẻ thù nguy hại nhất của thành đô. Khi người ta yêu nhau thì không còn cần công lý.”
Những lời trên đây của Aristote cho thấy vị trí của tình bạn trong đời sống xã hội. Nó không phải là một thứ tình “đồng chí” : đồng hướng và đồng đảng. Tình bạn, trước hết và trên hết, là yếu tố có khả năng tạo nên sự hoà hợp giữa những nhân tố xã hội khác nhau.
Đối với các Ki-tô hữu, tình bạn còn là phẩm chất của mối quan hệ con người với Thiên Chúa. Tình yêu giữa Thiên Chúa và con người không chỉ là một tình yêu agape (tình yêu dâng hiến), mà còn là một tình yêu philia (tình bạn). Câu chuyện trong Tin Mừng theo thánh Gio-an nói về việc Chúa Giê-su hỏi Phê-rô tới ba lần (Ga 21,15-19): “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến thầy hơn các anh em này không ?” Theo bản văn Tin Mừng bằng tiếng Hy-lạp, hai lần đầu Chúa Giê-su hỏi Phê-rô với tình yêu agape và lần thứ ba với tình yêu philia. Điều này bộc lộ con đường mà Chúa Giê-su đề nghị Phê-rô đi vào trong mối tương quan với Ngài là con đường của tình bạn. Như vậy, kể từ đây, việc Phê-rô đến với Chúa (hay trở về với Ngài) không còn là nỗ lực cá nhân bằng tình yêu agape (dâng hiến), mà là một cuộc song hành giữa Chúa và Phê-rô qua tình yêu – tình bạn.
Trần Văn Khuê, aa

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

SỰ ĐÁNG TIN CẬY: MỘT YẾU TỐ NỀN TẢNG XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG

Trong bài: “Khủng hoảng niềm tin nơi con người hôm nay”, đăng ngày 26 tháng 06 (2011), tôi đã nhấn mạnh : không chỉ là khủng khoảng niềm tin tôn giáo, mà còn là khủng hoảng niềm tin được bộc lộ nơi những lãnh vực đời sống con người khác nhau như đời sống xã hội, chính trị và giáo dục. Quả thực, một trong những biểu hiện phổ biến, nếu không muốn nói là “hiện tượng”, ghi dấu ấn nơi đời sống xã hội chúng ta là sự giả dối. Sự giả dối là một trong những nguyên nhân chính yếu đánh cắp niềm tin nơi con người và gây nên những hệ luỵ tiêu cực. Chính trong bối cảnh xã hội này mà nhiều người đang theo đuổi một thứ triết lý phi nhân bản: “Thật thà ăn cháo, lếu láo ăn cơm”.
Max Webber[1]: chữ tín trong “tinh thần” của chủ nghĩa tư bản
Đối với Max Webber, trái ngược với tư tưởng gán chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản không gì khác hơn là khả năng làm ăn sinh lợi một cách nhân bản : “Kiếm tiền – trong chừng mực mà người ta làm việc này một cách hợp pháp – trong trật tự kinh tế hiện đại là kết quả, là biểu hiện của sự chuyên cần và sự tinh thông trong một nghề nghiệp.”

Tuy nhiên, để đạt tới điều này, người ta cần có một nền đạo đức. Nền đạo đức trong tinh thần của chủ nghĩa tư bản là chữ “tín”: “Hãy nhớ rằng sự tín nhiệm là tiền bạc.” Sự tín nhiệm cho phép người ta thành công trong kinh tế cũng như thu phục nhân tâm.
Cái triết lý : “Thật thà ăn cháo, lếu láo ăn cơm” chỉ là kết quả của khuynh hướng xã hội phi nhân bản, thiếu một nền đạo đức thực thụ có khả năng xây dựng một xã hội bền vững. Từ kinh nghiệm khôn ngoan, cha ông chúng ta vẫn có câu: “Một lần mất tin, vạn lần mất tín” để nói lên tầm quan trọng của chữ tín trong đời sống con người. Ở phương Tây, người ta có thói quen thăm dò dự luận người dân để biết mức độ tín nhiệm (sự đáng tin cậy) của họ đối với các nhà lãnh đạo quốc gia như thế nào. Công việc này đem lại lợi ích là giúp các nhà lãnh đạo có khả năng điều chỉnh những chính sách và nỗ lực nhằm cũng cố niềm tin nơi người dân. Bởi lẽ, không ai có thể cai trị một dân trong hoà bình và thịnh vượng nếu thiếu vắng niềm tin phát xuất từ sự đáng tin cậy.  
Đức Giê-su và sự trung tín
Trong dụ ngôn “Người quản gia bất lương”, Đức Giê-su nói với những môn đệ của mình : “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn ; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em ?” (Lc 16,10-12).
Từ đoạn Tin Mừng này, trước hết, Đức Giê-su nói tới tính chất của sự “trung tín” và “bất trung tín” nơi đời sống con người. Chỉ có “trung tín” hay “bất trung tín” nơi con người, chứ không thể vừa là cái này và cái kia. Nếu người ta “trung tín trong việc rất nhỏ” thì người ta cũng “trung tín trong việc lớn”; ngược lại, nếu người ta “bất lương trong việc nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn”. Sự tín nhiệm hay đáng tin cậy hoặc có hoặc không.
Tiếp đến, đó là sự tất nhiên trong lựa chọn. Qua việc đặt câu hỏi, Đức Giê-su khẳng định với môn đệ của mình rằng người ta chỉ có thể ủy nhiệm công việc cho ai biết trung tín : “Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em ?”
Theo cái nhìn của Tin Mừng là nền tảng của tinh thần Ki-tô giáo, con người chỉ có thể mỗi ngày trở nên trung tín hơn trong đời sống của mình trong mối tương quan đối với Thiên Chúa, đối với người khác và đối với chính mình. Tuy nhiên, sự trung tín làm nên phẩm chất của người môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô. Con đường trở nên trung tín đòi hỏi người môn đệ có những sự lựa chọn căn bản và triệt để.
Trần Văn Khuê, aa




[1] Max Webber (1864-1920): nhà kinh tế chính trị học và xã hội học người Đức. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông đã được dịch sang tiếng Việt :  “Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản”, NXB Tri Thức, 2011.

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

CON NGƯỜI: HỮU THỂ ĐI TÌM CHÂN-THIỆN-MỸ

Theo dòng thời sự, những sự kiện xảy ra xung quanh chúng ta và trên khắp thế giới không khỏi làm chúng ta nản lòng. Từ sự độc đoán - đến nỗi áp bức con người, cho tới việc cướp của giết người một cách vô nhân tính, tất cả những điều đó không còn là những sự kiện riêng lẽ, nhưng phổ biến. Cách đây mấy hôm, kể từ ngày những lò hơi ngạt của Phát-xít Đức đã giết chết hàng triệu con người vô tội vì một thứ chủ nghĩa không tưởng, người ta lại phát hiện một nhà tù ghê rợn giam giữ những người bất đồng chính kiến của Kadhafi[1]. Những loại nhà tù như thế chắc chắn còn tồn tại đâu đó rất nhiều vì vẫn còn những người bị bắt một cách bí ẩn do những tranh đấu của họ. Ngoài ra, thời gian gần đây trên mặt báo Việt Nam xuất hiện nhiều vụ cướp của giết người như cướp các tiệm vàng và giết người[2].
Từ những sự kiện đen tối như thế người ta tự hỏi: Tính chất con người là gì? Đâu là nhân tính của con người? Những câu hỏi này bộc lộ một phần sự bi quan của con người.
Tuy nhiên, bên cạnh những bức tranh u tối đó chúng ta vẫn tìm thấy nhiều người vì những lý tưởng cao đẹp và những giá trị nền tảng miệt mài sống và bảo vệ những gì làm cho con người trở nên người hơn. Hình ảnh những người đó cho thấy bản chất vốn có nơi con người là hữu thể luôn đi tìm Chân-Thiện-Mỹ trong cuộc sống nhân sinh.
Sống là đi tìm cái gì chân thật
Tính chất đa nguyên về văn hóa, tôn giáo, tư tưởng triết học và chính trị nhiều lúc dẫn đến việc người ta khó đạt tới sự đồng thuận về những gì là chân lý. Hơn nữa, khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, mặt khác, thúc đẩy con người tự hợp thức hóa những giá trị theo phán đoán và ý muốn chủ quan.
Đi tìm cái gì là chân thật không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm chân lý xét theo nguyên lý và xác tín. Nó còn là việc tìm kiếm cái gì là “chân” đối với “giả” nơi chính cuộc sống con người. Cái chân thật bao hàm cả những yếu tố tích cực và tiêu cực.
Đi tìm cái gì chân thật mang những chiều kích: chân thật với chính mình và với những người khác trong mối tương quan liên vị.
Trước hết, con người vừa là một hữu thể lớn lao và mạnh mẽ, nhưng cũng mỏng giòn và nhỏ bé. Đây là tính chân thật nơi con người. Như vậy, cách để sống con người đích thực là khả năng ý thức về sức mạnh cũng như yếu đuối. Điều này cho phép con người cởi mở đón nhận những gì ngoài nó và khác nó, đồng thời hạn chế khuynh hướng độc tài vốn tồn tại nơi mọi con người.
Tiếp đến, con người cần chân thật trong những mối tương quan liên vị. Ngày nay nhiều người cho rằng những mối tương quan con người thường giả tạo và theo lợi nhuận. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng sẽ không có bất cứ mối tương quan bền vững nào nếu nó không chân thật và được đặt trên nền tảng của sự thật. Bản chất đi tìm những gì là chân thật nơi con người sẽ không chấp nhận một mối quan hệ lưỡng nguyên: vừa bạn vừa thù – một thứ nguyên lý được xây dựng trên sự giả dối.
Mặt khác, đối với người Ki-tô hữu, đi tìm những gì chân thật còn là đi tìm nguồn của sự chân thật. Nguồn chân thật đó chính là Thiên Chúa, bởi vì Ngài là nguyên lý của sự sống và Ngài cũng không lừa dối bao giờ.
Sống là đi tìm những gì thiện hảo
Chúng ta chứng kiến thế giới tràn ngập những bạo hành, giết chóc, đàn áp, giả dối. Điều thiện nhiều lúc bị lấn át bởi điều dữ.
Tuy nhiên, chúng ta xác tín rằng thế giới này, cuộc sống của con người, chỉ được xây dựng từ những gì là tốt lành mà thôi. Những bạo hành, giết chóc, đàn áp, giả dối chỉ có thể phá hủy, chứ không có khả năng xây dựng.
Thiên hướng tìm kiếm những gì là thiện hảo vốn có nơi con người. Thánh Tô-ma A-qui-nô, một nhà thần học Công Giáo, trong Tổng Luận Thần Học của mình, cho rằng con người được thúc đẩy để đi tìm những điều thiện, và điều thiện tối cao là Thiên Chúa, bởi vì chính nơi Ngài phát sinh mọi điều thiện hảo. Thiên hướng này được đặt để trong trái tim con người.
Sống là đi tìm nét đẹp
Ngày nay người ta đề cao vẻ đẹp thiên nhiên và đặc biệt là nét đẹp của con người. Chính tư tưởng đề cao sắc đẹp dẫn người ta tới việc tìm kiếm mọi phương pháp và dược liệu có thể để chăm sóc nó[3]. Quả thật, cái đẹp tô điểm thêm cho đời sống nét hấp dẫn và dễ đưa người ta tới ý tưởng thanh thoát hơn. Cái đẹp nhiều khi cũng đưa con người bắt gặp ý tưởng siêu việt.
Tuy nhiên, có những lúc, con người cũng bị giam hãm trong ý tưởng của cái đẹp. Những gì không đẹp trở thành ác mộng đối với con người. Người ta muốn cải thiện nó bằng mọi giá, thậm chí, có thể loại bỏ nó. Nhiều lúc, cái đẹp cũng đi đôi với thương mại: dùng cái đẹp để đánh đổi, để thỏa hiệp… Và như thế, thay vì nâng cao phẩm giá, con người, qua ý tưởng về cái đẹp lệch lạc, hạ giá những phẩm chất của chính mình.
Sống là đi tìm nét đẹp. Cái đẹp không chỉ hệ tại ở những nét bề ngoài, nhưng là cái đẹp nội tâm, cái đẹp của tâm hồn. Đó mới là cái đẹp mà con người cần tìm kiếm và con người cũng mong tìm kiếm. Người ta dễ dàng ngưỡng mộ một tâm hồn cao thượng, một cuộc sống trao ban cho người khác. Tâm hồn này, cuộc sống này – biểu lộ cái đẹp hoàn hảo, có thể trở thành thần tượng.
Trần Văn Khuê, aa



[1] Anh Ngọc, “Bên trong nhà tù khét tiếng của Lybia”, vnexpress.net, ngày 30-08-2011 (http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/08/ben-trong-nha-tu-khet-tieng-nhat-cua-libya/).
[2] Hà Anh, “3 người bị giết trong vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang”, vnexpress.net, ngày 24-08-2011 (http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2011/08/3-nguoi-bi-giet-trong-vu-cuop-tiem-vang-o-bac-giang/ ).
[3] Phương Trang, “5 cách làm đẹp độc nhất vô nhị”, vnexpress.net, ngày 02-09-2011 (http://vnexpress.net/gl/suc-khoe/lam-dep/2011/09/5-cach-lam-dep-doc-nhat-vo-nhi/ ).