Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

TRỞ THÀNH KI-TÔ HỮU HÔM NAY

Trong chuyến tông du tới Aquilea[1], miền Bắc nước Ý, trước các giám mục, linh mục, các chuyên viên thần học và những đại diện các cộng đoàn khác nhau, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI nói về những Ki-tô Hữu ngày hôm nay: những Ki-tô Hữu xác tín, khả năng đối diện với những thách đố văn hóa mới, và khả năng xây dựng cùng với mọi người thiện chí – tin hay không tin, một “thế giới nhân bản hơn”[2]. Những lời này của ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI được trình bày trong khung cảnh đặc biệt: trước những thành viên chuẩn bị đại hội Aquilea lần thứ hai, tuy nhiên, chắc chắn chúng vượt khỏi thành Aquilea tới những Ki-tô Hữu thuộc mọi miền văn hóa và chính trị khác nhau. Những lời này vừa cũng cố, vừa định hướng đời sống của mọi Ki-tô Hữu.
1-      Những Ki-tô Hữu xác tín
Ngày hôm nay chúng ta nghe nói tới những khuynh hướng: trần tục hóa, dửng dưng tôn giáo, chủ nghĩa vô thần thực hành[3], chủ nghĩa duy vật thực dụng, cũng như chủ nghĩa tương đối – xem mọi cái đều có giá trị như nhau hoặc không có giá trị gì cả. Trong bối cảnh này, sống niềm tin vào Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, đối với các Ki-tô Hữu, không phải là đi trên con đường bằng phẳng. Đồng thời, hơn bao giờ hết, nó mời gọi họ trở thành những Ki-tô Hữu xác tín: những Ki-tô Hữu hãnh diện về niềm tin của mình, tự hào về Tin Mừng được loan báo bởi Đức Giê-su và không ngại giới thiệu Đức Giê-su – Đấng là tình yêu và cứu độ của Thiên Chúa, cho những người khác. Đức Giê-su đến mạc khải cho con người Thiên Chúa là tình yêu và đỉnh cao của tình yêu là thập giá Đức Ki-tô[4], và cho con người hiểu một cách đích thực ơn gọi và phẩm giá của mình qua mầu nhiệm nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô.
Thực vậy, trong bối cảnh hôm nay, các Ki-tô Hữu cần ý thức trở thành thành viên của một Giáo Hội tuyên tín: Giáo Hội của những Ki-tô Hữu can đảm tuyên xưng, sống niềm tin và loan báo Tin Mừng. Điều chắc chắn là những đòi hỏi này đưa các Ki-tô Hữu tới đối diện với những nguy hiểm trong đời sống[5], đặc biệt là đối với những Ki-tô Hữu sống trong những hoàn cảnh mà tự do tôn giáo không được xem như yếu tố gắn liền với phẩm giá con người.
2-      Những Ki-tô Hữu có khả năng đối diện với những thách đố văn hóa mới
Từ trước tới nay, khi chúng ta nói tới văn hóa chúng ta nói tới những khía cạnh tập quán, lối sống đạo đức của từng miền và dân tộc. Điều này hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, văn hóa hôm nay bao hàm những trào lưu đa dạng đang phát sinh trong thế giới của chúng ta: toàn cầu hóa, thế giới kỷ thuật số, kỷ thuật công nghệ và y khoa…. Những lãnh vực này hoàn toàn không phải là cuồng tưởng của con người hôm nay, nhưng là những thực tại mà chúng ta không thể loại bỏ. Nói cách khác, sự phát triển xã hội và thăng tiến con người gắn liền với những lãnh vực này. Trở thành những Ki-tô Hữu hôm nay đó là trở thành những con người có khả năng đối thoại với những lãnh vực văn hóa mới, đồng thời khả năng sử dụng những phương tiện này để chuyển tải niềm tin và những giá trị Tin Mừng.
3-      Những Ki-tô Hữu, cùng với những người thiện chí – tin hay không tin, xây dựng một “thế giới nhân bản hơn”
Tin Mừng và giáo lý Ki-tô giáo không bao giờ nói rằng những Ki-tô Hữu là những người được đưa ra khỏi thế gian này. Đức Giê-su, ngược lại, khẳng định những người môn đệ của mình ở trong thế gian này, nhưng không thuộc về thế gian. Tại sao những người môn đệ của Chúa Giê-su không thuộc về thế gian? Quả thực, trong Tin Mừng, thánh Gio-an nói về thế gian như quyền lực của bóng tối, đối nghịch với ánh sáng.
Những Ki-tô Hữu là những con người ở trong thế gian này, sống và hành động từ chính niềm tin của mình. Niềm tin của người Ki-tô Hữu không gì khác hơn là xây dựng một thế giới nhân bản hơn cùng với tất cả mọi người thiện chí không phân biệt tín ngưỡng. Các Ki-tô Hữu xác định xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế này: “Nước Thiên Chúa là sự bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (thánh Phao-lô). Việc dấn thân này hoàn toàn không mang tính chính trị, nhưng được thúc đẩy bởi niềm tin vào Thiên Chúa mạc khải qua lịch sử Kinh Thánh và lịch sử nhân loại – Đấng là An-pha và Ô-mê-ga: là khởi nguyên và cùng đích của lịch sử nhân loại. Cũng vậy, Tin Mừng đòi buộc các Ki-tô Hữu phải nói lên những gì phi nhân bản, những gì là bất công, những gì đi ngược lại nhân phẩm, cũng như những gì làm cho con người trở nên người hơn.
Mặt khác, một “thế giới nhân bản hơn” không chỉ bao hàm việc thăng tiến con người trong tình huynh đệ, và liên đới, mà còn làm cho môi trường thiên nhiên trở nên thân thiện với con người. Việc khai thác những tài nguyên thiên nhiên thiếu ý thức và gây ô nhiễm môi trường hoàn toàn phi đạo đức và vô trách nhiệm đối với những thế hệ tương lai. Đối với những Ki-tô Hữu, việc trông coi vũ trụ và bảo vệ thiên nhiên là lệnh truyền của Đấng tạo hóa.
Trần Văn Khuê


[1] Aquilea được mệnh danh thành Rô-ma thứ hai.
[2] http://www.zenit.org/article-27834?l=french.
[3] x. Gaudium Spes.
[4] ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, trong thông điệp Deus caritas es, cho các Ki-tô Hữu hiểu rằng qua việc chiêm ngắm Đấng bị đâm thâu chúng ta hiểu tình yêu Thiên Chúa trong hình thức triệt để nhất và qua đó chúng học biết phải sống và yêu thương như thế nào.
[5] Người ta nhắc tới Dietrich Bonhoeffer như một trong những gương mặt Ki-tô Hữu tiêu biểu của Giáo Hội tuyên tín, sống và làm chứng niềm tin của mình vào Đức Giê-su Ki-tô cho tới việc phản kháng chủ nghĩa Đức quốc xã của Hít-le.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét