Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CĂN TÍNH QUỐC GIA



Cần thiết để nói về căn tính quốc gia. Bởi lẽ, người ta sẽ không hiểu con người là ai nếu không biết căn tính của nó là gì. Căn tính nói lên tính riêng biệt của từng cá vị. Cũng vậy, một quốc gia cũng cần được xác định căn tính. Căn tính này được đặt trên nền tảng trên những yếu tố văn hóa, nhân văn và tôn giáo.

Những gì đang diễn ra trong thời gian gần đây ở Việt Nam cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc xác định căn tính quốc gia. Một sự trở về nguồn – nguồn tinh thần, nguồn tâm linh đang được cổ võ. Đây là điều làm ngạc nhiên và đặt nhiều nghi vấn nơi nhiều người. Việc trở về nguồn bắt đầu với những lễ hội như lễ hội tôn vinh Vua Hùng hay những nhân vật lịch sử hay phi lịch sử khác – những huyền thoại.
Phải chăng sau một thời gian dài du nhập chủ thuyết Mác-xít của Tây phương Việt Nam bắt đầu nhận thấy không tìm thấy bất cứ một nền tảng nào để xây dựng một xã hội nhân bản và văn minh từ chủ thuyết không tưởng này, xét về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn? Nói cách khác, phải chăng Việt Nam đã không thể tìm thấy bất cứ nền tảng nào từ nguồn triết học Mác-xít để xây dựng một quốc tính? Quả thực, một nền chính trị phi nhân bản nếu nó không được vận hành một cách phù hợp với căn tính của quốc gia. Việc đi tìm một căn tính quốc gia là điều thiết yếu đảm bảo cho sự bền vững của một nền chính trị.
Khuynh hướng trở về nguồn nhằm xây dựng một quốc hồn đang được diễn đạt qua hai chiều hướng:
Khuynh hướng thứ nhất, nhân cách hóa những huyền thoại, những nhân vật siêu thực. Việc nhân cách hóa nhằm làm cho những huyền thoại, những nhân vật siêu thực trở nên gần gũi với dân tộc và có thể cảm nhận được. Đồng thời nó muốn nối kết mối tương quan nội tại giữa những phẩm chất của những vật huyền thoại với đặc tính của con người Việt Nam. Những phẩm chất như tình đồng bào của người Việt được đặt nền tảng từ huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, tinh thần bất khất chống giặc ngoại xâm từ hình tượng Thánh Gióng….
Khuynh hướng thứ hai, thần thánh hóa những nhân vật lịch sử. Những nhân vật lịch sử trở nên hình tượng thánh nhân và được tôn kính ngang hàng với các bậc thánh hiền. Chúng ta thấy xuất hiện những nơi được dành để tôn kính những nhân vật này và các lễ nghi cũng đã được đặt ra.
Nhân cách hóa những huyền thoại và thần thánh hóa những nhân vật lịch sử là những khuynh hướng phổ biến nơi nhiều nền văn hóa khác nhau. Chúng ta nhận thấy việc làm này nhiều lúc cho phép xây dựng một nền triết học – đạo lý và lối sống. Tuy nhiên, chúng ta không thể không lưu ý về những nguy cơ tiêu cực phát sinh từ những khuynh hướng nhân cách hóa huyền thoại và thần thánh hóa những nhân vật lịch sử.
Trước hết, người ta dễ làm lẫn lộn giữa tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội. Dĩ nhiên, những chiều kích này có mối tương quan với nhau. Tuy nhiên, tín ngưỡng và lễ hội không nhất thiết mang tính tôn giáo. Một sự tổng hợp có nguy cơ tạo nên những ngẫu tượng và Đấng siêu việt mà con người suy diễn hay bài xích không phải là Đấng siêu việt đích thực.
Tiếp theo, qua việc nhân cách hóa những huyền thoại và thần thánh hóa những nhân vật lịch sử, người ta có khuynh hướng chính trị hóa những lãnh vực tôn giáo, tín ngưỡng và những sinh hoạt tinh thần. Việc chính trị hóa những lãnh vực tôn giáo và những sinh hoạt tinh thần có nguy cơ phá hủy tính đặc thù của những lãnh vực này, cũng như nền văn hóa, một cách nền tảng, được hình thành từ những yếu tố tâm linh và tôn giáo nơi những con người của một dân tộc.
Như vậy, việc tìm kiếm căn tính của một quốc gia (quốc hồn) không thể không tôn trọng những yếu tố thuần túy tâm linh, tín ngưỡng và tôn giáo riêng biệt. Hơn nữa, càng không thể chính trị hóa những lãnh vực này. Thiếu tôn trọng hay chính trị hóa những lãnh vực đời sống tâm linh và tôn giáo sẽ hoàn toàn đi ngược lại khả năng xây dựng một căn tính quốc gia.
Trần Văn Khuê


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét