Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

NHỮNG QUYỀN LỰC THỜI HẬU HIỆN ĐẠI

Nói tới quyền lực chúng ta liên tưởng một cách nhanh chóng tới quyền lực chính trị - một thứ quyền lực định hình đời sống xã hội từ trước tới nay. Quả thực, vào những thập niên của thế kỷ XIX, ở Tây phương, người ta cho rằng chính trị có thể giải quyết mọi vấn đề nhân sinh. Cũng chính ở thế kỷ này, phong trào cộng sản, được xây dựng trên chủ thuyết Mác-xít, chủ trương cùng với giai cấp công – nông xây dựng thành Giê-ru-sa-lem mới bằng con đường chính trị cách mạng vô sản. Tuy nhiên, ngày hôm nay, khi nhìn vào những gì đang diễn ra trên thế giới chúng ta nhận thấy không phải quyền lực chính trị đóng vai trò quyết định đời sống xã hội, nhưng là quyền lực kinh tế và khoa học - kỷ thật. Đây chính là những quyền lực mới trong thời hậu hiện đại có khả làm biến chuyển thế giới.
1-      Quyền lực kinh tế
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 chứng minh sức mạnh kinh tế đối với vận mệnh của những quốc gia và toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này đã đẩy những quốc gia vào tình trạng nợ nần, những công ty bị phá sản và nhiều người thất nghiệp và phải sống trong cảnh bấp bênh và tạm bợ. Hơn bao giờ hết người ta nhận thấy tầm quan trọng của một nền kinh tế phát triển bền vững.
Một điều đặc biệt là cuộc khủng hoảng đã tác động theo dây chuyền từ quốc gia này sang quốc gia khác. Chính tác động này đã đặt lại vấn đề triết lý về sự độc lập, hơn thế nữa, chính sách “không can thiệp vào chuyện nội bộ” theo chủ thuyết không tưởng độc tài, của từng phần trong thế giới toàn cầu hóa.
Mặt khác, quyền lực kinh tế đã chi phối và vạch những ranh giới giá trị. Tiềm lực kinh tế có khả năng cũng cố quyền lực chính trị và làm khác biệt những giá trị: kẻ mạnh là kẻ có tiềm lực kinh tế lớn và từ đó cũng là kẻ nắm quyền hành. Trong cách vận hành này chúng ta thấy xuất hiện những bức tranh trái ngược tạo nên một cảm giác thiếu công bằng trong đời sống xã hội. Những hoàn cảnh sống gợi lên câu chuyện của Kinh Thánh: hình ảnh người phú hộ và La-da-rô nghèo đói. Người phú hộ ngày ngày yến tiệc, còn anh La-da-rô chỉ trông chờ những mẫu bánh vụn rơi từ bàn ăn của người giàu có.
Nói về mặt tích cực, phát triển kinh tế đã góp phần thăng tiến đời sống và nhân phẩm. Nhiều con người đã thoát được khỏi cảnh bần cùng nhiều lúc chôn vùi ý thức về giá trị nhân phẩm của mình. Quyền lực kinh tế ở đây mang một giá trị tích cực.
2-      Quyền lực của khoa học – kỷ thuật
Sự tiến bộ của khoa học – kỷ thuật đưa con người đi một bước tiến lớn đối với nền văn minh, cũng như khả năng kiểm soát một số tác động trên đời sống con người và vũ trụ: khả năng kiềm chế và chữa trị một số bệnh tật, làm cho môi trường trở nên thân thiện hơn với con người….
Mặt khác, công nghệ thông tin đưa con người ra với thế giới bên ngoài bằng con đường ngắn nhất. Chính nhờ lãnh vực khoa học này mà thế giới hôm nay trở thành một ngôi làng nhỏ: con người có thể giao tiếp và liên hệ với nhau một cách mau lẹ và hiệu quả hơn. Công nghệ thông tin cũng phá tan bức màn che dấu những sự thật.
Tuy nhiên, sự kiện xảy ra tại Nhật Bản vào tháng 03 năm 2011 – sự rò rỉ chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima do cơn địa chấn gây song thần, cho thấy công nghệ kỷ thuật, do con người phát minh, nhiều lúc vượt khỏi tầm kiểm soát của chính con người. Đó cũng là những gì mà Công đồng Va-ti-ca-nô II của Giáo Hội Công Giáo đã nói cách đây hơn 40 năm: những phát triển khoa học kỷ thuật do trí thông minh của con người trở lại tác động một cách tiêu cực trên chính con người. Điều này đặt câu hỏi đối với con người về vấn đề lạm dụng khoa học – kỷ thuật có thể gây nên những hệ quả tiêu cực.
Viễn cảnh thế giới đang bị thống trị bởi quyền lực kinh tế và của khoa học – kỷ thuật nói cho chúng ta điều gì?
-          Càng ngày chúng ta càng nhận thấy rõ một điều: sự phát triển (con người và xã hội) luôn gắn liền với những nhân tố khác nhau. Những cơ chế (chính trị, xã hội và kinh tế) không phải là đích điểm của sự phát triển. Chúng chỉ là những phương tiện nhằm tạo nên và đảm bảo sự phát triển. Chính vì thế mà chúng cần có tính năng động. Nếu con người không có khả năng vượt lên trên những cơ chế, nó có nguy cơ tự giam hãm chính mình và những phát triển cần thiết.
-          Con người luôn là trung tâm của sự phát triển. Sự phát triển con người toàn diện bao hàm chiều kích thể chất, tinh thần và trí tuệ. Con người không thể nô lệ những cơ chế, lại càng không thể bị kỷ thuật hóa.
-          Trong thế giới mà chúng ta nhận thấy hình như người ta có thể làm việc một cách độc lập với nhau, hơn bao giờ hết cần sự liên đới thực sự giữa những con người với nhau. Những cuộc khủng hoảng đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Liên đới là tính chất nhân loại. Ngay từ khởi đầu Đấng tạo hóa đã tạo dựng một cộng đồng nhân loại. Sự liên đới làm cho thế giới trở nên nhân bản và huynh đệ hơn.
Trần Văn Khuê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét