Xin được giới thiệu bài viết
của nhà báo Béatrice Bouniol : « Les quatre défis de l’humanisme
contemporain », được đăng trên tờ nhật báo La Croix, thứ 6 ngày 26 tháng 01 năm 2018, do Bayard Presse, thuộc
dòng Đức Mẹ Lên Trời tại Pháp quốc, xuất bản.
Khủng hoảng sinh thái và di
dân, trệch hướng của nền kinh tế mất cân đối hay sự phát triển công nghệ đòi buộc
chúng ta suy tư lại nền nhân bản mới nếu không muốn nó trở thành một lý tưởng
nguội lạnh, xa rời thực tại của thế giới.
Khủng hoảng di dân
Trên hết mọi thách đố hiện nay, đó là khó lòng thực hiện lời cam kết trọng
tâm của nền nhân bản : bình đẳng nhân phẩm của mọi con người. Như ghi nhận
của nhà sử học, Olivier Christin, vào thế kỷ XVI các nhà chủ nghĩa nhân bản suy
nghĩ về « một nhân loại chung » trong bối cảnh toàn cầu hóa.
« Ông giải thích rằng trong lịch sử hiện đại, châu Âu đã biết đến
các trào lưu di dân lớn – người Do-thái Tây ban nha, rồi người Can-vanh Pháp, trong
khi những khám phá lớn đặt vấn đề về tính đa dạng văn hóa. Nói về các cuộc
tranh luận sôi nổi này, những người thuộc Kỷ Nguyên Ánh Sáng đưa ra lời giải
đáp : chúng ta liên đới với tất cả mọi con người, ngay cả khi ở xa. »
Tiếp theo sau họ, ngày nay một số người đề xuất sự cần thiết tách quyền căn bản
của con người với tính chất công dân, số khác mở rộng yếu tố thứ hai này với
« tính chất công dân thế giới ».
Thách đố đầu tiên của nền nhân bản, khủng hoảng di dân nhắc nhớ chúng ta về
sự bấp bênh của tính lịch sử. Triết gia Marc Crépon, người đưa ra khái niệm :
« đồng thuận chết người » nhằm nói tới sự thỏa hiệp với bạo lực, nhắc
lại : « Mối tương quan đạo đức duy nhất với người khác đó là sư chăm
sóc và trợ giúp, để đáp lại tính chất dễ chết và dễ bị tổn thương của mọi con người
chúng ta cần phải luôn chấp nhận thỏa hiệp với nguyên tắc vô điều kiện ».
« Ông nói thêm, một nền nhân bản muốn tránh khỏi hối hận về bất cứ điều
gì phải bắt đầu nhìn nhận điểm yếu này và phát minh những con đường để đi ra khỏi
tính thụ động. Nỗi dậy, phê bình các diễn từ của người theo chủ nghĩa hư vô là
trong số con đường đó, tất cả được xem như cử chỉ của lòng tốt. »
Khủng hoảng sinh thái
Ý tưởng về con người đo lường tất cả mọi thứ, tách khỏi môi trường, đã gây
nên nhiều chỉ trích gay gắt. Hệ quả mang tính phá hủy của lối sống con người
trên hành tinh và các sinh vật khác phơi bày lỗ hổng của một nền nhân bản tìm
cách tách lìa khoa học về con người và khoa học về thiên nhiên suốt chiều dài của
thế kỷ XVI và XVII. Việc hâm nóng khí hậu và sự đau đớn của động vật đòi buộc
chúng ta từ bỏ quan điểm về con người như hữu thể tự do thuần túy, « không
quê hương » theo từ ngữ hiện hành.
Khủng hoảng sinh thái đòi hỏi « suy tư về giới hạn của thẩm quyền và
quyền hạn chúng ta, như Corine Pelluchon xác định trong cuốn sách : Ethique de la considération (NXB Seuil).
Nó mở ra một nền nhân bản mới bao gồm những thế hệ tương lai và sinh vật khác,
nhấn manh về sự tự do, đồng thời về tính vật chất của sự sống và tính chất dễ bị
tổn thương. Trong tư tưởng nhân bản cổ điển, tự do của tôi được giới hạn bởi tự
do của tha nhân ; luật đảm bảo về điều đó. Tại thời điểm này, chúng ta phải
chấp thuận tự giới hạn tiêu thụ nhằm phòng giữ thế giới chung. »
Di sản của nền nhân bản không phải để vứt bỏ, nhưng là để kiện toàn :
con người phát triển ý thức về giới hạn khi chú ý tới môi trường xung quanh.
Khủng hoảng tân chủ nghĩa tự
do
Tập trung cho sự giàu có, tính chất mong manh, mệt nhọc trong công việc…. Trong
lúc mất khả năng điều tiết toàn cầu, câu hỏi của nền nhân bản vang vọng một
cách khác : một cuộc sống tốt và tự do là gì ? « Olivier
Christin liệt kê : đó không phải là cuộc sống bị rút kiệt trong sự sống
còn hay tiêu thụ, không phải là cuộc sống của con người được thu gọn trong sự
biến đổi thất thường vì việc điều chỉnh theo mô hình xã hội. Tính tàn nhẫn của
kinh tế hiện nay đặt lại câu hỏi về sự hoàn thành, giá trị và cứu cánh của đời
sống con người. »
Cũng vậy, nó thúc đẩy suy tư về đồ án xã hội chúng ta. Nền nhân bản hôm nay
cũng đi ngang qua chủ nghĩa duy ý chí mang tính chính trị, bởi lẽ « Chính
phủ phải khẳng định lại sứ mạng bao hàm tổ chức xã hội cho công lý và hòa bình
và không phải cho đặc quyền đặc lợi của một số người, Corine Pelluchon nhấn mạnh.
Hệ tư tưởng đưa tới việc quên đi giá trị con người và phá hủy ý nghĩa của lao động có tên gọi :
chủ nghĩa kinh tế. Nó tiêm nhiễm não
trạng con người. Tái khẳng định nền nhân bản, theo đuổi dự án giải phóng đưa
con người ra khỏi sự thống trị của hiệu năng và mặc cả là cách duy nhất để
phòng giữ nền dân chủ. »
Khủng hoảng công nghệ mới
Chương trình thu tóm nơi chính nó tầm quan trọng của thách đố được đặt ra bởi
công nghệ mới : chuyển đổi con người, muốn gia tăng tính chất thể lý và
tâm trí con người ngõ hầu vượt lên giới hạn sinh học.
Olivier Christin cảnh báo những tiến bộ công nghệ đặt lại vấn đề
« ranh giới của nhân vị con người, chiêu tập đầu tư khổng lồ của những người
theo chủ nghĩa nhân bản, không chỉ quan tâm tới những khả dĩ của khoa học ».
Nó đòi hỏi tranh luận về sự tự do mà Corine Pelluchon nhắc lại : tự do
không có nghĩa là được làm mọi thứ, nhưng là hướng sự tiến bộ tới những gì là tốt
đẹp mà chúng ta chọn lựa tôn kính và những gì đang tới mà chúng ta từ chối ».
Chúng ta mong muốn điều gì, định dạng con người như thế nào ? Đó là những
câu hỏi mà công nghệ kỹ thuật số cũng đặt ra, như nữ thần học gia, Gemma
Serrano, trưởng phân khoa « Nền nhân bản kỹ thuật số » thuộc Trường
cao đẳng Bernardins nêu lên.
Bà xác định rõ : « chúng ta không ở trong tình trạng đối diện với
những công cụ mới, chúng ta đang bị nhấn chìm trong một nền văn hóa mới mang
trong nó một lý tưởng chia sẻ và cộng tác. Việc nhấn chìm này không nhất thiết
là tiêu cực với điều kiện chúng ta biết duy trì khả năng phân tích và hành động.
Chúng ta không chỉ chịu ảnh hưởng của nền văn hóa kỹ thuật số này, nhưng còn
tham dự một cách tích cực trong việc tạo lập nó. »
Như vào thời Kỷ Nguyên Ánh Sáng, giáo dục phải là trung tâm của mọi mối bận
tâm chúng ta. Corine Pelluchon đúc kết vấn đề này như sau : « chúng
ta không chỉ trang bị cho con người tri thức, nhưng còn phải dẫn dắt họ tới khả
năng khẳng định sự tự trị nơi đời sống luân lý và tự nhân bản hóa trong việc
phát triển một số thiên hướng luân lý nhất định. Bởi lẽ, không phải chỉ nhận biết
thế giới nào chúng ta mong muốn truyền lại cho con cái, nhưng còn là những đứa
con nào mà chúng ta mong muốn đặt để vào trong thế giới này. »
Pet. Trần Văn Khuê, aa, chuyển
ngữ