Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

CHÈO RA CHỖ NƯỚC SÂU MÀ THẢ LƯỚI

(Hình ảnh : Biển hồ Ga-li-lê)

Chúa Giêsu mời gọi thánh Phêrô “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”, và Người cũng mời gọi tất cả chúng ta đi xuống dưới dáng vẻ bên ngoài để thể hiện một cuộc sống thâm trầm hơn, có ý thức và có ý nghĩa hơn. Nếu bạn đáp lại lời mời gọi ấy, thì đâu là đòi hỏi cụ thể mà bạn phải thực hiện trong cuộc sống mỗi ngày ? Nơi bản thân, đâu là chỗ mà bạn cảm thấy có sự kháng cự làm bạn khước từ lời mời gọi “đi xuống sâu hơn” ?

Qua trình thuật về câu chuyện kêu gọi các môn đệ đầu tiên (Lc 5, 1 - 9), thánh sử Luca đã chuyển tải lời mời gọi của Chúa Giêsu một cách sinh động, khi Người bảo các môn đệ chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Qua đó, Người cũng đảm bảo rằng, bất cứ điều gì chúng ta khám phá được nơi bản thân mình, đều có thể được biến đổi nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Sau một đêm vất vả luống công và chán nản, Phêrô cùng với bạn chài đang giặt lưới và chuẩn bị nghỉ việc. Bỗng Chúa Giêsu xuất hiện và giảng dạy cho dân chúng. Vì dân chúng chen lấn muốn đến gần Người, nên Chúa Giêsu xuống thuyền của Phêrô và xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Sau đó, Người bảo ông “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Thoạt tiên ông chống cự lại lời yêu cầu của Chúa Giêsu : “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì”. Nhưng, cuối cùng Phêrô dịu lại và thưa : “...Nếu Thầy đã nói thế thì tôi sẽ thả lưới”. Họ đã bắt được rất nhiều cá, hầu như rách cả lưới. Họ gọi bạn chài mang thuyền đến giúp và đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Việc Chúa Giêsu chỉ dạy các môn đệ chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới có thể được xem như hành động mời gọi chúng ta nhận biết mình và đi vào đời sống nội tâm. Sự phản kháng của Phêrô cũng phản ánh thái độ miễn cưỡng và lo sợ mà chúng ta cảm nghiệm, khi chúng ta được kêu gọi rời bỏ cuộc sống hời hợt để đi vào trong con người thâm sâu của mình. Chúng ta lo lắng không biết mình sẽ gặp thấy gì trong cõi thâm sâu. Chúng ta tự nhủ, liệu những gì chúng ta gặt hái được có đáng để phấn đấu và chấp nhận đau đớn có thể xảy ra không. Sau mẻ cá kỳ diệu, Phêrô đã run sợ sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và nói : “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Cũng vậy, con người phản kháng và lo sợ của chúng ta cần nghe lời trấn an của Chúa Giêsu : “Đừng sợ ! Từ nay con sẽ là người đi thu phục người ta”. Qua lời trấn an đó, chúng ta có thể nghe Chúa Giêsu Phục Sinh nói rằng : “Đừng sợ! Thầy sẽ ở với anh em. Tất cả những gì anh em tìm thấy nơi đáy lòng mình, Thầy sẽ sử dụng để làm lợi cho anh em”. Là môn đệ Chúa Giêsu trong thời đại hôm nay, chúng ta cũng được Người cam đoan : nếu chúng ta phát huy việc nhận biết mình và sự toàn vẹn, thì qua con người trọn vẹn của chúng ta, Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta bắt được một mẻ cá lớn nhằm nuôi dưỡng bản thân mình cũng như cho người khác.

Sử dụng một hình ảnh khác trong Tin Mừng, chúng ta có thể nói rằng, Linh đạo Kitô giáo là một hành trình băng qua cánh đồng là chính con người chúng ta, để khám phá ra kho báu đã được chôn giấu trong đó. Kho báu là nơi Thiên Chúa hiện diện, như Chúa Giêsu đã nói : “Nước Trời giống như một kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi đi bán tất cả...mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13, 44). Hành trình nội tâm là chuyến đi vất vả, băng qua nhiều lớp ý thức của tinh thần. Hành trình này làm chúng ta hoảng sợ, bởi vì phải đối phó với một địa hình mà chúng ta chưa biết. Cha Gerard Hugles, tu sĩ dòng Tên, quả quyết rằng : “Hành trình này luôn luôn bao gồm sự nghi nan, đau khổ và bối rối nhất định. Cảm xúc tiêu cực ấy là lực đẩy nhẹ nhàng của Thiên Chúa”. Tin tưởng vào sự nâng đỡ đầy yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta có thể tiếp tục lên đường ; đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu mà đi xuống sâu hơn, và chúng ta sẽ ngỡ ngàng khi khám phá được Nước Thiên Chúa đang ở trong lòng chúng ta.


E. Trúc Giang, spc

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

ĐIỀU KÌ DIỆU

Có lúc ta cầu mong điều kì diệu đến, nhưng nó không xảy ra. Có khi ta mơ màng về một chương trình vĩ đại mong được thực hiện như : tư tưởng, sáng kiến hay một chân trời mới, nhưng đều bất thể. Điều kì diệu đối với ta nhiều lúc quá xa vời vợi và quá cao chót vót. Điều kì diệu trong tâm tưởng mãi là điều kì diệu siêu thực.

Điều kì diệu đích thực trái với khuynh hướng siêu tưởng. Nó gắn liền với thực thể sống, vì nó là cuộc sống. Sự sống là điều kì diệu trước tiên và ai đang cố gắng thăng tiến đời sống là thực hiện điều kì diệu trong đời sống. Xã hội chúng ta có quá nhiều giả thiết. Lắm lúc chúng làm cho con người sống trong ảo giác và dẫn đưa con người tìm kiếm điều siêu thực. Điều làm cho con người tách lìa với thực tại trần thế không phải là việc người ta đi tìm giá trị siêu việt hay đối với tín hữu đó là đi tìm Thiên Chúa, nhưng chính việc con người biến thực tại thành thế giới kì ảo : nơi đó người ta không còn có thể chân nhận dung mạo của con người đích thực và ý nghĩa cuộc sống cũng như điều kì diệu trong nó.

Điều kì diệu được bộc lộ nơi tấm lòng : nó là sự phản chiếu của điều kì diệu. Quả thật, chúng ta ngưỡng mộ tấm lòng không vị kỷ và con người dấn thân vô vị lợi. Câu chuyện về ai đó dám hy sinh đời sống mình vì người khác qua tiếng nói và hành động đọng lại nơi chúng ta hình ảnh của điều kì diệu. Nó sống mãi cách sống động trong ký ức con người. Nó không cần sự đánh bóng để tồn tại và tỏa sáng. Trái lại, nó mang giai điệu âm vang sâu lắng trong tĩnh lặng. Tiếng nói của điều kì diệu nhỏ nhẹ và dịu dàng. Chỉ ai có trái tim nhạy cảm biết lắng nghe mới nhận ra điều kì diệu.

Điều kì diệu còn trở nên mộc mạc và đơn sơ. Nơi nó không có mưu toan. Nụ cười của tấm lòng chân thật rạng rỡ hơn bất cứ gì. Con người kì diệu sẵn sàng cho đi tất cả chỉ vì tình yêu. Phần lớn điều kì diệu tiềm ẩn nơi con người tầm thường. Họ tầm thường đến mức mà tính tầm thường nơi họ trở nên điều kì diệu : đáng ngưỡng mộ. Sự cách biệt giữa con người là điều kì diệu được cất dấu. Sự mộc mạc không phải là thứ làm lóa mắt con người, nhưng làm trái tim rung động. Nó không đánh tráo và gian lận. Nó không khoa trương và cường điệu. Nó là thực tại ít được phát hiện, nhưng nó được cảm nhận bằng trái tim biết nhìn thấy.  

Đi tìm điều kì diệu, chúng ta đến với cuộc sống mà nơi đó chúng ta bắt gặp con người. Con người tầm thường, nhưng ẩn chứa điều kì diệu. Chính Thiên Chúa kì diệu đã ẩn dấu nơi con người và trở nên như mọi người. Hơn nữa, con người Giêsu đã sống ẩn dật trong suốt phần lớn thời gian của cuộc đời trần thế. Thời gian rao giảng của Người đầy sóng gió và ngập tràn sự chống đối. Cái chết là đoạn kết bi kịch nói lên sự bị loại bỏ. Thế nhưng, ai được ơn nhận biết nhìn thấy điều kì diệu của Thiên Chúa được bộc lộ nơi Đức Giêsu Kitô. Chính Người trở thành nguồn sống cho mọi tín hữu xác tín. Để rồi, với dáng vẻ bề ngoài nghèo hèn họ là người cất dấu kho tàng điều kì diệu của Thiên Chúa nơi mình.


Trần Văn Khuê

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

NIỀM VUI NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊ-SU

Trong một bài viết trước đây tôi nói về việc trở thành Ki-tô hữu hôm nay : người Ki-tô hữu sống xác tín, có khả năng đối diện với thách đố văn hóa mới, xây dựng “thế giới nhân bản” (x. http://saokhue-saokhue.blogspot.com/2011/05/tro-thanh-ki-to-huu-hom-nay.html). Tuy nhiên, trong bài viết này tôi chưa đề cập đến con đường sống lý tưởng Ki-tô giáo lại là con đường đầy chông gai và thử thách. Phần thưởng dành cho ai yêu mến Chúa là sự đau khổ như kinh nghiệm của thánh nữ Tê-rê-xa Giê-su thành A-vi-la. Đau khổ này không thuộc bản chất Ki-tô giáo, nhưng là thứ đau khổ mà như Chúa Giê-su nói : “Vì danh Thầy anh em sẽ bị thù ghét” (x. Mt 10, 22).

Sống nơi vùng đất mang đậm dấu ấn từ con người khởi xướng phong trào cộng sản tôi gặp gỡ một số cụ ông cụ bà ở tuổi 80, 90 và cao hơn nữa, hồi tưởng về cuộc sống của người Công giáo trong giai đoạn chiến tranh – lúc mà người ta biến người nông dân chân lấm tay bùn thành người cộng sản giáo điều : sống cựa quyền và thi hành mệnh lệnh cách máy móc. Đôi mắt của các cụ long lanh khi kể nhiều câu chuyện buồn lịch sử. Chuyện của các cụ là chuỗi dài sự kiện nối tiếp nhau : từ chuyện vật chất tới con nguời. Có câu chuyện như qua một đêm con bò con trâu của nhà mình bổng chốc thành vật sử hữu của người khác, hay là lúa mới từ ngoài đồng về tới sân đã thuộc về người ta. Gia sản gia đình lần lượt ra đi vì cưỡng bức. Cái còn lại duy nhất là sự “câm lặng” và “lầm lũi”. Tất cả chỉ vì “ta là người có đạo”.

Tuy nhiên, hôm nay tôi vẫn thấy trên gương mặt của các cụ toát lên nét tinh thần thanh thoát và thấm đượm nơi tâm hồn lòng nhân ái : không hận thù và cũng không gian ngoa, nhưng là sự điềm đạm và lòng quảng đại. Toàn thân con người bộc lộ sự bình an tự tại và tâm trí biểu lộ lòng tin tưởng vững vàng vào Thiên Chúa quan phòng và tình yêu của Ngài. Các cụ nói chuyện với tất cả niềm xác tín sâu xa : “Có Chúa”, và không quên thêm vào câu nhấn : “con đã thấy như thế”. Tôi thật sự ngưỡng mộ tâm hồn tươi trẻ và tràn đầy sức sống nơi con người da nhăn, má hóp và lưng còm. Họ đích thực là người môn đệ mà Chúa Giê-su yêu mến. Niềm vui của họ cũng là niềm vui của người môn đệ đã sống và cảm nghiệm Thiên Chúa hiện hữu trong đời sống.

Trở thành Ki-tô hữu chúng ta không đi tìm sự đau khổ và cả cái chết. Tuy nhiên, trong đau khổ người môn đệ cảm nghiệm lời chúc phúc và lời hứa của Chúa Giê-su : “Phúc cho ai chịu bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 10). Niềm vui của người môn đệ Chúa Giê-su là niềm vui Phúc Âm : niềm vui tình yêu, niềm vui tha thứ và niềm vui sống đời sống công chính. Niềm vui này loan báo Nước Trời – nơi đó không còn hận thù, chiến tranh, thái độ cực đoan giáo điều, nhưng là “bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (x. Rm 14, 17).

Niềm vui Phúc Âm của người môn đệ Chúa Giê-su là niềm vui hòa giải. Nó không phải là thứ thỏa hiệp theo phương châm : “Dĩ hòa vi quý”, hay chấp nhận tính tương đối về một lý tưởng sống hoặc ý thức hệ. Nhưng, đó là cung cách sống biểu lộ tinh thần quảng đại và vị tha. Thái độ sống này làm cho người môn đệ Chúa Giê-su có được tinh thần thanh thoát và niềm vui tràn đầy phát xuất từ tâm hồn của con người nội tâm.


Trần Văn Khuê