(Ảnh : Núi Tabor)
Thế giới hôm nay lôi cuốn con người chạy theo khoái lạc,
lợi nhuận và chiếm hữu không ngừng. Sự từ bỏ quả là xa xôi và không tưởng. Bị ảnh
hưởng bởi não trạng sống để hưởng thụ, người ta thường coi giá trị ở đời này
như tiền bạc, danh lợi, địa vị là trên hết. Nhưng đối với ai còn chút tâm hồn
lương thiện, và đã từng trải, đều nhận biết đâu là giá trị đích thực của đời
người. Ngắn ngủi thay con đường hưởng thụ, chẳng đưa người ta tới đâu, mà cuối
cùng chỉ thấy phiền não, lo âu và thất vọng. Càng hưởng thụ càng thấy mình trở
nên trơ trọi, tầm thường, bạc nhược và rồi ngán ngẩm chính bản thân mình.
Sống
là chấp nhận từ bỏ. Từ bỏ trở
thành qui luật sống, phát sinh và triển nở. Thai nhi không thể nào ở mãi trong
bụng mẹ, dù đó là chỗ an toàn, êm ấm. Đứa bé chẳng bao giờ trưởng thành nếu nó
sống mãi bằng sữa mẹ. Lớn lên, theo đuổi một lý tưởng cao đẹp lại càng phải từ
bỏ. Từ bỏ là dấu chứng ta muốn được tự do phát triển, bằng cách tẩy trừ mầm
móng độc hại đã ít nhiều thâm nhập vào đời sống mình. Có biết bao điều hèn kém
và xấu xa đòi hỏi ta phải từ bỏ để làm đẹp tính cách của mình. Ngay cả điều tốt
cũng phải được từ bỏ để chọn một điều tốt hơn. Có nhiều người không có can đảm
từ bỏ nên suốt đời cứ bị giằng co và ray rứt.
Từ bỏ thường làm ta sợ hãi và luyến tiếc, cảm thấy mình bị
mất mát và nhiều khi bị thương tổn. Sự cắt tỉa nào mà lại không gây đau đớn và xót
xa ? Đó là điều nhất thiết phải có để cây đời sinh hoa kết trái. Khi một phiến
đá thấy mình trở thành một tác phẩm nghệ thuật, lúc đó nó mới biết ca ngôi sự
đau khổ mà người thợ điêu khắc đã đục đẽo nó qua bao ngày. Cũng vậy khi thấy
mình trở nên con người thành toàn hơn về mọi phương diện, ta mới biết yêu chuộng
sự từ bỏ mà Đấng tác tạo đã làm nên. Chính sự từ bỏ sẽ giải phóng con người khỏi
những gì đang bị kìm hãm, những gì làm giảm bớt cơ hội thăng tiến, những gì làm
tê liệt sự phát triển nhân tính, để mở ra cho con người chiều kích siêu việt,
linh thánh.
Thiết nghĩ, ai tự cho mình là khôn ngoan để rồi từ chối
không muốn tiến xa hơn nữa trên con đường từ bỏ là người khờ dại. Muốn dành phần
riêng cho mình để khỏi mất hết, là một tính toán sai lầm. Phép Rửa đã cho chúng
ta trở thành môn đệ Đức Kitô. Nhưng để là môn đệ đích thực của Ngài, chúng ta cứ
phải từ bỏ hoài, từ bỏ mãi và từ bỏ hết cho đến suốt đời : “Ai trong anh em
không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ Tôi được” (Lc 14, 33).
R. Tagore đã cảm thấu được chân lý trên qua dụ ngôn người
hành khất gặp Đức Vua : Khi xe Vua ngừng,
người hành khất thầm nhủ duyên may đã đến, tưởng rằng Vua sẽ thương ban vàng bạc,
nào ngờ Vua lại chìa tay xin : “Có gì cho Ta không ?”. Người hành khất bối rối,
lưỡng lự một hồi rồi móc ra từ trong bị một hạt lúa rất nhỏ bé dâng cho Vua.
Khi chiều về, anh ta dốc túi ăn xin ra, thì lạ thay có một hạt lúa vàng cũng rất
nhỏ bé. Nghẹn ngào anh ta khóc nức nở : “Phải chi tôi dâng hết cho Người”.
Với xác tín thâm sâu đó, Tagore mới dâng lời nguyện ước :
“Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế gọi được Người là tất cả của tôi. Chỉ mong
ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi chốn, mọi nơi,
đến với Người trong mọi thứ mọi điều, và dâng Người tình tôi lúc nào cũng được.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế chẳng bao giờ tôi lẫn tránh được Người...”
Sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng chỉ phát khởi trên
con đường từ bỏ. Từ bỏ điều tôi có, và cứ có thêm mỗi ngày. Điều hôm nay chưa đến,
mai đã thấy có. Điều đã bỏ từ lâu, nay lại dính bén. Chính vì vậy, từ bỏ phải
là thái độ nội tâm liên tục. Tình yêu không chỉ nửa vời hay chỉ trong lúc hứng
khởi, nhưng là trọn vẹn và trung kiên cho đến cùng. Tháp đã bắt đầu xây, cuộc
chiến đã khai mào (x. Lc 14, 28-33), không thể lừng khừng và thỏa hiệp. Không
còn là lúc mà ngồi xuống để tính toán nữa. Cần đầu tư toàn lực để xây tháp ; cần
tập trung toàn tâm để tiến quân. Cần từ bỏ mọi vướng víu và níu kéo để lên đường
cho một sứ mạng, đồng thời cũng dám dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho
chân lý. Từ bỏ hoàn toàn là cách diễn tả một tình yêu tột bậc, để sống trọn
tình và thuộc trọn về người mình yêu.
Từ bỏ là con đường và cách thế của Chúa để gặp gỡ và cứu
độ con, xin biến sự từ bỏ trở thành con đường của con để gặp gỡ Chúa và thuộc
trọn về Ngài.
E. Trúc
Giang, spc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét