Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

« VÔ VI » THEO TINH THẦN KITÔ GIÁO


(Ảnh : kênh đào Ézéchias, Thành Vua Đa-vít)

Tính cầu toàn hình như đang lan rộng trong đời sống xã hội hôm nay do ảnh hưởng của cơ cấu định chế. Người ta khó có thể phân biệt ranh giới giữa sự phấn đấu lành mạnh nhằm phát huy khả năng và đòi hỏi mang tính cầu toàn nhắm tới thành tích.

Khi nói tới khuynh hướng cầu toàn, chúng ta không muốn ám chỉ những nổ lực phát huy sở trường của mình, vốn là động lực thúc đẩy nhiều người đạt tới trình độ xuất chúng. Khi chúng ta quý trọng tiềm năng của mình và thích phấn đấu để đạt tới tiêu chuẩn cao, thì đó là hành vi lành mạnh. Trái lại, khi chúng ta đòi hỏi mình phải đạt tới một thành tích cao hơn khả năng mình có thể đạt được, thì đó là hành vi mang tính cầu toàn. Khi chúng ta đưa ra những kỳ vọng vô lý và không thể đạt được, bấy giờ chúng ta bị thúc bách phải ráng sức liên tục để vươn tới mục tiêu bất khả thi. Vì khuynh hướng cầu toàn mà chúng ta đo lường giá trị của mình dựa trên hiệu năng và thành tích của mình. Có một tiếng nói bên trong khiển trách ta làm chưa đủ, do đó ta không được phép cảm thấy hài lòng. Ngược lại, khi ta cảm thấy vui sướng vì mình đã làm hết khả năng mà không cần phải trở nên hoàn hảo, ta có thể hài lòng về nổ lực của mình, ngay cả khi còn có những chỗ có thể được cải thiện. Khi chúng ta bị kìm kẹp trong khuynh hướng cầu toàn, chúng ta thường cảm thấy lo âu, bối rối và cạn kiệt cảm xúc khi bắt đầu một nhiệm vụ mới. Chúng ta bị thôi thúc mãnh liệt bởi cảm xúc sợ thất bại hơn là bởi ước muốn cải thiện. Mặt khác, khi chúng ta nổ lực phát huy sở trường của mình một cách lành mạnh, thì rất có khả năng là chúng ta cảm thấy phấn khởi, đầy sinh lực và thấy rõ những gì cần phải làm.

Trong khi khuynh hướng cầu toàn là nguyên nhân khiến chúng ta bị thúc bách và ráng sức thì khái niệm vô vi trong Lão Giáo khuyên chúng ta đừng dùng vũ lực mà tác động lên hoàn cảnh, nhưng sống thuận theo hoàn cảnh, lăn theo đà và bơi xuôi dòng. Vô vi hay “phi hành động” là khái niệm phát xuất từ câu nói nổi tiếng của Lão Tử : “Đạo không làm gì, nhưng chẳng cò gì mà Đạo không thực hiện được.”[1] Vô vi khuyến khích chúng ta thư giãn và hội tụ mọi nỗ lực của mình cho đúng mục tiêu.

Người cầu toàn có khuynh hướng gia tăng tốc độ và cố gắng gấp đôi, mỗi khi họ gặp sự chống đối và trở ngại. Thay vì dựa vào sức lực của mình, vô vi khuyên chúng ta nên làm chậm lại, kiềm chế sự nóng vội và quan sát kỹ lưỡng mỗi khi gặp cản trở trong cuộc sống của mình.

Trong lãnh vực hoạt động của con người, vô vi là hình thức thông minh giúp ta hiểu biết những năng động trong công việc của loài người, nhờ đó mà chỉ cần sử dụng một chút năng lực là có thể giải quyết được vấn đề.

Tinh thần vô vi được diễn đạt trong truyền thống Kitô giáo : “Hãy buông bỏ và để Chúa lo liệu”. Lời khôn ngoan ấy khuyến khích chúng ta đặt niềm tin vững vàng vào ân sủng của Thiên Chúa, Đấng đang hoạt động trong đời sống chúng ta và thanh thản buông bỏ những gì mà hiện nay chúng ta không thể thay đổi. Con đường vô vi đặt nền tảng trên niềm tin vào Đạo, là nguyên lý của thực tại, mà Đạo tự bản chất là lòng nhân ái. Do đó, chúng ta đừng chống lại, đừng can thiệp hay cản trở dòng chảy sự sống. Cũng vậy, đối với ai yêu mến, thì thái độ “buông bỏ và để Chúa lo” đặt nền tảng trên đức tin vững vàng này : “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Dĩ nhiên là đức tin ấy phải lấy thái độ chiêm niệm mà nhận biết Thiên Chúa đang hoạt động trong mọi thực tại và đang làm việc vất vả để chúng ta được hạnh phúc. Đức tin Kitô giáo bảo đảm với chúng ta rằng, vì Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thực tại tự bản chất thì tốt và Thiên Chúa là Đấng đáng tin. Các Kitô hữu được mời gọi phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa và tuân phục dòng chảy ân sủng của Người, vì “Người có thể làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 3,20). Tin tưởng Thiên Chúa thì giống sự nổ lực thanh thản của vô vi hơn là sự ám ảnh, cưỡng bức của khuynh hướng cầu toàn.

Tóm lại, con đường vô vi là cách thức chống lại chướng ngại vật cản trở việc hợp tác do khuynh hướng cầu toàn tạo ra, vì con đường đó làm cho chúng ta bình tĩnh hơn, tin tưởng và kiên nhẫn với người khác nhiều hơn, đang khi chúng ta làm việc với họ.

E. Trúc Giang, spc






[1] Được trích dẫn bởi Alan Watts

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

NGHI KỴ

Không biết từ bao giờ và bằng cách nào mà sự nghi kỵ xâm nhập con người ? Nó kết dính trong con người như thể yếu tố không được giải trừ nơi hữu thể con người. Quả thế, có người như sinh ra cho sự nghi kỵ.

Kinh Thánh nói nhiều về sự nghi kỵ con người và hệ lụy của nó. Nhiều người hẳn biết đến câu chuyện về con rắn trong sách Sáng Thế. Ngay sau công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa, rắn xuất hiện như con vật huyền bí đi vào đời sống con người. Nó bắt đầu công việc mờ ám là gieo vào lòng con người sự nghi kỵ với Đấng Tạo Hóa nhằm tách con người ra khỏi nguồn của sự sống (x. St 3). Tiếp theo sau câu chuyện này là trình thuật về sự nghi kỵ của người anh đối với người em trong câu chuyện Ca-in và A-ben gây ra cái chết ai oán đầu tiên trong Kinh Thánh (x. St 4). Kinh Thánh còn tiếp tục kể nhiều câu chuyện khác như Vua Sa-un đối với Đa-vít - kẻ trung thần (x. 1Sam 18-24). 

Trong văn chương – từ văn chương Tây phương cho tới Đông phương, chúng ta còn đọc thấy đầy dẫy câu chuyện về sự nghi kỵ. Chuyện Tấm Cám là một trong những câu chuyện văn chương Việt Nam điển hình, dù nó chỉ là câu chuyện cổ tích và huyền thoại. Phải chăng kinh nghiệm về đời sống con người là kinh nghiệm về sự nghi kỵ ?

Không chỉ trong văn chương, nơi đời sống thực tiễn chúng ta trải qua cuộc chiến về sự nghi kỵ mà con người “vừa là tác nhân và là nạn nhân”. Người ta dần thiết lập cho nhau ranh giới giữa bạn và thù, giữa lợi ích và thất lợi, giữa quyền lực và bị quyền, giữa trên và dưới, giữa truyền thống và ngoại lai, giữa đa số và thiểu số…. Trong tất cả cặp đối kháng đó sự nghi kỵ bào mòn máu thịt con người làm cho nó trở nên điên cuồng, hung hăng, man trá, thô lỗ giữa con người với nhau.

Dù thế nào thì nghi kỵ không thể là con đường xây dựng cuộc sống con người đích thực. Nó chỉ có thể là sự hủy diệt, đặc biệt khi nó được hệ thống hóa. Ai sinh ra nó như phương tiện để tồn tại sẽ không thể đạt tới cứu cánh hạnh phúc trường tồn ; ai sống trong nó sẽ khó thoát khỏi vòng vây của sự bất an. Chúng ta biết rằng tương lai của thế giới và cuộc sống của chúng ta chỉ được đặt nền móng trên những gì là chân thật. Sự chân thật xây dựng lòng tin và lòng tin giải thoát con người.

Phá bỏ bức tường nghi kỵ để xây dựng thế giới dựa trên những gì chân thật và lòng tin là con đường dài mà chúng ta cần nhiều hy sinh, thiện chí và hướng thiện. Nó đòi hỏi tiến trình giáo dục lâu dài và sám hối cá nhân và cả cộng đoàn cách chân thành đến khi chúng ta có thể nói : “Tôi sinh ra không phải để cho sự hận thù” và sự nghi kỵ, nhưng là cho sự tin tưởng. Đây không chỉ là thái độ đạo đức mà còn là giá trị nhân văn.


Trần Văn Khuê

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

TỪ BỎ CHÍNH MÌNH

(Ảnh : Núi Tabor)

Thế giới hôm nay lôi cuốn con người chạy theo khoái lạc, lợi nhuận và chiếm hữu không ngừng. Sự từ bỏ quả là xa xôi và không tưởng. Bị ảnh hưởng bởi não trạng sống để hưởng thụ, người ta thường coi giá trị ở đời này như tiền bạc, danh lợi, địa vị là trên hết. Nhưng đối với ai còn chút tâm hồn lương thiện, và đã từng trải, đều nhận biết đâu là giá trị đích thực của đời người. Ngắn ngủi thay con đường hưởng thụ, chẳng đưa người ta tới đâu, mà cuối cùng chỉ thấy phiền não, lo âu và thất vọng. Càng hưởng thụ càng thấy mình trở nên trơ trọi, tầm thường, bạc nhược và rồi ngán ngẩm chính bản thân mình.

Sống là chấp nhận từ bỏ. Từ bỏ trở thành qui luật sống, phát sinh và triển nở. Thai nhi không thể nào ở mãi trong bụng mẹ, dù đó là chỗ an toàn, êm ấm. Đứa bé chẳng bao giờ trưởng thành nếu nó sống mãi bằng sữa mẹ. Lớn lên, theo đuổi một lý tưởng cao đẹp lại càng phải từ bỏ. Từ bỏ là dấu chứng ta muốn được tự do phát triển, bằng cách tẩy trừ mầm móng độc hại đã ít nhiều thâm nhập vào đời sống mình. Có biết bao điều hèn kém và xấu xa đòi hỏi ta phải từ bỏ để làm đẹp tính cách của mình. Ngay cả điều tốt cũng phải được từ bỏ để chọn một điều tốt hơn. Có nhiều người không có can đảm từ bỏ nên suốt đời cứ bị giằng co và ray rứt.

Từ bỏ thường làm ta sợ hãi và luyến tiếc, cảm thấy mình bị mất mát và nhiều khi bị thương tổn. Sự cắt tỉa nào mà lại không gây đau đớn và xót xa ? Đó là điều nhất thiết phải có để cây đời sinh hoa kết trái. Khi một phiến đá thấy mình trở thành một tác phẩm nghệ thuật, lúc đó nó mới biết ca ngôi sự đau khổ mà người thợ điêu khắc đã đục đẽo nó qua bao ngày. Cũng vậy khi thấy mình trở nên con người thành toàn hơn về mọi phương diện, ta mới biết yêu chuộng sự từ bỏ mà Đấng tác tạo đã làm nên. Chính sự từ bỏ sẽ giải phóng con người khỏi những gì đang bị kìm hãm, những gì làm giảm bớt cơ hội thăng tiến, những gì làm tê liệt sự phát triển nhân tính, để mở ra cho con người chiều kích siêu việt, linh thánh.

Thiết nghĩ, ai tự cho mình là khôn ngoan để rồi từ chối không muốn tiến xa hơn nữa trên con đường từ bỏ là người khờ dại. Muốn dành phần riêng cho mình để khỏi mất hết, là một tính toán sai lầm. Phép Rửa đã cho chúng ta trở thành môn đệ Đức Kitô. Nhưng để là môn đệ đích thực của Ngài, chúng ta cứ phải từ bỏ hoài, từ bỏ mãi và từ bỏ hết cho đến suốt đời : “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ Tôi được” (Lc 14, 33).

R. Tagore đã cảm thấu được chân lý trên qua dụ ngôn người hành khất gặp Đức Vua :  Khi xe Vua ngừng, người hành khất thầm nhủ duyên may đã đến, tưởng rằng Vua sẽ thương ban vàng bạc, nào ngờ Vua lại chìa tay xin : “Có gì cho Ta không ?”. Người hành khất bối rối, lưỡng lự một hồi rồi móc ra từ trong bị một hạt lúa rất nhỏ bé dâng cho Vua. Khi chiều về, anh ta dốc túi ăn xin ra, thì lạ thay có một hạt lúa vàng cũng rất nhỏ bé. Nghẹn ngào anh ta khóc nức nở : “Phải chi tôi dâng hết cho Người”.

Với xác tín thâm sâu đó, Tagore mới dâng lời nguyện ước : “Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế gọi được Người là tất cả của tôi. Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi chốn, mọi nơi, đến với Người trong mọi thứ mọi điều, và dâng Người tình tôi lúc nào cũng được. Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế chẳng bao giờ tôi lẫn tránh được Người...”

Sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng chỉ phát khởi trên con đường từ bỏ. Từ bỏ điều tôi có, và cứ có thêm mỗi ngày. Điều hôm nay chưa đến, mai đã thấy có. Điều đã bỏ từ lâu, nay lại dính bén. Chính vì vậy, từ bỏ phải là thái độ nội tâm liên tục. Tình yêu không chỉ nửa vời hay chỉ trong lúc hứng khởi, nhưng là trọn vẹn và trung kiên cho đến cùng. Tháp đã bắt đầu xây, cuộc chiến đã khai mào (x. Lc 14, 28-33), không thể lừng khừng và thỏa hiệp. Không còn là lúc mà ngồi xuống để tính toán nữa. Cần đầu tư toàn lực để xây tháp ; cần tập trung toàn tâm để tiến quân. Cần từ bỏ mọi vướng víu và níu kéo để lên đường cho một sứ mạng, đồng thời cũng dám dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho chân lý. Từ bỏ hoàn toàn là cách diễn tả một tình yêu tột bậc, để sống trọn tình và thuộc trọn về người mình yêu.

Từ bỏ là con đường và cách thế của Chúa để gặp gỡ và cứu độ con, xin biến sự từ bỏ trở thành con đường của con để gặp gỡ Chúa và thuộc trọn về Ngài.


E. Trúc Giang, spc

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

LỜI TÌNH YÊU


(Ảnh : Đức Maria viếng thăm Bà Êlisabét)

Lời làm thành cuộc sống con người. Không có lời con người như sống trong vô vọng. Con người sinh ra, lớn lên và trao đổi bằng lời, nhờ lời và qua lời. Quả thế, người ta khó mà thông đạt cho nhau nếu không có lời. Lời chính là kênh truyền của sự hiểu biết.

Tuy nhiên, ngôn ngữ bằng lời vẫn không bao giờ diễn đạt hết cõi thâm sâu nơi con người và cả tình yêu. Có lúc lời hoa mỹ chân thành lại trở nên trống rỗng và vô ý nghĩa. Như trong lúc thương đau lời dễ trở thành sự mơn trớn và giả tạo. Hơn nữa, điều tệ hại nhất là lời sáo rỗng, rập khuôn và thiếu sự hiểu biết.

Nơi sự gặp gỡ con người đích thực lời trở nên bằng xương bằng thịt. Thánh Gioan không chỉ nói : « qua Lời tất cả vạn vật được tạo thành », nhưng còn : « Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật » (x. Ga 1,1-18). Con người chiêm ngắm Lời trở thành người và cư ngụ giữa muôn người. Đó là Lời hít thở khí nhân loại, sống theo nhịp đập trái tim con người. Lời trở nên bằng xương bằng thịt là lời hữu hình và là lời xác thực. Lời đó chân thật và không giả dối. Lời không tìm cách phân bua và ngụy biện, nhưng lắng nghe và đón nhận. Lời cất tiếng nói mạnh mẽ ngay cả trong thinh lặng. Đó là lời tình yêu.

Đến với con người ngôn ngữ bằng lời không mấy quyến rũ hay cũng chỉ làm vui lòng người trong chốc lát, bỡi lẽ trái tim rung động bởi hình ảnh ấn tượng. Chính vì thế mà ta hiểu được truyền thông hôm nay bằng nhiều cách khai thác triệt đễ hình ảnh nhằm chinh phục mọi người.  Tuy nhiên, cũng không thể có hình ảnh nào tốt nhất ngoài lời tình yêu. Hình ảnh này không lắp ghép, chắp vá, chỉnh sửa hay được tô vẽ, nhưng trung thực và mộc mạc. Nét đẹp của lời tình yêu là sự trần trụi. Thập giá của Đức Kitô là sự trần trụi tuyệt đối và mang vẽ đẹp cao siêu theo ngôn ngữ của Hans Urs von Balthasar – nhà thần học người Thụy sĩ (1905-1988), vì thập giá biểu lộ tình yêu vô biên : « Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình » (Ga 15,13). Đó là lời tự biện đạt tới sự tinh túy tri thức và hòa quyện với con người.

Lời tình yêu đi mãi trong sự ngỡ ngàng và chiêm ngắm, vì nó là lời gặp gỡ. Nó luôn cởi mở với tương lai và luôn suy niệm trong lòng. Nó yêu thích điều không mong đợi và để cho hồn rung động với cái xa lạ. Lời tình yêu không tìm kiếm ngươi thân cận, nhưng trở nên thân cận với mọi người. Nó biết rằng mình là khách bộ hành đi mãi trên con đường dấn thân. Nó chấp nhận sự rủi ro vì nó không thể toan tính được gì thuộc về tương lai. Lời tình yêu là lời tin yêu và phó thác. Lòng tin yêu này lớn lên trong kinh nghiệm của sự gặp gỡ và kinh ngạc.

Lời tình yêu chính là cuộc sống. Nó là lời được nuôi dưỡng bằng chất sống tình yêu Thiên Chúa và con người. Lòng say mê Thiên Chúa và con người cho ta lời tình yêu.

Trần Văn Khuê