Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

DỊ BIỆT

Bộ phim Mỹ : “Divergent” (tạm dịch : Dị biệt) của đạo diễn Neil Burger, với các diễn viên trẻ đang được công chúng yêu mến : Shailene Woodley, Theo James và Kate Winslet, vừa được trình chiếu tại Pháp vào tháng 04 năm 2014. Cốt truyện của bộ phim dựa theo tác phẩm văn chương cùng tên thuộc thể loại khoa học giả tưởng của nhà văn Verinoca Roth.

Câu chuyện kể về cô gái Beatrice 16 tuổi, lấy tên sau đó là Tris, vào thời hậu cánh chung[1] mà trật tự xã hội được thiết lập lại tại tiểu bang Chicago. Xã hội được chia thành năm phái dựa trên khả năng của mỗi người : Abnegation (Vô vị lợi), Amity (Huynh đệ), Candor (Trung thực), Erudite (Thông thái) và Dauntless (Dũng cảm). Sự phân chia này dựa theo kết quả trắc nghiệm khoa học của từng cá nhân.

Dù được sinh ra trong gia đình truyền thống của phái Vô vị lợi, thế nhưng bảng trắc nghiệm của Beatrice cho thấy cô không thuộc về bất cứ phái nào trong danh sách trên. Đó là trường hợp rất đặc biệt, không nằm trong phạm trù chung : Dị biệt. Cô có thể trở thành mối nguy hiểm vì có suy nghĩ độc lập, khó có thể được kiểm soát và làm đảo lộn trật tự xã hội.

Ngày mà mọi người phải chính thức tuyên bố cách công khai trong một buổi lễ long trọng rằng mình thuộc phái nào như đã được thiết định, Beatrice quyết định theo phái Dũng cảm (dù cô ta không thuộc phái này theo kết quả trắc nghiệm). Nơi đây, sau đó, cô được đào luyện trở thành dũng sĩ và cũng từ đây cô bắt đầu hành trình chiến đấu phá bỏ trật tự được thiết lập theo chủ thuyết hệ phái khắc nghiệt và cực đoan.

Không chỉ nơi xã hội bị bóp nghẹt bởi chế độ độc tài toàn trị mà con người là nạn nhân như chúng ta vẫn từng chứng kiến trong lịch sử của nhân loại, bộ phim cho thấy vấn đề tiêu cực tồn tại ngay trong thế giới đương đại xem chừng đa nguyên. Thế giới chúng ta được đánh dấu bởi nhiều khuynh hướng khác nhau, nhưng đây cũng là thế giới mà trong đó trí tuệ và khả năng con người được định dạng cho mục tiêu lợi ích. Đỉnh điểm của lợi ích là sự thống trị và kiểm soát. Từ đó, con người chỉ còn hành động theo yêu cầu, theo mặc định cho đến cạn kiệt trí năng, sức lực và trở nên hung hãn cách ngây dại.

Dị biệt là cái khác, tìm về sự tự do và tiếng gọi của sự thiện. Đó mới thật sự là trật tự của thế giới mới. Đây chỉ là tác phẩm văn chương theo thể loại khoa học giả tưởng, nhưng nó lại làm chúng ta liên tưởng tới thế giới hôm nay. Đó là thế giới mà Maurice Bellet[2] nhận định không chỉ có một số vấn đề trục trặc liên quan đến quan điểm, chủ thuyết, chính sách, thể chế,… nhưng trên hết là lỗi “hệ thống”.  “Thay đổi con người ?” mà chúng ta đang nhắm thực hiện “là nguyên lý điên rồ nguy hại nhất”. Maurice Bellet cho rằng “thay đổi con người, đó là thay đổi mối tương quan giữa những con người, chính vì trong mối tương quan đó mà con người sinh ra. Và phải liên tục phá tan vòng kim cô, nơi đó sự vô tận của con người bị giam hãm và đẩy tới sai lệch bởi sự thao túng quyền lực mà bản chất cuối cùng của nó là sự hủy diệt”[3]. Mối tương quan con người là mối tương quan trong sự khác biệt đến “dị biệt”. Sự dị biệt nhiều lúc làm chúng ta lo sợ. Tuy nhiên, chính điều khác biệt đó là sự phong phú của con người. Quả thật, bất cứ sự đồng hóa nào cũng đều xuất phát từ chủ thuyết không tưởng, và mọi chủ thuyết không tưởng đều có khuynh hướng đồng hóa.

Trần Văn Khuê




[1] Xuất hiện thế giới mới sau khi thế giới cũ qua đi.
[2] Maurice Bellet : linh mục dòng Tên, nhà phân tâm học, thần học gia và triết gia. Các tác phẩm của Maurice Bellet được dịch sang  nhiều ngôn ngữ khác nhau.
[3] Maurice Bellet, L’avenir du communism, Bayard, 2013, tr. 91tt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét