Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

THINH LẶNG

Ở Tây phương ngày càng nhiều người trong dịp nghỉ hay cuối tuần đến với đan viện[1] để tìm kiếm giây phút thinh lặng, không gian yên tĩnh, tâm hồn lắng đọng. Ngay cả khi nơi đó thật heo hút, khuất bóng sau triền núi ngoằn ngoèo, xa xăm nơi vùng thung lũng mênh mông và lác đác con người giữ nhịp cầu kinh mỗi ngày, nó vẫn lôi cuốn tâm hồn. Dĩ nhiên, ta không thể so sánh khách tới đây với đám đông trên bãi biển vào ngày đẹp trời mùa hạ hay dòng người hứng thú với đường đua trên dãy núi tuyết mùa đông.

Thinh lặng hình như không còn nơi phố xá thành thị vồn vã hôm nay. Người ta bị kích động bởi tiếng ồn ào của người, của vật, của ngày và của cả đêm. Đầu óc quay cuồng với vũ bão thông tin dần dập không ngớt. Ngay cả khi trao đổi với nhau người ta không biết và cũng không cần biết được lắng nghe thế nào. Người nói cứ nói, người phát ngôn cứ phát, người thuyết minh cứ thuyết, người giảng dạy cứ giảng… và người đón nhận thông tin ai mà biết được. Thinh lặng để lắng nghe hay biết được lắng nghe không mấy mảy may tồn tại.

Chúng ta quyên rằng thinh lặng làm phần với cuộc sống của ta. Nó là sự thư thái nơi thân xác, êm đềm trong tâm hồn. Đánh mất sự thinh lặng là đánh mất một phần con người và cuộc sống. Thinh lặng mang trái tim của con người rạo rực niềm vui.

Con người cần thinh lặng để lắng nghe : lắng nghe ta, lắng nghe người và lắng nghe vũ trụ đất trời. Con người không chỉ lắng nghe với đôi tai, nhưng còn với cả trái tim – trái tim hiểu biết, trái tim biết lắng nghe. Trong thinh lặng chúng ta nghe tiếng thì thầm của chính mình, tiếng vang vọng của con người và tiếng du dương của đất trời.

Con người cần thinh lặng để nói với mình, nói với người và nói với đất trời. Trong thinh lặng con người trở về với chính mình và đến với người. Thinh lặng là ngôn ngữ - thứ ngôn ngữ nội tâm giàu biểu cảm và sâu sắc. Người ta thường chỉ nghĩ trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ âm thanh mà quên đi ngôn ngữ của thinh lặng. Thinh lặng không là sự dửng dưng của người ích kỷ, thờ ơ của người vô tâm và vô can của người thiếu trách nhiệm. Nó là sự cảm thông của người tha thứ, hiệp thông của người thân cận và yêu thương của người bạn tri kỷ. Ngôn ngữ âm thanh cần ngôn ngữ thinh lặng để trở nên hoàn thiện.

Thinh lặng không mấy được biết và được hiểu, nhưng thinh lặng lại là con người hoạt động biết suy nghĩ, chiêm niệm biết năng động. Thinh lặng vì thế chính là kho tàng của đức khôn ngoan.

Trần Văn Khuê




[1] Tu viện kín nơi đó đan sĩ sống đời chiêm niệm trong lao động và cầu nguyện.

3 nhận xét:

  1. Nguyện xin Chúa cho con và mọi người có nhiều thinh lặng để nghe được tiếng Chúa gọi trong hồn.
    Cám ơn Cha, bài viết rất thiết thực với một xã hội sống vội như ngày nay.
    Chúc Cha sức khỏe và bình an trong Đức Kitô.

    Trả lờiXóa
  2. Mùa Chay cần thinh lặng nhiều để tìm lại chính mình. Cám ơn cha Khuê về một bài ý nghĩa.

    Trả lờiXóa
  3. “Đàm luận khiến người ta hiểu biết, nhưng im lặng là trường học của sự khôn ngoan”. Im lặng còn là yêu thương, tha thứ, và là cuộc sống. Cám ơn cha đã chia sẻ nhu cầu cần thiết trong một thế giới ồn ào với nhiều thứ âm thanh hỗn tạp ...

    Trả lờiXóa