Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

THINH LẶNG

Ở Tây phương ngày càng nhiều người trong dịp nghỉ hay cuối tuần đến với đan viện[1] để tìm kiếm giây phút thinh lặng, không gian yên tĩnh, tâm hồn lắng đọng. Ngay cả khi nơi đó thật heo hút, khuất bóng sau triền núi ngoằn ngoèo, xa xăm nơi vùng thung lũng mênh mông và lác đác con người giữ nhịp cầu kinh mỗi ngày, nó vẫn lôi cuốn tâm hồn. Dĩ nhiên, ta không thể so sánh khách tới đây với đám đông trên bãi biển vào ngày đẹp trời mùa hạ hay dòng người hứng thú với đường đua trên dãy núi tuyết mùa đông.

Thinh lặng hình như không còn nơi phố xá thành thị vồn vã hôm nay. Người ta bị kích động bởi tiếng ồn ào của người, của vật, của ngày và của cả đêm. Đầu óc quay cuồng với vũ bão thông tin dần dập không ngớt. Ngay cả khi trao đổi với nhau người ta không biết và cũng không cần biết được lắng nghe thế nào. Người nói cứ nói, người phát ngôn cứ phát, người thuyết minh cứ thuyết, người giảng dạy cứ giảng… và người đón nhận thông tin ai mà biết được. Thinh lặng để lắng nghe hay biết được lắng nghe không mấy mảy may tồn tại.

Chúng ta quyên rằng thinh lặng làm phần với cuộc sống của ta. Nó là sự thư thái nơi thân xác, êm đềm trong tâm hồn. Đánh mất sự thinh lặng là đánh mất một phần con người và cuộc sống. Thinh lặng mang trái tim của con người rạo rực niềm vui.

Con người cần thinh lặng để lắng nghe : lắng nghe ta, lắng nghe người và lắng nghe vũ trụ đất trời. Con người không chỉ lắng nghe với đôi tai, nhưng còn với cả trái tim – trái tim hiểu biết, trái tim biết lắng nghe. Trong thinh lặng chúng ta nghe tiếng thì thầm của chính mình, tiếng vang vọng của con người và tiếng du dương của đất trời.

Con người cần thinh lặng để nói với mình, nói với người và nói với đất trời. Trong thinh lặng con người trở về với chính mình và đến với người. Thinh lặng là ngôn ngữ - thứ ngôn ngữ nội tâm giàu biểu cảm và sâu sắc. Người ta thường chỉ nghĩ trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ âm thanh mà quên đi ngôn ngữ của thinh lặng. Thinh lặng không là sự dửng dưng của người ích kỷ, thờ ơ của người vô tâm và vô can của người thiếu trách nhiệm. Nó là sự cảm thông của người tha thứ, hiệp thông của người thân cận và yêu thương của người bạn tri kỷ. Ngôn ngữ âm thanh cần ngôn ngữ thinh lặng để trở nên hoàn thiện.

Thinh lặng không mấy được biết và được hiểu, nhưng thinh lặng lại là con người hoạt động biết suy nghĩ, chiêm niệm biết năng động. Thinh lặng vì thế chính là kho tàng của đức khôn ngoan.

Trần Văn Khuê




[1] Tu viện kín nơi đó đan sĩ sống đời chiêm niệm trong lao động và cầu nguyện.

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

CÁI NHÌN VỀ TỰ DO

Chúng ta không thể phủ nhận việc con người hôm nay chiếm hữu và hưởng thụ nhiều hơn. Nhưng hơn bao giờ hết, con người cảm thấy cô đơn, đau khổ, lạc lõng, thiếu vắng tình yêu, nên con người càng khao khát được tự do và hạnh phúc. Chúng ta thử dừng lại vài khoảnh khắc sau ngày làm việc vất vả để suy tư về điều đó. Nếu hạnh phúc con người được đo lường bằng mức độ chiếm hữu và hưởng thụ, lẽ ra con người ngày nay hạnh phúc hơn bất cứ ai vào thời điểm khác trong lịch sử chứ ? Nhưng tại sao con người vẫn thấy mình bất hạnh ?

Hãy nhìn vào thực tế hôm nay : xã hội dường như làm đảo lộn tất cả mọi trật tự luân lý do chủ thuyết sai lầm như thuyết duy vật, «sống hưởng thụ». Thật sai lầm, khi con người cho mình có quyền tự do hưởng thụ tất cả mọi sự và khai trừ Thượng Đế ra ngoài cuộc sống. Đại diện cho nền văn minh Tây Âu, triết gia Frederic Nietzsche tuyên bố : «Thượng Đế đã chết rồi». Con người coi mình làm chủ tự do tuyệt đối. Trong khi đó, Thiên Chúa là Đấng tự do tuyệt đối thì con người lại truất phế Ngài. Phong trào triết học hiện sinh mà ông tổ là Jean Paul Sartre, đã nhân danh tự do tuyệt đối của con người, khi nói : «Con người chỉ có tự do đích thực, khi con người nhảy lên làm Thiên Chúa, vì còn chấp nhận Thiên Chúa, con người sẽ mất hết tự do».

Chủ thuyết đó đã ăn sâu vào tâm trí con người, làm giảm đi tinh thần cũng như giá trị sự sống. Hơn nữa, với xã hội hôm nay, tự do hưởng thụ và tự do khoái lạc là điều thích hợp, biện minh cho sự từ chối và quên lãng Thiên Chúa. Để bù lại đó là xã hội đồi trụy, biết bao thứ tiêu khiển tìm cách khỏa lấp cơn khát của lương tâm là giá trị tinh thần được sống mà Thiên Chúa qua Đức Kitô đã ban cho : «Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào» (Ga10,10).

Quả là thảm trạng cho thế giới tương lai, trong khi nhân loại đặt tin tưởng vào thế hệ mới, tương lai rực rỡ của giới trẻ. Họ đang làm gì và sống thế nào ? Trước mắt nhân loại đang nhìn thấy đa số thế hệ trẻ lao mình xuống vực thẳm trong sự đồi bại. Bởi họ trực tiếp đón nhận chủ thuyết lệch lạc như miếng mồi ngon hợp khẩu vị. Do đó, xã hội bị chìm sâu trong trụy lạc và tội ác như : hút xách, ma túy, mại dâm, tham nhũng, cướp giật, bóc lột... tạo nên mối lưu tâm trăn trở cho các nhà lãnh đạo cũng như cho toàn nhân loại.

Một cách nào đó, con người đã đi lệch con đừng của Thiên Chúa, đánh mất sự quân bình giữa hai thái cực : một bên là tâm linh và bên kia là thể xác. Chính vì sự mất quân bình ấy, con người cảm thấy đau khổ, mất tự do và không còn có đời sống thoải mái (trong trật tự của Thiên Chúa). Con người bị giam hãm, chịu cảnh tù đày giữa thế giới bao la rộng lớn, giữa khung trời cao vút.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng khuyến cáo nhân loại hãy đứng dậy, hãy vùng lên thoát khỏi sự kiềm tỏa của nỗi kinh hoàng sợ sệt, để trở về nguồn tức là trở về với Đấng đã dựng nên muôn vật. Đó là chân lý mà các nhà hiền triết như Lão Trang, Lão Tử đã hội ngộ trùng phùng với giáo huấn của các Giáo phụ trong Hội Thánh. Còn đối với cá nhân mỗi người, chúng ta đã làm và đang làm gì để giúp ích cho Giáo Hội cũng như xã hội được đứng lên lập lại sự thăng bằng giữa hai lĩnh vực : Tinh Thần và Vật Chất ? Đó là ý thức được sự giới hạn và bất toàn của mình : sai sót, bất cẩn…, để sửa lỗi, xin ơn tha thứ và hoán cải.

E. Trúc Giang, SPC


Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

TRÁI TIM HIỂU BIẾT

Chúng ta nghe quen câu nói nổi tiếng của triết gia người Pháp, Blaise Pascal (1623-1662) : “Trái tim có lý lẽ riêng mà lý trí không thể lý giải”. Nhưng, lý lẽ riêng của trái tim là gì ? Đó phải chăng là cảm xúc và sự lựa chọn của nó ? Quả thật, cảm xúc của trái tim dạt dào và sự lựa chọn cũng rất riêng tư. Đứng trước một tuyệt phẩm hai người bạn thân không có cùng cảm xúc và cũng ít có sự lựa chọn chung. Đó là lý lẽ của trái tim !

Tuy nhiên, nếu như trái tim gắn liền với cảm xúc thì cung bậc của nó cũng rất biến tấu và không mấy cố hữu. Trái tim vần xoay như thể thiên nhiên theo bốn mùa xuân – hạ - thu - đông. Trái tim nồng ấm, trái tim giá lạnh ; trái tim của sự nhiệt huyết và của sự hững hờ.

Trước Pascal, Augustinô (354-430), giám mục thành Hippone (Bắc Phi) lại nói về “trái tim hiểu biết”. Đó là trái tim của lý trí và biết lắng nghe. Nó không chỉ đập theo nhịp đập cảm xúc mà còn nhịp đập của sự hiểu biết. Nó là nơi của kinh nghiệm hiện sinh. Kinh nghiệm này đưa ta đi xa hơn trong việc tìm ý nghĩa cuộc sống. Cuộc hành trình tìm kiếm này được thực hiện bằng cả lý trí lẫn cảm xúc. Như bất chợt một ý nghĩ, một cảm xúc nào đó làm trái tim rung động và thúc đẩy ta tìm kiếm. Việc tìm kiếm lớn lao nhất là đi tìm ý nghĩa cuộc sống và Đấng mời gọi ta đến với điều thiện hảo.

Gần chúng ta, trong thời đại trái ngược giữa khuynh hướng đa cảm - người ta dễ bị kích động bởi hình ảnh và lý trí độc đoán, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong thông điệp Caritas in veritate (Yêu thương trong sự thật, 2009) nhấn mạnh mối tương quan hỗ tương mang tính xây dựng giữa hai yếu tố “tình yêu” và “sự thật”. Tình yêu không chỉ cảm xúc, nhưng còn “yêu thương trong sự thật”. Sự thật không chỉ là thứ nguyên lý xơ cứng, nhưng là nhịp đập của trái tim biết lắng nghe.

Tóm lại, trái tim hiểu biết mách bảo con người tìm kiếm sự khôn ngoan. Hơn nữa, theo truyền thống Kinh Thánh, đức không ngoan phản ảnh dung mạo Đấng Tối Cao. Quả vậy, sách Khôn ngoan nói về đức khôn ngoan bằng từ ngữ sau : “Đức Khôn Ngoan là kho báu vô tận cho con người. Chiếm được Đức Khôn Ngoan là được nên bạn hữu với Thiên Chúa, và được Người tin cậy, vì đã tiếp nhận lời dạy dỗ bảo ban” (Kn 7,14). Trái tim hiểu biết là trái tim của người tìm kiếm Thiên Chúa.


Trần Văn Khuê