Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN CON NGƯỜI

Gần đây nhiều người Việt Nam trong nước – tâm huyết với vận mệnh Đất nước và lưu tâm tới nền nhân bản đảm bảo sự phát triển bền vững xã hội, khởi xướng phong trào vì nhân quyền. Tuy nhiên, phong trào này đang gặp phải dư luận trái chiều xuất phát từ suy nghĩ : Việt Nam đã là thành viên của Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc – dấu chứng về sự thăng tiến nhân quyền của Nhà nước, cũng như nó bị cho là đang chơi trò mưu mô chính trị - “diễn biến hòa bình”. Quả thật, phong trào vì nhân quyền đang đi vào điểm nhạy cảm chính trị, trong bối cảnh xã hội độc tôn chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam được ghi trong điều 4 của Hiến pháp Nước CHXHCNVN, khi cổ võ quyền tự do cá nhân và dân sự : tự do tín ngưỡng, tự do mưu cầu hạnh phúc riêng, tự do ngôn luận, tự do khuynh hướng chính trị cũng như nhiều quyền dân sự khác.

Thế nhưng, nhân quyền không chỉ được gói gọn trong vấn đề chính trị, thậm chí nó không phải là vấn đề chính trị trong nghĩa quyền bính.

Nhân quyền đơn giản là vấn đề con người. Ý tưởng về con người gắn liền với giá trị nền tảng là nhân phẩm, đòi hỏi được tôn trọng nơi bất cứ nền văn hóa, tôn giáo và chính trị nào. Nó là nền nhân bản căn bản. Giá trị này gắn liền với con người ngay cả khi nó chưa biết tới chính trị hay sinh hoạt chính trị. Nhân quyền làm phần với con người hiện sinh : từ lúc sự sống được khởi sự cho tới lúc lìa đời và còn hơn thế nữa. Chính vì thế Giáo hội Công giáo, đặc biệt trong lãnh vực đạo đức sinh học : từ vấn đề phôi bào tới an tử, luôn khẳng định sự tôn trọng tuyệt đối với con người : quyền sống và được sống tròn đầy nhân phẩm và phát triển toàn vẹn con người không tùy thuộc vào phẩm chất cá nhân. Quan điểm này không chỉ được dựa trên nền thần học Công giáo mà còn trên nền nhân học phổ quát nói về con người tự nhiên. Nhân quyền là sự sống con người.

Việc một số người, đặc biệt trong chế độ chính trị toàn trị, thường dị ứng với hai từ “nhân quyền” bởi vì họ lẫn lộn, hay thậm chí đặt thế thù địch giữa nhân quyền và quyền lực chính trị. Hệ quả là nhân quyền chết dần mòn trong chế độ độc tài như điều tất yếu. Chúng ta nhận thấy chưa có bất cứ chế độ độc tài nào trong đó nhân quyền được tôn trọng đáng kể.

Đầu năm nói chuyện con người là nói về chúng ta. Chúng ta tin về giá trị con người là căn bản. Nhân phẩm, nhân quyền là giá trị nền tảng và được luật phổ quát thiết định. Đó là tiền đề của sự phát triển, là thước đo xã hội văn minh và sự phồn thịnh của đất nước. Mặt khác, chúng ta cũng ý thức rằng nhận thức giá trị là tiến trình. Tiến trình nhận thức đòi hỏi giáo dục và sự dấn thân không mệt mỏi vì con người và cho con người, cho hết thảy chúng ta và cho thế hệ mai sau.

Trần Văn Khuê


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét