Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

NGƯỜI NGHÈO CỦA CHÚA

Ngay từ lúc lên ngôi giáo hoàng, Đức Phan-xi-cô xác định Giáo hội ưu tiên cho người nghèo và theo đuổi con đường xây dựng Giáo hội sống tinh thần nghèo khó. Lời công bố này được đón nhận cách rộng rãi trên toàn thế giới, không chỉ trong lòng Giáo hội mà còn nơi nhiều người khác. Thực ra, xác tín này không phải là điều gì mới mẻ, vì từ bản chất Giáo hội được gọi và sai đi đến với người nghèo. Nếu như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô hôm nay minh định lại sứ mạng này, đó bởi vì ngài muốn Giáo hội biểu lộ sự trung tín lớn hơn với Đấng là đầu – Đức Giê-su Ki-tô, và mặt khác, phần nào cho chúng ta hiểu con đường mà Giáo hội tiếp tục bước đi giữa lòng thế giới hôm nay là cuộc chiến đấu cam go.

“Tinh thần nghèo khó” và câu hỏi mang tính đa chiều

Nơi bài “Tám Mối Phúc Thật”, nằm trong loạt bài giảng trên núi – khởi đầu sứ vụ rao giảng Nước Trời, Chúa Giê-su giảng dạy dân chúng : “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,1). Sự khai mở Nước Trời bắt đầu từ giáo huấn của Đức Giê-su nằm ở tinh thần “Tám Mối Phúc” và sống “tinh thần nghèo khó” là một trong những điểm nền tảng. Tuy nhiên, “tinh thần nghèo khó” hay “sống nghèo khó” là gì ? Đó vẫn là câu hỏi mà nhiều người đặt ra. Câu hỏi này trở thành thách đố đối với đời sống Giáo hội.

Thách đố này đến từ cách diễn giải tình thần “Tám Mối Phúc Thật” trong việc sống liên đới với người nghèo. Diễn giải nhiều lúc dẫn đến nhầm lẫn.

Sự nhầm lẫn thường thấy trước hết là Giáo hội được xem như “cơ quan phân phát của cải” cho người nghèo. Trong lúc đó, dù sách Công vụ Tông đồ thuật lại việc các Tông đồ và tín hữu tiên khởi sống chia sẻ của cải vật chất với nhau và với người nghèo thì Giáo hội chưa bao giờ đặt mình ở vị thế của “tổ chức từ thiện”. Luôn nỗ lực sống trung thành với tinh thần Tin Mừng : “tinh thần nghèo khó” và liên đới với người nghèo, nhưng Giáo hội lại phải nhìn nhận không thể trả lời hết các câu hỏi và đáp trả mọi hoàn cảnh nghèo đói của nhiều người.

Sự nhầm lẫn tiếp theo liên quan đến việc sống “tinh thần nghèo khó” là Giáo hội được nhìn như thành phần cổ võ cho “tình trạng nghèo đói”. Trong lúc thế giới đang nỗ lực đẩy lùi sự nghèo đói, Giáo hội sống “tinh thần nghèo khó” có ý nghĩa gì trong việc thăng tiến đời sống con người và xã hội ?

Người nghèo trong Kinh Thánh

Chúng ta không thể nói hết và thấu đáo về vấn đề người nghèo được trình bày trong Kinh Thánh ở đây. Nó cần được trình bày cách hệ thống hơn trong các nghiên cứu khác. Bởi lẽ, theo các truyền thống Kinh Thánh khác nhau, từ phần Cựu ước đến Tân ước, người nghèo được nhìn từ những khía cạnh đa dạng : “người nghèo được chúc phúc” trong truyền thống “Tư tế”, người nghèo là thành phần được bảo vệ trước tiên trong truyền thống “Đệ nhị luật” và “Giao ước”, người nghèo là đối tượng rao giảng trong truyền thống “ngôn sứ”….

Tuy nhiên, một cách bao quát, chúng ta thường thấy các gương mặt tiêu biểu của người nghèo được Kinh Thánh nói đến : người ngoại kiều, cô nhi quả phụ, người nô lệ, người đau yếu bệnh tật. Dù họ không cùng cấp bậc và hoàn cảnh, nhưng họ là biểu tượng cho con người không được đảm bảo về “quyền cơ bản” và bị đẩy xuống hàng sau cùng của xã hội. Họ là người không được trân trọng, và thậm chí hơn thế nữa là thành phần bị xua đuổi và xa lánh trong cộng đồng xã hội.  

Quả thật, những trang Tin Mừng trình thuật về sứ mạng rao giảng Nước Trời của Đức Giê-su ghi lại “lời ban sự sống” của Thiên Chúa cho con người. Đức Giê-su đến nói cho con người biết vị thế làm con Thiên Chúa và phục hồi phẩm giá cho con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.

“Người nghèo đích thật” theo thánh Âu-gus-ti-nô

Ai là người nghèo, hay người nghèo đó là ai ? Trong bài giảng Chúa nhật ở Carthage (Sermon XIV), thánh Âu-gus-ti-nô đưa ra câu trả lời cho những tranh chấp giữa người nghèo và người giàu về việc ai là người xứng đáng được hưởng Nước Trời. Sự tranh chấp này đến từ nhận thức khác nhau về người nghèo và người giàu.

Có nhiều người nghèo cho rằng mình mới là người được hưởng Nước Trời vì giống La-da-rô trong Tin Mừng. Âu-gus-ti-nô thuật lại câu chuyện : « Một kẻ ăn mày yếu ớt, áo quần rách rưới, đang chết đói, đến nói với tôi : tôi phải được vào Nước trời, vì tôi giống La-da-rô, người đầy mụn nhọt ngồi ở cổng nhà người giàu […]. Chính những người như chúng tôi phải được vào Nước Trời, chứ không phải người ăn mặc lụa là và ngày ngày sống trong sự giàu sang ».

Âu-gus-ti-nô ghi nhận trong ngôn ngữ thông thường người ta hiểu sự giàu có đối nghịch với nghèo khó. Nhưng đó không phải là sự giàu có và nghèo khó mà Kinh Thánh nói đến. Người nghèo đích thật – người nghèo của Chúa không hẳn là người « không đồng xu dính túi », « không có của cải », mà là người khiêm tốn và biết đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Bởi lẽ, Âu-gus-ti-nô nói tiếp : « Kẻ nào vừa nghèo vừa kiêu ngạo thì thật đáng sợ ». Người giàu chính là kẻ tự kiêu.

Nói về sự nghèo khó, Âu-gus-ti-nô viết : « Hãy đọc, hoặc, nếu anh không biết đọc, hãy lắng nghe, khi người ta đọc, đoạn mà ngươi thấy Áp-ra-ham hết sức giàu trong thế gian này, giàu vàng, bạc, gia nhân, súc vật, đất đai (St 23, 2). Tuy nhiên, người giàu này lại nghèo, bởi vì ông khiêm tốn. “Áp-ra-ham tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính.” (St 15, 6) Ông đã tìm thấy sự công chính hóa trong ân sủng, không phải trong cảm xúc suy đoán cá nhân. Ông trung thành, miệt mài với điều thiện ; ông nhận được lệnh hiến tế người con ; không do dự, ông hiến dâng những gì ông đã nhận từ Đấng ban cho ông. Đức Chúa, chuẩn nhận, làm cho ông trở thành gương mẫu đức tin. Đức Chúa đã biết ông, nhưng Ngài phải chỉ cho chúng ta biết ông ; những việc làm tốt của Áp-ra-ham không làm cho ông kiêu ngạo : người giàu đó thực sự nghèo. Ông hoàn toàn không viện cớ những việc làm tốt để tự kiêu (trong sự tin chắc rằng tất cả những gì ông có đến từ Đức Chúa, vì thế ông không tự tôn vinh nơi mình, nhưng trong Chúa). »

Tiếp theo trong bài giảng, Âu-gus-ti-nô nói về ông Gióp : “Gióp nói, thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi [xin chúc tụng danh Đức Chúa]” (Job 1, 21). […]. Đây là một loại người nghèo khác : “Chúng ta không mang gì vào trong thế gian này và chắc chắn chúng ta cũng không thể lấy theo gì. Như vậy, nếu chúng ta có gì để nuôi và che thân, hãy vui mừng về điều đó.” Ai muốn trở nên giàu rơi vào trong chước cám dỗ, trong cái bẩy, trong sự thèm muốn điên rồ. Nó dìm con người trong sự sụp đổ và sa đọa ; bởi vì nguồn gốc của điều dữ là lòng yêu mến tiền bạc, và một số, để miệt mài tìm kiếm trong đó đã xa rời đức tin và gây nên nhiều sự đau khổ ».

Cuối cùng, Âu-gus-ti-nô chỉ cho các tín hữu đâu là « Người nghèo đích thật » của mọi người nghèo : « Hãy ngắm xem Người, Đấng giàu có của chúng ta, vì chúng ta mà đã trở nên nghèo khó, Người hoàn toàn giàu có : anh chị em hãy chiêm ngắm Đấng giàu có này : “Tất cả được dựng nên bởi Người và không gì được tạo thành mà không do Người” : Đấng làm ra vàng lớn hơn người thủ đắc vàng. Anh giàu có về vàng, bạc, gia nhân, ruộng vườn, súc vật. Anh đã không thể tạo nên những thứ đó. Hãy nhìn xem Đấng giàu có : Tất cả được dựng nên bởi Người. Bây giờ hãy chiêm ngắm Đấng nghèo khó : “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1, 3-14)”.

Tóm lại :

Người nghèo của Chúa không hẳn là người không có của cải, người nghèo vật chất. Sống “tinh thần nghèo khó” không phải là khước từ của cải, nhưng là trở nên khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa và trước mặt mọi người. Người nghèo của Chúa chính là người sống khiêm hạ. Mặt khác, Kinh Thánh cho thấy lời mời gọi sống liên đới với người nghèo là con đường chống lại sự nghèo đói ; đó là thứ nghèo đói hủy hoại phẩm giá con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và tách con người ra khỏi Đấng tạo hóa.

Trần Văn Khuê, aa





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét