Đây là trích đoạn từ cuốn sách « Đời sống trách nhiệm,
tuân phục và bất tuân phục theo Dietrich Bonhoeffer » (NXB Tôn Giáo 2009) :
Tại sao chúng ta đặt câu hỏi về sự tuân phục và bất tuân
phục ? Chúng ta biết rằng ý tưởng về sự bất tuân phục rất mơ hồ, lắm khi
gây hiểu lầm cho nhiều người. Thường thì nó được xem như điều đáng bị lên án vì
nó làm cho chúng ta liên tưởng tới bạo lực. Tuy nhiên, đây không phải là một
câu hỏi mang tính lý thuyết, trừu tượng, nhưng là một vấn đề xã hội rất cụ thể.
Những nhân vật lớn của lịch sử chúng ta gần đây như Martin Luther King[1]
và Mohandas Karamchand Gandhi[2]
đã vận dụng nó trong cuộc đấu tranh vì quyền con người. Họ là những con người
đã chống lại những chế độ bất công. Sự bất tuân phục của họ không gì khác hơn
là bày tỏ xác tín của mình, những xác tín mang tính nhân văn cũng như tôn giáo.
Đối với họ, những quyền cơ bản của con người là những yếu tố nền tảng, không có
chúng không có bất cứ một xã hội công bằng và nhân bản nào tồn tại. Một xã hội
công dân bao hàm tự do và bình quyền.
Sự bất tuân phục đạt tới sự cao thượng của nó qua những
gương mặt lịch sử vĩ đại đã thực hiện sự bất tuân phục dân sự như vũ khí chống
lại những tổ chức xã hội, chính trị bất công. Trong số những nhân vật lịch sử
này chúng ta phải kể đến Dietrich Bonhoeffer, người đã dấn thân chống lại chế
độ quốc xã nhân danh sự « phục tùng » đối với Đức Kitô. Tựa đề của
cuốn sách, Widerstand und Ergebung (kháng cự và phục tùng), tập hợp
những lá thư trong tù của ông, nói cho chúng ta cách chính xác về lưỡng đối cực
của hành động tuân phục và bất tuân phục. Hành động này không được thúc đẩy bởi
những động lực chính trị. Nó biểu lộ sự trung thành của ông với Tin Mừng :
« Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm » (x. Cv 5,29).
Chúng ta biết rằng bất tuân phục cũng có một vị trí quan trọng trong
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo[3].
Nhưng làm sao chúng ta có thể đề cập đến vấn đề bất tuân
phục trong thần học ? Đối với Dietrich Bonhoeffer, sự bất tuân phục là
một hành vi mang tính thần học vì nó được đặt nền tảng trong Đức Giêsu Kitô.
Tuân phục và bất tuân phục có một mối tương quan tương tác. Tuân phục nhấn mạnh
khía cạnh phục tùng, khiêm hạ, chấp nhận, khả năng chịu đựng ; trong khi
bất tuân phục gắn liền với sự kháng cự, đối lập, sự vi phạm…. Tuy nhiên, dù ở
khía cạnh nào, điều quan trọng đó là sự tự do có trách nhiệm. Đó là tư tưởng
của Dietrich Bonhoeffer sẽ giúp chúng ta suy tư về sự tuân phục và bất tuân
phục.
Tuân phục không thể tách lìa với suy tư về « đời sống
trách nhiệm ». Nó có thể biến thành hình thức bất tuân phục, được hiểu như
sự khẳng định về sự tuân phục đối với một quyền bính lớn hơn. Nói cách khác,
tuân phục Thiên Chúa có thể dẫn chúng ta tới bất tuân phục đối với một tổ chức
con người. Đó chính là thách đố thực sự đối với luân lý Kitô giáo. Đâu là thái
độ của người Kitô hữu trong một xã hội mà những quyền bính chính trị đi ngược
lại những giá trị đạo đức và tôn giáo ?
Câu hỏi này mang chiều kích Kitô học trong nghĩa nó đưa
chúng ta về với thái độ của Đức Kitô. Một mặt, Người đã « vâng phục đến
chết và chết trên cây thập tự » (Pl 2,5-8) trong việc trung thành với ý
muốn của Chúa Cha ; mặt khác, trong suốt đời sống Người đối lập với những
quyền bính bất công. Cũng vậy, nếu như thánh Phao-lô mời gọi những Kitô hữu
thuộc cộng đoàn Rôma tùng phục chính quyền, « vì không có quyền bính nào
mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết
lập » (x. Rm 13, 1-7), bởi vì quyền bính không làm tổn hại những giá trị
con người.
Trần Văn Khuê, aa
[1] Martin Luther King (1929-1968), mục sư tin lành, đấu tranh một cách
bất bạo động đòi quyền cho những người Mỹ da màu và chống lại việc kỳ thị chủng
tộc. Trong cuộc đấu tranh ông nổi tiếng với bài diễn văn : « I have a
dream » (Tôi có một giấc mơ). Ông đã được nhận giải thưởng Nobel hòa bình
năm 1964 và bị ám sát vào năm 1968.
[2] Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948), một vị lãnh đạo tinh thần, một
nhà đấu tranh bất bạo động của Ấn Độ. Gandhi đã đấu tranh vì nền độc lập của Ấn
Độ trong thời kỳ đô hộ của người Anh. Ông được tôn vinh là vị « cha già dân tộc » của Ấn Độ.
[3] X. GLHTCG, số 1903.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét