Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

TIN MỪNG VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ TẠI LỤC ĐỊA Á CHÂU



Châu Á thu hút sự tò mò của nhiều người vì những nét văn hóa huyền bí của nó. Quả thực, đây là một lục địa rộng lớn và giàu có. Tuy nhiên, lục địa này cũng còn nhiều sự nghèo đói. Châu Á giàu có với những truyền thống văn hóa và tôn giáo, cũng như dân số trẻ trung; châu Á nghèo vì nhiều người vẫn còn sống dưới ngưỡng nghèo đói, những hệ thống an sinh chưa được đảm bảo, bất bình đẳng trong đời sống xã hội, nhiều nơi sự tự do – quyền căn bản của con người, vẫn còn bị hạn chế….

Trong bối cảnh này, với tư cách là Ki-tô Hữu, chúng ta không thể không đặt câu hỏi: làm sao Tim Mừng có thể vừa là sức mạnh của sự công chính hóa – biến đổi đời sống con người[1], vừa là ơn cứu độ - dẫn đưa con người tới chân trời mới bằng con đường Tin Mừng, cho những con người thuộc một xã hội đa văn hóa, tôn giáo và sự đa dạng về đời sống xã hội?

Từ những thực tại được nêu trên thiết tưởng con đường rao giảng Tin Mừng của những Ki-tô Hữu không thể bỏ qua yếu tố nền tảng của đời sống con người và của Tin Mừng là đối thoại. Đối thoại không áp đặt những giá trị riêng, cũng không chủ ý cải đạo những người khác. Đối thoại theo diễn giải của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI là DIA-LOGOS: trao đổi lời chân lý[2] trong một cộng đồng biết lắng nghe.

Có ít nhất ba lãnh vực cốt yếu mà những Ki-tô Hữu ở miền lục địa này cần phải lưu tâm một cách đặc biệt trong công cuộc loan báo Tin Mừng: đối thoại với những nền văn hóa, đối thoại liên tôn và đối thoại với những người nghèo.
1-      Đối thoại với những nền văn hóa
Bức tranh văn hóa của châu Á rất đa màu với những truyền thống văn hóa lớn như Trung Hoa, Ấn Độ, Đông Nam Á và chưa kể đến những truyền thống văn hóa thuộc vùng cận Đông. Những đa dạng văn hóa Á châu được biểu lộ qua nhiều thứ ngôn ngữ, truyền thống, tập quán khác nhau. Những con người thuộc những vùng, miền khác nhau có những lối sống và cách tổ chức đời sống xã hội khác nhau. Điều này thậm chí có thể xảy ra trong cùng một quốc gia.
Những giá trị văn hóa Á châu thường được nhắc đến như: sự giản di, hòa hợp, tinh thần tương thân tương ái, lòng từ bi, lòng biết ơn và kính trọng đối với những người khác, lòng hiếu khách… Nói tóm lại là một thứ triết lý sống theo phương châm “ứng nhân xử thế”, nghĩa là con người cần biết phải xử sự như thế nào cho đúng mức trong mối tương quan với chính mình và với những người khác.
Giáo Hội luôn cần tôn trọng những giá trị văn hóa này như con đường để đưa Tin Mừng đến cho những người khác. Tin Mừng vừa mang chức năng giao ước -  với những nền văn hóa, vừa mang chức năng thanh lọc – làm cho những yếu tố văn hóa được trong sáng. Nghĩa là một sự hội nhập văn hóa của Tin Mừng: những ngôn ngữ của Tin Mừng có thể hiểu được đối với những người thuộc những nền văn hóa này; đồng thời nó là ánh sáng soi chiếu những giá trị văn hóa. Đây không phải là điều mới mẽ, nhưng là con đường mà Tin Mừng đã đi qua ngay từ khởi đầu: Thiên Chúa đến với con người trong Đức Giê-su Ki-tô và sau đó những thông điệp Tin Mừng được loan báo nơi những miền văn hóa khác nhau.
Tuy nhiên, đối thoại với những nền văn hóa là điều tất yếu, nhưng cũng là thách đố. Thách đố là cần có sự gặp gỡ một cách hài hòa giữa tính phổ quát của Tin Mừng chứa đựng những trình bày mang tính đặc và tính phổ quát của những nền văn hóa Á châu cùng với những nét riêng biệt trong nó.
2-      Đối thoại liên tôn
Tân chân phước Gio-an Phao-lô II xác định: Châu Á là cái nôi của những tôn giáo lớn, trong đó có cả Ki-tô Giáo[3]. Quả thực, cũng như Ki-tô giáo, những tôn giáo lớn khác cũng xuất phát từ châu Á như Do-thái giáo, Ấn-độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Nho giáo….
Những truyền thống tôn giáo này đã làm cho lục địa Á châu trở nên giàu có về những giá trị tôn giáo và nhân văn. Tuy nhiên, nó cũng là lý do gây nên những xung đột (xung đột tôn giáo), từ đó chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của việc đối thoại.
Con người không thể đạt tới sự thật vẹn toàn nếu không đối thoại với nhau: “sự trao đổi lời chân lý” (dia-logos). Đối thoại liên tôn vừa tôn trọng những giá trị và tính chất đặc thù của từng tôn giáo, đồng thời hướng con người tới gặp gỡ Đấng Siêu Việt. Đối thoại liên tôn hoàn toàn không phải là con đường khuất phục những người khác vào tôn giáo mình, cho dù những di tích ở thành phố Rô-ma cho thấy rằng Ki-tô Giáo đã một thời cải biến những đền thờ của những người thờ thần vô danh thành những ngôi thánh đường. Đối thoại liên tôn vừa mang tính hiệp thông, vừa, qua những trao đổi, khơi dậy nơi những con người sự cởi mở đón nhận những giá trị siêu việt.
3-      Đối thoại với người nghèo
Một bức tranh khá tương phản tại lục địa châu Á là sự phân hóa giàu nghèo một cách sâu đậm. Tại lục địa này không thiếu những người giàu, nhưng cũng có rất nhiều người nghèo. Những hoàn cảnh trái chiều như người phú hộ và anh La-da-rô nghèo khó rất phổ biến trong những xã hội Á châu.
Giáo Hội không ngừng nói về người nghèo. Quan tâm tới người nghèo không còn là một sự lựa chọn tùy thích, nhưng là đòi buộc của Tin Mừng. Tuy nhiên, người nghèo không thể là đối tượng của sự ban phát ân huệ của những người khác – một sự bố thí vì lòng trắc ẩn hay thương hại. Nếu chúng ta chỉ dừng lại việc xem người nghèo là đối tượng của việc bố thí hẳn chúng ta chưa hiểu một cách trọn vẹn thông điệp của Tin Mừng được loan báo bởi Đức Giê-su Ki-tô.
Trong Tin Mừng Chúa Giê-su luôn đặt những người nghèo trên hết và trước hết. Đó không chỉ vì những người này cô thế cô thân, cần được ưu tiên và bảo vệ. Nhưng, một cách nền tảng, những con người này hoàn toàn bình đẳng với tất cả mọi con người trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Như vậy, con đường đến với người nghèo là con đường của sự hiệp thông và đối thoại với tư cách là những con người bình quyền và giá trị. Chỉ như thế “giai cấp” mới được xóa bỏ (chứ không phải việc lật đổ giai cấp nắm quyền và phân điều tài sản sẽ xóa bỏ giai cấp) và những giá trị của những con người mới được tôn trọng một cách đúng đắn.
Trần Văn Khuê



[1] ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, trong thông điệp Spe salvi (Về niềm hy vọng Ki-tô Giáo), nói: “Tin Mừng Ki-tô Giáo không những mang tính chất “thông tin” (informativ), nhưng còn mang tính “kích động” (performativ), có nghĩa là: Tin Mừng không những chia sẻ những điều có thể hiểu biết, nhưng còn là một sự chia sẻ đưa đến hành động và biến đổi cuộc đời” (số 2).
[2] ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, Caritas in veritate (Bác ái trong chân lý), số 4.
[3] Gio-an Phao-lô II, Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại Á châu), số 6.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét