Trong vụ xét xử tại tòa tổng trấn, Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su : “Sự thật là gì?”[1]. Câu hỏi này sau đó đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người. Quả thực, câu hỏi về sự thật không chỉ được đặt ra một lần ở đây, nhưng thường kỳ trong đời sống của những con người : một câu hỏi mang tính hiện sinh. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng không phải lúc nào người ta cũng có được câu trả lời một cách dễ dàng. Câu trả lời về sự thật lại trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh xã hội đa nguyên (văn hóa, tôn giáo và chính trị) và trong một xã hội ít xem sự thật là giá trị nền tảng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.
Càng ngày chúng ta càng nhận thấy trong những xã hội đa nguyên nhiều người tự tạo các « giá trị » và hợp thức hóa chúng. Ví dụ như hôn nhân đồng tính. Người ta cho rằng khuynh hướng tình dục nơi mỗi người khác nhau và hôn nhân đồng tính thuộc về một sự lựa chọn cá nhân tự do phù hợp với khuynh hướng tình dục riêng biệt. Và như thế, người ta đòi hỏi xã hội phải thừa nhận nó như một giá trị giữa những giá trị khác nơi đời sống con người và xã hội.
Đây là một trong những ví dụ điển hình để nói về sự khó khăn trong việc phân định và xác định đâu là sự thật. Xã hội đa nguyên được đan xen bởi những giá trị khác nhau : tự do cá nhân – lối sống cũng như sự lựa chọn và quyết định, sự gặp gỡ giữa những nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Việc gặp gỡ này có thể tạo nên những điểm giao thoa giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Cũng vậy, sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa và tôn giáo cũng là cơ hội để người ta có thể so sánh những giá trị. Trong sự so sánh, một mặt, người ta nhận thấy những giá trị nơi nền văn hóa hay tôn giáo này chưa hẳn là giá trị nơi những nền văn hóa hay tôn giáo khác ; mặt khác, nhiều lúc người ta đồng hóa những giá trị khác nhau theo chủ nghĩa tương đối. Chính trong bối cảnh này nhiều lúc người ta phải đặt câu hỏi : đâu là sự thật ?
Câu hỏi về sự thật lại càng trở nên phức tạp hơn trong xã hội « vàng thau lẫn lộn ». Nghĩa là trong một xã hội mà người ta lấy cái giả làm cái thật - làm cho người khác lầm tưởng giữa cái thật và cái giả, hay người ta trình bày sự thật nửa vời - một phần của sự thật hay là một sự mập mờ. Hậu quả của « chính sách » này rất nghiêm trọng vì nó tạo nên một xã hội mà trong đó người ta cảm giác chỉ có sự lừa dối, nhưng lại phải học sống với sự lừa dối đó. Cuối cùng, con người bị giam hãm và day dứt trong sự lừa dối.
Tin Mừng đã không nói tiếp điều gì sau câu hỏi của Phi-la-tô : « Sự thật là gì ? », nghĩa là câu trả lời cho câu hỏi của ông. Tuy nhiên, trước đó Đức Giê-su đã nói với Phi-la-tô : « Tôi đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi » (Ga 18,38). Sự thật mà Đức Giê-su đã làm chứng là gì ? Có rất nhiều lời giáo huấn của Người được ghi lại trong bốn cuốn Tin Mừng. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói về sự thật mà Đức Giê-su đã đến thế gian và làm chứng : sự thật về Thiên Chúa và về con người.
Trước hết, sự thật về Thiên Chúa. « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời » (Ga 3, 16). Qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô đến nói cho con người biết về chính Ngài ; Thiên Chúa không phải là một thứ ngẫu tượng hay tượng thần được làm theo sự tưởng tượng của con người, nhưng là Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ trong lịch sử của con người. Đức Giê-su là biểu lộ của Thiên Chúa tình yêu. Sự thật về Thiên Chúa là thế : Thiên Chúa muốn cho con người được sống và sống dồi dào (Ga 10,10) trong và qua Đức Giê-su Ki-tô. Một Thiên Chúa như thế không thể chống lại con người và cũng không làm mất nơi con người những gì thuộc về nó. Hơn thế nữa, Ngài còn mời gọi con người sống một cách tròn đầy những giá trị mà Ngài ban tặng. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người sẽ làm cho con người mất đi sự năng động, sáng tạo và nguồn cảm hứng cho cuộc sống.
Tiếp đến, sự thật về con người. Có những giả thuyết về nguồn gốc con người và vũ trụ. Một trong những giả thuyết này là thuyết tiến hóa của Darwin làm cơ sở lý luận cho thuyết duy vật biện chứng Mác-xít. Tuy nhiên, cho tới bây giờ người ta vẫn thích mình thuộc về những dòng tộc cao quý (« con rồng cháu tiên ») hơn là đến từ những chú khỉ.
Sự thật về con người, đó là « con người không đến từ sự hỗn mang cũng không kết thúc ở hư vô »[2]. Đây là toàn bộ mạc khải của Thiên Chúa cho con người về con người. Con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và hướng tới sự hạnh phúc vĩnh cửu. Tất cả những lý do về việc thăng tiến đời sống và bảo vệ quyền con người xuất phát từ xác tín Ki-tô giáo là con người đến từ Thiên Chúa và trở về với chính Ngài. Người ta lầm tưởng việc bảo vệ con người mang chiều kích chính trị. Vì thế, một cách khôi hài, nhiều lúc người ta ngăn chặn Giáo Hội bàn về hay can thiệp vào những khía cạnh đời sống con người trong đời sống xã hội. Đối với Ki-tô giáo, việc bảo vệ con người hoàn toàn mang tính thiên linh : con người là hình ảnh Thiên Chúa. Như vậy, trong vai trò và sứ mạng, Giáo Hội phải lên tiếng về những gì làm hạ giá con người, hơn thế nữa đặt con người ngang hàng với những sinh vật tầm thường. Việc lên tiếng này nhiều lúc đi ngược lại những quan điểm và đường lối chính trị.
Trần Văn Khuê
Sao Khue la mot cay but moi co trien vong va dang duoc khich le. Nhung bai viet cua Sao Khue co be day suy luan, dua tren nhung nguon goc tai lieu duoc trich ro rang, co co so va hop li. Chuc mung tac gia Sao Khue. Xin duoc "bat mi" voi doc gia cua Sao Khue rang Sao Khue la mot nha than hoc luan li, trinh do Thac Si, duoc dao tao bai ban tai Hoc Vien Cong Giao Paris nhieu nam.
Trả lờiXóaVH