Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN NƠI CON NGƯỜI NGÀY HÔM NAY

Nói tới khủng niềm tin người ta liên tưởng ngay tới khủng hoảng niềm tin tôn giáo, đặc biệt ở các nước Tây phương, nơi mà chỉ số người thực hành tôn giáo ngày càng giảm sút. Tuy nhiên, khủng hoảng mà chúng ta sẽ đề cập ở đây không mang tính tôn giáo, nhưng là niềm tin con người với nhau: người ta không còn có thể đặt niềm tin vào ai, hay không tìm thấy ai để đặt niềm tin tưởng, cũng như không còn tin nơi bất cứ điều gì.

Có nhiều nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng này trong những lãnh vực đời sống khác nhau như xã hội, chính trị và giáo dục.

Trước hết, trong lãnh vực xã hội. Chúng ta chứng kiến những mối tương quan giữa những con nguời với nhau ngày càng ít còn được đặt trên nền tảng của sự tin cậy và chân tình. Điều này làm nhiều người lo ngại về khả năng sống liên đới, tinh thần tương thân tương ái, cũng như khả năng hợp tác của những con người trong nhiều lãnh vực khác nhau – những yếu tố thiết yếu nhằm xây dựng một cộng đồng nhân loại lý tưởng. Nguyên nhân về sự bấp bênh của những mối tương quan này là vì có quá nhiều dối trá trong đời sống và trong những mối quan hệ xã hội khác nhau.

Tiếp đến, trong lãnh vực chính trị. Những diễn từ chính trị ngày càng ít được tin cậy. Những tuyên truyền không mang lại bất cứ điều gì tốt đẹp, mà còn gây phản cảm nơi nhiều người: những luận điệu chính trị được lặp đi lặp lại trái với thực tiễn. Quả thực, một nền chính trị tốt phải có khả năng, trước hết, thăng tiến con người: những giá trị nhân phẩm phải được tôn trọng một cách tuyệt đối; tiếp đến, phát triển đời sống xã hội: đảm bảo cho hết mọi người có thể sống chung với nhau trong công lýhòa bình, bác áichân lý.

Cuối cùng, sự đánh mất niềm tin trong lãnh vực giáo dục. Giáo dục là nền tảng cho tất cả mọi phát triển xã hội và đời sống của từng cá nhân. Tuy nhiên, những gian lận hay thiếu trung thực trong giáo dục đã đánh mất niềm tin nơi nhiều người. Mặt khác, những hệ thống giáo dục nhiều lúc không mang tính thực tiễn cũng đặt nghi vấn về tính chất phù hợp của giáo dục đối với sự phát triển. Ngoài ra, người ta cũng không thể đặt niềm tin tưởng nơi một nền giáo dục thiếu tính nhân văn và giúp phát triển con người toàn diện.

Khủng hoảng này báo hiệu tình trạng sức khỏe yếu kém của đời sống xã hội. Chúng ta kinh nghiệm về hậu quả của việc mất niềm tin ảnh hưởng trên đời sống con người như thế nào. Một trong những hậu quả này là làm cho con người sống trong sự “nghi ngờ” triền miên. Khi đánh mất niềm tin, người ta nghi ngờ mọi người và mọi cái, ngay cả những điều tốt nhất. Những người thân cận cũng có thể bị xem là những “lực lượng thù địch”, là “đối phương”. Những công việc tốt như công việc bác ái từ thiện cũng có thể được xem là những toan tính cá nhân hay chính trị. Quả thực, nếu như cuộc sống mà xung quanh mình chỉ còn là những “thù địch” thì cuộc sống này là một địa ngục trần gian.

Một điều nền tảng trong kinh nghiệm sống theo chiều dài lịch sử là con người luôn tìm cách  xây dựng niềm tin. Đây chính là yếu tố cho phép những con người làm thành một cộng đồng nhân loại sống chung với nhau trong hòa bình, tình huynh đệ và tình nhân loại. Để xây dựng niềm tin con người cần có những thái độ đúng đắn và hành động hợp với sự thật. Những diễn thuyết trống rỗng sẽ gây tác động tiêu cực. Người ta chưa bao giờ đo lường những giá trị từ những lý thuyết, đặc biệt là những lý thuyết theo chủ nghĩa không tưởng, nhưng từ những hiện thực khách quan.

Trần Văn Khuê

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

BẢO TỒN THIÊN NHIÊN: ĐIỀU KIỆN THĂNG TIẾN CON NGƯỜI

Trong những tháng đầu năm 2011 nổi lên những cuộc biến động chính trị trên thế giới. “Cuộc cách mạng Hoa Nhài” bắt đầu từ Ai-cập, qua Tu-ni-sia, tới Sy-ria và những hiệu ứng dô-mi-nô của nó trên khắp vùng Trung Đông và Bắc Phi. Hiện tại, những rắc rối chính trị và quân sự lại đang diễn ra tại Ly-bia với sự can thiệp quân sự của các nước đồng minh NATO vào nước Bắc Phi này. Còn nữa, trong những ngày gần đây, vùng Biển Đông lại nóng lên vì những tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, In-đô-nê-sia…. Các cuộc biến động chính trị và quân sự này tạo nên những phỏng đoán khác nhau về một viễn cảnh hòa bình trên thế giới, cũng như sự biến chuyển về chính trị.
Có những lý do gây nên những cuộc xung đột này như lý do kinh tế, chính trị. Hai yếu tố này được xem có mối tương quan nội tại.
Chúng ta thấy rằng những nền chính trị thống trị lâu năm đã trở nên sức ép làm bùng nổ những gì bị đè nén nơi con người. Những quyền lực thống trị không thể mãi đàn áp mà không gặp phải sự kháng cự. Việc chống trả là một quy luật tự nhiên không chỉ được đặt trên nền tảng bản năng con người (đấu tranh và sinh tồn), nhưng còn từ khả năng lý trí và ý thức về sự tự do và công bằng xã hội. Tuy nhiên, những xung đột hình như cũng phát xuất từ yếu tố kinh tế: những lợi ích kinh tế trong những cuộc xung đột. Cái nhìn này xem chừng nghịch lý, nhưng lại là một sự thực.
Những tranh chấp gần đây ở Biển Đông bắt nguồn từ những tuyên bố về sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, chúng ta ghi nhận rằng việc bảo vệ những vùng biển đang tranh chấp này không chỉ nhằm mục đích mở rộng bản đồ quốc gia. Bởi lẽ, diện tích lãnh thổ không đồng nghĩa với sức mạnh của một quốc gia. Việc bảo vệ này còn có lý do kinh tế: tiềm năng kinh tế của khu vực này. Đó cũng là lý do mà Trung Quốc theo đuổi chính sách giải quyết xung đột: những lợi nhuận kinh tế được chia cho các nước đang tranh chấp[1]. Giải pháp này hoàn toàn không nói lên mục đích bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ!
Những ghi nhận trên đây đặt ra cho chúng ta câu hỏi: đâu là lý do sâu xa làm cho người ta sẳn sàng nhảy vào những cuộc xung đột? Câu hỏi này chắc hẳn đã được đặt ra và chúng ta – những người ngoài cuộc, cũng có những giả thuyết khác nhau.
Từ những thực trạng vừa được nêu trên đây, chúng ta có thể cho rằng một trong những lý do sâu xa đó là con người nhận thấy thiếu sự đảm bảo bền vững từ những tài nguyên thiên nhiên. Tài nguyên thiên bao la, nhưng không phải là vô tận. Con người bắt đầu hiểu ra điều đó. Việc tích cóp những tài nguyên thiên nhiên từ những nơi khác sẽ tạo cảm giác an toàn cho những quốc gia. Chính điều này đã tạo nên các tác động dây chuyền: những xung đột về quyền lợi.
Đối với các Ki-tô Hữu, khuynh hướng này còn đặt ra một câu hỏi khác về trách nhiệm và tính chất đạo đức trong việc khai thác những tài nguyên thiên nhiên. Trong niềm tin Ki-tô giáo, vai trò của con người về trách nhiệm đối với vũ trụ được đặt trong mối tương quan giữa Đấng Tạo Háo và những người khác.
Trước hết, trong mối tương quan đối với Đấng Tạo Hóa. Vạn vật thiên nhiên không được phó mặc cho con người để con người muốn làm gì tùy thích. Đấng Tạo Hóa đã đặt con người trong vũ trụ này và cắt đặt con người canh tác và trông nom nó. Điều này nói lên rằng, một mặt, con người không phải là chủ của vũ trụ; mặt khác, việc bảo vệ vũ trụ làm cho con người được sống dồi dào: vũ trụ là nhà của con người. Việc tàn phá thiên nhiên chẳng khác gì chính con người tự kết liễu đời mình vì tự phá hủy nơi mình cứ trú.
Tiếp đến, khai thác tài nguyên trong ý thức bảo tồn nó là ý thức trách nhiệm đối với những thế hệ tương lai. Tài nguyên thiên nhiên không phải là sản phẩm độc quyền của một thế hệ con người. Khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô trách nhiệm là phi đạo đức: tính đạo đức trong mối liên đới và đời sống trách nhiệm đối với những người khác.
Tóm lại, bảo tồn thiên nhiên là điều kiện để thăng tiến con người. Vận mệnh con người tùy thuộc vào thái độ của nó đối với vạn vật vũ trụ. Đây cũng là điều mời gọi con người ý thức về sự phát triển bền vững trong mọi lãnh vực đời sống con người: tôn trọng con người, bảo vệ thiên nhiên và sống đúng tư cách con người được đặt để trong lòng vũ trụ để sống ơn gọi đồng tạo dựng với Đấng Tạo Hóa khi làm cho thiên nhiên trở nên thân thiện hơn với con người.
 Trần Văn Khuê



[1] Xem bài viết: “Trung cộng sửa soạn dư luận để xua quân đánh Việt Nam”, Gs Vũ Cao Đàm dịch (http://www.vietcatholic.org/News/Html/90679.htm).

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

« SỰ THẬT LÀ GÌ ?»


Trong vụ xét xử tại tòa tổng trấn, Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su : “Sự thật là gì?”[1]. Câu hỏi này sau đó đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người. Quả thực, câu hỏi về sự thật không chỉ được đặt ra một lần ở đây, nhưng thường kỳ trong đời sống của những con người : một câu hỏi mang tính hiện sinh. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng không phải lúc nào người ta cũng có được câu trả lời một cách dễ dàng. Câu trả lời về sự thật lại trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh xã hội đa nguyên (văn hóa, tôn giáo và chính trị) và trong một xã hội ít xem sự thật là giá trị nền tảng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.
Càng ngày chúng ta càng nhận thấy trong những xã hội đa nguyên nhiều người tự tạo các « giá trị » và hợp thức hóa chúng. Ví dụ như hôn nhân đồng tính. Người ta cho rằng khuynh hướng tình dục nơi mỗi người khác nhau và hôn nhân đồng tính thuộc về một sự lựa chọn cá nhân tự do phù hợp với khuynh hướng tình dục riêng biệt. Và như thế, người ta đòi hỏi xã hội phải thừa nhận nó như một giá trị giữa những giá trị khác nơi đời sống con người và xã hội.
Đây là một trong những ví dụ điển hình để nói về sự khó khăn trong việc phân định và xác định đâu là sự thật. Xã hội đa nguyên được đan xen bởi những giá trị khác nhau : tự do cá nhân – lối sống cũng như sự lựa chọn và quyết định, sự gặp gỡ giữa những nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Việc gặp gỡ này có thể tạo nên những điểm giao thoa giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Cũng vậy, sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa và tôn giáo cũng là cơ hội để người ta có thể so sánh những giá trị. Trong sự so sánh, một mặt, người ta nhận thấy những giá trị nơi nền văn hóa hay tôn giáo này chưa hẳn là giá trị nơi những nền văn hóa hay tôn giáo khác ; mặt khác, nhiều lúc người ta đồng hóa những giá trị khác nhau theo chủ nghĩa tương đối. Chính trong bối cảnh này nhiều lúc người ta phải đặt câu hỏi : đâu là sự thật ?
Câu hỏi về sự thật lại càng trở nên phức tạp hơn trong xã hội « vàng thau lẫn lộn ». Nghĩa là trong một xã hội mà người ta lấy cái giả làm cái thật - làm cho người khác lầm tưởng giữa cái thật và cái giả,  hay người ta trình bày sự thật nửa vời - một phần của sự thật hay là một sự mập mờ. Hậu quả của « chính sách » này rất nghiêm trọng vì nó tạo nên một xã hội mà trong đó người ta cảm giác chỉ có sự lừa dối, nhưng lại phải học sống với sự lừa dối đó. Cuối cùng, con người bị giam hãm và day dứt trong sự lừa dối.
Tin Mừng đã không nói tiếp điều gì sau câu hỏi của Phi-la-tô : « Sự thật là gì ? », nghĩa là câu trả lời cho câu hỏi của ông. Tuy nhiên, trước đó Đức Giê-su đã nói với Phi-la-tô : « Tôi đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi » (Ga 18,38). Sự thật mà Đức Giê-su đã làm chứng là gì ? Có rất nhiều lời giáo huấn của Người được ghi lại trong bốn cuốn Tin Mừng. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói về sự thật mà Đức Giê-su đã đến thế gian và làm chứng : sự thật về Thiên Chúa và về con người.
Trước hết, sự thật về Thiên Chúa. « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời » (Ga 3, 16). Qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô đến nói cho con người biết về chính Ngài ; Thiên Chúa không phải là một thứ ngẫu tượng hay tượng thần được làm theo sự tưởng tượng của con người, nhưng là Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ trong lịch sử của con người. Đức Giê-su là biểu lộ của Thiên Chúa tình yêu. Sự thật về Thiên Chúa là thế : Thiên Chúa muốn cho con người được sống và sống dồi dào (Ga 10,10) trong và qua Đức Giê-su Ki-tô. Một Thiên Chúa như thế không thể chống lại con người và cũng không làm mất nơi con người những gì thuộc về nó. Hơn thế nữa, Ngài còn mời gọi con người sống một cách tròn đầy những giá trị mà Ngài ban tặng. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người sẽ làm cho con người mất đi sự năng động, sáng tạo và nguồn cảm hứng cho cuộc sống.
Tiếp đến, sự thật về con người. Có những giả thuyết về nguồn gốc con người và vũ trụ. Một trong những giả thuyết này là thuyết tiến hóa của Darwin làm cơ sở lý luận cho thuyết duy vật biện chứng Mác-xít. Tuy nhiên, cho tới bây giờ người ta vẫn thích mình thuộc về những dòng tộc cao quý (« con rồng cháu tiên ») hơn là đến từ những chú khỉ.
Sự thật về con người, đó là « con người không đến từ sự hỗn mang cũng không kết thúc ở hư vô »[2]. Đây là toàn bộ mạc khải của Thiên Chúa cho con người về con người. Con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và hướng tới sự hạnh phúc vĩnh cửu. Tất cả những lý do về việc thăng tiến đời sống và bảo vệ quyền con người xuất phát từ xác tín Ki-tô giáo là con người đến từ Thiên Chúa và trở về với chính Ngài. Người ta lầm tưởng việc bảo vệ con người mang chiều kích chính trị. Vì thế, một cách khôi hài, nhiều lúc người ta ngăn chặn Giáo Hội bàn về hay can thiệp vào những khía cạnh đời sống con người trong đời sống xã hội. Đối với Ki-tô giáo, việc bảo vệ con người hoàn toàn mang tính thiên linh : con người là hình ảnh Thiên Chúa. Như vậy, trong vai trò và sứ mạng, Giáo Hội phải lên tiếng về những gì làm hạ giá con người, hơn thế nữa đặt con người ngang hàng với những sinh vật tầm thường. Việc lên tiếng này nhiều lúc đi ngược lại những quan điểm và đường lối chính trị.
Trần Văn Khuê



[1] Tin Mừng theo thánh Gio-an, 18, 38.
[2] ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI trong thông điệp Spe salvi.

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

TIN MỪNG VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ TẠI LỤC ĐỊA Á CHÂU

Châu Á thu hút sự tò mò của nhiều người vì những nét văn hóa huyền bí của nó. Quả thực, đây là một lục địa rộng lớn và giàu có. Tuy nhiên, lục địa này cũng còn nhiều sự nghèo đói. Châu Á giàu có với những truyền thống văn hóa và tôn giáo, cũng như dân số trẻ trung; châu Á nghèo vì nhiều người vẫn còn sống dưới ngưỡng nghèo đói, những hệ thống an sinh chưa được đảm bảo, bất bình đẳng trong đời sống xã hội, nhiều nơi sự tự do – quyền căn bản của con người, vẫn còn bị hạn chế….
Trong bối cảnh này, với tư cách là Ki-tô Hữu, chúng ta không thể không đặt câu hỏi: làm sao Tin Mừng có thể vừa là sức mạnh của sự công chính hóa – biến đổi đời sống con người[1], vừa là ơn cứu độ - dẫn đưa con người tới chân trời mới bằng con đường Tin Mừng, cho những con người thuộc một xã hội đa văn hóa, tôn giáo và sự đa dạng về đời sống xã hội?
Từ những thực tại được nêu trên thiết tưởng con đường rao giảng Tin Mừng của những Ki-tô Hữu không thể bỏ qua yếu tố nền tảng của đời sống con người và của Tin Mừng là đối thoại. Đối thoại không áp đặt những giá trị riêng, cũng không chủ ý cải đạo những người khác. Đối thoại theo diễn giải của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI là DIA-LOGOS: trao đổi lời chân lý[2] trong một cộng đồng biết lắng nghe.
Có ít nhất ba lãnh vực cốt yếu mà những Ki-tô Hữu ở miền lục địa này cần phải lưu tâm một cách đặc biệt trong công cuộc loan báo Tin Mừng: đối thoại với những nền văn hóa, đối thoại liên tôn và đối thoại với những người nghèo.
1-      Đối thoại với những nền văn hóa
Bức tranh văn hóa của châu Á rất đa màu với những truyền thống văn hóa lớn như Trung Hoa, Ấn Độ, Đông Nam Á và chưa kể đến những truyền thống văn hóa thuộc vùng cận Đông. Những đa dạng văn hóa Á châu được biểu lộ qua nhiều thứ ngôn ngữ, truyền thống, tập quán khác nhau. Những con người thuộc những vùng, miền khác nhau có những lối sống và cách tổ chức đời sống xã hội khác nhau. Điều này thậm chí có thể xảy ra trong cùng một quốc gia.
Những giá trị văn hóa Á châu thường được nhắc đến như: sự giản di, hòa hợp, tinh thần tương thân tương ái, lòng từ bi, lòng biết ơn và kính trọng đối với những người khác, lòng hiếu khách… Nói tóm lại là một thứ triết lý sống theo phương châm “ứng nhân xử thế”, nghĩa là con người cần biết phải xử sự như thế nào cho đúng mức trong mối tương quan với chính mình và với những người khác.
Giáo Hội luôn cần tôn trọng những giá trị văn hóa như con đường để đưa Tin Mừng đến cho những người khác. Tin Mừng vừa mang chức năng giao ước -  với những nền văn hóa, vừa mang chức năng thanh lọc – làm cho những yếu tố văn hóa được trong sáng. Nghĩa là một sự hội nhập văn hóa của Tin Mừng: những ngôn ngữ của Tin Mừng có thể hiểu được đối với những người thuộc những nền văn hóa này; đồng thời nó là ánh sáng soi chiếu những giá trị văn hóa. Đây không phải là điều mới mẽ, nhưng là con đường mà Tin Mừng đã đi qua ngay từ khởi đầu: Thiên Chúa đến với con người trong Đức Giê-su Ki-tô và sau đó những thông điệp Tin Mừng được loan báo nơi những miền văn hóa khác nhau.
Tuy nhiên, đối thoại với những nền văn hóa là điều tất yếu, nhưng cũng là thách đố. Thách đố là cần có sự gặp gỡ một cách hài hòa giữa tính phổ quát của Tin Mừng chứa đựng những trình bày mang tính đặc thù và tính phổ quát của những nền văn hóa Á châu cùng với những nét riêng biệt trong nó.
2-      Đối thoại liên tôn
Tân chân phước Gio-an Phao-lô II xác định: Châu Á là cái nôi của những tôn giáo lớn, trong đó có cả Ki-tô Giáo[3]. Quả thực, cũng như Ki-tô giáo, những tôn giáo lớn khác cũng xuất phát từ châu Á như Do-thái giáo, Ấn-độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Nho giáo….
Những truyền thống tôn giáo này đã làm cho lục địa Á châu trở nên giàu có về những giá trị tôn giáo và nhân văn. Tuy nhiên, nó cũng là lý do gây nên những xung đột (xung đột tôn giáo), từ đó chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của việc đối thoại.
Con người không thể đạt tới sự thật vẹn toàn nếu không đối thoại với nhau: “sự trao đổi lời chân lý” (dia-logos). Đối thoại liên tôn vừa tôn trọng những giá trị và tính chất đặc thù của từng tôn giáo, đồng thời hướng con người tới gặp gỡ Đấng Siêu Việt. Đối thoại liên tôn hoàn toàn không phải là con đường khuất phục những người khác vào tôn giáo mình, cho dù những di tích ở thành phố Rô-ma cho thấy rằng Ki-tô Giáo đã một thời cải biến những đền thờ của những người thờ thần vô danh thành những ngôi thánh đường. Đối thoại liên tôn vừa mang tính hiệp thông, vừa, qua những trao đổi, khơi dậy nơi những con người sự cởi mở đón nhận những giá trị siêu việt.
3-      Đối thoại với người nghèo
Một bức tranh khá tương phản tại lục địa châu Á là sự phân hóa giàu nghèo một cách sâu đậm. Tại lục địa này không thiếu những người giàu, nhưng cũng có rất nhiều người nghèo. Những hoàn cảnh trái chiều như người phú hộ và anh La-da-rô nghèo khó rất phổ biến trong những xã hội Á châu.
Giáo Hội không ngừng nói về người nghèo. Quan tâm tới người nghèo không còn là một sự lựa chọn tùy thích, nhưng là đòi buộc của Tin Mừng. Tuy nhiên, người nghèo không thể là đối tượng của sự ban phát ân huệ của những người khác – một sự bố thí vì lòng trắc ẩn hay thương hại. Nếu chúng ta chỉ dừng lại việc xem người nghèo là đối tượng của việc bố thí hẳn chúng ta chưa hiểu một cách trọn vẹn thông điệp của Tin Mừng được loan báo bởi Đức Giê-su Ki-tô.
Trong Tin Mừng Chúa Giê-su luôn đặt những người nghèo trên hết và trước hết. Đó không chỉ vì những người này cô thế cô thân, cần được ưu tiên và bảo vệ. Nhưng, một cách nền tảng, những con người này hoàn toàn bình đẳng với tất cả mọi con người trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Như vậy, con đường đến với người nghèo là con đường của sự hiệp thông và đối thoại với tư cách là những con người bình quyền và giá trị. Chỉ như thế “giai cấp” mới được xóa bỏ (chứ không phải việc lật đổ giai cấp nắm quyền và phân điều tài sản sẽ xóa bỏ giai cấp) và những giá trị của những con người mới được tôn trọng một cách đúng đắn.
Trần Văn Khuê



[1] ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, trong thông điệp Spe salvi (Về niềm hy vọng Ki-tô Giáo), nói: “Tin Mừng Ki-tô Giáo không những mang tính chất “thông tin” (informativ), nhưng còn mang tính “kích động” (performativ), có nghĩa là: Tin Mừng không những chia sẻ những điều có thể hiểu biết, nhưng còn là một sự chia sẻ đưa đến hành động và biến đổi cuộc đời” (số 2).
[2] ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, Caritas in veritate (Bác ái trong chân lý), số 4.
[3] Gio-an Phao-lô II, Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại Á châu), số 6.


TIN MỪNG VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ TẠI LỤC ĐỊA Á CHÂU



Châu Á thu hút sự tò mò của nhiều người vì những nét văn hóa huyền bí của nó. Quả thực, đây là một lục địa rộng lớn và giàu có. Tuy nhiên, lục địa này cũng còn nhiều sự nghèo đói. Châu Á giàu có với những truyền thống văn hóa và tôn giáo, cũng như dân số trẻ trung; châu Á nghèo vì nhiều người vẫn còn sống dưới ngưỡng nghèo đói, những hệ thống an sinh chưa được đảm bảo, bất bình đẳng trong đời sống xã hội, nhiều nơi sự tự do – quyền căn bản của con người, vẫn còn bị hạn chế….

Trong bối cảnh này, với tư cách là Ki-tô Hữu, chúng ta không thể không đặt câu hỏi: làm sao Tim Mừng có thể vừa là sức mạnh của sự công chính hóa – biến đổi đời sống con người[1], vừa là ơn cứu độ - dẫn đưa con người tới chân trời mới bằng con đường Tin Mừng, cho những con người thuộc một xã hội đa văn hóa, tôn giáo và sự đa dạng về đời sống xã hội?

Từ những thực tại được nêu trên thiết tưởng con đường rao giảng Tin Mừng của những Ki-tô Hữu không thể bỏ qua yếu tố nền tảng của đời sống con người và của Tin Mừng là đối thoại. Đối thoại không áp đặt những giá trị riêng, cũng không chủ ý cải đạo những người khác. Đối thoại theo diễn giải của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI là DIA-LOGOS: trao đổi lời chân lý[2] trong một cộng đồng biết lắng nghe.

Có ít nhất ba lãnh vực cốt yếu mà những Ki-tô Hữu ở miền lục địa này cần phải lưu tâm một cách đặc biệt trong công cuộc loan báo Tin Mừng: đối thoại với những nền văn hóa, đối thoại liên tôn và đối thoại với những người nghèo.
1-      Đối thoại với những nền văn hóa
Bức tranh văn hóa của châu Á rất đa màu với những truyền thống văn hóa lớn như Trung Hoa, Ấn Độ, Đông Nam Á và chưa kể đến những truyền thống văn hóa thuộc vùng cận Đông. Những đa dạng văn hóa Á châu được biểu lộ qua nhiều thứ ngôn ngữ, truyền thống, tập quán khác nhau. Những con người thuộc những vùng, miền khác nhau có những lối sống và cách tổ chức đời sống xã hội khác nhau. Điều này thậm chí có thể xảy ra trong cùng một quốc gia.
Những giá trị văn hóa Á châu thường được nhắc đến như: sự giản di, hòa hợp, tinh thần tương thân tương ái, lòng từ bi, lòng biết ơn và kính trọng đối với những người khác, lòng hiếu khách… Nói tóm lại là một thứ triết lý sống theo phương châm “ứng nhân xử thế”, nghĩa là con người cần biết phải xử sự như thế nào cho đúng mức trong mối tương quan với chính mình và với những người khác.
Giáo Hội luôn cần tôn trọng những giá trị văn hóa này như con đường để đưa Tin Mừng đến cho những người khác. Tin Mừng vừa mang chức năng giao ước -  với những nền văn hóa, vừa mang chức năng thanh lọc – làm cho những yếu tố văn hóa được trong sáng. Nghĩa là một sự hội nhập văn hóa của Tin Mừng: những ngôn ngữ của Tin Mừng có thể hiểu được đối với những người thuộc những nền văn hóa này; đồng thời nó là ánh sáng soi chiếu những giá trị văn hóa. Đây không phải là điều mới mẽ, nhưng là con đường mà Tin Mừng đã đi qua ngay từ khởi đầu: Thiên Chúa đến với con người trong Đức Giê-su Ki-tô và sau đó những thông điệp Tin Mừng được loan báo nơi những miền văn hóa khác nhau.
Tuy nhiên, đối thoại với những nền văn hóa là điều tất yếu, nhưng cũng là thách đố. Thách đố là cần có sự gặp gỡ một cách hài hòa giữa tính phổ quát của Tin Mừng chứa đựng những trình bày mang tính đặc và tính phổ quát của những nền văn hóa Á châu cùng với những nét riêng biệt trong nó.
2-      Đối thoại liên tôn
Tân chân phước Gio-an Phao-lô II xác định: Châu Á là cái nôi của những tôn giáo lớn, trong đó có cả Ki-tô Giáo[3]. Quả thực, cũng như Ki-tô giáo, những tôn giáo lớn khác cũng xuất phát từ châu Á như Do-thái giáo, Ấn-độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Nho giáo….
Những truyền thống tôn giáo này đã làm cho lục địa Á châu trở nên giàu có về những giá trị tôn giáo và nhân văn. Tuy nhiên, nó cũng là lý do gây nên những xung đột (xung đột tôn giáo), từ đó chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của việc đối thoại.
Con người không thể đạt tới sự thật vẹn toàn nếu không đối thoại với nhau: “sự trao đổi lời chân lý” (dia-logos). Đối thoại liên tôn vừa tôn trọng những giá trị và tính chất đặc thù của từng tôn giáo, đồng thời hướng con người tới gặp gỡ Đấng Siêu Việt. Đối thoại liên tôn hoàn toàn không phải là con đường khuất phục những người khác vào tôn giáo mình, cho dù những di tích ở thành phố Rô-ma cho thấy rằng Ki-tô Giáo đã một thời cải biến những đền thờ của những người thờ thần vô danh thành những ngôi thánh đường. Đối thoại liên tôn vừa mang tính hiệp thông, vừa, qua những trao đổi, khơi dậy nơi những con người sự cởi mở đón nhận những giá trị siêu việt.
3-      Đối thoại với người nghèo
Một bức tranh khá tương phản tại lục địa châu Á là sự phân hóa giàu nghèo một cách sâu đậm. Tại lục địa này không thiếu những người giàu, nhưng cũng có rất nhiều người nghèo. Những hoàn cảnh trái chiều như người phú hộ và anh La-da-rô nghèo khó rất phổ biến trong những xã hội Á châu.
Giáo Hội không ngừng nói về người nghèo. Quan tâm tới người nghèo không còn là một sự lựa chọn tùy thích, nhưng là đòi buộc của Tin Mừng. Tuy nhiên, người nghèo không thể là đối tượng của sự ban phát ân huệ của những người khác – một sự bố thí vì lòng trắc ẩn hay thương hại. Nếu chúng ta chỉ dừng lại việc xem người nghèo là đối tượng của việc bố thí hẳn chúng ta chưa hiểu một cách trọn vẹn thông điệp của Tin Mừng được loan báo bởi Đức Giê-su Ki-tô.
Trong Tin Mừng Chúa Giê-su luôn đặt những người nghèo trên hết và trước hết. Đó không chỉ vì những người này cô thế cô thân, cần được ưu tiên và bảo vệ. Nhưng, một cách nền tảng, những con người này hoàn toàn bình đẳng với tất cả mọi con người trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Như vậy, con đường đến với người nghèo là con đường của sự hiệp thông và đối thoại với tư cách là những con người bình quyền và giá trị. Chỉ như thế “giai cấp” mới được xóa bỏ (chứ không phải việc lật đổ giai cấp nắm quyền và phân điều tài sản sẽ xóa bỏ giai cấp) và những giá trị của những con người mới được tôn trọng một cách đúng đắn.
Trần Văn Khuê



[1] ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, trong thông điệp Spe salvi (Về niềm hy vọng Ki-tô Giáo), nói: “Tin Mừng Ki-tô Giáo không những mang tính chất “thông tin” (informativ), nhưng còn mang tính “kích động” (performativ), có nghĩa là: Tin Mừng không những chia sẻ những điều có thể hiểu biết, nhưng còn là một sự chia sẻ đưa đến hành động và biến đổi cuộc đời” (số 2).
[2] ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, Caritas in veritate (Bác ái trong chân lý), số 4.
[3] Gio-an Phao-lô II, Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại Á châu), số 6.